Khắc phục những bất thường trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc
Những bước leo thang liên tục của Trung Quốc trong các hành động xâm phạm chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế của nước ta ở biển Đông, đồng thời tăng cường tấn công trên các tuyến ngoại giao, truyền thông, pháp lý… cho thấy Trung Quốc đi tiếp những bước khác để thực hiện bằng được dã tâm chiếm đoạt biển Đông trong mưu đồ chiến lược trở thành cường quốc biển. Và một trong những bước đó rất có thể là về kinh tế.
Trung Quốc thừa biết quan hệ kinh tế giữa ta với họ có tầm quan trọng như thế nào đối với đời sống kinh tế của nước ta, cũng thừa biết ta đang gặp những khó khăn lớn trong quá trình phát triển kinh tế, nên rất có thể mở tiếp mũi tấn công trên mặt trận này hòng làm suy giảm sức kháng cự và nhụt ý chí bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam. Đừng nghĩ Trung Quốc không dám làm vì họ cũng sẽ bị tổn hại nếu gây khó cho Việt Nam về kinh tế, bởi thực tế Việt Nam chỉ là một thị trường nhỏ đối với họ và tổn hại về phía họ nếu có cũng chỉ nhỏ bé so với sức mạnh kinh tế của họ. Họ sẽ tránh không đụng đến các công ty đa quốc gia đang tiến hành đầu tư và kinh doanh trong khu vực, trong đó cả Trung Quốc và Việt Nam đều nằm trong dây chuyền sản xuất hay chuỗi cung ứng của các công ty này, nhưng họ sẽ không nương tay với các công ty, các nhà sản xuất, kể cả nông dân Việt Nam đang làm ăn với họ. Cũng đừng nghĩ họ sẽ sợ vi phạm các cam kết quốc tế như WTO, FTA ASEAN-Trung Quốc, bởi họ đâu có ngại vi phạm Công ước quốc tế về Luật Biển và mọi qui tắc quan hệ quốc tế khác khi đưa ra đường lưỡi bò, khi xâm phạm chủ quyền của Philippines, Việt Nam trên biển!
Quan hệ kinh tế giữa nước ta với Trung Quốc trong khoảng gần 10 năm trở lại đây tăng lên nhanh chóng theo đà phát triển kinh tế và hội nhập khu vực và quốc tế của cả hai nước. Bên cạnh những mặt tích cực, thì những mặt tiêu cực, bất lợi cho ta trong quan hệ đó đã lộ ra ngày càng nhiều hơn, nặng nề và phức tạp hơn. Trong mấy năm gần đây, nhiều mặt tiêu cực thậm chí trở nên nghiêm trọng, gay gắt, khó kiểm soát, gây nên những tác hại lớn cho nền kinh tế nước ta. Những mặt tiêu cực có thể nhìn thấy trong hầu như mọi hoạt động kinh tế của Trung Quốc ở nước ta, rõ và lớn nhất trong các lĩnh vực: khai thác tài nguyên, thực hiện các dự án Trung Quốc làm tổng thầu và xuất nhập khẩu.
Trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, một khối lượng rất lớn tài nguyên khoáng sản của nước ta đã bị khai thác và xuất thô sang Trung Quốc, không mang lại thu nhập cho ta bao nhiêu nhưng bỏ lại đằng sau những khu mỏ bị tàn phá, ô nhiễm nặng nề. Rồi người Trung Quốc thuê đất trồng rừng, thuê mặt nước, thuê mặt bằng sản xuất, kinh doanh… dưới nhiều dạng, ở nhiều tỉnh, kể cả ở những địa điểm rất nhạy cảm về an ninh, quốc phòng. Thời hạn cho thuê thì dài, diện tích cho thuê thì rộng, quản lý của phía ta thì yếu, chẳng biết họ làm được những gì có lợi cho ta trên những diện tích đó. Chỉ biết nguồn tài nguyên quý giá của nước ta cứ chảy sang nước họ, còn người dân bản địa thì ngơ ngác nhìn những cánh rừng thiên nhiên mất đi, những dòng sông, con suối khô cạn dần và mảnh đất canh tác của mình teo tóp lại.
Trong lĩnh vực tổng thầu, các nhà thầu Trung Quốc thắng đến 90% số dự án lớn và quan trọng, chủ yếu nhờ thủ thuật bỏ giá thầu thấp và “đi đêm”. Thắng thầu, họ đưa tất tật mọi thứ từ Trung Quốc sang, kể cả lao động giản đơn, thiết lập những làng, phố Trung Hoa trên đất của ta. Rồi rất nhiều công trình bị kéo dài thời gian so với cam kết, để có cớ đẩy giá lên, khiến rút cuộc phần lớn dự án bị đội giá lên gấp rưỡi, gấp đôi so với giá bỏ thầu. Có những dự án sau khi hoàn thành thì hỏng tới hỏng lui, mỗi lần hỏng ta lại phải bỏ tiền mời chuyên gia của họ sang, mua các bộ phận thay thế… Với tổng thầu của Trung Quốc, Việt Nam mất cơ hội tiếp cận các nhà thầu quốc tế có thiết bị, công nghệ tiên tiến hơn mà giá cuối cùng lại rẻ hơn Trung Quốc; các doanh nghiệp Việt Nam mất cơ hội cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phụ thầu và học hỏi ở đối tác; lao động Việt Nam mất cơ hội việc làm. Nguồn ngân sách nhà nước hoặc vốn vay ODA cho các dự án rút cục không tạo được bao nhiêu cơ hội thị trường hay thu nhập cho người Việt, doanh nghiệp Việt, mà chủ yếu chỉ tạo cho Trung Quốc cơ hội thu nhập và chèn lấn Việt Nam ngay trên đất Việt!
Trong hoạt động xuất nhập khẩu, đến nay Trung Quốc chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch thương mại, 25% nhập khẩu, 10% xuất khẩu của Việt Nam. Khoảng 70% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng công nghiệp phụ trợ và máy móc thiết bị; nông nghiệp thì nhập cây-con giống, phân bón, thức ăn gia súc… Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là sản phẩm thô, như khoáng sản, gạo, cao su, trái cây, thủy sản…, một số loại hàng tiêu dùng, ngoài ra có các sản phẩm trung gian chủ yếu do khối FDI xuất. Tình trạng thâm hụt trong thương mại của Việt Nam với Trung Quốc ngày càng nặng nề. Tỷ lệ nhập siêu từ Trung Quốc so với tổng nhập siêu của Việt Nam đã lên tới mức 136% vào năm 2011, trở thành gánh nặng chính đối với cán cân thương mại của Việt Nam, và mọi cố gắng xuất siêu sang các thị trường khác cũng chủ yếu để bù đắp cho nhập siêu từ Trung Quốc. Lợi ích thương mại của Việt Nam do vậy rơi phần lớn vào tay Trung Quốc, kể cả trong xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới hoặc trong hoạt động của FDI ở Việt Nam.
Cơ cấu hàng hóa trao đổi giữa Trung Quốc và Việt Nam thể hiện rõ tính chất “quan hệ Bắc-Nam”1 bất lợi cho Việt Nam, như GS Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản) đã không ít lần lên tiếng. Mặt khác, cơ cấu này duy trì quá lâu đã vừa chèn ép, vừa làm triệt tiêu động lực của các doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí cả FDI ở Việt Nam, trong việc đầu tư phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ hay năng lực sản xuất các sản phẩm trung gian-phần năng động nhất và cũng là cơ hội lớn nhất cho các nước đang phát triển trong chuỗi giá trị toàn cầu ngày nay.
Bên cạnh những hoạt động chính thức, còn có biết bao hoạt động bất hợp pháp của thương lái, lao động và người Trung Quốc sống chui lủi ở các ngóc ngách trên khắp nước ta. Ngoài những thủ đoạn lừa lọc, gian lận, không ít hành vi của chúng còn mang tính chất phá hoại, như những sản phẩm quái gở chúng đứng ra mua, từ rễ các loại cây đến sừng móng trâu bò, cáp điện thoại… Buôn lậu qua biên giới cũng ngày càng lớn, đến mức thống kê thương mại do Trung Quốc và Việt Nam công bố chênh nhau tới 5 tỉ USD mỗi chiều!
Khó có thể nói hết những mặt tiêu cực do Trung Quốc gây ra trong quan hệ kinh tế với Việt Nam và tác hại của chúng. Nhưng điều quan trọng là ta cũng phải thấy phía Việt Nam có trách nhiệm lớn trong việc để xảy ra và kéo dài những mặt tiêu cực đó. Trong quan hệ kinh tế giữa nước ta với hàng trăm quốc gia trên thế giới, đây đó cũng có những mặt tiêu cực, bất lợi cho Việt Nam, nhưng không ở đâu mà những tiêu cực lại lớn, nghiêm trọng và “liên tục phát triển” như trong quan hệ với Trung Quốc. Nhìn tổng quát hơn, có thể thấy những điều rất không bình thường chỉ có trong quan hệ kinh tế giữa nước ta với Trung Quốc, mà trách nhiệm trước hết ở cấp vĩ mô.
Những điều rất không bình thường đó là: (1) Để quan hệ chính trị chi phối nhiều quyết định kinh tế hoặc các dự án quan trọng, trong đó hầu hết do Nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước trực tiếp thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách hoặc vay ODA. (2) Các quyết định đầu tư, kinh doanh lớn bị phân tán; chuẩn mực, qui trình ra quyết định, trách nhiệm không công khai minh bạch; kỷ cương nhà nước, kỷ luật thị trường kém, hiệu lực quản lý thấp, hiệu quả thấp. (3) Tình trạng quan hệ bất bình đẳng, bị chèn ép, thua thiệt kéo dài nhưng phía Việt Nam không dám đấu tranh, không có hoặc không áp dụng các công cụ tự bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. (4) Để cho lợi ích nhóm, tham nhũng cài vào quan hệ kinh tế với Trung Quốc, gây tổn hại lớn cho đất nước, nhưng không những không bị phanh phui, trừng trị mà thậm chí còn được che giấu, bảo vệ dưới danh nghĩa nào đó. (5) Người dân, nhất là đông đảo nông dân, doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng bị bỏ mặc, không được bảo vệ trước sự chèn lấn, lừa lọc, gian lận và đủ thứ sản phẩm độc hại của Trung Quốc. (6) Những phức tạp, nguy hại về quản lý nhà nước, an ninh kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng khó kể hết qua quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Ngay trong điều kiện bình thường thì những điều bất bình thường trên cũng phải khắc phục để quan hệ kinh tế giữa nước ta với Trung Quốc trở nên minh bạch, bình đẳng, cùng có lợi hơn như bao mối quan hệ kinh tế khác trên đời. Tình hình hiện nay càng thúc đẩy chúng ta phải tìm cho ra những nguyên nhân gốc rễ và khắc phục bằng được những điều bất bình thường đó, vừa trên tinh thần “chủ động ứng phó” với những sự gây hấn mới về kinh tế của Trung Quốc, vừa tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế lành mạnh của chính chúng ta trong tương lai.
————-
1 Quan hệ thương mại giữa một nước phát triển với một nước kém phát triển, trong đó nước kém phát triển xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên và các sản phẩm thô sang nước phát triển, trong khi nước phát triển xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp sang nước kém phát triển.