Khi các nhà vận động môi trường tấn công tác phẩm nghệ thuật

Mới đây, hai nhà hoạt động môi trường trẻ đã đổ nước sốt cà chua lên bức tranh “Hoa hướng dương” của van Gogh ở Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia, London. May mắn thay, bức tranh được bảo vệ dưới lớp kính.

Khi tôi nhìn các nhà vận động tấn công nghệ thuật, tôi cảm thấy nỗi khiếp sợ như phần lớn những người khác – và cảm giác khiếp sợ dường như là phổ biến và được lan rộng. Sau khi hai nhà ủng hộ nhóm vận động về biến đổi khí hậu Just Stop Oil ném lon sốt cà chua lên bức họa của van Gogh ở London 1, mạng xã hội đã bùng lên phẫn nộ. Phần lớn từ những người không ít cam kết với việc ngăn chặn sự ấm lên toàn cầu, trong đó có những người thuộc thế giới nghệ thuật.

Trong khi không thể bào chữa cho hành động của Just Stop Oil, tôi có thể hiểu nỗi giận dữ của những người ủng hộ nó, những người sẽ phải nếm trải ảnh hưởng của sự sụp đổ toàn cầu trong tương lai hơn tôi. Họ phải vật lộn với những quyết định sống còn chưa từng được dự đoán, thậm chí còn tệ hơn những cơn khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử loài người, bao gồm việc có nên sinh con và tiếp tục duy trì giống nòi nữa hay không, hay thôi bởi cuộc đời này rất ngắn ngủi và khốn khổ.

Nhưng những cuộc tấn công nghệ thuật ngày một gia tăng. Vào tháng 7, một nhóm vận động ở Ý Ultimate Generazione (Thế hệ cuối cùng) đã chạm trực tiếp tay lên tấm kính bảo vệ bức Primavera (Mùa xuân) của Botticelli treo tại bảo tàng Uffizi ở Florence, vào tháng 9, các nhà hoạt động cũng của nhóm này đã chạm tay vào bệ một bức tượng cổ xưa ở Vatican 2. Tất cả hành động này đều sai lầm và phản tác dụng. Nó làm cho sự cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu trở nên nực cười với những người vốn đã không thích, không đặt niềm tin vào khoa học về sự ấm lên toàn cầu. Và họ tạo ra một sự lựa chọn sai lầm về đạo đức cho những người yêu cả nghệ thuật lẫn môi trường.

Khi Phoebe Plummer 21 tuổi, một trong hai nhà vận động môi trường ở London, được hỏi trong ngày thứ sáu tấn công tác phẩm của van Gogh, “Bạn quan tâm về việc bảo vệ một bức họa hay bảo vệ hành tinh và con người sống trên đó?”. Rất có thể là những người đến đây thưởng lãm nghệ thuật nói “cả hai”. Khó có cách trả lời nào khác bởi thật nực cười khi nghĩ nghệ thuật đóng vai phản diện trong cuộc khủng hoảng khí hậu. Van Gogh không thuộc về những thế lực kinh tế làm hành tinh này bị phá hủy nên bức họa Hoa hướng dương vẽ năm 1888 của ông không thể là đích cho một cuộc tấn công mang tính biểu tượng.

Thế giới nghệ thuật, tất nhiên không ngây thơ. Sự thịnh vượng là nhiên liệu nuôi sống thị trường nghệ thuật và điều đó ngụ ý một cách sâu sắc vào nền kinh tế carbon, và thượng tầng cấu trúc của những triển lãm nghệ thuật, phiên đấu giá nghệ thuật liên quan đến những cuộc di chuyển tạo ra nhiều vết carbon cũng như những tiêu dùng dễ thấy khác. Khi ném hộp sốt cà chua mang tính biểu tượng vào một thị trường nghệ thuật đỉnh cao toàn cầu, Plummer đã làm dấy lên một suy nghĩ có lý về cuộc đối thoại đầy đau đớn về những ưu tiên mang tính đạo đức của những nhà bảo trợ nghệ thuật hiện tại: có cần thiết đến Venice hai năm một lần không? Việc chuyển hàng triệu đô la vào việc làm giảm khủng hoảng khí hậu tốt hơn là vào một bức họa của Bansky?

Nỗi giận dữ phía sau các cuộc tấn công nghệ thuật đó không hẳn phi lí và không đến nỗi mù quáng. Tình trạng ấm lên toàn cầu ngày một xấu thêm. Nó không chỉ là sự ưu tiên giải quyết của các chính phủ mà còn của những người tiên phong. Nếu nhìn sâu hơn vào các cuộc tấn công này, rõ ràng có thể thấy họ biểu lộ một tình yêu tuyệt vọng với nghệ thuật hơn là coi thường nó.

Vì thế, phần lớn các vụ việc xảy ra đều mang tính biểu tượng hơn là những hành động phá hủy trực tiếp. Vào tháng 7, các nhà vận động Just Stop Oil đã đặt tay lên khung của bức The Hay Wain do John Constable vẽ năm 1821. Cả hai cuộc tấn công vào tranh của van Gogh và Botticelli cũng nhằm vào những bức họa được bảo vệ bằng một lớp kính. Các hành động này đều được hướng tới những tác phẩm thể hiện ý tưởng vẻ đẹp tự nhiên và sự tái sinh, những thứ sẽ gặp rủi ro trước sự ấm lên toàn cầu. Mục tiêu dường như không để hủy hoại tác phẩm nghệ thuật mà là cảnh báo: cả những thứ này sẽ bị phá hủy nếu chúng ta tiếp tục duy trì tình trạng phát thải carbon.

Tuy nhiên sự chú ý của truyền thông vào những trường hơp này, có thể truyền cảm hứng cho nhiều kẻ phá hoại có chủ đích hơn, một nguyên nhân khiến tình trạng trở nên đáng lo ngại. Sự kích động nông nổi của họ sẽ dẫn đến chia rẽ các nhóm hoạt động xã hội vốn đồng cảm với lý do dẫn đến hành động này.

Thật nực cười khi tấn công vào nghệ thuật dưới danh nghĩa vì sự sinh tồn, bởi nghệ thuật là một công cụ của sinh tồn. Nhưng các cuộc tấn công cũng cho thấy một cách mới để nghĩ về nghệ thuật dưới bóng khí hậu có thể đem lại cảm thông của cả giới nghệ thuật và bảo vệ môi trường.

Trong thế giới của kiến trúc, ý tưởng biểu hiện carbon liên quan đến toàn bộ vết carbon của một tòa nhà, từ việc sử dụng vật liệu, vận chuyển, xây dựng, nhân công đến vòng đời dài hơn của nhu cầu năng lượng để vận hành tòa nhà. Điều này cho phép chúng ta so sánh tác động của carbon với những cấu trúc mới và cũ để nghĩ thấu đáo hơn về chi phí và lợi ích của việc phá hủy và xây mới những tòa nhà. Nó buộc chúng ta nghĩ về carbon không chỉ của chúng ta mà còn về toàn bộ ngôi nhà đã được xây dựng 50 năm hoặc 100 năm trước.

Chúng ta có thể nghĩ về nghệ thuật như một hình thức của văn hóa hiện thân (Embodied Culture) – văn hóa với sự mở rộng cái nhìn vào gốc rễ của nó, bắt nguồn từ sự tích hợp của các hệ sự sống trên trái đất, đó là năng lượng do một chủ thể phát thải và lưu giữ. Nếu nghệ thuật hiếm khi được coi là một biểu tượng, hoặc một hàng hóa xa xỉ thì có lý do để đặt câu hỏi là liệu chúng ta có quan tâm nhiều hơn đến nghệ thuật hay môi trường? Nếu nghệ thuật và là văn hóa hiện thân, chúng ta hoàn toàn có thể xem xét việc bảo tồn nó và những giá trị của nó ngay cả trong thời kỳ nguy hiểm. Đừng bao giờ phá hủy cái mà bạn đã phải trả một giá quá lớn, trong đó bao gồm cả giá phá hủy môi trường từ một ngôi nhà đã được xây dựng trước nửa thế kỷ.

Tôi nghĩ đây là nguyên nhân giải thích tại sao các cuộc tấn công sai lầm và có tiềm năng phá hủy này, lại diễn ra trong bảo tàng 3. Nó không chỉ là việc thu hút sự chú ý trên mạng xã hội và các mạng lưới thông tin kết nối con người với nghệ thuật, môi trường, đạo đức xã hội và nhiều điều khác. Nó tập trung sự chú ý vào giá trị lớn hơn của tất thảy, của toàn bộ thế giới quanh chúng ta – lịch sử, văn hóa, kinh tế. Nhưng ném sốt cà chua vào một tác phẩm của van Gogh không khiến người ta cảm thấy thêm cam kết vào việc cứu lấy hành tinh hay giúp nghĩ một cách thực tế hơn về việc làm điều đó như thế nào. Cần phải hành động theo một cách khác, đủ sức kết nối mọi người.

Philip Kennicott

Tô Thanh Vân dịch

Nguồnhttps://www.washingtonpost.com/arts-entertainment/2022/10/14/van-gogh-sunflowers-soup-climate/

——————————–

  1. https://www.phunuonline.com.vn/buc-hoa-kinh-dien-cua-van-gogh-bi-tat-sot-ca-chua-a1475411.html
  2. https://www.businessinsider.com/climate-activists-dragged-away-after-gluing-hands-botticelli-painting-2022-7
  3. https://www.washingtonpost.com/climate-environment/2022/10/14/tomato-soup-sunflowers-climate-protest/

Tác giả

(Visited 15 times, 1 visits today)