Khai sáng ở Bhutan

Vương quốc Phật giáo nhỏ bé Bhutan đang cố hòa nhập với thế giới hiện đại, với một ý tưởng mới dẫn đường nhưng cố không đánh mất bản sắc của chính mình.


Brook Larmer

Âm hưởng đầu tiên vọng đến là những nốt nhạc nghi lễ cao vút, trong trẻo của kèn trumpet. Rồi kế đến là những Phật tử hành hương, họ xuất hiện và tất cả như bị hút về phía âm thanh. Ánh Mặt trời như trượt dài trên những ngọn núi lờ mờ xung quanh Thimphu, thủ đô Bhutan, vương quốc nằm trên dải Himalaya. Suốt theo chiều dài của đám đông hành hương, người ta thấy nhấp nhô những cái đầu kiểu mục đồng, những bộ quần áo chắp vá, những người nông dân đã đến đây sau 3 ngày lặn lội từ những ngôi làng xa xôi. Đối với họ, đây là lần đầu họ tới một thành phố lớn, nơi gọi là thủ đô nhưng có lẽ cũng là nơi duy nhất trên thế giới chưa có đèn hiệu giao thông. Gần trung tâm của tòa nhà thương mại, người ta thấy các nhà sư túm tụm thành từng nhóm, tay nắm tay trong bộ trang phục đỏ tía, khá ăn nhập với những hàm răng nhuộm màu trầu không của họ. Những nhà sư, nông dân và cánh báo chí địa phương, tất cả đều hướng sự chú ý của họ tới mục tiêu chính: một cậu bé đứng giữa vòng tròn, chiếc áo choàng màu cam của cậu chùm lấy thân hình đang quì xuống.

Cứ theo nhịp trống, cậu bé 7 tuổi Kinzang Norbu lại vật mạnh mình xuống đất, xoay tròn trên lưng nhanh đến mức cơ thể cậu biến thành một bóng mờ mờ màu vàng nghệ. Đám đông như bị chìm ngập trong sự huyền bí cổ xưa của Bhutan, đất nước của cọp bay và thánh thần. Họ như tự hỏi liệu Norbu đang chính là hiện thân của Đức Phật. Nhưng cậu bé lại hướng mình tới một thế giới khác thần bí hơn nhiều.

Khi Norbu ngừng quay lại thì trang phục của cậu chứng tỏ sự sành điệu, thời thượng, phù hợp với mốt của giới trẻ thế giới: giày đế mềm màu đỏ hiệu Nike đang được ưa chuộng, quần adidas rộng thùng thình, một hình xăm dán lộ ra ngoài với những dòng chữ tiếng Anh mà chắc cậu và gia đình cậu cũng đã chấp nhận: B-Boyz.

Khi bài hát nhỏ dần, Norbu khệnh khạng đi ra với một nụ cười tinh quái trên miệng và với ngón tay gập lại như một dấu hiệu chào mọi người. Những đứa bạn của cậu thì huýt sáo và chào đón cậu bé với biểu tượng B-Boys.

Và những người nông dân da rám nắng thì sao? Họ há hốc mồm nhìn về phía cậu bé. Nếu cậu chỉ là một vũ công vũ hội hóa trang, xoay tròn múa vui để khai sáng thì chắc họ cũng đã hiểu. Nhưng dù tất cả mọi người đã hiểu biết lẫn nhau, giây phút này đối với họ vẫn là điều bí hiểm. Norbu là hiện thân của một đất nước đang cố gắng đạt được cái điều mà trước đây đã không thể làm: chuyển từ thời Trung cổ sang thời hiện đại của thế kỷ 21 mà không làm mất đi sự cân bằng vốn có.

Mở cửa

Trong suốt hơn 1.000 năm qua, vương quốc nhỏ bé mà người dân địa phương hay gọi là Bruk Yul, “Mảnh đất của rồng sấm sét” đã trải qua một sự cô lập đáng kỳ lạ. Đất nước có diện tích bằng Thụy Sĩ này nằm lọt thỏm trên những nếp gấp thuộc các dãy núi đá cao, giữa hai đất nước khổng lồ là Ấn Độ và Trung Quốc. Nó khép kín với thế giới không chỉ bởi vị trí địa lý mà còn cả ở chính sách thận trọng của mình. Đất nước này không có đường sá, không có điện, không có xe gắn máy, không điện thoại, không bưu điện cho đến những năm 1960. Ngay cả ở những ngày này, những cảnh đẹp quyến rũ của nó luôn khiến người ta nghĩ về thời quá khứ xa xăm: những ngôi đền cổ nằm chọc trời trên những ngọn núi phủ đầy mây, những ngọn núi thiêng không dấu chân người nằm ẩn hiện trên những dòng sông và những khu rừng ban sơ, một ngôi nhà gỗ không có người vốn được xây cho vị quốc vua nhân từ và một trong 4 người vợ của ông. Không người du khách nào có thể cưỡng lại được vẻ đẹp của Bhutan và thường gọi nó là Shangri-la (một địa điểm giả tưởng, thung lũng bí ẩn và cực đẹp trong cuốn tiểu thuyết của James Hilton-ND) cuối cùng.


Hai đứa trẻ Bhutan trong chiếc váy truyền thống

Nhưng ngay cả Shangri-la thì cũng phải thay đổi. Khi nhà vua Jigme Singye Wangchuck rời ngôi vào năm 1972, Bhutan đã phải trải qua thời kỳ nghèo đói, mù chữ và có tỉ lệ trẻ em sơ sinh chết yểu lớn nhất thế giới. Đây là hệ quả đương nhiên của chính sách biệt lập của nước này. “Chúng tôi đã phải trả một giá đắt”, nhà vua sau này thừa nhận. Cha của ông vốn là vị vua triều đại thứ 3 của Bhutan đã mở cửa đất nước vào những năm 1960, xây dựng đường sá, thành lập trường học và các cơ sở y tế. Ông cũng đề nghị Bhutan trở thành thành viên vủa Liên Hợp Quốc. Vua Jigme SingyeWangchuck thậm chí còn muốn đi xa hơn nữa. Với sự tự tin của người đứng đầu một đất nước chưa từng bị thống trị bởi ngoại bang, ông đã cố gắng áp đặt dấu ấn của mình đối với chính sách mở cửa Bhutan, và trong tiến trình tái định nghĩa lại ý nghĩa của sự phát triển. Câu khẩu hiệu tài tình mà ông nghĩ ra cũng đã miêu tả cách tiếp cận này: Tổng Hạnh phúc Quốc nội (Gross National Happiness). Bhutan tìm cách thoát khỏi đói nghèo mà không phải khai thác các tài nguyên thiên nhiên (trừ thủy điện vốn được bán cho Ấn Độ, nguồn tài chính nước ngoài chủ yếu của nước này).

Đối với nhiều người dân Bhutan, ý tưởng này không phải là một phương tiện tiếp thị hay là một khái niệm triết học không tưởng. Nó chính là kế hoạch của họ dành cho những người đang sống ở Bhutan. 4 cột trụ chính của Tổng Hạnh phúc Quốc nội bao gồm: phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa và quản trị hiệu quả (good governance). Gần ¾ diện tích của đất nước này vẫn còn là những cánh rừng nguyên sơ trong đó 25% được dùng làm các công viên quốc gia hay các khu vực được bảo vệ. Bhutan là một trong những nước có tỉ lệ rừng còn lại lớn nhất thế giới. Tỷ lệ trẻ không biết chữ và tử vong ở trẻ em đã nhanh chóng tụt xuống và nền kinh tế bắt đầu phát triển nhanh chóng. Số lượng khách du lịch cũng gia tăng, nhưng nhờ chính sách hạn chế xây dựng mới và thuế du khách lên tới 240 USD/ngày đã ngăn cản dòng khách du lịch ba lô, vốn đã giày nát đất nước Nepal láng giềng.

Vào đêm trước của thiên niên kỷ trước, năm 1999, Bhutan đã cho phép công dân nước mình được tiếp cận với truyền hình. Đây là đất nước cuối cùng trên thế giới tiếp cận với truyền hình (Internet cũng được nối mạng trong cùng năm này). Euphoria là công ty độc quyền duy nhất của thế giới mở các cửa hiệu và khách sạn tại đất nước này. Việc đưa đài phát thanh trên nền Internet Pandora vào hoạt động ở nước này cũng đã đặt ra nhiều vấn đề. Điều gì sẽ xảy ra khi một đất nước trước đây hoàn toàn đóng cửa, với một xã hội cực kỳ bảo thủ giờ bỗng nhiên phát đầy những bài hát rock của ban nhạc 50 Cent hay các chương trình giải trí của WWF (World Wrestling Federation, công ty giải trí nổi tiếng của Mỹ)? Những câu hỏi tương tự như vậy quả là có sức nặng đối với một đất nước dễ tổn thương với dân số 635.000 người, trong đó một nửa là dân số trẻ dưới 22 tuổi.

Dân chủ

Nhưng thách thức lớn nhất đối với Bhutan chính là bước đi tới dân chủ. Theo các quan chức của đất nước này, từ trước tới nay luôn có một đức vua được dân chúng yêu mến trị vì trên ngôi báu và ban phát quyền năng tới dân chúng. Nhưng vào năm 2006, nhà vua Jigme Singye Wangchuck đã nhân sự kiện nhường ngôi cho con trai là Jigme Khesar Namgyel Wangchuck (vị vua triều đại thứ 4 của vương quốc được nhường ngôi vào tuổi 28, vị quốc vương lập hiến, vào năm 2008) và kỷ niệm 100 năm thành lập vương quốc vào năm 2007 (một năm theo các nhà chiêm tinh là năm an lành) để thành lập ra Chính phủ dân chủ đầu tiên của đất nước này.


Các thiếu nữ Bhutan trong điệu múa truyền thống

Thử nghiệm thực sự của Tổng Hạnh phúc Quốc nội giờ mới thực sự bắt đầu. Các lãnh đạo công dân mới của Bhutan phải đối mặt với rất nhiều thách thức, không chỉ với đám đông công chúng vốn từng quen với các vị vua và hoài nghi với dân chủ. Thế giới bên ngoài thì chăm chú nhìn vào đất nước này và tự hỏi liệu đất nước nằm trên dãy Himalaya từng bị lãng quên này liệu có thể trả lời được những câu hỏi nhạy cảm như: Làm thế nào một xã hội đang duy trì rất tốt bản sắc của mình có thể đối mặt với sức mạnh phẳng của toàn cầu hóa? Liệu đất nước này có thể tiếp thu được những mặt tốt của thế giới hiện đại mà không bị dính đến những tiêu cực của nó? Và liệu bao giờ có được một sự cân bằng hạnh phúc giữa truyền thống và phát triển?

Tia nắng rực rỡ của buổi bình minh chiếu ngang sàn nhà ngôi đền cổ, phản chiếu bóng của một phụ nữ có tuổi đang quì trước một cột đá và 108 tràng hạt. Cột đá là biểu tượng tôn giáo thiêng liêng ở Nabji, một ngôi làng nằm sâu trong những ngọn núi Đen thuộc miền Trung Bhutan, nơi vẫn còn chưa có dấu ấn của đường xá và điện. Những câu chuyện truyền thuyết nói rằng vết lõm nhỏ ở cột đá chính là dấu tay của Guru Rimpoche, vị thần bí ẩn đã tới Bhutan vào thế kỷ thứ 8 trên lưng một con cọp cái biết bay để truyền bá Tantra Phật giáo của Tây Tạng. Còn các hạt trong tràng hạt thì có ý nghĩa gì? Chúng chính là bằng chứng của sự tận tâm. Mỗi lần người phụ nữ tóc hoa râm có tên Tum Tum quì xuống, tay bà lại lần lần108 hạt trong tràng hạt (một con số linh thiêng). Sau ba tháng quì liên tục,  số hạt mà bà đã lần được lên tới 95.000, tức là mỗi ngày bà đã phủ phục xuống tới 1.000 lần. Bà cố gắng đạt mục tiêu lần được 100.000 hạt. “Nhiều lúc, tôi mệt đến nỗi như sắp đổ vật ra, nhưng tôi không dừng lại. Đây là truyền thống của chúng tôi”, Tum Tum nói. Đầu gối của bà đã tạo thành các vệt quì trên sàn nhà.


Một người đàn ông Bhutan trong chiếc váy gho truyền thống

Còn rất ít nơi trên hành tinh này gắn chặt với truyền thống như khu vực nông thôn ở Bhutan, Gần 70% dân cư của đất nước này sống ở các ngôi làng giống như Nabji, nơi được bao bọc bởi các khu rừng nguyên sinh và các ngọn núi cao ngút ngàn, mà phải mất 6 giờ đồng hồ để có thể đi từ đó tới con đường gần nhất. Những thửa ruộng bậc thang của Nabji giờ trống rỗng. Đây là một ngày linh thiêng theo âm lịch, và những dân làng thô kệch xúng xính những bộ váy áo đẹp nhất đi vòng quanh ngôi đền-những bộ kira màu sáng có chiều dài chạm sàn nhà của phụ nữ và những bộ gho dài chạm bắp chân của đàn ông. Những dấu hiệu duy nhất của nền văn minh hiện đại chính là hai tấm pin Mặt trời nằm trên mái của ngôi đền. Chúng có nhiệm vụ cung cấp điện cho chiếc điện thoại không dây ở phía dưới. Tiếc rằng, chúng đã hỏng. Những người nông dân Nabji thì lại đặt niềm tin của mình vào một cách thông tin không dây khác: những lá cờ của người cầu kinh được treo cao trên những cây bách. “Mỗi khi có gió thổi, chúng sẽ chuyển những lời khẩn cầu của chúng tôi lên trời. Cả cần máy móc gì cả”, một trưởng làng cho tôi biết.

Một cảm giác hài hước, thậm chí tinh nghịch lan tỏa ở Phật giáo của người Bhutan, vốn khác xa với vẻ trầm tĩnh thường thấy của các đệ tử Phật giáo Thích ca. Những tiên nữ và thánh thần của Phật giáo của người Bhutan có lẽ khiến các Phật tử nơi khác há hốc mồm vì kinh ngạc. Những bức hình gợi cảm cũng có đầy rẫy, phản ánh niềm tin Mật tông rằng các mối quan hệ xác thịt có thể chính là con đường dẫn tới sự khai sáng.

Không ai có thể thấm nhuần ý tưởng này hơn vị Lạt ma Drukpa Kunley, người được biết nhiều hơn dưới cái tên vị thần Điên loạn, vị thần mến yêu của người Bhutan. Thần Kunley tiêu diệt ma quỉ và mang lại sự khai sáng cho các thiếu nữ trẻ với sức mạnh thần diệu của những “tia sét sáng rực”. Ngày nay, nhiều ngôi nhà ở Bhutan vẫn được trang trí các biểu tượng bảo vệ tà ma: một dương vật lớn được sơn màu, nằm trong chiếc cung hình vui nhộn.

Nhưng những tia sét sáng rực cũng không giúp cho đất nước này tránh được những thay đổi. Các trường tiểu học ở Nabji, thành lập cách đây khoảng một thập kỷ, là một phần của cuộc cách mạng giúp cho số người biết chữ ở Bhutan tăng từ 10% vào năm 1982 tới 60% dân số vào ngày nay. Những bệnh xá gần nơi cư ngụ của dân cũng khiến người dân nước này sống thọ hơn, từ tuổi đời bình quân chỉ có 43 năm vào 1982 lên tới 66 năm vào thời điểm hiện nay. Song song với đó, tỉ lệ tử vong ở trẻ em đã giảm từ 163/1000 người xuống còn 40/1000 người trong cùng giai đoạn đó. Nabji chưa có các bác sĩ riêng cho làng. Nhưng sau ngày lễ ở ngôi đền, ba bác sĩ từ bệnh viện tỉnh ở Trongsa đã vượt qua nhiều ngọn núi để tới làng tiêm chủng cho trẻ em nơi đây.

Tình trạng biệt lập của Nabji đối với thế giới bên ngoài không còn nữa: những tiếng nổ ầm ĩ của việc phá đá làm đường cách đó vài cây số vang vọng khắp thung lũng của làng. Các nhóm nhân công, mỗi nhóm gồm 15 người, đẩy những xe goòng chứa những túi thuốc nổ nặng 150 pound (khoảng gần 70 kg) luân phiên nhau leo lên những đỉnh núi cao. Con đường mới chắc phải đợi khoảng một đến hai năm nữa mới tới được Nabji, nhưng khi nó tới, nó sẽ cùng đem đến điện, truyền hình và thương mại cho ngôi làng. Một vài người già lo rằng sự nguyên thủy của Nabji sẽ biến mất nhưng những người trẻ lại thích nghe những gì Karma Jigme, một họa sĩ 26 tuổi, người vừa trở lại Nabji sau 5 năm sống ở những thị trấn như Paro, Punakha và Trongsa kể lại hơn.

Những câu chuyện mà Jigme kể về thế giới hiện đại có sức hấp dẫn chẳng kém gì các điều thần kỳ có trong truyền thuyết của Bhutan. Lần đầu khi nhìn thấy tivi, anh ta sợ quá và phải chui xuống dưới giường để trốn vì sợ người đô vật chuyên nghiệp to béo đang giận dữ trên tivi “nhảy ra khỏi cái hộp đó và đánh tôi”, anh kể lại. Một cú sốc khác là khi anh và nhóm họa sĩ của anh đang vẽ lại Taktshang Goemba, bức tranh nổi tiếng của tu viện Tiger’s Nest nằm trên thung lũng Paro. Đang ở trên tấm ván giàn giáo cao hơn 750 mét, ngay ở phía mũi vách đá, Jigme bỗng nghe tiếng gầm đinh tai nhức óc và cách đó chừng 300 yard (gần 300 mét), “tôi nhìn thấy một ngôi nhà hình con cá đang bay trên bầu trời”. Chiếc máy bay đã làm anh ta khiếp đảm đến mức tí nữa té khỏi giàn giáo. 

Cuộc sống ở Nabji không có những sự kiện gây xúc động như vậy. Jigme thường cặm cụi hàng giờ liền trên các cánh đồng lúa và khoai tây của gia đình, kiếm thêm bằng cách vẽ những bức hình truyền thống trên các ngôi nhà trong làng, tất nhiên vẽ cả các tia sét nữa. Anh cần tiền để mua một con bò đực. Nhưng thực ra cái mà anh muốn nhất, “đó là một chiếc điện thoại Nokia”, anh nói. Mặc dù ở Nabji chưa có sóng điện thoại di động nhưng điều đó có hề chi, anh chỉ muốn một mảnh nhỏ của cuộc sống hiện đại ở trên người mà thôi.

Tshewang Dendup còn mỗi một chiếc váy gho. Anh giả bộ chơi ghi ta bằng cách gảy gảy trong không khí, treo một bức ảnh Che Guevara trong phòng khách và để tóc dài đến mức có thể quấn tóc thành một đuôi ngựa. Một biểu hiện của sự nổi loạn? Không hoàn toàn vậy. Dendup, 38 tuổi làm việc trong bộ phận tin tức của Cơ quan Truyền hình Bhutan (BBS), trạm phát sóng truyền hình duy nhất của Bhutan. Là con của một người thợ dệt vải và một nhà sư, Dendup đang cố gắng cân bằng nhịp sống hiện đại và truyền thống. “Nếu chúng tôi chỉ giữ lại những cái cũ, chắc hẳn chúng tôi vẫn ở trong cái tổ kén như trước và chẳng thể nhìn được thế giới rộng lớn ở bên ngoài”, Dendup nói. “Ngược lại, nếu chỉ du nhập những gì hiện đại, chúng tôi sẽ đánh mất văn hóa của chính mình. Vì vậy, chúng tôi cần cả hai để tiếp tục tồn tại”. Anh tin chắc rằng có thể hòa hợp được công nghệ và truyền thống, dẫn ra thí dụ về chiếc máy nghe đĩa CD mà anh mua cho ông bố. Ông ấy có thể dùng nó để cho khách nghe các bài thuyết giáo hay các bài ca truyền thống.

Khủng hoảng bản sắc

Sức sống của văn hóa có thể kháng cự dễ dàng lại với những khuôn khổ bó hẹp nó. Liệu đó có phải là một trò chơi có tổng bằng không (zero-sum game), khi sự xuất hiện của các video Britney Spears đang đẩy lùi các truyền thống Bhutan về với sự tuyệt chủng? Hoặc liệu đó có phải là một ván cờ không gian 3 chiều trong đó có sự thỏa hiệp phức tạp để cùng chung sống giữa Đạo Phật và những đứa trẻ thích chơi game?


Ngôi chùa Tiger’s Nest nổi tiếng ở Bhutan

Nếu những người lạc quan như Dendup đúng thì sự trỗi dậy của Bhutan sẽ tiếp thêm sức lực cho văn hóa bản địa. Với sự mở rộng của truyền thông hiện đại, 28% gia đình ở Bhutan giờ đã có tivi, 11% có điện thoại di động và khoảng 3% có máy tính cá nhân. Người dân giờ có thể liên lạc nhanh chóng với nhau và với cả thế giới bên ngoài. Đây không phải là tiến bộ nhỏ đối với Bhutan, khi mà nước này mới có những con đường ngang dọc đất nước vẫn còn nhỏ hẹp, tốc độ giao thông còn chậm như rùa bò và phải mất tới ba ngày để đi hết quãng đường có chiều dài 150 dặm (khoảng 240 km) nối liền phía Đông tới phía Tây của quốc gia nhỏ bé này. Dân làng ở những nơi hẻo lánh, trên những ngọn núi cao giờ có thể xem tivi nhờ hệ thống truyền hình quốc gia. Những trạm phát thanh mới, như Kuzoo FM, giúp người dân có thể nghe các chương trình âm nhạc, văn hóa và những câu chuyện về hiện đại hóa. Năm 2006, nhà vua thậm chí còn cho phép hai tờ báo độc lập xuất bản song song với tờ Kuensel, tờ báo chính thống duy nhất ở nước này.

Các ngành công nghiệp âm nhạc và phim cũng thi nhau nở rộ. Hai thập kỷ trước đây, Bhutan chưa từng sản xuất được bộ phim truyện nào. Nhưng vào năm 2006, quốc gia nhỏ bé này đã cho ra tới 24 bộ phim. Có lẽ đây là số lượng cao nhất thế giới, nếu tính theo tỉ lệ người dân. Liệu có phải là một sự trùng hợp hay là nghiệp chướng khi người giám đốc sản xuất phim hàng đầu được coi như sự tái sinh của Phật thế kỷ 19? Khyentsen Norbu, một trong những vị Lạt ma nghiêm khắc nhất đã làm các bộ phim tìm hiểu về cuộc chạm trán giữa truyền thống và hiện đại. Ông đã gây ngạc nhiên cho nhiều người với các hình ảnh nhà sư thích chơi bóng đá trong phim (The Cup, 1999), với các câu chuyện truyền thuyết Bhutan trong phim (Trevellers and Magicians, 2003), về “người đưa tin” Dendup như hình ảnh của một viên chức làm việc không ngơi nghỉ. “Phim truyện đang là các thangka hiện đại của chúng tôi”, Norbu, hiện 47 tuổi nói. Tôn giáo cổ Tây Tạng đã được miêu tả bằng các câu chuyện sinh động trong các bộ phim đó. “Thay vì sợ quá trình hiện đại hóa, chúng ta cần coi nó là một công cụ giúp quảng bá nền văn hóa của chúng ta ra ngoài mạnh mẽ hơn nữa”, ông nói.


Cảnh diễn lại một điển tích cổ của Bhutan, đấu tranh giữa cái thiện và cái ác

Các nhà giữ gìn truyền thống của Bhutan ngược lại có cái nhìn đen tối hơn trước những gì đang diễn ra: sự xâm lấn của văn hóa vật chất đơn điệu toàn cầu đang làm xói mòn các giá trị sống của họ. Chính phủ đã cấm các kênh tivi mà họ cho rằng có hại, trong đó có MTV, Fashion TV và một kênh thể thao chuyên chiếu các buổi diễn bạo lực. Sonam Tshewang, một giáo viên trung học ở Thimphu tin rằng có cái gì đó căn bản đang bị biến mất dần đi. “Một vài đứa trẻ đã bị nhiễm tư tưởng phương Tây và quên hết bản sắc văn hóa riêng của cha ông”, ông nói. Một đứa bé gái trong lớp học của ông thậm chí đã đổi tên mình thành Britney.

Nhưng khủng hoảng bản sắc dường như còn lớn hơn việc đổi tên của một cô gái. Áp lực hổ lốn của xã hội đang tiếp sức cho nhiều vấn đề xã hội mới. Tỉ lệ thất nghiệp ở giới trẻ tại Thimphu hiện lên tới 30%. Những dòng học sinh tốt nghiệp đến thị trấn tìm việc ở các công sở đã vỡ mộng của mình. Các nhóm bang hội có tên như Virus hay Bacteria (vi khuẩn) đã hình thành. Tội phạm bạo lực tuy còn hiếm nhưng đã xuất hiện tình trạng ăn cắp, trước kia chưa từng có ở những ngôi nhà được khóa kỹ càng, đơn giản bởi nhiều người thèm thuồng những chiếc điện thoại di động và máy nghe nhạc của hàng xóm.

Tỉ lệ nghiện nhập cũng đang gia tăng. Gần cửa vào của Destiny Club, một trong số các sàn nhảy mới mở ở Thimphu, ba gã trai chơi đang bàn luận về độ phê của “pig’s food” (tạm dịch là cám lợn), một loại ma túy tổng hợp có thể tìm kiếm được rất dễ dàng ở nông thôn Bhutan, trước vẫn được dùng làm thức ăn tăng trọng cho gia súc. “Những đứa trẻ ở Mỹ có nghiện ngập không?”, người thanh niên 23 tuổi, đeo kính áp tròng đỏ, có vẻ là thủ lĩnh hỏi. Tình trạng nghiện ngập ở Thimphu dường như chả là gì so với mức độ của quốc tế nhưng điều này khó có thể coi được là một tiêu trí hạnh phúc mà nhà vua đang hướng tới. Ugyen Dorji, một người từng nghiện ma túy, giờ đã thành lập một trung tâm cai nghiện cách đây 3 năm với sự trợ giúp của Quĩ Phát triển Thanh niên cho biết tình trạng nghiện ngập phản ánh “sự lo âu của xã hội trong quá trình chuyển đổi”.

Đối với mọi người thích nói về độc lập, Bhutan hay được dẫn chứng như thành trì cuối cùng của Đạo Phật Himalaya. Những nơi khác thì dần dần biết mất, thí dụ như Ladakh (bị triệt phá vào năm 1842 và sau đó bị sáp nhập vào Ấn Độ), Tây Tạng (trở thành một phần của Trung Quốc vào năm 1950), và vương quốc láng giềng Sikkim nữa. Năm 1975, tức là chỉ 3 năm sau khi Jigme Singye Wangchuck lên ngôi vào lúc còn 16 tuổi, dòng người nhập cư Nepal ngày càng nhiều đã không đồng ý nền độc lập của Sikkim, và sáp nhập nước này vào Ấn Độ. Kế đến sẽ là lượt của Bhutan? Wangchuck cố gắng bảo vệ tài sản chính của Bhutan, đó chính là bản sắc Phật giáo. “Là một đất nước nhỏ, chúng tôi không có sức mạnh về kinh tế”, ông giải thích với phóng viên của tờ New York Times vào năm 1991. “Chúng tôi không có lực lượng quân sự mạnh, không có một vai trò lớn trên quốc tế bởi dân số quá bé nhỏ và cũng bởi chúng tôi là một đất nước khép kín. Yếu tố duy nhất có thể gia tăng sức mạnh chủ quyền của Bhutan và bản sắc độc đáo của chúng tôi chúng là văn hóa”.

Thách thức trước mắt

Đây có thể là một lập trường hợp lý, nhưng lại là một quan điểm va chạm với những người Nepal theo đạo Hindu, nhóm tộc người đông nhất ở đây. Khác với những người Ngalong đang cai trị đất nước, người Drukpa sống ở vùng Tây Bắc hay người Sharchop sống ở phía Đông, các hậu duệ của Phật giáo đều là người Tây Tạng, những người đã kiến tạo ra đất nước này trong hàng trăm năm trước – còn những người Nepal giờ đang chiếm đa số đất nước này đến Bhutan vào cuối những năm 1800, đầu 1900. Những làn sóng nhập cư bắt đầu sau những năm 1960, khi đất nước cần tới một số nhân công lao động chân tay, nhưng một số người khác thì tận dụng cơ hội này để nhập cư trái phép. Quốc vương khuyến khích họ đồng hóa với dân bản địa nhưng dân số Nepal ngày càng tăng đã khiến giới tinh hoa của Drukpa lo lắng. Sau khi xiết chặt các bộ luật về công dân, nhà vua đã ra sắc lệnh qui định toàn bộ thần dân Bhutan phải ăn mặc và đối xử theo cách của người Drupkpa. Điều này đã gây ra các làn sóng phản kháng và bắt bớ khiến hàng chục nghìn người thuộc tộc Nepal đã phải vượt biên giới chạy trốn trong khoảng 1990-1992.


Các nhà sư Bhutan nhìn từ một ngôi chùa

Govinda Dhimal là một người trong số họ. Là một người mộ đạo Hindu, ông và gia đình đã sống bình yên ở huyện miền Nam Tsirang trong hơn nửa thế kỷ. Nhưng sự nhục mạ ngày càng chồng chất. Dhimal bị buộc phải mặc chiếc váy gho kềnh càng, hoàn toàn không thích hợp đối với cái nóng nhiệt đới. Một quân nhân đã bắt ông phải cải đạo và đánh dấu vào trán của ông. Khi các chiến binh Nepal tổ chức các đợt phản kháng, quân đội đáp trả bằng các đợt bắt bớ lớn và Dhimal kết cục phải vào tù. Với dáng vẻ mệt mỏi và suy nhược, người đàn ông 69 tuổi này ra một dấu hiệu chấp nhận di cư tự nguyện và đi đâu chẳng biết nữa. Khi đến biên giới, lúc đó vào khoảng đầu năm 1992, ông vứt lại chiếc váy gho, dấu tích cuối cùng của văn hóa Drukpa trên người ông trên lãnh thổ Bhutan.

16 năm vừa qua, Dhimal, giờ đã 85 tuổi sống tiều tụy trong một trại nhập cư của Liên Hợp Quốc, nằm ở phía Đông Nepal, nơi cưu mang những người tị nạn cứng đầu của các cuộc khủng hoảng sắc tộc đó. Chính phủ Nepal và Bhutan đã tiến hành đàm phán 15 vòng nhưng chưa có bất cứ người nào trong số 108 tị nạn được phép quay trở lại Bhutan. Đối với họ, cũng như nhiều tộc người Nepal còn sinh sống ở Bhutan (ước tính khoảng 150.000 người), việc kiên quyết theo đuổi văn hóa Phật giáo chính là nguyên nhân khiến họ khốn cùng.

Những căng thẳng ở miền Nam giờ cũng đã bớt đi. Tăng trưởng kinh tế cùng với việc nới lỏng các hạn chế về văn hóa giờ đã khiến một số người Nepal có thể sống thoải mái hơn. Nhưng nhiều người trong số họ vẫn tiếp tục phải sống bên lề của xã hội, làm các công việc chân tay và bị cấm hành nghề thương mại, làm công chức hay học đại học. “Chúng tôi bị đối xử không công bằng. Nếu cha của tôi qua đời, tôi không biết có thể chôn cất cha tôi theo đúng tập tục của người Hindu không nữa!”, một kỹ sư người Nepal sống ở Thimphu nói.

Cách đó nhiều ngọn núi, ngồi trên sàn đầy bụi bẩn của trại tị nạn, Dhimal vẫn nóng lòng chờ ngày được trở lại Bhutan, nhưng còn rất ít cơ hội cho ông. Quốc vương vẫn không thay đổi quyết định từ chối chấp nhận cho người tị nạn quay trở lại, mặc dầu Liên Hợp Quốc đã đề nghị cho phép 60.000 người trong số họ được quay trở lại Bhutan sau tình huống bạo động vào đầu năm 2007. Cháu trai của Dhimal dường như sẵn sàng quay trở lại để bắt đầu cuộc sống mới. “Chúng tôi không có tương lai ở nơi đây, tôi muốn được sống như những người Mỹ”, cậu bé Tek Nath 15 tuổi nói. Còn Dhimal thì hoài nghi: “Tôi có thể làm gì được ở đây, khi nhà tôi ở Bhutan?”.

Lòng tôn kính hoàng gia vẫn còn rất sâu đậm ở Bhutan, và chỉ có một số ít người có suy nghĩ sắc sảo như người phụ nữ có tên Peldon dưới đây. Bà đã sống 41 năm trong ảnh hưởng của gia đình có cội nguồn hoàng tộc, tại một ngôi nhà gỗ giản dị nằm sâu tít trong một thung lũng hẻo lánh, bao quanh là các ngọn núi quanh năm phủ tuyết trên đỉnh. Peldon treo tám bức ảnh các vị vua Bhutan trong nhà của mình, cảm nhận rõ lợi ích của chế độ quân chủ. Ba năm trước, một con đường đã được mở trên núi giúp hành trình tới ngôi làng bên cạnh chỉ mất có hai giờ đồng hồ, thay cho hai ngày như trước. Điện cũng đã được kéo đến đây, cho phép Peldon tham dự các lớp học xóa mù vào buổi tối và dệt những chiếc váy kira vào ban đêm. “Đêm đã chuyển sang ngày và chúng tôi biết ơn Quốc vương vì những điều này”, bà nói.

Giờ thì món quà bất ngờ nhất của Quốc vương đã tới-trao quyền cho nhân dân nhưng Peldon lại cảm thấy khó khăn khi chấp nhận điều này. Như nhiều người Bhutan khác, đã bật khóc vào cái ngày vào tháng 12 năm 2006 khi Jigme Singye Wangchuck, sau 34 năm trị vì trên ngôi vua đã nhường ngôi cho người con trai, mở đường cho các cuộc bầu cử Quốc hội. Peldon tôn kính nhà vua đời thứ tư như một người có tầm nhìn xa, trông rộng, người đã cho phép xây dựng trường học, đường xá thay vì xây cung điện hoặc tích lũy tài sản cho cá nhân của riêng mình. Con trai và người thừa kế của ông, Jigme Khesar Namgyel Wangchuck được đào tạo tại trường Đại học danh tiếng Oxford, đã tới Dungkhar vào năm trước đó để khích lệ người dân bỏ phiếu cho mình. Peldon ngưỡng mộ vị Quốc vương mới nhưng lại chẳng thích những cuộc bầu cử: “Chúng tôi đã có một ông vua giỏi giang và tốt thì cần gì tới dân chủ nữa?”, bà nói.

Những người nông dân không phải là những người duy nhất nghi ngờ về điều này. Tại một hộp đêm thời thượng ở Thimphu có tên P. Wang, ba người môi giới chứng khoán đang nghỉ xả hơi sau một chầu chơi golf, họ hát karaoke và bàn chuyện phiếm về chế độ quân chủ: “Tôi chẳng muốn dân chủ bởi điều đó có thể dẫn tới sự hỗn loạn, thí dụ như tình trạng ở Nepal hay Ấn Độ”, doanh nhân có tên Tshering Tobgay nói. “Nhưng những gì mà nhà vua đã nói ra, dù nó là ngọt hay đắng, ngon hay độc hại thì chúng tôi đều phải ăn”. Ngay cả người đứng đầu Ủy ban Bầu cử cũng thừa nhận là ông ta chẳng thích có bầu cử: “Nếu có sự lựa chọn thì tất nhiên chúng tôi muốn tiếp tục chế độ quân chủ. Vì sao có sự thay đổi? Đơn giản vì nhà vua muốn thế”, Dasho Kunzang  Wangdi nói.

Tiếng nói mạnh mẽ nhất đòi hình thành trở lại chế độ quân chủ, mỉa mai thay đã từng đến từ chính nhà vua. “Điều gì sẽ xảy ra nếu Bhutan bị lọt vào tay của một kẻ xấu xa hay một người không có năng lực”, ông nói. Lý luận của nhà vua thật đúng, lần nào chả thế, những bước đi chập chững đầu tiên của nền dân chủ cũng đã bị loạng choạng. Ngăn chặn được các đối thủ tiềm tàng đã là một thách thức lớn, chưa kể đến nhà vua canh cánh trong lòng rằng những người muốn trở thành quan chức đều phải tốt nghiệp đại học. Ở đất nước này, mới chỉ có chưa đầy 2% người dân có bằng đại học. Năm trước, hai Bộ trưởng hàng đầu của nước này là Jigme Y. Thinley và Sangay Ngedup đã từ chức để thành lập ra các đảng đối lập và tham gia bầu cử.


Các nhà sư Bhutan nhìn từ một ngôi chùa

Dù ai trở thành Thủ tướng đầu tiên của Bhutan đi chăng nữa thì người đó cũng không được đi chệch chính sách Tổng Hạnh phúc Quốc nội. Negdup, vị cựu Bộ trưởng Nông nghiệp vui tính đã gọi hành động thoái vị của nhà vua là một “hành động từ bỏ rất Phật giáo”, bởi vì nhà vua hoàn toàn có lý lẽ đặc biệt nào đó để ở lại ngôi vua. Thinley, người bác ruột của nhà vua trong quá khứ từng là một trong những nhà kiến trúc sư chính về chính sách của đất nước và đã đi khắp nơi trên thế giới để quảng bá về giấc mơ hạnh phúc. “Ý tưởng này đã thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia. Người ta đang kiếm tìm một định nghĩa mới về sự thịnh vượng”, ông nói.

Để tồn tại trong nền chính trị dân chủ, nhà lãnh đạo mới của Bhutan phải có trách nhiệm làm cho mọi người hạnh phúc hơn và đất nước hiện đại hơn, điều này có thể cải thiện các mối quan hệ của nước này với thế giới bên ngoài. Bhutan hiện đã có quan hệ ngoại giao với 21 nước trên thế giới trong đó quan trọng nhất là Ấn Độ, đất nước đảm bảo cung cấp quân sự và nhập tới 80% các sản phẩm xuất khẩu của Bhutan. Phần lớn các cường quốc khác, trong đó có Mỹ vẫn chưa có quan hệ ngoại giao với Bhutan. “Vì chúng tôi muốn tránh trở thành một con tốt”, Thinley giải thích lý do. “Nỗi sợ hãi tương tự cũng đã tồn tại khi Bhutan muốn trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong một nền kinh tế toàn cầu, chẳng có nước nào có thể tách mình ra khỏi thương mại, hay cụ thể hơn khỏi WTO. “Nỗi sợ lớn nhất của chúng tôi chả biết đến từ đâu nữa”, Thinley nói.

Hình như nỗi sợ hãi này vẫn chưa lan tới Kinzang Norbu, cậu bé với biểu tượng B-Boyz mới có 7 tuổi đầu này. Cách thức tự do của cậu dường như không liên quan gì tới tự do thương mại toàn cầu. Cậu ta mới học lớp hai nhưng lại dễ dàng tiêm nhiễm lối sống mới tới dân chúng như thể cậu nắm sẵn trong tay cả nền văn hóa Bhutan vậy. Một ngày sau màn biểu diễn nhảy nhót của mình, Norbu tiếp tục đến trường với đầu tóc gọn gàng, giày buộc cẩn thận và mặc chiếc váy gho màu xám. Khi cậu trở lại nhà, quán bar tầng hầm mà mẹ cậu kinh doanh được trang trí với các bức ảnh quốc vương Bhutan cạnh một bức tranh khác, cũng là một ông vua, nhưng trong lĩnh vực âm nhạc, Elvis Presley. Norbu thay đồ, mặc chiếc áo phông có chữ Diesel và nói chuyện bằng tiếng Anh về giá trị của những ngôi sao nổi tiếng thế giới, như Allen Iverson và Ronaldinho.

Câu hỏi cuối cùng: Cậu sẽ bỏ phiếu cho ai, giữa ban nhạc 50 Cent và vị vua Bhutan thứ 4?. Mỉm cười rạng rỡ, cậu trả lời thành thật: “Tôi thích cả hai”.
          
  Hoàng An
dịch
   National Geographic

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)