Khái quát về mô hình Business Accelerator (BA)
BA là hệ thống các doanh nghiệp đặc biệt, có khả năng sinh lời cao thông qua việc đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp (start up) có ý tưởng kinh doanh tốt.
Tạo ra các doanh nghiệp mới phát triển với tốc độ không ngừng
Hệ thống này bao gồm các doanh nhân (chủ yếu là từ Silicon Valley tại Mỹ) đã thành đạt trong việc tạo lập các doanh nghiệp, họ là những chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, luật pháp, quản lý công nghệ, đầu tư… họ có nguyện vọng truyền đạt kinh nghiệm và cùng góp vốn đầu tư vào các doanh nghiệp start up. Ngoài ra, các doanh nhân này còn là cầu nối để các công ty start up tiếp cận với thị trường công nghệ của thế giới nói chung và với Silicon Valley của Mỹ nói riêng.
Với mục tiêu “hướng tới lợi nhuận và thị trường”, Accelerator đã được chứng minh là thành công lớn trong việc tạo ra các doanh nghiệp phát triển mới với tốc độ tăng trưởng không ngừng, minh chứng rõ ràng nhất là Thung lũng Silicon của nước Mỹ. Có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp được tạo ra mỗi năm, hàng chục tỷ Đô la Mỹ được các nhà đầu tư mạo hiểm từ khắp nơi trên thế giới đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đem lại cho nền kinh tế Mỹ một giá trị đáng kể, giải quyết hàng trăm nghìn việc làm hàng năm cho nước Mỹ.
Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư, Accelerators đem lại thành quả là giảm bớt rủi ro bằng cách loại trừ rủi ro cho các mô hình kinh doanh và sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp dưới hình thức:
– Chứng minh rằng doanh nghiệp có một sản phẩm thực sự hoạt động, và
– Chứng minh rằng sản phẩm đáp ứng một nhu cầu thiết thực của người tiêu thụ và khách hàng sẽ thực sự mua chúng ở mức giá sẽ tạo ra lợi nhuận.
Accelerator tại Mỹ cho chúng ta thấy tỉ lệ thành công được tài trợ vốn sau khi kết thúc chương trình học là 50%-80% tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROI) thông thường tốt hơn so với các công ty đầu tư mạo hiểm. Chính vì sự thành công này, Accelerators đã trở thành một phương thức của chính phủ các bang và thành phố ở Mỹ sử dụng để thúc đẩy và hỗ trợ nhà đầu tư để thúc đẩy sự thành lập của các doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng mạnh.
Tạo cơ hội để mọi người thành công
Accelerator luôn tạo cho các doanh nhân cơ hội và toàn bộ hỗ trợ có thể để thành công. Tại đây, các doanh nhân khởi nghiệp không những được hướng dẫn, đánh giá về chuyên môn bởi các nhà khoa học mà còn được hỗ trợ tích cực từ các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư tài chính, thông thường đều là các cựu giám đốc điều hành trong các công ty thành công.
Áp dụng mô hình “Boot-Camp” (đây là một từ xuất phát từ huấn luyện tác chiến đầy khó khăn và thử thách cho các chiến binh đặc biệt như U.S. marines hay Army rangers), có thể tạm hiểu là nơi tập trung các nhà khoa học/ các doanh nhân khởi nghiệp để học hỏi và tiếp thu kinh nghiệm “thực tế” trong một khoảng thời gian xác định để tìm ra những người “thắng” và “thua cuộc” một cách nhanh chóng và ít phí tổn.
Accelerators mang những sự hỗ trợ về vốn chủ sở hữu đến để thúc đẩy kinh tế, điều này cũng đồng nghĩa với việc song hành cùng Chính phủ thực hiện công việc thương mại hóa công nghệ, phát triển doanh nghiệp KH&CN, do đó sẽ giảm bớt gánh nặng về quản lý cho Chính phủ nhưng lại nâng cao được khả năng thành công cho các doanh nghiệp khởi nghiệp từ Accelerator, góp phần đặt tên tuổi Việt Nam vào danh mục đầu tư của các nhà đầu tư trên thế giới, đặc biệt là các nhà đầu tư mạo hiểm.
Accelerator hỗ trợ xây dựng một nền “văn hóa” doanh nhân, mà ở đó, các doanh nhân tự làm chủ được sản phẩm của họ, biết xây dựng những kế hoạch kinh doanh khả thi để thu hút vốn đầu tư và biết quản lý những gì mà họ đang sở hữu.
Ngoài ra, một lợi ích không thể không nhắc tới là Accerelator sẽ tạo ra các sản phẩm mới để phát triển kinh tế và tăng trưởng việc làm gần như ngay lập tức sau khi mô hình này được triển khai, vì thông thường các sản phẩm hướng tới thị trường sẽ là các sản phẩm thành công.
Thương mại hóa sản phẩm nhanh chóng
BA tập trung toàn bộ vào việc thương mại hóa các sản phẩm nhanh chóng để có thể đưa sản phẩm ra thị trường trong thời gian sớm nhất. Loại trừ/ giảm thiểu rủi ro sản phẩm/ công nghệ thông qua những đánh giá của các chuyên gia về tài chính và chuyên gia về KH&CN.
Hỗ trợ xây dựng mô hình và chiến lược kinh doanh, kể cả thiết kế sản xuất nhằm đạt được hiệu quả cao nhất cho từng sản phẩm/công nghệ.Hỗ trợ phát triển các mô hình tài chính nhằm giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp củng cố tài chính, phục vụ hoạt động thương mại hóa công nghệ.Hỗ trợ xây dựng và thực hiện chiến lược marketing và bán hàng đặc thù cho từng doanh nghiệp khởi nghiệp từ Accelerator.
Phát triển các thị trường quốc tế thông qua thu hút đầu tư mạo hiểm nước ngoài vào Việt Nam và thông qua công bố các công trình khoa học của Việt Nam ra báo chí nước ngoài.
1) Cách thức tiếp cận và đánh giá ý tưởng
Một chương trình Accelerator kéo dài vào khoảng 4 tháng. Trong thời gian này, Accelerator cung cấp cho các doanh nhân những sự cố vấn và hỗ trợ về tài chính mà một doanh nghiệp khởi nghiệp cần đến.
Các cựu CEO, các chuyên gia, các nhà công nghệ và các nhà đầu tư hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư mạo hiểm. Số vốn này sẽ tùy theo nhu cầu của từng doanh nghiệp và ý thích của các nhà đầu tư. Vốn sẽ được dùng để tiếp tục và hoàn thiện hay sản xuất sản phẩm và thực hiện kế hoạch kinh doanh. Nên chú ý là trong Chương trình TMH CN Silicon, trước khi được nhận vào Accelerator, doanh nghiệp đã đi qua giai đoạn đào tạo và sau đó nhận được vốn ươm vào khoảng 10.000 USD. Vốn ươm này phần lớn sẽ bắt nguồn từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia hay chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm (sau đây viết tắt là Chương trình 592), một phần nhỏ vốn ươm này có thể do nhà đầu tư cung cấp…
Sự thành công dựa trên sự đảm bảo phát triển về vốn từ các nhà đầu tư và/ hoặc các đối tác kinh doanh vào thời điểm kết thúc chương trình 4 tháng. Những doanh nghiệp đó sẽ nhận được sự hỗ trợ cho giai đoạn tiếp theo để tiến hành việc thương mại hóa
Những đơn vị không ngay lập tức nhận được sự hỗ trợ cũng không thực sự thua cuộc vì họ có thể củng cố lại sản phẩm và hoạt động kinh doanh rồi tìm nhà đầu tư mới hoặc nhận được sự đào tạo cho lần sau.
2) Accelerator Boot Camp
Accelerator Boot Campbản chất là một nơi tập trung các doanh nghiệp khởi nghiệp để đào tạo, truyền kinh nghiệm, đánh giá phương hướng và hiệu quả kinh doanh nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trước khi khởi nghiệp.
Những người tham gia hỗ trợ phần lớn là các cựu CEO, các chuyên gia về công nghệ và Marketing, các nhà đầu tư, tài chính doanh nghiệp, và những cố vấn về pháp lý sẽ làm việc với những doanh nghiệp khởi nghiệp trong từng bước của tiến trình.
Lấy mô hình từ vườn ươm doanh nhân của Mỹ, các doanh nhân của Mỹ có thể tham gia vào chương trình để hướng dẫn và “cầm tay chỉ việc” các doanh nhân thành viên trong Accelerator. Các CEO bản địa cũng tham gia để cung cấp các hiểu biết về thị trường, quy trình sản xuất tại địa phương. Ngoài ra, còn có các cố vấn dày kinh nghiệm từ cộng đồng đầu tư và các chuyên gia trong nước cung cấp các trang thiết bị cần thiết cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
3) Các thủ pháp của Accelerator
(a) Phát triển các Chương trình cá nhân mà đối tượng chính là các doanh nhân khởi nghiệp: Định giá các sản phẩm để đưa vào kinh doanh, phân công các cố vấn ít nhất 02 người cho mỗi start up, đặt ra những mốc phát triển quan trọng (mỗi tuần Boot Camp đều phải cho thấy được hiệu quả của nó) và xây dựng các nhóm doanh nhân để hỗ trợ lẫn nhau bất cứ lúc nào cần. Mỗi chương trình Accelerator dự trù sẽ có 15-25 doanh nhân, bao gồm 8-12 công nghệ khác nhau. Học viên họp hàng tuần để đảm bảo tất cả những người tham gia đều theo kịp được tiến độ của chương trình trong Boot Camp.
(b) Phát triển các nhóm theo các hướng khác nhau nhằm tìm được các nhóm giỏi nhất. Hướng dẫn các doanh nhân khởi nghiệp phương pháp để thuê các nhân viên cộng sự hạng “A”, nghĩa là xuất sắc nhất cho doanh nghiệp. Hướng dẫn phương pháp để phát triển và quản lý các tổ chức doanh nghiệp
(c) Marketing: Đưa ra khái niệm về phép thử nghiệm nhu cầu và thị trường giúp cho doanh nghiệp khởi nghiệp cách nhận diện những nhu cầu của khách hàng. Đồng thời đánh giá độ thỏa dụng của sản phẩm mà doanh nghiệp muốn đem vào thị trường, xác định những đề xuất giá trị khách hàng. Nghiêm túc đánh giá thị trường và gặp gỡ khách hàng, giúp các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của đầu ra cho sản phẩm của họ. Xác định độ lớn của thị trường, định vị thị trường và định giá thị trường, qua đó biết được sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp đang nằm trong giai đoạn nào và tính hướng thị trường của sản phẩm.
(d) Xây dựng chiến lược bán hàng và phân phối thông qua: Sự phát triển ban đầu của mạng lưới bán hàng nội địa mạng lưới bán hàng quốc tế mà Accelerator có thể mang lại: phát triển quảng bá ban đầu, huấn luyện kỹ năng bán hàng, họp nhóm và cách thức hỗ trợ cho công việc kinh doanh của doanh nghiệp khởi nghiệp.
(e) Phát triển sản phẩm từ cách tạo ra sản phẩm nguyên mẫu, thử nghiệm và hoàn thiện sản phẩm. Accelerator đưa ra một quá trình thiết kế sản phẩm và chi tiết hóa sản phẩm kết hợp với một quá trình thử nghiệm thực địa. Accelerator luôn tìm kiếm cơ hội để tương tác với các trường đại học tại địa phương nhằm tìm ra được những nghiên cứu về công nghệ mới từ đối tượng là sinh viên, ngoài ra cũng cung cấp những kinh nghiệm thực tế cho các trường đại học trong việc kinh doanh và thương mại hóa các sản phẩm từ công nghệ.
(f) Chiến lược sản xuất và bảo tồn chất lượng của sản phẩm qua phương thức “tự sản xuất” hay là “đặt hàng”. Thiết kế cơ sở sản xuất, tính toán phương thức sản xuất khả thi các bộ phận của sản phẩm tại trong nước, hay nhập khẩu từ nước ngoài.
(g) Sở hữu trí tuệ và chiến lược phát triển: Tìm kiếm các bằng sáng chế có liên quan đến công nghệ của doanh nghiệp, để ấn định rằng công nghệ mà doanh nghiệp dùng để chế tạo sản phẩm chưa được cấp bằng sáng chế trong và ngoài nước Việt Nam. Xây dựng một chiến lược để bào tồn bằng sáng chế và phương thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thông qua sự cố vấn của các chuyên gia pháp lý. Ứng dụng tối đa phương thức xin cấp bằng sáng chế và bản quyền để bảo tồn mức tối đa quyền sở hữu trí tuệ và bằng sáng chế.
(h) Lập các kế hoạch tài chính: Sử dụng chuyên môn của các chuyên gia trong Accelerator, dự đoán và hỗ trợ doanh nhân khởi nghiệp thiết lập một mô hình tài chính phù hợp cho từng sản phẩm. Tối đa hóa dòng tiền cho doanh nghiệp khởi nghiệp, áp dụng nguyên tắc 5% để nâng cao mức lời. Hỗ trợ xây dựng các phần mềm kiểm tra và hạch toán kinh doanh. Xây dựng mối quan hệ với các ngân hàng trong nước và quốc tế, đem đến những hỗ trợ về tài chínhcần thiết cho doanh nghiệp khởi nghiệp của Accelerator. Xây dựng các kế hoạch tài chính dự phòng cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp.
(i) Phát triển khả năng trình bày và thuyết phục cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây được coi là một “công cụ” đắc lực giúp cho các doanh nghiệp có thể thu hút đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau. Xây dựng và chọn lọc cho bản kế hoạch kinh doanh vừa ý nhất theo công thức: 10 từ mô tả, 2 phút chuẩn bị, trình bày trong 10 đến 12 phút. Qua đó phát triển kỹ năng thuyết trình cho doanh nghiệp khởi nghiệp: phương thức thiết lập cuộc họp, xác định rõ những điều cần nói đối với các nhà đầu tư và cách để trình bày. Thực hành thuyết trình thường xuyên theo lịch của Aceelerator và nhóm hỗ trợ.
(j) Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp các phương pháp quản trị rủi ro và xây dựng những kế hoạch dự phòng (thường được gọi là kế hoạch B, C và D)
(k) Giới thiệu và hỗ trợ các doanh nghiệp trong Accelerator tham gia vào các diễn đàn vốn đầu tư mạo hiểm và triển lãm kinh doanh trên thế giới mà tại đó những người tham gia chương trình Accelerator có cơ hội giới thiệu, chứng minh sản phẩm của họ với một nhóm các nhà đầu tư mạo hiểm trong nước và quốc tế.
(l) Sau mỗi chương trình Accelerator, các doanh nghiệp khởi nghiệp hoàn toàn được tự do theo đuổi các mục tiêu kinh doanh của họ như những thực thể độc lập, theo ý họ muốn.
(m) Mỗi chương trình Accelerator đặt ra mục tiêu có từ 8 đến 10 doanh nghiệp được tài trợ trong trong tổng số từ 15-25 doanh nghiệp tham gia vào mỗi chương trình.
4) Chiến lược dài hạn của Accelerator
(a) Mỗi Accelerator có xu hướng hoạt động từ 2 đến 3 chương trình mỗi năm. Mỗi chương trình kéo dài vào khoảng 4 tháng, như đã nói ở trên, nhắm vào hỗ trợ kinh doanh và đem lại tài trợ cho từ 15 đến 25 doanh nghiệp.
(b) Các nhà quản lý Accelerator luôn mong muốn tạo ra một nhận thức mang tầm quốc gia nhằm kêu gọi sự quan tâm của toàn quốc về sự hỗ trợ của Chính phủ cho các doanh nghiệp thông qua các chương trình đào tạo, sự tài trợ cho các học viên thành đạt và sự thành công của các doanh nghiệp sau các chương trình Acclerator.
(c) Xây dựng một “văn hóa doanh nhân” nhằm thu hút các nguồn vốn tư nhân để phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đưa Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Khuyến khích, hỗ trợ hết sức để ngày càng nhiều các nhà nghiên cứu tham gia vào chương trình.
(d) Kết hợp với các trường đại học, học viện, chuyên gia trong và ngoài nước xây dựng các chương trình đào tạo trong kinh doanh công nghệ và quản lý, làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp bằng KH&CN.
(e) Áp dụng kinh nghiệm của đại học Stanford để đào tạo ra những thạc sĩ về công nghệ tại Việt Nam.
Với chức năng nêu trên, hệ thống BA sẽ định hướng được thị trường công nghệ giúp cho các nhà đầu tư lựa chọn đối tượng đầu tư hiệu quả, và cũng thông qua hệ thống BA mà phát triển được các quỹ đầu tư mạo hiểm cho các doanh nghiệp khoa học & công nghệ. Hay nói cách khác Hệ thống BA như một phin lọc các doanh nhân có ý tưởng đầu tư tốt và ươm tạo thành các doanh nghiệp khởi nghiệp có hiệu quả để các Quỹ đầu tư thông qua đó mà tài trợ vốn.
Như trên đã nói, BTIC tại tỉnh Bình Dương đã chứng minh tính vượt trội so với các vườn ươm hiện thời thông qua mạng lưới các cố vấn cao cấp từ Silicon Valley tại Mỹ. Chỉ tính riêng tháng 12/2012 đã thu hút sự quan tâm chú ý của hơn 700 doanh nghiệp công nghệ thông tin đến tiếp cận với mô hình này. Và đây chính là điểm khởi đầu cho một thị trường mới mở, thị trường cho những nhà đầu tư mạo hiểm tìm đến.
Điểm khác biệt của BTIC chính là các thành viên của ban cố vấn gồm những bậc thầy trong lĩnh vực công nghệ thông tin đến từ Silicon Valley. Như để minh chứng cho điều này, ở hội nghị BTIC 2012 vừa diễn ra ngày 20/11/2012, BTIC đã mời những tên tuổi hàng đầu trong ngành công nghệ thế giới như ông Ed Fries, cha đẻ dự án Xbox, Microsoft Excel, nguyên Phó Chủ tịch Tập đoàn Microsoft; bà Anne-Marie Roussel, Giám đốc phụ trách mảng Đối tác và Sáp nhập của Tập đoàn Sharp; ông Jerry Gramaglia, Chủ tịch Acxiom; ông Jamil Moledina, Nhà sáng lập của Funzio, nguyên Phó Chủ tịch Electronic Arts và Ông Nam Emotiv Systems BTIC Bình Dương, đến và chia sẽ những kinh nghiệm quý báu mà họ muốn truyền tải đến cộng đồng công nghệ và khởi nghiệp Việt Nam.
Vì vậy, kỳ vọng của BTIC là sẽ dần trở thành “cánh tay nối dài” của Silicon Valley thông qua các thành viên ban cố vấn nhằm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp có thể tiếp cận được với những xu hướng công nghệ mới nhất của thế giới. Quan trọng hơn, các thành viên ban cố vấn với uy tín của mình sẽ giúp kết nối các công ty khởi nghiệp với các nhà đầu tư quốc tế cho các giai đoạn đầu tư và phát triển tiếp theo nhằm chuẩn bị hành lang pháp lý và tài chính vững chắc cho các thương vụ M&A và IPO trong 5-10 năm tới. “Facebook mất 8 năm để IPO. Tôi mong các công ty khởi nghiệp của Việt Nam sẽ làm được điều này sau 10 năm nữa”, CEO của BTIC kỳ vọng.