Khởi nghiệp kinh doanh trong sinh viên: Cảnh báo về những cơn hoang tưởng (Kỳ 1)
Việc khuyến khích khởi nghiệp trong sinh viên là tốt nhưng khuyến khích như thế nào thì dường như các cuộc thi khởi nghiệp hiện nay ở Việt Nam lại chưa hiểu được.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng của sinh viên trong Chương trình
Thanh niên Khởi nghiệp vào giữa tháng 10 vừa qua. Nguồn: vietnamba.org.vn.
“Con số thất nghiệp, theo Tổng cục Thống kê, Quý III, 2016 của Việt Nam là 1,16 triệu người, tăng thêm 40.000 người chỉ trong vòng ba tháng. Điều đáng nói là 10% số thất nghiệp nằm trong nhóm tri thức được đào tạo chuyên môn từ cao đẳng trở lên. […] Điều này đồng nghĩa với việc tại thị trường nội địa, người lao động Việt ngày nay đứng trước áp lực phải bổ sung và hoàn thiện các kỹ năng mềm.”1
Những con số đáng báo động nói trên đòi hỏi chúng ta nhìn thẳng vào câu chuyện nguồn nhân lực trẻ, sự yếu kém về kỹ năng mềm đang đẩy người lao động được đào tạo có chuyên môn ở Việt Nam vào một cơn khủng hoảng mà bài báo trên gọi là “thất nghiệp xanh”- thất nghiệp trong kỷ nguyên số. Là người làm việc trong lĩnh vực hỗ trợ năng lực cho người khởi sự kinh doanh, tôi không khỏi đặt câu hỏi, vậy khởi sự kinh doanh trong sinh viên sẽ góp gì vào câu chuyện gia tăng năng lực cạnh tranh của nguồn lực trẻ? Nếu với những kỹ năng yếu kém như vậy, không thể tìm được việc làm trên sân nhà, phải chăng khởi sự kinh doanh chỉ là một sự lãng phí thời gian, tài nguyên và cơ hội? Những phong trào khởi nghiệp ngành ngành, hội hội, trường trường kia liệu đang đi đến đâu?
Cuộc gặp với một chàng trai bước ra từ một cuộc thi khởi nghiệp quy mô không hề nhỏ gần đây cũng khiến tôi không ít trăn trở về mục tiêu của những cuộc thi này. Một sinh viên mới tốt nghiệp đại học gầy gò với niềm tự hào rằng, em tràn đầy ý tưởng để khởi nghiệp. Tôi hỏi, sao em không đi làm mà lại chọn khởi sự kinh doanh? Bạn ấy rất tự tin: “em có nhiều ý tưởng hay”. Em đến gặp tôi, theo em, là vì giờ chỉ cần tôi kết nối với nhà đầu tư là ổn. Việc lọt vào vòng trong của cuộc thi khiến em tự tin rằng, chắc chắn có nhà đầu tư và ý tưởng sẽ được thực thi nhanh chóng. Một tiếng đồng hồ chúng tôi ngồi nói chuyện, tôi không cố khiến em từ bỏ ý định khởi nghiệp, nhưng tôi thấy một tương lai mịt mùng của một chàng thanh niên kiếm 2,5 triệu đồng một tháng giữa đất Hà Nội đắt đỏ, mơ giấc mơ được đầu tư triệu đô và một mớ ý tưởng bùng nhùng nhưng chưa biết bán hàng cho ai, bán cái gì, bán như thế nào mà chỉ mong muốn khởi nghiệp với những ý tưởng triệu đô…
Trong buổi đối thoại giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với sinh viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội trong lễ ra mắt Chương trình Thanh niên khởi nghiệp hồi tháng 10, một bạn trẻ học ngành chính trị đứng lên đặt câu hỏi: “Xin thưa Thủ tướng, cháu học ngành chính trị, giờ ai ai cũng nói đến khởi nghiệp, cháu không biết khởi nghiệp trong lĩnh vực của chúng cháu thì khởi nghiệp gì? Và nên bắt đầu như thế nào?”. Người trả lời câu hỏi là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Đặng Tiến Đông và ông đã có cách tiếp cận chỉ dẫn không thể cụ thể hơn đại ý rằng: Hãy suy rộng chuyên ngành học chính trị của bạn, đó là ngành cần sự thuyết phục, cần truyền thông, mà với xã hội đó là một nhu cầu, vậy hãy bắt đầu từ đó.
Có điều, ngoài hàng trăm sinh viên ngồi trong hội trường, biết bao người có câu hỏi rất ngây thơ và chân thật như vậy nhưng không tìm được câu trả lời thích đáng? Nó phản ánh một thực tế, một khi khuyến khích khởi sự kinh doanh không được làm một cách khoa học và nghiêm túc, nó sẽ tạo ra những hệ lụy khó lường, những hoang mang và ảo tưởng.
Bài viết này thể hiện quan điểm riêng của tác giả vì tôi nhận thấy có một trách nhiệm phải nói ra tiếng nói của mình và rất mong đón nhận nhiều ý kiến để trao đổi sâu hơn về vấn đề này. Bài viết sẽ phân tích những sai lầm đang diễn ra ở các cuộc thi ý tưởng kinh doanh hiện tại – những “cỗ máy” chính sản sinh phong trào khởi nghiệp ở sinh viên.
Các giai đoạn của một doanh nghiệp khởi nghiệp
Để làm cơ sở cho bài viết của mình, tôi xin đưa ra các giai đoạn của một doanh nghiệp/dự án khởi nghiệp dựa trên cách phân chia của Founder Institue mà tôi có cơ hội giới thiệu với các bạn trong bài về Hệ sinh thái khởi nghiệp:
Giai đoạn 1: Ý tưởng, gồm ba bước chính: (1) Truyền cảm hứng; (2) Đào tạo;(3) Thẩm định ý tưởng và thành lập đội nhóm
Giai đoạn 2: Tung sản phẩm ra thị trường: (1) Bắt đầu; (2) Phát triển; (3) Tung sản phẩm chính thức
Giai đoạn 3: Tăng trưởng: (1) Sự ghi nhận của thị trường; (2) Tìm nguồn vốn; (3) Tăng trưởng
Những sai lầm thường gặp của các cuộc thi khởi nghiệp sinh viên
Dựa trên ba giai đoạn lớn của một doanh nghiệp/dự án khởi nghiệp, có thể thấy không ít các cuộc thi, phong trào, chương trình khởi nghiệp không biết mình hỗ trợ giai đoạn nào, cho cái gì của quá trình khởi nghiệp. Họ đang mắc phải những sai lầm sau đây:
Thiếu triết lý: Để đáp ứng tính phong trào của việc khuyến khích khởi nghiệp, các cuộc thi hiện nay phần lớn thiếu đi triết lý cơ bản, không thể trả lời chính xác là mình đang khuyến khích điều gì, ví dụ: khuyến khích sự sáng tạo, khuyến khích tính thực tiễn hay khuyến khích khả năng vươn ra toàn cầu v..v. Những triết lý chung chung, tham lam ôm đồm đẩy các cuộc thi vào tình trạng na ná nhau nhắm đến mọi tiêu chí hoàn hảo của một cuộc thi tầm quốc gia, quốc tế kiểu như cuộc thi ý tưởng kinh doanh với nhiều mỹ từ khác nhau nhưng không nói được triết lý đằng sau là gì.
Thiếu đối tượng rõ ràng: Phần lớn các cuộc thi khi đọc kỹ nội dung thì chỉ thấy khuyến khích ý tưởng tốt, dành cho sinh viên độ tuổi từ 18-25 hoặc người trẻ v..v. nhưng khi đặt lại câu hỏi cho các ban tổ chức, thế nào là một ý tưởng tốt thì có lẽ khó tìm được câu trả lời thích đáng.
Nếu chiểu theo các giai đoạn phát triển như một gợi ý cách tiếp cận, thì các cuộc thi khuyến khích người tham gia ở mọi giai đoạn, mọi cấp độ khởi nghiệp dẫn đến sự hoang mang trong tổ chức, tiêu chí chồng chéo. Nếu là cuộc thi ý tưởng ở giai đoạn Ideation (lên ý tưởng) thì không thể sau ba tháng đã dạy các em “pitching” (thuyết phục gọi vốn) với nhà đầu tư.
Đó là còn chưa nói đến việc đối tượng tham gia rất đa dạng, ở các trường, nhóm ngành khác nhau, không được đào tạo cách tư duy và các công cụ khởi nghiệp – vốn là một lỗ hổng quá lớn trong hệ thống giáo dục của Việt Nam. Việc ôm đồm, thiếu cụ thể trong tiêu chí xét giải và cách tiếp cận của các cuộc thi lại càng khiến người tham gia hoang mang.
Thiếu mục tiêu cụ thể: Khuyến khích khởi sự kinh doanh thực chất là chúng ta khuyến khích con người phát triển khả năng, theo đuổi đam mê từ đó làm giàu cho xã hội. Tiếc thay, cả việc truyền thông lẫn giảng dạy đều không làm tốt việc đó. Nhiều cuộc thi, chương trình khởi nghiệp hô hào nhưng không đặt bài toán, khuyến khích người tham gia tìm và xử lý những vấn đề cụ thể của xã hội, thông điệp đưa ra là cứ khởi nghiệp đi để làm giàu là một thông điệp sai lầm và cho ra những sản phẩm đầu ra kém chất lượng là điều dễ hiểu. Các cuộc thi trong những lĩnh vực cụ thể đang thiếu và yếu, trong khi những cuộc thi chung chung thì lại quá nhiều.
Cách thức triển khai dập khuôn, nhàm chán và kém hiệu quả: Do thiếu tầm nhìn, triết lý và cách đặt vấn đề, format các cuộc thi gần như giống nhau y hệt, có khác chăng là thời lượng, trị giá giải thưởng. Việc đặt ra những giải thưởng trị giá lớn những mong có ý tưởng tốt là một sai lầm khác của các cuộc thi hiện nay. Không nói đâu xa, cuộc thi danh giá SXSWedu Launch dành cho các nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ giáo dục (EdTech) của Mỹ, mà chiến thắng thuộc về Elsa Speak- một ứng dụng luyện nói tiếng Anh của hai đồng sáng lập người Việt, giải thưởng chỉ có 2.500 USD. Không phải là trị giá giải thưởng nói lên uy tín của nó, mà chính là uy tín của cuộc thi với 1.200 ý tưởng trên khắp thế giới tham gia, một ban giám khảo công tâm nghiêm túc và quá trình sàng lọc khắt khe để đến được giải nhất mới là niềm tự hào của người tham gia.
Format giống hệt nhau (Khởi đầu bao giờ cũng là chấm ý tưởng sơ khai; Đào tạo viết kế hoạch kinh doanh; Huấn luyện và hoặc cố vấn; Thuyết trình với nhà đầu tư) thể hiện sự cẩu thả trong thiết kế chương trình và cũng thể hiện sự yếu kém trong chuyên môn nghiệp vụ. Nếu nhìn lại các bước dẫn đến sự sẵn sàng đầu tư của khởi nghiệp, vô hình trung, chúng ta dạy các em nói thứ ngôn ngữ khác với nhà đầu tư và thị trường; khuyến khích một sự dễ dãi trong kinh doanh. Thông điệp về kinh doanh dễ dãi với sự đốt cháy giai đoạn đang dần giết chết thái độ nghiêm túc cần có trong kinh doanh và sự hoang tưởng không nên có trong những người trẻ.
Kỳ 2: Những hệ lụy của phong trào khởi nghiệp và hướng cải thiện
———
1 Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư- Thất nghiệp Xanh. Đoạn “Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) từng dự báo sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu năm 2020 vào khoảng 11 triệu người, tức số người thất nghiệp mang quốc tịch Việt Nam đang chiếm 10% lực lượng lao động thất nghiệp toàn cầu.” đăng trên báo in là không chính xác