Khoa học 2019: Những mong đợi

Chỉnh sửa gene, truy cập mở và sửa đổi các quy định về an toàn sinh học sẽ là các vấn đề định hình nghiên cứu năm tới.


Hải cẩu mang cảm biến sẽ giúp các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu đại dương trong nhiệm vụ nghiên cứu sông băng Thwaites ở Nam Cực.

Dự án nghiên cứu Nam Cực

Tháng 1/2019 sẽ diễn ra nhiệm vụ hợp tác lớn nhất trên Nam Cực trong 70 năm trở lại đây giữa các nhà khoa học Anh và Mỹ. Mục đích của dự án 5 năm này là để tìm hiểu xem liệu sông băng Thwaites vốn được xem là không ổn định có bắt đầu sụp đổ trong vài thập kỷ tới hay không. Dự án sẽ phải nghiên cứu các điều kiện đại dương xung quanh con sông băng khổng lồ thông qua sử dụng các phương tiện tự động dưới nước và các cảm biến được gắn vào hải cẩu. Cuối năm 2019, các nhà khoa học châu Âu có kế hoạch khoan vào tảng băng Mái vòm C ở Nam Cực để lấy mẫu lõi băng 1,5 triệu năm tuổi. Nếu họ thành công, mẫu vật này sẽ đem lại những lý lịch lâu đời và nguyên sơ nhất về điều kiện khí hậu và khí quyển.

Đổ tiền vào nghiên cứu

Trung Quốc có thể sẽ trở thành quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho nghiên cứu và phát triển, sau khi điều chỉnh theo sức mua của đồng tiền Nhân dân tệ. Sẽ có kết luận chắc chắn về xếp hạng này khi các nước công bố dữ liệu chi tiêu năm 2018 vào cuối năm 2019. Châu Âu cũng đang cố gắng thống nhất phương thức giải ngân 100 tỷ euro (110 tỷ USD) từng được đề xuất cho chương trình tài trợ nghiên cứu tiếp theo mang tên “Horizon Europe” bắt đầu vào năm 2021. Không rõ các nhà nghiên cứu ở Anh có được phép tham gia hay không bởi tiến trình Brexit một cách không chắc chắn vẫn tiếp tục tác động xấu đến quốc gia này.

Nguồn gốc con người

Nhiều hóa thạch hé lộ nguồn gốc của các loài thuộc tông Người (Hominin) có thể sẽ được phát hiện trên các hòn đảo ở Đông Nam Á – một khu vực được quan tâm mạnh mẽ kể từ khi các nhà khảo cổ phát hiện ra một loài ‘hobbit’ giống như con người trên đảo Flores của Indonesia vào năm 2003. Những cuộc khai quật tiếp theo hướng đến đảo Luzon của Philippines có thể sẽ tiết lộ thêm về những cư dân người đầu tiên trên đảo này; kèm theo đó là trả lời câu hỏi: liệu có phải sự cô lập trên đảo đã dẫn đến vóc dáng nhỏ bé, tương tự như những gì dường như đã xảy ra trên đảo Flores hay không.

Máy gia tốc hạt

2019 sẽ là năm quyết định cho các kế hoạch xây dựng ‘người kế nhiệm’ cho Máy gia tốc hạt lớn (Large Hadron Collider – LHC). Các nhà vật lý tại Nhật Bản đã đề xuất tổ chức dự án Máy gia tốc tuyến tính quốc tế (International Linear Collider – ILC) trị giá 7 tỷ USD vào năm 2012, sau khi các nhà khoa học tại LHC ở Geneva, Thụy Sĩ, tuyên bố phát hiện ra hạt Higgs. Máy ILC sẽ nghiên cứu chi tiết hơn về hạt Higgs. Nhưng một báo cáo năm 2018 của Chính phủ Nhật Bản đã cho thấy khó có thể tài trợ dự án, với lý do chi phí quá cao. Nhật Bản là quốc gia duy nhất tỏ ra quan tâm đến việc tổ chức ILC và Chính phủ Nhật dự kiến sẽ đưa ra tuyên bố về quyết định cuối cùng của họ trước ngày 7/3.

Chia rẽ trong chỉnh sửa gene

Các nhà di truyền học sẽ tiếp tục đối phó với những hậu quả tuyên bố của He Jiankui, một nhà nghiên cứu chỉnh sửa gene tại Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam tại Thâm Quyến, Trung Quốc cuối năm 2018 – rằng ông đã giúp tạo ra những đứa trẻ được chỉnh sửa gene đầu tiên trên thế giới. Các nhà nghiên cứu hy vọng xác nhận xem liệu He có thực sự đã sửa đổi gene của hai phôi thai tạo ra hai bé gái sinh đôi hay không. Các nhà khoa học sẽ cố gắng phát hiện ra tác dụng phụ tiềm ẩn nào của quá trình này; đồng thời tạo ra một khuôn khổ để đảm bảo rằng bất kỳ nỗ lực nào trong tương lai về chỉnh sửa DNA của con người – như trong trứng, tinh trùng hoặc phôi – xảy ra một cách có trách nhiệm và được kiểm soát rõ ràng.

Lập kế hoạch cho ‘Kế hoạch S’

Các tạp chí tính phí đăng ký có thể phải thay đổi mô hình kinh doanh của họ để phù hợp với ‘Kế hoạch S’ – một nỗ lực chuyển các ấn phẩm học thuật sang mô hình truy cập mở hoàn toàn. Các nhà xuất bản có một năm để thay đổi, sau đó các nhà tài trợ ủng hộ Kế hoạch S sẽ yêu cầu các nhà khoa học mà họ tài trợ lưu trữ các báo cáo trong kho lưu trữ truy cập mở miễn phí ngay khi chúng được xuất bản – điều mà nhiều tạp chí hiện đang cấm.

‘Kinh thánh’ về an toàn sinh học

Giữa năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới dự kiến sẽ hoàn thành một sửa đổi lớn đối với sách “Hướng dẫn An toàn sinh học trong phòng thí nghiệm”. Các hướng dẫn này, vốn được sử dụng rộng rãi, phác thảo các cách thức thực hành tốt nhất để xử lý an toàn những mầm bệnh như Ebola. Đây là lần chỉnh sửa đầu tiên kể từ năm 2004, tập trung hơn vào việc tạo ra các đánh giá rủi ro theo địa điểm và thử nghiệm cụ thể, và cải thiện việc quản lý, thực hành và đào tạo nhân viên phòng thí nghiệm. Việc sửa đổi nhằm mục đích ngăn cản các phòng thí nghiệm tiếp cận an toàn sinh học theo kiểu học vẹt và khuyến khích tạo ra các quy trình linh hoạt và hiệu quả hơn.

Can thiệp khí hậu

Khi lượng khí thải carbon tiếp tục tăng, năm 2019 có thể chứng kiến các thí nghiệm đầu tiên nhắm trực tiếp đến cách làm mát nhân tạo cho Trái đất bằng việc sử dụng biện pháp can thiệp khí hậu địa kỹ thuật (geoengineering) kiểm soát hấp thụ ánh sáng Mặt trời.

Các nhà khoa học đứng sau thí nghiệm “Thay đổi có kiểm soát tầng bình lưu” (SCoPEx) dự định sẽ phun 100 gram chùm hạt giống như bụi phấn vào tầng bình lưu để quan sát cách chúng phân tán. Những hạt này có thể làm mát hành tinh bằng cách phản xạ một số tia Mặt trời trở lại không gian. Những người hoài nghi về can thiệp khí hậu địa kỹ thuật lo ngại rằng thực tế có thể có những hậu quả không lường trước và công nghệ này có thể làm ảnh hưởng tới nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính. Nhóm SCoPEx do Hoa Kỳ lãnh đạo đang chờ đợi việc chấp thuận tiến hành thử nghiệm này từ ủy ban cố vấn độc lập.

Những kỳ vọng lớn


Canada sẽ thu được nhiều kết quả nghiên cứu mới sau khi chính phủ hợp pháp hóa cần sa và nhiều chính quyền tỉnh, liên bang đã tài trợ cho các nghiên cứu về cần sa. 

Các nhà nghiên cứu ở Canada sẽ bắt đầu thấy những kết quả đầu tiên từ một loạt các nghiên cứu về trồng trọt và sinh trưởng của cần sa. Vào tháng 10 năm 2018, quốc gia này đã hợp pháp hóa cần sa cho tất cả các mục đích sử dụng. Canada là quốc gia thứ hai trên thế giới, sau Uruguay, hợp pháp hóa cần sa. Quyết định này cũng đưa tới nhiều tài trợ cho các nghiên cứu về cần sa từ chính quyền tỉnh và liên bang. Vào cuối năm 2019, các nhà nghiên cứu tại Đại học Guelph hy vọng sẽ khai trương trung tâm học thuật chuyên dụng đầu tiên của Canada về nghiên cứu cần sa, nơi sẽ nghiên cứu mọi thứ, từ di truyền thực vật cho đến lợi ích sức khỏe của loại thực vật này.

Tín hiệu vũ trụ

Theo kế hoạch, kính thiên văn vô tuyến lớn nhất thế giới – Thiên Nhãn- Kính viễn vọng vô tuyến hình cầu khẩu độ 500m của Trung Quốc  – sẽ được vận hành đầy đủ và sẵn sàng cho nghiên cứu từ tháng Chín năm nay. Kể từ năm 2016, kính viễn vọng khổng lồ trị giá 1,2 tỷ nhân dân tệ (170 triệu USD) đã phát hiện hơn 50 sao xung (pulsar) mới: những ngôi sao chết có mật độ vật chất dày đặc và quay vô cùng nhanh. Thiết bị này sẽ sớm săn lùng các tín hiệu mờ nhạt phát ra từ hiện tượng như những vụ nổ sóng vô tuyến nhanh và các đám mây khí vũ trụ. Trong khi đó, các nhà thiên văn học sẽ quyết định xem có nên tiếp tục với việc xây dựng Kính viễn vọng Ba mươi mét trên núi Mauna Kea, Hawaii hay không. Năm 2018, kế hoạch xây dựng tại Hawaii này đã vượt qua những thách thức pháp lý cuối cùng từ phía người dân địa phương. ¨

Hoàng Nam lược dịch
Nguồn bài & ảnh: https://www.nature.com/articles/d41586-018-07847-3

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)