Khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng

Thông tin từ một Hội thảo Mới đây, ngày 21.03 tại Đà Nẵng, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức Hội thảo “Công bố báo cáo cập nhật nghèo 2006”. Báo cáo cho thấy Việt Nam đạt kết quả xuất sắc trong việc giảm nghèo thời kỳ 1993-2004. Tỉ lệ nghèo năm 2004 chỉ bằng 1/3 năm 1993. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các nhóm người giàu nhất và nhóm người nghèo nhất đang bị nới rộng. Năm 1993, chi cho tiêu dùng bình quân đầu người của gia đình giàu nhất cao gấp 5 lần so với gia đình nghèo nhất thì tỷ lệ này tăng lên 6,3 lần vào năm 2004. Tỷ lệ chi tiêu bình quân đầu người của nhóm giàu nhất trong tổng chi tiêu dùng xã hội tăng từ 41,8% lên 44,7%, trong khi đó nhóm nghèo nhất lại giảm từ 8,4% xuống còn 7,1% ở cùng thời kỳ.

Một chỉ số khác cũng phản ánh sự chênh lệch giàu – nghèo, chỉ số Gini, đo mức độ chênh lệch trong thu nhập giữa nhóm người giàu nhất và nhóm người nghèo nhất. Theo UNDP, đối với Việt Nam chỉ số này hiện nay là 36,2 – cao hơn rất nhiều so với những nước phát triển trên thế giới và chỉ thấp hơn Trung Quốc (40,3) và Nga (45,6). Cũng theo tính toán của UNDP, trong khi toàn xã hội đang được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế, thì người nghèo ở Việt Nam được hưởng lợi ít nhất, chỉ bằng 76,6% so với mức trung bình; trong khi đó người giàu được hưởng lợi hơn hẳn là 115%.

Một vài số liệu thống kê
Số liệu công bố trên website của Tổng cục Thống kê có phần “khiêm tốn” hơn. Theo tính toán năm 2004, mức thu nhập bình quân đầu người một tháng ở ta là 484,4 nghìn đồng, trong khi đó thu nhập bình quân ở thành thị (815,4 nghìn) gấp 2,15 lần nông thôn (378,1 nghìn). Thu nhập của vùng giàu nhất, vùng Đông Nam Bộ (833 nghìn) cao gấp 3,13 lần vùng nghèo nhất – Tây Bắc (265,7 nghìn).  Tỷ lệ nghèo chung1 trong cả nước năm 2004 là 19,5%. Như vậy, chỉ hai năm trước đây thôi, chúng ta còn có hơn 16 triệu đồng bào sống với mức thu nhập ít hơn 5.766 đồng/ngày. Chỉ cần so sánh thu nhập của 16 triệu đồng bào này với mức thu nhập bình quân của cán bộ công chức nhà nước, từ 1,5-3,0 triệu đồng/tháng, đã thấy ngay mức chênh lệch đã là 10-20 lần. Còn nếu ai có đủ dũng cảm đem so sánh mức thu nhập của nhóm người này với nhóm người giàu nhất Việt Nam (ví dụ với tốp 100 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán chẳng hạn) thì con số chênh lệch lên tới nhiều trăm lần là chuyện bình thường.

Và những ghi nhận từ thực tế
Chắc có bạn sẽ cho rằng chúng tôi suy diễn hơi quá đà. Mức độ chênh lệch giàu nghèo ở nước ta tuy lớn, nhưng không thể lên tới mức mấy trăm lần. Không sao, trăm nghe không bằng một thấy. Chỉ cần một lần về quê (Bắc – Trung – Nam đều được), trò chuyện với bà con nông dân, làm mấy con tính đơn giản bạn sẽ kiểm chứng được ngay suy diễn của chúng tôi. Dưới đây là số liệu ghi chép được ở một vùng quê tỉnh Vĩnh Phúc. Một nhân khẩu nơi đây được chia 3 sào ruộng, mỗi năm thu hoạch 2,5 vụ, mỗi vụ chừng 6 tạ thóc, mỗi tạ thóc giá khoảng 300 nghìn đồng. Vị chi, một năm một người dân làm thuần nông sẽ có tổng thu nhập chừng 4,5 triệu đồng (6×2,5×300 nghìn), trừ đi 50% chi phí (giống, thuốc trừ sâu, phân bón…), còn lại chỉ trên dưới 2 triệu. Đem con số này trừ đi những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, bà con chỉ để ra được từ 300-500 nghìn đồng/người/năm tích lũy là may (đó là nhờ ơn trời không đau ốm, bệnh tật, không đi cưới hỏi, ma chay, giỗ chạp…). Thế mới có chuyện nhà nông bung ra làm V.A.C. hay phát triển các ngành nghề phụ: thợ xây, thợ sắt, thợ mộc, thợ bật bông, đào đất…, đổ xô về thành phố kiếm việc làm. Nhìn tổng quát, bức tranh thu nhập của một vùng quê miền Bắc có thể chia làm 3 nhóm chính: i) nhóm thứ nhất – nhóm giàu nhờ làm nghề phụ, chiếm khoảng 10%, tích lũy hàng năm đạt chừng từ 5-15 triệu đồng; ii) nhóm thứ hai – nhóm trung bình, làm nông kết hợp với V.A.C., chiếm khoảng 40% dân số, tích lũy hàng năm tính trên đầu người từ 500 nghìn – 1 triệu đồng; iii) nhóm thứ ba, nhóm nghèo – thuần nông, chiếm phần còn lại – 50% dân số, với tích lũy hàng năm không quá 500 nghìn/người.

Vì sao khoảng cách giàu – nghèo ngày càng nới rộng?
Trước hết chính là do việc sử dụng vốn đầu tư công không hiệu quả, khiến nỗ lực xóa đói giảm nghèo của Chính phủ gặp nhiều khó khăn.
Ai cũng biết khu vực DNNN làm ăn có vấn đề2. Tỷ trọng đóng góp của khu vực này vào tăng trưởng GDP cũng thất thường, khả năng tạo công ăn việc làm mới là rất thấp. Nhưng chính khu vực này được ưu tiên đầu tư nhiều nhất, được Nhà nước bảo hộ. Như vậy, chẳng khác nào ta đang dồn tiền đầu tư cho một người không biết kinh doanh, thiếu trách nhiệm với nguồn vốn (không có ý thức bảo tồn và sinh lợi cho chủ đầu tư), thờ ơ trước lợi ích của cộng đồng (không có trách nhiệm tạo công việc mới, không trả thuế…). Hiệu quả đầu tư trong trường hợp như thế này khỏi cần phải bàn. Thế mới có chuyện, các chuyên gia IMF đem so sánh tình trạng của chúng ta hiện nay với Thái Lan, Philipin 2 thập kỷ trước đây. Lúc đó, hai nước này còn nghèo như ta bây giờ. Họ đã đầu tư khoảng 30- 40% tổng thu nhập của toàn nền kinh tế, và đạt mức tăng trưởng 12%. Còn chúng ta đang đầu tư đến 60% tổng thu nhập, nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ đạt khoảng 6-7%/năm. Và như vậy, để có được 1 USD tăng trưởng, Việt Nam đang phải mất đi khoảng 5 USD trong đầu tư thay vì 3 USD như sự tính toán của các cơ quan hoạch định chính sách. 2 USD còn lại đi đâu? Đó chính là tiền thất thoát trong đầu tư, là môi trường màu mỡ cho tham nhũng. Chính những đồng tiền này đã góp phần không nhỏ đẩy cao khoảng cách giàu nghèo.3

Phải làm gì để thoát nghèo?
Giải pháp cũng không có gì mới mẻ, vấn đề là chúng ta có tổ chức thực hiện được tốt hay không.
Thứ nhất, nhanh chóng thay đổi định hướng đầu tư. Chú trọng đầu tư cho khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là khối DNVNN. Khu vực này hiện này đang đóng góp1/4 GDP của cả nước và góp phần tạo 24,5 tổng giá trị xuất khẩu. Đây cũng là khu vực kinh tế năng động nhất, có tốc độ tăng trưởng cao nhất từ 14-15%/năm và tạo được khối lượng công việc mới nhiều nhất.
Thứ hai, chấn chỉnh quản lý tốt các chương trình trọng điểm quốc gia về xóa đói, giảm nghèo. Đổi mới cơ bản phải bắt đầu từ tư duy quản lý. Chuyển từ quản lý theo số lượng, chỉ tiêu giải ngân sang quản lý theo chất lượng và hiệu quả.
Thứ ba, đẩy nhanh và cương quyết chống tham nhũng, thất thoát và lãng phí, bắt đầu từ việc đánh giá, lựa chọn, đấu thầu dự án. Đảm bảo thực hiện đúng mục đích của các dự án xóa đói giảm nghèo là nâng cao đời sống cho người nghèo, chứ không phải là đời sống của ban thực hiện (cái mà thông thường chúng ta vẫn gặp!).
Thứ tư, chú trọng tạo việc làm cho người nông dân mất ruộng, hệ quả tất yếu của quá trình đô thị hóa. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho khối doanh nghiệp dân doanh phát triển, trước tiên hết là giúp họ có thể tiếp cận được các nguồn vốn chính thống của Chính phủ.

Cuối cùng, thay cho lời kết, chúng tôi muốn nói rằng, khoảng cánh giàu nghèo là điều không thể tránh khỏi trong nền kinh tế thị trường. Chúng ta không thể ép một người làm việc 14 tiếng/ngày phải có thu nhập bằng người làm chỉ 8 tiếng, chưa kể mỗi người đều có tầm nhìn, tri thức, khả năng khác nhau. Chủ nghĩa bình quân, lưỡi hái tàng hình cắt phăng khả năng sáng tạo, khát vọng vươn tới của mỗi người. Bài học này chúng ta đã quá thấm thía qua những tháng năm dài bao cấp. Giàu – nghèo, chúng ta không đấu tranh với khoảng cách, vì bản thân nó đâu có lỗi. Chúng ta đấu tranh với cái cơ chế bất bình đẳng tạo ra khoảng cách. Và trong cuộc chiến này, Nhà nước là người đóng vai trò chủ đạo.
——-
1 Tỷ lệ nghèo chung là tỷ lệ người nghèo được tính theo chi tiêu bình quân/người/tháng và chuẩn nghèo chung của Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Thế giới với mức chi tiêu bình quân/người/tháng qua các năm như sau: Năm 2002: 160 nghìn đồng; năm 2004: 173 nghìn đồng. Tỷ lệ nghèo lương thực, thực phẩm là tỷ lệ hộ nghèo được tính theo thu nhập bình quân/người/tháng và chuẩn nghèo lương thực, thực phẩm với mức thu nhập bình quân/người/tháng qua các năm như sau: Năm 2002: thành thị 146 nghìn đồng, nông thôn: 112 nghìn đồng; năm 2004: thành thị 163 nghìn đồng, nông thôn: 124 nghìn đồng.
2 Theo Báo cáo Kiểm toán nhà nước năm 2006: Kết quả thu ngân sách Nhà nước được đánh giá đều tăng so với dự toán, nhưng chủ yếu vẫn từ dầu thô và đất. Vì vậy, cơ cấu nguồn thu chưa bền vững. Đáng chú ý, thu từ doanh nghiệp Nhà nước năm 2004 chỉ đạt 95,5% – là năm thứ hai liên tiếp không đạt dự toán, thể hiện hiệu quả sản xuất kinh doanh của khu vực này thấp, tình hình tài chính khó khăn, thua lỗ kéo dài: 4/16 doanh nghiệp lỗ 124 tỷ đồng, 11/16 doanh nghiệp lỗ lũy kế 1.058 tỷ đồng.
3 Chỉ xét riêng việc tạo ra chỗ làm mới cho người lao động, một lĩnh vực góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói – giảm nghèo… các chuyên gia WB đưa ra dẫn chứng: Trong giai đoạn 2000- 2002, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (kinh tế dân doanh) đã tạo ra trên 1,7 triệu việc làm mới cho người lao động, với tổng số vốn đầu tư là 4,7 tỷ USD, khoảng 2.700 USD cho một việc làm; thì cũng trong giai đoạn đó, đầu tư của các DNNN từ nguồn vốn của chính họ là 4 tỷ USD (thấp hơn 700 triệu USD so với khu vực tư nhân), nhưng số việc làm mà khối DNNN tạo ra nhìn chung là không thay đổi; đấy là chưa kể đến khoảng 4 tỷ USD tín dụng do nhà nước điều tiết, nằm ngoài hệ thống ngân hàng mà phần lớn được đổ vào các DNNN.

Nguyễn Văn Minh

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)