Khám phá chi tiết bề mặt Sao Thủy cùng phi thuyền Messenger
Messenger được gửi tới sao Thủy với sứ mệnh tìm tòi và chứng minh một số lượng lớn các giả thuyết chưa có lời giải đáp. Từ tháng giêng năm 2008, phi thuyền này bay ngang qua sao Thủy và du hành quanh quỹ đạo của hành tinh từ hồi tháng 3 năm nay.
Brett Denevi nhà khoa học từ Đại học Johns Hopkins cho biết “các bức ảnh đã chỉ ra dấu tích của kiến tạo địa tầng và hoạt động núi lửa với các miệng hố núi lửa rất lớn được che phủ bởi nham thạch”.
Ví dụ như từ 20 năm qua, bằng quan sát rada từ Trái đất, người ta thấy một số miệng núi lửa ở địa cực của hành tinh này được bao phủ bởi nước đá. Tuy vậy, nhiệt độ bề mặt của nó theo các nghiên cứu khác lại có thể đạt đến 400 độ C, đặc biệt gần đường xích đạo. Vậy thì làm sao nước đá có thể tồn tại được mà không bị bay hơi?
Messenger bắt đầu giải quyết nghi vấn này bằng cách sử dụng dụng cụ đo độ cao bằng laser để xác định bản đồ hình dạng của miệng núi lửa tại các cực. Các kết quả thu được cho thấy có đủ độ tối và sâu để ngăn cản ánh sáng và nhiệt chiếu xuống nhiều vùng khuất của sao Thủy, do đó vẫn có đủ điều kiện hình thành nước đá.
Máy đo tia X cũng được sử dụng để tìm kiếm các nguyên tố hóa học khác nhau trên bề mặt. Kết quả cho thấy, cấu tạo bề mặt của hành tinh này rất khác với Mặt trăng và Trái đất. “Bề mặt sao Thủy đã trải qua một quá trình biến đổi địa chất khá thống nhất, hàm lượng nhôm thấp, tỷ lệ Magie cao hơn Silic”. Tiến sỹ Solomon cho biết. Ngoài ra, hàm lượng lưu huỳnh được phát hiện lớn hơn 10 lần so với Trái đất.
Cũng giống như Trái đất, sao Thủy có từ trường. Tuy nhiên, sự bất đối xứng của từ trường theo trục Bắc-Nam sẽ cho phép các tiểu phần tích điện từ phía Mặt trời bị tác động bởi cực Nam nhiều hơn cực Bắc.
Khí quyển của sao Thủy rất loãng, điều đó làm thay đổi màu sắc, sự phản xạ ánh sáng và hóa tính các hợp chất trên bề mặt.
Các đặc điểm đáng chú ý của sao Thủy
Được thám hiểm lần đầu bởi phi thuyền Mariner 10 trong những năm 1970 và hiện nay là Messenger. Đường kính hành tinh vào cỡ 4.880km – khoảng 1/3 đường kính Trái đất.
Là hành tinh có mật độ vật chất cao thứ 2 trong hệ Mặt trời với một lõi sắt khổng lồ ở tâm chiếm tới 60% khối lượng của nó.
Các nhà khoa học dự đoán có tồn tại tinh thể nước đá ở phần khuất của hành tinh.
Có nhiệt độ dao động cực lớn từ 4200C tới -1800C.
Sao Thủy là hành tinh duy nhất gần Trái đất có từ trường.
Messenger là phi thuyền không gian đầu tiên bay vòng quanh quỹ đạo sao Thủy.
(Hoàng Tùng dịch theo BBC)