Khởi động Đề án Thung lũng Silicon Việt Nam
“Thung lũng Silicon Việt Nam sẽ không mô phỏng chính xác theo mô hình của Mỹ mà cần những điều chỉnh phù hợp với đặc thù Việt Nam”.
Đây là phát biểu của TS. Trần Quang Vinh, Cố vấn Chương trình Start-up của Mỹ, trong Lễ khởi động Đề án thương mại hóa công nghệ với mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam, sự kiện do Bộ KH&CN tổ chức tại Hà Nội ngày 18/10 vừa qua. TS. Trần Quang Vinh cũng là người giúp Bộ KH&CN xây dựng Đề án này, với mục tiêu là tạo một môi trường sinh thái phù hợp, cùng các điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp khởi nghiệp (start up) có khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm nhằm thương mại hóa các sản phẩm và sáng kiến công nghệ.
Phát biểu tại Lễ khởi động Đề án, Bộ trưởng Nguyễn Quân của Bộ KH&CN cho biết lâu nay hoạt động ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp KH&CN đối với nhiều nhà quản lý và các nhà đầu tư ở Việt Nam còn khá mới mẻ. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang rất thiếu nguồn vốn để triển khai các ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh như vậy, Thung lũng Silicon Việt Nam dự kiến sẽ là một sự đột phá, không chỉ giúp kết nối các doanh nghiệp công nghệ với các nhà đầu tư, mà còn tư vần, truyền đạt kinh nghiệm cho doanh nghiệp.
Hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam là rất cần thiết, cũng là bước đệm khác biệt giữa mô hình thung lũng silicon của Việt Nam và mô hình của Mỹ. Nếu như ở Mỹ, doanh nghiệp chỉ cần đưa ra ý tưởng là có thể dành được sự quan tâm của các nhà đầu tư mạo hiểm, thì ở Việt Nam các doanh nghiệp còn rất thiếu kinh nghiệm, vì vậy cần được tư vấn, hỗ trợ, nhằm hiện thực hóa ý tưởng thành các sản phẩm cụ thể, và xây dựng được dự án sản xuất kinh doanh thể hiệm tiềm năng mở rộng để tăng trưởng, mới có thể thu hút được nhà đầu tư, TS. Trần Quang Vinh nhận định.
Theo thông cáo báo chí của Lễ khởi động Đề án, dự kiến trong giai đoạn 2013-2014, Đề án sẽ thực hiện một chương trình đào tạo hỗ trợ khởi nghiệp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng tại Việt Nam do các chuyên gia có kinh nghiệm đến từ Thung lũng Silicon Mỹ hướng dẫn thực hiện; tổ chức sự kiện Ngày khởi nghiệp (Demo Day) cho các học viên tốt nghiệp; giới thiệu doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng của Việt Nam tiếp cận các quỹ đầu tư mạo hiểm, mạng lưới tổ chức đào tạo hỗ trợ khởi nghiệp tại Mỹ; thành lập quỹ đầu tư xã hội dành cho ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, đặt tên là “Quỹ Khởi nghiệp Việt Nam”.
TS. Trần Quang Vinh cho biết Đề án chưa quyết định số tiền đầu tư ban đầu cho mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp từ “Quỹ Khởi nghiệp Việt Nam”, nhưng ông dự kiến sẽ trong khoảng 10-15 nghìn USD – ông mong rằng các doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp lớn của Nhà nước, cùng quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này. Ông cũng cho biết Đề án sẽ mở cửa cho doanh nghiệp thuộc mọi ngành công nghệ tiềm năng. Mặc dù hiện nay Việt Nam chú trọng nhiều vào doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, nhưng TS. Vinh tin rằng lĩnh vực này đang dần trở thành một ngành công nghệ cũ – giống như công nghiệp điện tử giai đoạn cuối thế kỷ 20 – và ông cùng các cộng sự vẫn mong tìm kiếm các doanh nghiệp có những dự định khác mới mẻ hơn.
Cùng chia sẻ tại Lễ khởi động Đề án, đại diện một số doanh nghiệp thể hiện sự kỳ vọng cao vào vai trò sắp tới của Thung lũng Silicon Việt Nam đối với sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam. TS. Phạm Thanh Hải, Chủ tịch Công ty IDT International tin mô hình này sẽ đem lại những chương trình huấn luyện và những kênh thông tin kết nối hiệu quả với các nhà đầu tư quốc tế để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp tìm được giải pháp phát triển phù hợp và hiệu quả. Ông Nguyễn Ngọc Thủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Trò chơi Giáo dục Trực tuyến EGame cho rằng nếu mô hình được ra đời và triển khai sớm hơn thì đã có thểm cung cấp những bài học kinh nghiệm quý báu, giúp các doanh nghiệp như của ông bớt phải trả giá hơn trong giai đoạn khởi nghiệp nhiều khó khăn.