Khát vọng làm ra sản phẩm tử tế
Một trong những điều kiện cơ bản đầu tiên để có một xã hội phát triển lành mạnh là mọi thành viên của xã hội đó đều phải có khát vọng làm ra sản phẩm tử tế.
Thực vậy, khi người ta thiếu thốn tất cả mọi thứ, nhưng với khát vọng mãnh liệt họ vẫn có thể làm nên. Nếu thiếu tiền thì có thể vay, thiếu thông tin và kiến thức thì có thể tìm tòi học hỏi, thiếu quan hệ thì có thể gây dựng, thiếu kinh nghiệm thì sẽ tích lũy được qua thực tiễn… nhưng nếu thiếu khát vọng làm ra sản phẩm tử tế thì không gì cứu vãn, cho dù có đầy đủ tất cả mọi điều kiện khác song kết quả cuối cùng vẫn chẳng ra hồn, có thể còn gây tác hại.
Nhìn vào thực tế trên nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, chúng ta thấy nhức nhối vì sự phổ biến của những sản phẩm không tử tế, từ cấp độ bình dân như thực phẩm chứa hóa chất độc hại ở ngoài chợ, tới cấp hàn lâm là các đề tài nghiên cứu sao chép, cắt dán, hay ở cấp vĩ mô là những công trình, dự án đầu tư công gây thất thoát, lãng phí của xã hội nhiều nghìn tỷ đồng… Để khắc phục tình trạng ấy, tất yếu cần có hệ thống pháp luật nghiêm minh, những quy định đảm bảo tính minh bạch và sự cạnh tranh lành mạnh, qua đó sàng lọc, loại bỏ những chủ thể yếu kém. Tuy nhiên, chỉ như vậy thì chưa đủ bởi mọi hệ thống thể chế đều có khe hở, và khi bản thân con người chưa tự giác thì con đường hướng tới sự tiến bộ sẽ còn hết sức trầy trật, khó khăn.
Nhưng để có sự tự giác thì yếu tố quan trọng nhất là gia đình và giáo dục. Không ít các doanh nghiệp đã lên tiếng than phiền về vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là khía cạnh ý thức kỷ luật và tự giác của người lao động. Đó phải chăng là hệ quả tất yếu của nền giáo dục nhà trường bị pha tạp các sản phẩm ảo, giá trị ảo: chấp nhận chung sống với bệnh thành tích, vấn nạn ngồi nhầm lớp và gian lận trong thi cử. Đó đồng thời cũng là hệ quả tất yếu của văn hóa mà các bậc phụ huynh và các gia đình lâu nay luôn trông đợi con cái đạt được các yếu tố an thân (thu nhập, địa vị, danh vọng, …) hơn là việc con em mình làm ra những sản phẩm có giá trị gia tăng đích thực cho cộng đồng.
Vì vậy, để có sự thay đổi thực sự từ gốc rễ, chúng ta cần tự nhận diện đúng về não trạng của bản thân mình và cộng đồng mình. Việt Nam là một trong những quốc gia vừa mới thoát khỏi đói nghèo, nhiều người trong xã hội chưa thực sự an cư lạc nghiệp, ý thức tự hào/tự trọng nghề nghiệp chưa trở thành đặc tính văn hóa phổ quát của cộng đồng, mọi nơi còn phổ biến cách làm ăn chộp giật, được chăng hay chớ, và số đông chỉ mới khát vọng sống an thân và sung túc, hơn là khát vọng làm ra sản phẩm tử tế.
Dân tộc ta có truyền thống cần cù, chịu thương chịu khó, nhưng chớ ngộ nhận điều đó với khát vọng làm ra sản phẩm tử tế, bởi dẫu cả hai đều là sự nỗ lực nhưng một đằng thuần túy là sự chịu đựng vất vả nhưng mang sắc thái tư duy máy móc, thụ động, còn một đằng là sự chủ động tỉnh táo, có ý thức tìm tòi, so sánh đối chiếu, và một tâm thế tự tôn và hướng thượng để làm ra sản phẩm thực sự tốt cho cộng đồng. Sự cần cù là bản năng tất yếu để sinh tồn ở mức độ căn bản của mọi cộng đồng, còn khát vọng làm ra sản phẩm tử tế là một thứ tài nguyên quý, không tự dưng có sẵn mà phải được chú ý nâng niu, vun trồng để phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội ở mức độ cao hơn. Bài học kinh nghiệm từ những quốc gia như Nhật Bản đã cho thấy, khi khát vọng làm ra sản phẩm tử tế đã thâm nhập sâu rộng trong xã hội, trở thành đặc tính mặc định gắn cho cả quốc gia thì lợi ích kinh tế từ thương hiệu made in Japan là to lớn như thế nào, và hơn thế trở thành sức mạnh tinh thần giúp vực dậy cả dân tộc sau mỗi thời khắc khó khăn của lịch sử ra sao.
Gần đây ở trong nước, người ta thường kêu gọi nhiều về khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, vốn dĩ cũng rất quan trọng, phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội ở cấp độ cao cấp hơn nữa. Nhưng để những lời kêu gọi ấy không trở nên sáo rỗng, thiết nghĩ cần bắt đầu từ xây dựng, nuôi dưỡng, lan truyền trong cộng đồng khát vọng làm ra sản phẩm tử tế, bởi khi trong cộng đồng còn chưa phổ biến khát vọng ấy thì mọi ước mơ khác vẫn chỉ là xây nhà từ nóc!