Khám phá cơ chế trốn thoát miễn dịch làm tăng lây nhiễm Listeria ở hệ thần kinh trung ương
Một số chủng của vi khuẩn cực độc Listeria monocytogenes có khả năng lây nhiễm đến hệ thần kinh trung ương. Các nhà khoa học từ Viện Pasteur, trường đại học Paris Cité, Inserm và Mạng lưới bệnh viện công Paris (AP-HP) đã khám phá ra một cơ chế cho phép tăng cường lây nhiễm Listeria monocytogenes trên các tế bào để chúng có thể trốn thoát các phản hồi miễn dịch.
Cơ chế này khiến các tế bào bị lây nhiễm lưu hành trong máu với một xác suất bám dính cao để tiếp tục gây nhiễm các tế bào thành động mạch não, do đó khiến các vi khuẩn vượt qua được những “rào chắn” mạch máu não. Nghiên cứu này được xuất bản trên Nature “Bacterial inhibition of Fas-mediated killing promotes neuroinvasion and persistence” vào tháng 3/2022 1.
Hệ thần kinh trung ương được tách ra khỏi dòng mạch máu bằng một “thanh chắn” được đặt là hàng rào máu não, vốn hoạt động rất hiệu quả. Nhưng một số mầm bệnh vẫn có thể tìm được cách vượt qua nó và có thể dẫn đến lây nhiễm cho hệ thần kinh trung ương, sử dụng các cơ chế mà giới chuyên môn vẫn còn chưa hiểu biết đầy đủ.
Listeria monocytogenes là vi khuẩn dẫn đến bệnh nhiễm khuẩn listeriosis, một chứng bệnh lây nhiễm qua đường ăn uống có thể lây lan đến hệ thần kinh trung ương và khiến người bệnh có thể bị đau đầu, cứng cổ, choáng váng, mất thăng bằng, thậm chí co giật… mà người ta vẫn gọi là bệnh neurolisteriosis. 30% số người mắc có thể dẫn đến tử vong.
Các nhà khoa học của Bộ phận Sinh học lây truyền tại Viện Pasteur (trường Paris Cité, Inserm) và Trung tâm nghiên cứu Listeria quốc gia và Trung tâm hợp tác WHO do Marc Lecuit (ĐH Paris Cité và Bệnh viện Necker-Enfants Malades gần đây mới phát hiện cơ chế do Listeria monocytogenes lây nhiễm trong hệ thần kinh trung ương. Họ phát triển một mô hình thực nghiệm lâm sàng đem đến những giai đoạn phát triển khác nhau ở người nhiễm listeriosis, và các chủng Listeria có độc lực cao được phân tách từ mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân mắc neurolisteriosis.
Đầu tiên, họ quan sát được triệu chứng monocytes, một dạng tế bào bạch cầu xuất hiện do cơ thể nhiễm vi khuẩn Listeria. Các monocytes lưu hành trong dòng máu và bám dính vào các tế bào mạch máu não, cho phép Listeria lây lan trong các mô não.
Nhóm nghiên cứu đã thấy InIB, một protein bề mặt Listeria monocytogenes, cho phép vi khuẩn này xâm nhập vào hệ miễn dịch và sống sót tại nơi được bảo vệ bằng các monocytes bị nhiễm. Sự tương tác giữa InlB và các thụ thể c-Met trong tế bào của nó đã ngăn quá trình chết tế bào trung gian bằng T lymphocytes gây độc tế bào, đặc biệt hướng vào các tế bào nhiễm vi khuẩn Listeria. InIB do đó cho phép các tế bào bị nhiễm sống sót.
Cơ chế này làm mở rộng vòng đời của các tế bào lây nhiễm, tăng số lượng các monocytes bị nhiễm trong máu và giúp lan rộng các vi khuẩn trong các mô trong cơ thể người bệnh, bao gồm cả não. Nó cũng làm cho Listeria thêm phần khó triệu tiêu trong các mô ruột, bài tiết chất thải và vận chuyển trở lại môi trường.
“Chúng tôi khám phá ra một cơ chế cụ thể mà chúng tôi cũng nghĩ đến bằng một mầm bệnh gia tăng vòng đời của tế bào bị lây nhiễm bằng việc ngăn chặn chức năng của hệ miễn dịch, vốn là điều tối quan trọng trong kiểm soát lây nhiễm”, Marc Lecuit nói.
Cũng có thể những mầm bệnh nội bào như Toxoplasma gondii và Mycobacterium tuberculosis cũng sử dụng những cơ chế tương tự để lây nhiễm trong não. Do đó, việc nhận diện và hiểu được cơ chế trốn thoát hệ miễn dịch của các tế bào nhiễm bệnh có thể đem lại những chiến lược điều trị mới để ngăn ngừa lây nhiễm và tiến từng bước trên con đường tiếp cận liên quan đến hiện tượng ngăn chặn miễn dịch trong ghép tạng.
Thanh Phương tổng hợp
Nguồn: https://medicalxpress.com/news/2022-03-discovery-immune-mechanism-listeria-infection.html
https://www.sciencedaily.com/releases/2022/03/220316120827.htm
———–
1. https://www.nature.com/articles/s41586-022-04505-7