Khoai tây làm thay đổi thế giới 

Được các nhà thám hiểm Tây Ban Nha mang từ Tân Thế giới đến châu Âu, những củ khoai tây nhỏ bé đã góp phần tạo ra nền nông nghiệp hiện đại ngày nay.

Các gia đình ở một thung lũng thuộc miền Trung Peru trồng trung bình 10,6 giống khoai tây truyền thống.

Khi cây khoai tây ra hoa, những bông hoa của chúng năm cánh rạng rỡ như những ngôi sao màu xanh tím trên cánh đồng. Theo một số tài liệu, hoàng hậu Marie Antoinette của Pháp thích những bông hoa này đến mức cài lên tóc. Chồng bà, Vua Louis XVI, cũng cài hoa khoai tây vào khuy áo, tạo nên một trào lưu thời trang ngắn trong giới quý tộc Pháp. Đây là một trong những nỗ lực nhằm thuyết phục người dân Pháp trồng và ăn loại cây mới lạ này. 

Ngày nay, khoai tây là cây trồng quan trọng thứ năm trên thế giới, sau lúa mì, ngô, lúa nước và mía. Nhưng vào thế kỷ 18, khoai tây là một loài cây mới lạ, khiến một số người sợ hãi hoặc bối rối – tất cả nằm trong cơn biến động sinh thái toàn cầu do Christopher Columbus gây ra.

“Cuộc trao đổi Columbus”

Khoảng 250 triệu năm trước, thế giới chỉ có lục địa khổng lồ duy nhất là Pangaea. Các lực địa chất đã phá vỡ Pangaea, tạo ra các lục địa quen thuộc ngày nay. Theo thời gian, hệ sinh thái động thực vật ở mỗi nơi đã phát triển hoàn toàn khác biệt. Tuy nhiên, các chuyến đi của Columbus đã gắn kết lại các ranh giới của Pangaea – nhà sử học Alfred W. Crosby mô tả quá trình này là “cuộc trao đổi Columbus”. Các hệ sinh thái tách biệt lâu đời trên thế giới đột ngột va chạm và hòa trộn, dẫn đến những thay đổi lịch sử. Bông hoa khoai tây được cài lên áo của Louis XVI, bắt nguồn từ những cây khoai tây ở Peru đã băng qua Đại Tây Dương, vừa là biểu tượng của “cuộc trao đổi Columbus”, vừa là một phần quan trọng trong cuộc trao đổi sinh thái này. 


Các nền văn hóa ở dãy Andes có nhiều điểm khác nhau, nhưng có một điểm chung là tất cả đều sử dụng các loại cây ăn củ và rễ, quan trọng nhất khoai tây.

Các loại cây cho củ thường có năng suất cao hơn ngũ cốc. Nếu phần bông nằm ở ngọn cây lúa nước hoặc lúa mì phát triển quá lớn, cây có thể bị gãy đổ. Nhưng các loại củ mọc dưới đất không bị giới hạn như vậy. Năm 2008, một người nông dân ở Lebanon đã đào được một củ khoai tây nặng hơn 11 kg.

Năm 1853, Andreas Friederich, nhà điêu khắc người Alsace (vùng lãnh thổ của Pháp, trước đây từng nằm dưới quyền kiểm soát của Đức) đã dựng một bức tượng của Ngài Francis Drake (nhà thám hiểm và cướp biển người Anh, người thứ hai đi vòng quanh thế giới) ở Offenburg, phía Tây Nam nước Đức. Bức tượng khắc họa nhà thám hiểm người Anh đang nhìn về phía chân trời xa xôi, tay phải đặt lên chuôi kiếm, tay trái cầm một cây khoai tây. Dưới chân bức tượng có khắc những câu sau: “Người phổ biến khoai tây ở châu Âu/Vào năm 1586/Hàng triệu người/Canh tác đất đai/Ban phước cho ký ức bất tử của ông”. 

Bức tượng đã bị Đức quốc xã kéo đổ vào đầu năm 1939, trong làn sóng bài Do Thái và bài ngoại sau cơn cuồng loạn bạo lực Kristallnacht (Đêm kính vỡ: chỉ cuộc thảm sát người Do Thái đã nổ ra trên khắp nước Đức vào ngày 9-10/11/1938). Việc phá hủy bức tượng là một tội ác chống lại nghệ thuật, không phải lịch sử: Drake khó có thể là người mang khoai tây đến châu Âu. Và dù có mang đến đi chăng nữa, phần lớn công lao phát triển cây khoai tây chắc chắn thuộc về những người Andes (cư dân bản địa thuộc khu vực trung tâm dãy Andes ở Nam Mỹ) đã thuần hóa nó. 

Về mặt địa lý, Andes không phải là nơi sinh ra các loại cây lương thực chính. Là dãy núi dài nhất hành tinh, tạo thành một rào cản băng giá trên bờ biển Thái Bình Dương của Nam Mỹ, dài 5.500 dặm và ở nhiều khu vực cao hơn 22.000 feet (hơn 6000m). Các núi lửa đang hoạt động nằm rải rác dọc theo chiều dài dãy núi, xen kẽ những đứt gãy địa chất, chúng đẩy nhau và gây ra động đất, lũ lụt, sạt lở đất. Ngay cả khi không có địa chấn, vẫn còn vấn đề khác – khí hậu Andes rất biến động. Nhiệt độ ở vùng cao có thể dao động từ 75 độ F (gần 24oC) xuống mức đóng băng trong vài giờ – không khí quá loãng để giữ nhiệt.

Từ điều kiện địa hình có vẻ không lý tưởng này đã sinh ra một trong những truyền thống văn hóa vĩ đại nhất thế giới. Khi người Ai Cập xây dựng kim tự tháp, người Andes cũng tạo ra những ngôi đền và quảng trường nghi lễ đồ sộ. Trong nhiều thiên niên kỷ, những dân tộc hiếu chiến đã tranh giành quyền lực từ Ecuador đến miền Bắc Chile. Nổi tiếng nhất là người Inca – họ đã nhanh chóng chiếm giữ phần lớn dãy Andes, xây dựng những xa lộ và thành phố tráng lệ huy hoàng bằng vàng, rồi sụp đổ trước bệnh tật và quân lính Tây Ban Nha. Các nền văn hóa ở dãy Andes có nhiều điểm khác nhau, nhưng có một điểm chung là tất cả đều sử dụng các loại cây ăn củ và rễ, quan trọng nhất khoai tây. 

Các nền văn hóa ở dãy Andes có nhiều điểm khác nhau, nhưng có một điểm chung là tất cả đều sử dụng các loại cây ăn củ và rễ, quan trọng nhất khoai tây.

Khoai tây hoang dại chứa solaninetomatine – những chất độc bảo vệ cây trước sự tấn công của nấm, vi khuẩn và con người. Việc nấu nướng thường phá vỡ các cơ chế bảo vệ hóa học của thực vật, tuy nhiên, solaninetomatine trong khoai tây lại không bị ảnh hưởng bởi nhiệt. Ở dãy Andes, guanaco và vicuña (họ hàng hoang dã của lạc đà không bướu) liếm đất sét trước khi ăn các loại cây có độc. Các chất độc bám dính – về mặt kỹ thuật gọi là “hấp phụ” – vào các hạt đất sét mịn, đi vào dạ dày, qua hệ tiêu hóa mà không ảnh hưởng đến động vật. Người dân nơi đây đã bắt chước quá trình này, họ nhúng khoai tây dại vào “nước sốt” gồm đất sét và nước. Cuối cùng, họ đã tạo ra loại khoai tây ít độc tố hơn, dù một số giống khoai cũ vẫn được ưa chuộng nhờ khả năng chịu lạnh tốt. Do vậy, các khu chợ ở Peru và Bolivia đã bán các loại bột đất sét để ăn kèm với loại khoai này.

Cứu vãn nạn đói

Việc ăn đất sét không cản bước sáng tạo ẩm thực nơi đây. Chắc chắn, các thổ dân châu Mỹ ở Andes đã ăn khoai tây luộc, nướng và nghiền, giống như người châu Âu hiện nay. Và họ cũng luộc khoai tây, gọt vỏ, thái nhỏ và phơi khô để làm món papas secas (khoai tây khô); hoặc lên men khoai tây trong những hố nước để tạo ra món toqosh dẻo, có mùi thơm; họ cũng nghiền nhỏ khoai tây, ngâm và lọc để tạo ra almidón de papa (tinh bột khoai tây). Phổ biến nhất là chuño (khoai tây đông khô), được làm bằng cách phơi khoai tây ngoài trời vào những đêm lạnh, khiến chúng đóng băng rồi sau đó rã đông dưới ánh nắng mặt trời buổi sáng. Chu kỳ đông lạnh – rã đông lặp đi lặp lại biến khoai tây thành những cục mềm, mọng nước. Sau khi vắt hết nước, chúng trở thành chuño: những củ khoai tây cứng, xốp, nhỏ và nhẹ hơn nhiều so với ban đầu. Khi nấu trong món hầm cay Andes, chúng giống món gnocchi, bánh bao bột khoai tây ở miền Trung nước Ý. Chuño có thể được bảo quản trong nhiều năm mà không cần tủ lạnh, trở thành lương thực dự phòng khi mất mùa. Đây là nguồn thực phẩm đã nuôi sống quân đội Inca.


Mô tả khoa học đầu tiên về khoai tây xuât hiện vào năm 1596, khi nhà tự nhiên học người Thụy Sĩ Gaspard Bauhin đặt tên khoa học cho khoai tây là Solanum tuberosum esculentum (sau này được đơn giản hóa thành Solanum tuberosum).

Ngày nay, một số người dân ở vùng nông thôn Andes vẫn ăn mừng vụ mùa thu hoạch khoai tây, giống như tổ tiên họ nhiều thế kỷ trước. Ngay sau khi nhổ khoai tây, người ta đổ đất vào những lò đất có hình dạng giống như lều tuyết, cao 18 inch (45cm). Sau đó, họ bỏ thân cây, rơm, cành cây, mẩu gỗ, phân bò vào lò. Khi nhiệt độ cao khiến lò chuyển sang màu trắng, người ta sẽ đặt khoai tây tươi lên tro để nướng. Hơi nước bốc lên từ những củ khoai tây nóng, bay lên giữa không khí lạnh lẽo và trong lành. Mọi người sẽ nhúng khoai tây vào muối thô và đất sét ăn được. Những làn gió đêm mang theo mùi khoai nướng bay xa hàng dặm. 

Khoai tây của người Andes khi chưa tiếp xúc với người châu Âu không phải là khoai tây hiện đại; họ trồng các giống khoai khác nhau ở những độ cao khác nhau. Người dân trong một làng thường trồng vài loại cơ bản, nhưng hầu hết người Andes đã trồng nhiều loại khoai tây khác nhau để làm phong phú hương vị. Kết quả là tạo ra sự đa dạng đầy hỗn loạn. Khoai tây trong một ngôi làng ở độ cao này có thể rất khác so với những củ khoai tây cách đó vài dặm, thuộc ngôi làng khác ở độ cao khác. 

Năm 1995, một nhóm nghiên cứu người Mỹ gốc Peru phát hiện các gia đình ở một thung lũng thuộc miền Trung Peru trồng trung bình 10,6 giống khoai tây truyền thống – họ gọi là giống bản địa, mỗi giống có tên riêng. Ở những ngôi làng lân cận, Karl Zimmerer, nhà khoa học môi trường ở Đại học bang Pennsylvania, đã đến thăm các cánh đồng trồng 20 giống bản địa. Trung tâm Khoai tây quốc tế tại Peru đã bảo tồn gần 5.000 giống khoai tây. Zimmerer nhận xét, sự đa dạng của các loại khoai tây trên một cánh đồng ở Andes “vượt qua 9/10 khoai tây trên toàn bộ nước Mỹ”. Do vậy, khoai tây Andes không phải là thực vật đơn loài mà là tập hợp nhiều thực thể di truyền có họ hàng với nhau. Việc phân loại khoai tây là một bài toán đau đầu với các nhà  phân loại học trong nhiều thập kỷ. 


Bằng cách thúc đẩy trồng khoai tây trên quy mô lớn, Parmentier vô tình khuyến khích ý tưởng canh tác khoai tây nhân giống vô tính trên diện tích lớn – một hình thức độc canh thực thụ.

Những người Tây Ban Nha đầu tiên đến đây, do nhà thám hiểm Tây Ban Nha Francisco Pizarro dẫn đầu vào năm 1532, thấy các thổ dân châu Mỹ ăn những vật thể tròn kỳ lạ này và bắt chước họ. Thông tin về loại thực phẩm mới nhanh chóng lan truyền. Trong vòng ba thập kỷ, nông dân Tây Ban Nha ở quần đảo Canary đã xuất khẩu khoai tây sang Pháp và Hà Lan. Mô tả khoa học đầu tiên về khoai tây xuất hiện vào năm 1596, khi nhà tự nhiên học người Thụy Sĩ Gaspard Bauhin đặt tên khoa học cho khoai tây là Solanum tuberosum esculentum (sau này được đơn giản hóa thành Solanum tuberosum).

Khác với tất cả những loại cây trồng ở châu Âu, khoai tây không được trồng bằng hạt mà bằng những miếng khoai nhỏ – được gọi nhầm là “khoai tây giống”. Nông dân châu Âu vừa nghi ngờ, vừa tò mò trước loại thực phẩm xa lạ này; một số người tin rằng nó có tác dụng kích thích ham muốn, những người khác cho rằng nó là nguyên nhân gây sốt hoặc bệnh phong. Nhà triết học và nhà phê bình người Pháp Denis Diderot đã bày tỏ lập trường trung dung về khoai tây trong cuốn Bách khoa toàn thư (1751-65) của mình – bộ bách khoa toàn thư đầu tiên của châu Âu đại diện cho cho tư tưởng Khai sáng. “Dù chế biến như thế nào thì nó cũng vô vị và nhiều tinh bột”, ông viết. “Nó không dễ ăn, nhưng là nguồn thực phẩm dồi dào, lành mạnh cho những người chỉ cần dinh dưỡng để sống. Diderot coi khoai tây là “khí” (nó gây đầy hơi) nhưng vẫn ủng hộ nó. “Đầy hơi có là gì đối với những người nông dân và người lao động khỏe mạnh?”, ông bày tỏ. 

Với sự tán thành yếu ớt như vậy, khoai tây phổ biến khá chậm ở châu Âu. Khi nạn đói xảy ra ở Phổ năm 1744, Frederick Đại đế, một người đam mê khoai tây, phải ra lệnh bắt nông dân ăn khoai tây. Vào thế kỷ 18, nông dân Anh đã lên án khoai tây liên quan đến Công giáo La Mã vốn bị ghét ở Anh. “Không khoai tây, không Giáo hoàng!” là khẩu hiệu bầu cử ở Anh năm 1765. Việc sử dụng khoai tây ở Pháp cũng rất chậm chạp. Antoine-Augustin Parmentier, dược sĩ và nhà nông học người Pháp, đã góp phần quan trọng trong công cuộc biến khoai tây trở thành đồ ăn của người Pháp. 

Họa sĩ François Dumont mô tả Antoine-Augustin Parmentier, dược sĩ và nhà nông học người Pháp, tay cầm bó hoa được kết bằng lượm lúa mì, bắp ngô và hoa khoai tây. Tranh hiện treo tại Paris Musées.

Là một dược sĩ, Parmentier phục vụ trong quân đội trong Chiến tranh Bảy năm (Seven Years’ War: cuộc xung đột giữa các cường quốc châu Âu từ năm 1756-1763) và bị quân Phổ bắt giữ năm lần. Khi bị giam giữ, ông buộc phải ăn khoai tây theo khẩu phần nhưng vẫn sống sót khỏe mạnh. Parmentier rất bất ngờ bởi ở Pháp, khoai tây đã bị cấm (từ năm 1748-1772) vì chính phủ cho rằng nó độc và gây ra bệnh tật. Khi chiến tranh kết thúc, ông đã trở thành một nhà hóa học dinh dưỡng và dành phần đời còn lại của mình để phổ biến khoai tây ở Pháp. 

Parmentier đã chọn đúng thời điểm. Sau khi lên ngôi năm 1775, Louis XVI bãi bỏ kiểm soát giá ngũ cốc, qua đó làm giá bánh mì tăng vọt, gây ra cuộc chiến tranh bột mì: hơn 300 vụ bạo loạn dân sự ở 82 thị trấn. Parmentier khẳng định, tình trạng này sẽ chấm dứt nếu người dân chấp nhận ăn khoai tây. Ông cũng tìm nhiều cách quảng cáo khoai tây: thết đãi các vị khách thượng lưu một bữa tiệc toàn khoai tây (người ta nói rằng một trong những vị khách là Thomas Jefferson, Tổng thống thứ ba của nước Mỹ, đã rất hứng thú và đưa khoai tây chiên kiểu Pháp đến Mỹ); thuyết phục vua và hoàng hậu cài hoa khoai tây; trồng 40 mẫu Anh khoai tây ở vùng ven Paris, vì biết những người dân đói khát sẽ ăn trộm chúng. 

Trong lúc nâng tầm khoai tây, Parmentier đã góp phần thay đổi loài cây này. Tất cả khoai tây ở châu Âu đều bắt nguồn là một vài củ khoai tây do người Tây Ban Nha gửi về. Khi nông dân trồng các mẩu củ nhỏ thay vì hạt giống, tạo ra mầm khoai tây theo hình thức sinh sản vô tính. Bằng cách thúc đẩy trồng khoai tây trên quy mô lớn, Parmentier vô tình khuyến khích ý tưởng canh tác khoai tây nhân giống vô tính trên diện tích lớn – một hình thức độc canh thực thụ.

Quá trình này mang lại tác động đặc biệt: giờ đây, không thể bỏ qua khoai tây khi nhắc đến lịch sử châu Âu. Nạn đói là tình trạng quen thuộc ở châu Âu vào thế kỷ 17-18. Hầu hết các thành phố vẫn no đủ, với các kho lương được kiểm soát chặt chẽ, nhưng người dân nông thôn luôn có nguy cơ bị đói. Theo nhà sử học Fernand Braudel, 40 nạn đói đã xảy ra trên toàn nước Pháp trong giai đoạn 1500-1800, tức là mỗi thập kỷ có hơn một nạn đói. Pháp không phải là trường hợp ngoại lệ; Anh đã trải qua 17 nạn đói lớn trên toàn quốc và khu vực từ năm 1523-1623. Châu Âu không thể tự cung cấp đủ lương thực ổn định. 


“Bằng cách nuôi sống dân số đang tăng nhanh, khoai tây giúp một số quốc gia châu Âu khẳng định quyền thống trị trên phần lớn thế giới trong giai đoạn 1750-1950. Nói cách khác, khoai tây đã thúc đẩy sự trỗi dậy của phương Tây”. (Nhà sử học William H. McNeill)

Khoai tây đã thay đổi tất cả. Hằng năm, nhiều nông dân bỏ trống một nửa diện tích đất trồng ngũ cốc, cho đất nghỉ ngơi và chống cỏ dại (được cày xới vào mùa hè). Giờ đây, các nông hộ nhỏ có thể trồng khoai tây trên đất trống, kiểm soát cỏ dại bằng cách xới đất. Kết quả là nguồn cung thực phẩm của châu Âu đã tăng gấp đôi (xét theo lượng calo), vì khoai tây có năng suất cao. 

“Lần đầu tiên trong lịch sử Đông Âu, vấn đề lương thực đã được giải quyết rốt ráo”, nhà sử học người Bỉ Christian Vandenbroeke nhận xét vào những năm 1970. Đến cuối thế kỷ 18, khoai tây đã trở thành lương thực chính ở nhiều nơi tại châu Âu – giống như ở Andes. Khoảng 40% người Ireland không ăn bất kỳ loại thực phẩm rắn nào khác ngoài khoai tây; ở Hà Lan, Bỉ, Phổ và Ba Lan rơi vào khoảng 10-30%. Nạn đói thường xuyên gần như biến mất ở xứ sở khoai tây – một dải đất kéo dài 2000 dặm từ Ireland ở phía Tây đến dãy núi Ural của Nga ở phía Đông. Cuối cùng, châu Âu có thể tự sản xuất lương thực đủ ăn. 

Thậm chí, theo nhà sử học William H. McNeill, khoai tây đã góp phần hình thành các đế chế: “Bằng cách nuôi sống dân số đang tăng nhanh, nó giúp một số quốc gia châu Âu khẳng định quyền thống trị trên phần lớn thế giới trong giai đoạn 1750-1950”. Nói cách khác, khoai tây đã thúc đẩy sự trỗi dậy của phương Tây. 


Cuộc cách mạng bắt đầu từ khoai tây, ngô và phân chim đã nâng mức sống trên toàn thế giới tăng gấp đôi hoặc gấp ba, ngay cả khi dân số vào những năm 1700 chưa đầy một tỷ người đã tăng lên khoảng bảy tỷ người hiện nay. 

“Cuộc cách mạng” từ phân chim

Quần đảo Chincha, gồm ba hòn đảo nhỏ cách bờ biển phía Nam Peru 13 dặm, thường bốc mùi hôi khó chịu. Trên đảo chủ yếu là đá granite khô cằn, hầu như không có gì mọc trên đó. Điểm khác biệt là những đàn cá lớn dọc theo bờ biển nơi đây đã thu hút quần thể chim biển, đặc biệt là chim điên Peru, bồ nông Peru và chim cốc Peru, làm tổ trên quần đảo Chincha trong nhiều thiên niên kỷ. Theo thời gian, chúng phủ lên các hòn đảo một lớp phân chim dày 150 feet (hơn 45m). 

Đây là một loại phân bón tuyệt vời. Chúng cung cấp nitơ cho thực vật – hợp chất cần thiết để tạo ra diệp lục, giúp lá cây hấp thụ năng lượng Mặt trời để quang hợp. Dù trong khí quyển có nhiều nitơ nhưng khí này được tạo ra từ hai nguyên tử nitơ liên kết rất chặt chẽ, thực vật không thể tách ra để dùng. Do vậy, thực vật sẽ tìm kiếm các hợp chất chứa nitơ có thể sử dụng được như amoniac và nitrat từ đất. Tuy nhiên, vi khuẩn trong đất liên tục tiêu thụ các hợp chất này, vì vậy, nitơ trong đất thường không đáp ứng đủ nhu cầu của cây trồng. 

Năm 1840, nhà hóa học hữu cơ Justus von Liebig đã xuất bản một chuyên luận giải thích vai trò của nitơ với thực vật, ca ngợi phân chim là nguồn cung cấp nitơ dồi dào. Những người nông dân nhạy bén đã chạy đua để mua phân chim. Năng suất của họ tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba. Sự màu mỡ trong một chiếc túi! Sự thịnh vượng có thể mua được trong một cửa hàng!

Cơn sốt phân chim đã bắt đầu. Trong 40 năm, Peru đã xuất khẩu khoảng 13 triệu tấn phân chim, phần lớn được khai thác trong điều kiện lao động khủng khiếp với nhân công là nô lệ đến từ Trung Quốc. Các nhà báo lên án tình trạng bóc lột lao động, nhưng công chúng chủ yếu bức xúc vì tình trạng độc quyền phân chim của Peru. Tạp chí Nông dân Anh đã chỉ ra vấn đề vào năm 1854: “Chúng tôi không nhận được lượng phân chim theo yêu cầu; chúng tôi muốn nhiều hơn, nhưng phải có giá thấp hơn”. Nếu Peru vẫn tiếp tục độc quyền sản phẩm giá trị như vậy, thì giải pháp duy nhất là xâm lược. Cướp lấy các đảo phân chim! Dưới sự phẫn nộ của công chúng, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Đảo Phân chim vào năm 1856, cho phép người Mỹ chiếm hữu bất kỳ mỏ phân chim nào mà họ phát hiện. Trong nửa thế kỷ tiếp theo, các thương nhân Mỹ đã khẳng định chủ quyền với 94 hòn đảo, cồn cát, đầu san hô và đảo san hô vòng. 

Một xe khai thác liên hợp trên cánh đồng khoai tây. Ảnh: Shutterstock

Nhìn từ góc độ hiện nay, người ta sẽ thấy khó hiểu trước sự phẫn nộ của công chúng, những đe dọa hành động pháp lý, bàn tán về chiến tranh, các bài xã luận về phân bón phân chim. Nhưng vào thời đó, nông nghiệp là “hoạt động kinh tế chính của mọi quốc gia”, nhà sử học môi trường Shawn William Miller giải thích. “Độ màu mỡ của một quốc gia, được quyết định bởi phạm vi tự nhiên của đất đai, đương nhiên sẽ định hình thành công về mặt kinh tế”. Chỉ trong vài năm, nông nghiệp Mỹ và châu Âu đã phụ thuộc vào phân bón thâm canh, giống như giao thông ngày nay phụ thuộc vào dầu mỏ – đến giờ vẫn chưa thay đổi.

Phân chim đã thiết lập khuôn mẫu cho nền nông nghiệp hiện đại. Nhờ von Liebig, nông dân đã coi đất như công cụ để họ đổ các bao chất dinh dưỡng hóa học xuống, từ đó thu hoạch mùa màng sản lượng lớn để phân phối đến các thị trường xa xôi. Để tối đa hóa năng suất, nông dân ngày càng mở rộng diện tích canh tác với một loại cây trồng duy nhất – hình thức độc canh công nghiệp. 

Trước khi khoai tây (và ngô), và bón phân thâm canh xuất hiện, mức sống của người dân ở châu Âu gần tương đương với Cameroon và Bangladesh ngày nay. Độc canh công nghiệp đã giúp hàng tỷ người ở châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới thoát khỏi đói nghèo. Cuộc cách mạng bắt đầu từ khoai tây, ngô và phân chim đã nâng mức sống trên toàn thế giới tăng gấp đôi hoặc gấp ba, ngay cả khi dân số vào những năm 1700 chưa đầy một tỷ người đã tăng lên khoảng bảy tỷ người hiện nay. 

Thúc đẩy ngành công nghiệp thuốc trừ sâu

Tên Phytophthora infestans có nghĩa là “kẻ phá hoại thực vật rắc rối”. P. infestans thuộc loại nấm oomycete, gây ra bệnh mốc sương/tàn lụi khoai tây. Nó phát tán những túi nhỏ gồm 6 đến 12 bào tử theo gió, thường bay xa không quá 20 feet, đôi khi là nửa dặm hoặc hơn. Khi rơi xuống một cái cây dễ bị bệnh, nó sẽ vỡ ra, giải phóng bào tử động. Nếu đủ nóng ẩm, bào tử động sẽ nảy mầm, tỏa ra những sợi nhỏ bám vào lá. Các triệu chứng rõ ràng đầu tiên là những đốm màu đen tím hoặc nâu tím trên lá có thể thấy rõ trong khoảng năm ngày. Lúc đó thường đã quá muộn để cứu những cây này. 


Giữa những năm 1880, một nhà nghiên cứu người Pháp phát hiện dung dịch đồng sunfat và vôi tiêu diệt được P. infestans. Phun màu xanh Paris lên khoai tây, sau đó là đồng sunfat sẽ tiêu diệt được cả hai loại bệnh hại này. Ngành công nghiệp thuốc trừ sâu hiện đại đã bắt đầu.

P. infestans nhắm đến các loài trong họ cà, đặc biệt là khoai tây và cà chua. Các nhà khoa học cho rằng, loại bệnh hại này có nguồn gốc từ Peru. Hoạt động thương mại quy mô lớn giữa Peru và Bắc Âu bắt đầu từ cơn sốt phân chim. Dù không tìm thấy bằng chứng song nhiều người cho rằng các tàu chở phân chim đã mang theo P. infestans, có lẽ đã đến Antwerp (Bỉ). P. infestans bùng phát lần đầu tiên vào đầu mùa hè năm 1845, tại Kortrijk, vùng Tây Flanders (Bỉ), cách biên giới Pháp sáu dặm.

Bệnh dịch đã lan đến Paris vào tháng tám cùng năm. Vài tuần sau, nó đã phá hủy khoai tây ở Hà Lan, Đức, Đan Mạch và Anh. Các chính phủ hoảng loạn. P. infestans đã xuất hiện ở Ireland vào ngày 13/9/1845. Theo Cormac O Grada, nhà kinh tế học và sử gia về bệnh dịch tại Đại học Dublin (UCD), nông dân Ireland đã trồng khoảng 2,1 triệu mẫu Anh khoai tây vào năm đó. Trong hai tháng, P. infestans đã xóa sổ một nửa đến ba phần tư triệu mẫu Anh. Các năm sau còn tệ hơn. Đến năm 1852, bệnh dịch mới chấm dứt. Hơn một triệu người Ireland đã chết – một trong những nạn đói thảm khốc nhất trong lịch sử, xét theo thiệt hại về tỉ lệ dân số. Nó tương đương với một nạn đói giết chết gần 40 triệu người ở Mỹ ngày nay. 

Trong vòng một thập kỷ, hai triệu người đã rời bỏ Ireland, gần ba phần tư trong số này đến Mỹ. Sau đó nhiều người khác cũng đi theo. Đến những năm 1960, dân số Ireland vẫn chỉ bằng một nửa so với năm 1840. Ngày nay, Ireland là quốc gia duy nhất ở châu Âu, và có lẽ là duy nhất trên thế giới, có số dân ít hơn so với 150 năm trước dù ranh giới không đổi. 

Tuy gây thiệt hại nặng nề song về mặt lâu dài, P. infestans không nguy hiểm bằng loài bọ khoai tây Colorado: Leptinotarsa decemlineata. Xuất phát từ phía Nam miền Trung Mexico, sinh vật màu cam và đen này thường ăn một loại cây họ cà, Solanum rostratum, một loài họ hàng với khoai tây. Các nhà sinh vật học cho rằng Solanum rostratum ban đầu chỉ có ở Mexico, sau đó người Tây Ban Nha đến châu Mỹ, mang theo ngựa và bò. Thổ dân châu Mỹ nhanh chóng nhận ra sự hữu ích của các loài động vật này, họ đã ăn trộm chúng và đưa về phía Bắc. Solanum rostratum có lẽ đã vướng vào bờm ngựa, đuôi bò và túi yên ngựa. Bọ khoai tây Colorado cũng bám theo, đến những vùng trồng khoai tây quanh khu vực sông Missouri vào đầu những năm 1860, và thích hương vị của loài cây này. 

Trong nhiều thiên niên kỷ, loài bọ này đã quen với những cây Solanum rostratum nằm rải rác trên những ngọn đồi ở Mexico. Vì những cánh đồng chỉ có một vài giống khoai tây, nên các loài bệnh hại dễ dàng vượt qua những hàng phòng thủ tự nhiên. Quá trình này càng thuận lợi hơn nhờ các sáng chế như đường sắt, tàu hơi nước và tủ lạnh. Bọ khoai tây lan rộng đến mức khi đến Bờ Đông nước Mỹ, những con bọ màu cam rực rỡ trải kín bờ biển, và phủ lên đường ray khiến xe lửa không thể đi qua vì trơn trượt. 

Những người nông dân tuyệt vọng đã thử mọi cách, một người đã đổ ít sơn xanh còn thừa lên cây khoai tây bị nhiễm bệnh và thấy hiệu quả. Sắc tố xanh ngọc trong sơn là màu xanh Paris, chủ yếu được làm từ asen và đồng, xuất hiện từ cuối thế kỷ 18. Những người nông dân đã pha loãng, trộn với bột mì để rắc lên khoai tây hoặc trộn với nước để phun lên khoai tây. 

Màu xanh Paris là một món quà của Chúa. Nó gợi mở ý tưởng mới cho các nhà hóa học: nếu asen tiêu diệt được bọ khoai tây, vì sao không thử với các bệnh hại khác? Vào giữa những năm 1880, một nhà nghiên cứu người Pháp phát hiện dung dịch đồng sunfat và vôi tiêu diệt được P. infestans. Phun màu xanh Paris lên khoai tây, sau đó là đồng sunfat sẽ tiêu diệt được cả hai loại bệnh hại này. Ngành công nghiệp thuốc trừ sâu hiện đại đã bắt đầu.

Từ năm 1912, bọ khoai tây bắt đầu có dấu hiệu miễn dịch với màu xanh Paris. Nhưng nông dân không để ý vì ngành công nghiệp thuốc trừ sâu liên tục đưa ra các hợp chất asen mới có khả năng tiêu diệt bọ khoai tây. Đến những năm 1940, những người nông dân ở Long Island phát hiện lượng thuốc trừ sâu phải sử dụng ngày càng nhiều. Sau Thế chiến II, một loại thuốc trừ sâu hoàn toàn mới đã được sử dụng rộng rãi: DDT. Nông dân đã mua DDT và vui mừng khi côn trùng biến mất khỏi cánh đồng. Hiệu quả chỉ kéo dài bảy năm, bọ khoai tây đã kịp thích nghi và nông dân muốn loại thuốc mới. Ngành công nghiệp thuốc trừ sâu tạo ra dieldrin. Hiệu quả kéo dài khoảng ba năm. Đến giữa những năm 1980, một loại thuốc trừ sâu mới ở miền đông nước Mỹ chỉ có hiệu quả trong một vụ.

Những người chỉ trích gọi đây là “vòng lặp độc hại”, mỗi mùa vụ, những người trồng khoai tây sử dụng ít nhất hàng chục lần các loại hóa chất liên tục thay đổi này. Có năm, bệnh mốc sương khoai tây đã xóa sổ phần lớn cà chua và khoai tây ở Bờ Đông nước Mỹ. Do mùa hè ẩm ướt bất thường, các vùng trồng nhiễm bệnh đã biến thành những đống nhầy nhụa. Nó cũng quét qua số cà chua ít ỏi chưa chìm trong nước mưa tại khu vườn của tôi ở New England. Một trong những người hàng xóm của tôi đã đổ lỗi cho “cuộc trao đổi Columbus” đã gây ra dịch bệnh này. “Những cây cà chua đó đến từ Trung Quốc”, ông buồn bã nói.□

Thanh An dịch

Nguồn: https://www.smithsonianmag.com/history/how-the-potato-changed-the-world-108470605/

Bài đăng Tia Sáng số 7/2025

Tác giả

(Visited 106 times, 1 visits today)