Khai mạc Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành sinh học Biotechmart 2016
Sáng ngày 30/11, tại Hà Nội, Biotechmart 2016 đã chính thức khai mạc, trưng bày trên 350 công nghệ, thiết bị và sản phẩm của 40 đơn vị gồm các viện, trường và doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Traphaco thăm gian trưng bày của Viện nghiên cứu và phát triển các hợp chất thiên nhiên (ĐH Bách khoa HN) và nghe giới thiệu về công nghệ cộ đặc nước quả tích hợp quá trình màng.
Tại lễ khai mạc, thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh đã nhấn mạnh đến vai trò của công nghệ sinh học trong đời sống xã hội cũng như tiềm năng phát triển của nó tại Việt Nam. Ông cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế về sản phẩm nông nghiệp nhưng chưa phát huy được lợi thế cạnh tranh do việc áp dụng các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học vẫn còn hạn chế. Để thúc đẩy hơn nữa vấn đề này, Bộ KH&CN tổ chức Biotechmart nhằm kết nối các trường đại học, viện nghiên cứu với những sản phẩm nghiên cứu có nhiều tiềm năng ứng dụng trong thực tế sản xuất với các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong ngành nông nghiệp. Không chỉ dừng ở đây, Bộ KH&CN còn tạo cơ hội cho các startup nông nghiệp có thể chào bán sản phẩm, kết nối với khách hàng. Nếu phát huy được hiệu quả này, thứ trưởng Trần Việt Thanh hy vọng, Biotechmart sẽ đóng vai trò làm tiền đề, mở ra cho những techmart chuyên ngành tiếp theo của Bộ KH&CN.
So với lần đầu tiên tổ chức vào năm 2014, Biotechmart 2016 vượt trội về số lượng các đơn vị đăng ký tham gia với số lượng gần gấp đôi (40 đơn vị, 350 công nghệ), gần một nửa trong số này là các viện nghiên cứu như Phòng thí nghiệm trọng điểm Enzyme và Protein (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN), Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), Viện nghiên cứu và phát triển các hợp chất thiên nhiên (ĐH Bách khoa HN), Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Bộ NN&PTNT)… với các sản phẩm từ các nghiên cứu về công nghệ chế biến sau thu hoạch, công nghệ sản xuất sinh phẩm phục vụ nuôi trồng thủy sản, giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường… Nhận xét về một số sản phẩm được trưng bày tại Biotechmart, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Traphaco cho biết, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học đã có nhiều đổi mới trong nghiên cứu để làm ra những sản phẩm nghiên cứu có nhiều khả năng ứng dụng trong thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản, dược phẩm vốn là thế mạnh của Việt Nam. “Điều này rất quan trọng vì nó tạo cơ hội cho người sản xuất gia tăng giá trị sản phẩm của mình và không còn quá phụ thuộc vào mùa vụ”. Tuy nhiên bà cũng lưu ý, một số sản phẩm mà các nhà khoa học Việt Nam làm ra mới dừng lại ở mức độ nghiên cứu ban đầu “chưa được tối ưu để tăng tuổi thọ của sản phẩm cũng như giảm chi phí đầu tư sản xuất nên chưa có sức cạnh tranh trên thị trường công nghệ”.
Ngay trong lễ khai mạc, hai hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được ký kết: Công ty công nghệ vi sinh và môi trường và công ty cổ phần Lebio với dây chuyền sản xuất chế phẩm vi sinh trị giá 1,08 tỷ đồng; công ty cổ phần Vi sinh ứng dụng và Trung tâm ứng dụng kỹ thuật môi trường (Vusta) với ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ và ứng dụng chế phẩm vi sinh Emuniv trị giá 6,5 tỷ đồng.
Biotechmart diễn ra từ ngày 30/11 đến 2/12. Bên cạnh các hoạt động trưng bày sản phẩm còn có bốn hội thảo về ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y dược, xử lý môi trường, công nghiệp chế biến thực phẩm và phát triển nông nghiệp sạch.