Khát vọng vượt lên trên cà phê

Ngẫm cho kỹ, cốt lõi của Dự án “Thủ phủ cà phê toàn cầu” là khát vọng vượt lên trên cà phê, chính xác là từ cà phê để tiến đến việc kiến tạo một mẫu hình cho sự phát triển bền vững của Việt Nam, góp phần cải tiến chuỗi tạo dựng-phân phối giá trị gia tăng của giao thương toàn cầu nói chung và quan hệ giữa những cộng đồng kinh tế môi sinh trên thế giới nói riêng, theo hướng vừa cân bằng vừa công bằng hơn. Vậy làm thế nào để dự án ấy thật sự là khả thi?

Lấy mức độ khả thi của dự án làm nền tảng cho sự ủng hộ là cách thường được xem là “thực tiễn”, thậm chí là vô cùng “thực nghiệm”. Nhưng điều đó vô hình trung lại nặng về “thực dụng”, nghĩa là chú trọng chủ yếu đến các lợi ích thiết thực trước mắt và ngắn hạn mà bỏ quên hệ quả lâu dài! Ngược lại, tìm hiểu trước tiên dự án có “đáng để được ủng hộ hay không” là đặt vấn đề về bản chất của sự vật, nghĩa là đi sâu vào “cốt lõi nhân tính” của sự thể, và khi đã đồng cảm, đồng thuận với bản chất ấy thì tìm cách cùng nhau “thực thi”, phát huy mọi tiềm thế của dự án mà biến nó thành hiện thực.
Adam Smith – Giáo sư Triết học và Luân lý, được hậu thế tôn vinh là người khai sinh ngành Kinh tế học – trong công trình để đời là “Nghiên cứu nguồn cội sự giàu sang của các quốc gia” xuất bản năm 1776, đã viết: “Thành công của mỗi người, và của dự phóng đến từ ý nguyện của họ, phụ thuộc khá nhiều vào ý kiến tích cực của bạn bè, đồng nghiệp và của cả… hàng xóm”. Nói cách khác, một dự án trở nên khả thi vì nhiều người đồng ý là “nó đáng được góp công góp của”, chứ không phải bỗng nhiên mà dự án “tự nó khả thi/khả thi tự nó”?! William Blake, một nhà thơ và họa sĩ nổi tiếng thế giới, trong “Ngợi ca nỗi niềm cảm nghiệm” (1794), cũng đã xác minh: “Điều được chứng thực hôm nay khởi nguyên cũng chỉ là mộng tưởng”. Và Mahatma Gandhi, người mở đường cho độc lập của Ấn Độ bằng đấu tranh bất bạo động, lại khẳng định: “Tin rằng điều chưa từng xảy ra trong lịch sử sẽ chẳng bao giờ xảy ra là hoàn toàn vô vọng về phẩm chất của con người”!
Vậy nội hàm ý tưởng của Dự án “Thủ phủ cà phê toàn cầu” có gì sâu sắc khiến người ta cần phải ủng hộ để dự án ấy sớm được hình thành, lớn mạnh và hoàn thiện?

Từ lợi thế So sánh đến lợi thế Cạnh tranh
Ngẫm cho kỹ, cốt lõi của Dự án “Thủ phủ cà phê toàn cầu” là khát vọng vượt lên trên cà phê, từ cà phê để tiến đến việc kiến tạo một mẫu hình cho sự phát triển bền vững của Việt Nam, góp phần cải tiến chuỗi tạo dựng – phân phối giá trị gia tăng của giao thương toàn cầu nói chung và quan hệ giữa những cộng đồng kinh tế môi sinh trên thế giới nói riêng, theo hướng vừa cân bằng vừa công bằng hơn!

Mô hình “Thủ phủ Cà phê toàn cầu” – hình thành từ sự triển khai của “hệ đô thị sinh thái cà phê” – là một tổng hòa phức hợp tạo ra cho ngành cà phê Việt Nam, cho Tây Nguyên và cho cả Việt Nam một lợi thế cạnh tranh mà nguy cơ bị truất phế là rất giới hạn.

Theo giác độ ấy, lựa chọn Đắk Lắk để xây dựng “Thủ phủ cà phê toàn cầu” là xác đáng: từ thổ nhưỡng đến con người, từ cảnh quan đến địa thế, từ dân cư đến sinh thái… tất cả đều là những tiềm năng lớn cho việc tạo dựng một tương quan mới có khả năng làm nổi trội lợi thế so sánh của Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất và thương mại quốc tế về cà phê mà còn ở bình diện đối chuẩn các phương thức phát triển quốc kế dân sinh giữa các nước.
Từ khía cạnh thuần kinh tế, xây dựng “hệ đô thị sinh thái cà phê” ở Đắk Lắk còn có khả năng kích hoạt một chuỗi hiệu ứng ngoại tác tích cực (theo nghĩa các nhân tố của tổng hệ tương tác với nhau để mở rộng phạm vi hoạt động cho nhau và cho toàn tổng hệ) nâng tầm hiệu suất theo quy mô (địa phương, quốc gia, quốc tế), tăng cường năng suất và giá trị cận biên (nghĩa là càng làm nhiều càng được nhiều, trái với việc vì không làm chủ đầu ra phổ biến hiện nay mà lâm vào tình trạng càng được mùa càng rớt giá, càng tăng công sức bỏ ra thì mức độ của các khoản thu nhập phụ trội lại càng giảm) không chỉ trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh cà phê mà còn cho sự phân phối của các sản phẩm – dịch vụ tiệm cận liên thông, triển khai theo hướng đa dạng hóa đồng tâm.
Còn điều quan trọng nữa là sự tích hợp của những yếu tố cấu thành “Thủ phủ cà phê toàn cầu” mang đến cho cà phê và các sản phẩm – dịch vụ liên ngành tương thuộc, cho ấn tượng về Tây Nguyên và cả hình ảnh của Việt Nam (nghĩa là đồng thời cho thương hiệu địa phương, vùng lãnh thổ và thương hiệu quốc gia) một lợi thế cạnh tranh vững chắc. Nếu hiểu một cách cô đọng lợi thế cạnh tranh là lợi thế đến từ việc mình có cái người khác chưa có, làm cái người khác chưa làm, và nhất là điều mình có và chuyện mình làm lại rất khó bắt chước (nhờ thế mà lợi thế cạnh tranh mới tồn tại lâu dài) thì rõ ràng bản thân việc xây dựng “Thủ phủ cà phê toàn cầu” chính là một lợi thế cạnh tranh hết sức đặc thù!
Thật vậy, trong thị trường cạnh tranh toàn cầu, nếu lợi thế chỉ đến chủ yếu và đơn lẻ từ chất lượng, công nghệ hay giá cả thì lợi thế ấy luôn luôn nằm trong tình thế bị đe dọa: cảm nhận về chất lượng không bao giờ cố định, công nghệ thì luôn được cải tiến và giá cả lại thường xuyên bị tấn công! Do vậy mà lợi thế cạnh tranh dựa trên giá, chất lượng hoặc công nghệ rất dễ bị xói mòn, không chỉ bởi những xung kích của các đối thủ mà còn do những biến động của chính thị trường. Chẳng hạn văn hóa tiêu dùng thay đổi kéo theo sự thay đổi không chỉ về những chuẩn mực của chất lượng mà còn về sự so sánh các mức giá khác nhau, và cả về xuất xứ của công nghệ được ứng dụng (chất lượng cũng như giá cả và công nghệ, trái với những nhầm tưởng thông thường, không đơn thuần chỉ là những yếu tố tính toán kỹ thuật và tài chính mà chủ yếu mang những nội dung đầy tính nhân văn!).
Trong chiều hướng ấy, mô hình “Thủ phủ cà phê toàn cầu” – hình thành từ sự triển khai của “hệ đô thị sinh thái cà phê” – là một tổng hòa phức hợp tạo ra cho ngành cà phê Việt Nam, cho Tây Nguyên và cho cả Việt Nam một lợi thế cạnh tranh mà nguy cơ bị truất phế là rất giới hạn. Điều đó là vì toàn hệ thống ấy được vận hành theo một qui trình liền mạch: bắt chước các yếu tố riêng lẻ để cạnh tranh thì dễ, nhưng bắt chước một “Thủ phủ cà phê toàn cầu” của Việt Nam (với sự quản lý và điều hành trực tiếp từ Chính phủ trong khuôn khổ chính sách riêng cho “nền kinh tế vùng sinh thái Đắk Lắk”) thì không phải là chuyện ngày một ngày hai.
Thêm nữa, việc mô phỏng “Thủ phủ cà phê toàn cầu” của Việt Nam sau này nếu có xảy ra ở một nơi nào đó trên thế giới, thì đấy chỉ là “hàng sao chép” hay “hàng nhái”: từ Tây Nguyên, chốn thông linh giữa rừng – thần – người, nơi sông Đắk Krông ngang nhiên chảy ngược về thượng nguồn, Việt Nam đã làm thay đổi “lối chơi” trên “sân chơi quốc tế”. Đó là lý do tối thượng thúc đẩy sự ủng hộ Dự án “Thủ phủ cà phê toàn cầu”!

Từ hành động đến kịch bản về giá trị: Chia sẻ và bước đường dấn thân

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên
trong ngày khai trương Hội quán Sáng tạo

Dựa vào những phân tích trên đây, vấn đề cơ bản của Dự án “Thủ phủ cà phê toàn cầu” không phải là tính khả thi mà chính xác là việc thực thi. Mà thực thi là hành động, và hành động lại chính là diễn ngôn về các giá trị tiềm tàng trong nội hàm của dự án: mọi hành động, dù muốn dù không, đều là thông điệp về “ý đồ”, và từ việc cảm nhận các ý đồ ấy những kịch bản khác nhau được dàn dựng. Trớ trêu là kịch bản mường tượng bởi “các đối tượng của dự án” lắm khi lại không tương hợp với kịch bản hình dung bởi phía “chủ dự án”. Chính vì vậy mà sự giao cảm về các giá trị nhân sinh cơ bản nhiều lúc không được chan hòa bởi các bên liên quan.
Nhìn lại diễn trình cụ thể của việc quảng bá Dự án “Thủ phủ cà phê toàn cầu” bởi Trung Nguyên thì rõ: Văn hóa là chiều kích xuyên tâm của mọi dự án tác động đến môi trường sống của con người. Điều này đã được nhận thức rõ bởi Trung Nguyên. Nhưng khiếm khuyết của Trung Nguyên là nhầm lẫn văn hóa và thị hiếu: một bên thẩm thấu chiều dày của lịch sử và chiều sâu của nhân văn, một bên lại ồn ào phù phiếm ở bề mặt nổi! Abraham Maslow, một nhà tâm lý – nhân chủng học ứng dụng trong kinh tế lừng danh thế giới, đã từng khẳng định: “Một món khai vị hạng nhất còn có sự sáng tạo văn hóa hơn một bài hát hạng hai”! Do đó, nhiều sinh hoạt văn nghệ tổ chức ở Tây Nguyên bởi Trung Nguyên đến nay đã gây không ít phản tác dụng: các điểm tụ ấy hoàn toàn không thể biểu trưng cho văn hóa và lịch sử của Tây Nguyên!
Con người Tây Nguyên, cư dân Tây Nguyên, người trồng hái cà phê mướn ở Tây Nguyên muốn gì, nghĩ gì, mơ gì, được gì trong Dự án “Thủ phủ cà phê toàn cầu”?! Những điều ấy phải thừa nhận là còn chưa sắc nét lắm. Và chừng nào mà việc chia sẻ các giá trị – vật chất lẫn tinh thần – với người dân bản địa Tây Nguyên còn chưa được rạch ròi phân minh thì việc “liên kết bộ ba giữa vốn xã hội – vốn môi trường – vốn kinh tế” có trong đề cương của dự án vẫn còn chưa hoàn chỉnh!
Không ai hoài vọng được sự hoàn hảo ngay tự lúc đầu. Mọi hành trình dấn thân vào vạn dặm đều khởi đầu bằng những bước chân. Hãy cùng nhau mở lối con đường thăm thẳm ấy bằng những bước đi của những bàn chân nứt nẻ mưa rừng gió núi của người dân Tây Nguyên. Bởi vì nếu không có những bàn chân ấy, con đường chiếm lĩnh vị thể trong “thế giới phẳng” chưa chắc có sức lôi cuốn bằng cái sâu của rừng và cái cao của núi, nơi mà từ ấy đến nay vẫn còn nhiều chàng Đam San mải miết khăn xéo đội đầu vượt đèo qua dốc tìm nữ thần Mặt trời trên đỉnh thác rơi! 
——————-
* Giáo sư, United Business Institutes (Bỉ), Nyenrode Business University (Hà Lan), Giám đốc Think & Teach Ltd (Anh), Giám đốc điều hành Management Consultancy Institute, Việt Nam.

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)