Khởi nghiệp sáng tạo xã hội: Khi cơ hội nằm trong thách thức
Bài viết sẽ làm rõ một số khái niệm khởi nghiệp sáng tạo (startup), đồng thời giới thiệu những câu chuyện khởi nghiệp sáng tạo xã hội đang truyền cảm hứng trên khắp thế giới và cùng độc giả khám phá những cơ hội cho khởi nghiệp sáng tạo xã hội ở Việt Nam.
Khởi nghiệp sáng tạo xã hội – Tại sao?
Trước hết, để hiểu hết ý nghĩa của khái niệm này, hãy cùng nhìn vào xu hướng để hiểu xem tại sao đây không chỉ là một khái niệm mới mà trở thành một xu hướng được các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quan tâm. Không phải ngẫu nhiên, mặc dù vẫn là khái niệm mới mẻ, xu hướng này đang lan rộng. Không chỉ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mới hình thành, xu hướng này còn len lỏi vào các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Báo cáo gần đây nhất tháng 5.2018 của Deloitte về Xu hướng nguồn nhân lực toàn cầu được thực hiện qua 11.000 doanh nghiệp và các lãnh đạo về nguồn nhân lực kết hợp với phỏng vấn sâu với các lãnh đạo của các tổ chức hàng đầu đã chỉ ra rằng, doanh nghiệp xã hội đang là xu hướng mà các doanh nghiệp/tổ chức hướng tới- chuyển đổi từ doanh nghiệp kinh doanh sang doanh nghiệp xã hội. Không phải ngẫu nhiên điều này trở thành một xu hướng bởi lẽ, các doanh nghiệp nhận ra rằng xây dựng doanh nghiệp dựa trên nguồn lực xã hội sẽ tạo ra sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. 65% CEO tham gia khảo sát cho rằng tăng trưởng mang lại lợi ích cho các bên liên quan mới là xu hướng chiến lược của các doanh nghiệp thay vì tập trung vào gia tăng giá trị cho cổ đông. Theo họ đây là cách vô cùng quan trọng để duy trì uy tín của tổ chức, thu hút và giữ chân nhân tài và nuôi dưỡng sự trung thành của khách hàng. 77% số người tham gia trả lời cho khảo sát trên cho rằng tinh thần công dân và tác động xã hội là những nhân tố tối quan trọng. Kinh doanh không chỉ còn đơn thuần là kiếm tiền, 86% số người trẻ thuộc thế hệ millennials cho rằng, thành công trong kinh doanh cần phải được đo lường bằng nhiều nhân tố hơn ngoài các chỉ số về tài chính.
Xu hướng dịch chuyển của các tổ chức truyền thống sang doanh nghiệp xã hội.Lược từ nguồn: Deloitte Global Human Capital Trends Survey, 2018.
Một thống kê khác của Red Bull đang thực sự chỉ ra, không còn là xu hướng, doanh nghiệp xã hội đang thuyết phục được các nhà đầu tư về hiệu quả kinh doanh song song với tác động xã hội không nhỏ của mình. Tính riêng Vương quốc Anh, hiện có hơn 470.000 doanh nghiệp xã hội và đang giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1.44 triệu người. Lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp này là giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, thiên nhiên hoang dã và những vấn đề quan trọng của đời sống xã hội. Hay ở Australia, hiện đang có khoảng hơn 20.000 doanh nghiệp xã hội (thống kê đến năm 2016, giải quyết việc làm cho hơn 300.000 người và tạo ra 2-3% GDP. Trong vòng 10 năm tới, con số này dự kiến tăng lên khoảng 4% GDP và giải quyết việc làm cho khoảng 500.000 người Australia. Thống kê của Hội đồng Anh cũng cho thấy, doanh nghiệp xã hội đang đóng góp khoảng 10% GDP của Pháp, 15% GDP của Italia và 15.9% GDP ở Hà Lan và Bỉ. Theo báo cáo của Hội đồng Anh, mô hình hợp tác xã đóng góp vào GDP của Kenya 45%, cao hơn rất nhiều so với mức đóng góp của cả khu vực công và tư. Không những thế, doanh nghiệp xã hội đang giải quyết rất nhiều trong số những mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc như cân bằng giới, không phân biệt chủng tộc. Theo một báo cáo của Santander năm 2015, 40% doanh nghiệp xã hội của Anh do phụ nữ làm chủ, 31% số doanh nghiệp này có sự đa dạng về chủng tộc (có người da màu và châu Á tham gia làm việc) và 40% do người khuyết tật làm chủ.
Những thông tin trên đó phần nào phản ánh xu hướng trở thành doanh nghiệp xã hội và đi cùng nó là khởi nghiệp sáng tạo xã hội sẽ trở thành một xu hướng không thể bỏ qua trong những năm tới cho cả doanh nghiệp đã vận hành và doanh nghiệp khởi nghiệp.
Vậy khởi nghiệp sáng tạo xã hội là gì?
Theo Social TrendSpotter, Đổi mới sáng tạo xã hội (Social Innovation) bắt nguồn từ ý tưởng: những ý tưởng có thể là sản phẩm, dịch vụ hoặc phương pháp làm mới để tạo ra những thay đổi, thay thế cho những giải pháp đã có với những giá trị cho xã hội. Để chứng minh cho chuẩn mực cao nhất của tác động xã hội mà một ý tưởng đổi mới sáng tạo tạo ra, cần phải có kiểm chứng thực tế.
Doanh nghiệp xã hội (Social Enterprise) là câu chuyện về mô hình kinh doanh. Đã là kinh doanh tức là phải chứng minh được khả năng tối ưu hóa về tài chính và gia tăng giá trị cho xã hội cho dù doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận. Một vài doanh nghiệp xã hội có thể sử dụng các nguồn tiền vì mục đích thiện nguyện hoặc vốn hỗ trợ ban đầu trong giai đoạn khởi sự kinh doanh, các doanh nghiệp đều hướng đến mô hình kinh doanh tự sống được dựa trên khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tinh thần doanh nhân xã hội (Social Entrepreneurship) có thể coi là câu chuyện về tư duy. Những doanh nhân xã hội là những người hoạt động không ngừng nghỉ tìm ra những giải pháp sáng tạo để thay đổi. Có một vài đặc điểm để nhìn ra họ 1) Họ yêu vấn đề hơn là giải pháp 2) Họ tin rằng không một ai có thể sở hữu một giải pháp nào đó cho vấn đề xã hội, mà thay vào đó, các giải pháp phải theo hướng đồng sáng tạo với cộng đồng để đảm bảo tính bền vững và tác động 3) Họ biết, tác động là thước đo cuối cùng và không chỉ phụ thuộc vào đổi mới sáng tạo và phát minh; họ chứng minh tác động và theo đuổi những thang đo về tác động giúp họ trở thành những con người vừa có tầm nhìn vừa rất kỷ luật trong cách tiếp cận.
Doanh nhân xã hội “yêu vấn đề hơn là giải pháp”, họ tin rằng các giải pháp phải theo hướng đồng sáng tạo với cộng đồng để đảm bảo tính bền vững và tác động. Ảnh: Social Change Central
Nếu kết hợp những yếu tố sáng tạo xã hội với định nghĩa về startup của Steve Blank: “là một tổ chức mang tính tạm thời được thành lập để đi tìm kiếm mô hình kinh doanh có thể nhân rộng ra được và lặp lại được” với những hiểu biết trên về doanh nghiệp xã hội thì có thể hiểu khởi nghiệp sáng tạo xã hội chính là: “một tổ chức mang tính tạm thời được thành lập để tìm kiếm mô hình kinh doanh giải quyết vấn đề xã hội có thể nhân rộng ra được và lặp lại được”.
Nói một cách khác, khởi nghiệp sáng tạo xã hội là phát triển mô hình nhằm hướng tới nhiều mục đích, gồm cả lợi nhuận và tiến bộ cho tất cả những người tham gia vào quá trình này, mô hình này mở rộng ra được và nhân rộng ra được ở những nơi có vấn đề. Ở đâu có vấn đề, ở đó có giải pháp. Trong khi 80% dân số thế giới sống ở các quốc gia đang phát triển với quá nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, giáo dục, y tế v…v còn đang trong tình trạng thiếu thốn và nhiều bất cập, thì cơ hội cho những cá nhân, tổ chức đi tìm kiếm những mô hình mới giải quyết được cả vấn đề xã hội, vừa đảm bảo yếu tố kinh doanh và nhân rộng ra được, lặp lại được ở nhiều vùng, nhiều quốc gia là rất lớn.
Trên thực tế, cần phải nhấn mạnh rằng, so với mô hình cũ của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, khi không có động cơ lợi nhuận trong quá trình kinh doanh, các khoản tài trợ, hỗ trợ không thể mang lại cơ hội cho cả một cộng đồng tạo ra thu nhập thì vòng đói nghèo khó có thể vượt qua được. Trên tinh thần của doanh nhân xã hội, với những chủ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo xã hội, công nghệ không phải là lợi thế cạnh tranh duy nhất mà những doanh nghiệp này dựa vào. Họ luôn tìm hướng cân bằng giữa yếu tố công nghệ, phát triển bền vững.
Cơ hội ở Việt Nam và các nước đang phát triển
Khi doanh nghiệp xã hội trở thành một lực hấp dẫn thì khởi nghiệp sáng tạo xã hội càng trở nên hấp dẫn với các thị trường phát triển và cả đang phát triển hơn trong một thập kỷ trở lại đây. Theo thống kê, 89% số doanh nghiệp xã hội ở Ấn Độ là dưới 10 năm tuổi hay hơn 50% số doanh nghiệp xã hội được thành lập ở ada là dưới. Ở Việt Nam theo thống kê nêu ra trong báo cáo Thúc đẩy Khu vực Doanh nghiệp tạo tác động xã hội Phát triển tại Việt Nam (2018) của nhóm nghiên cứu ĐH Kinh tế Quốc dân dưới sự hỗ trợ của UNDP: 50% các doanh nghiệp có mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tiếp đó là tạo cơ hội việc làm cho nhóm ngoài lề (46.7%); bảo vệ môi trường (32%); thúc đẩy giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ người học (30%) và hỗ trợ phát triển nông nghiệp (24%). Đây là 5 ưu tiên hàng đầu của các SIB Việt Nam. Con số thống kê bảng dưới đây cho thấy số lượng những doanh nghiệp xã hội hoặc có liên quan đến yếu tố xã hội hiện ở Việt Nam vào khoảng gần 50.000. Tuy nhiên, hiện chưa có con số thống kê cụ thể về đóng góp của những doanh nghiệp xã hội nói chung và doanh nghiệp sáng tạo xã hội nói riêng vào GDP. Nếu nhìn vào quy mô có thể thấy các con số phản ánh một thực tế, các doanh nghiệp xã hội hiện tại vẫn đang dừng lại ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ; yếu tố xã hội và phát triển bền vững được lồng ghép vào công việc kinh doanh nhiều hơn là thực sự có những mô hình khởi nghiệp sáng tạo xã hội nổi bật. Việc tìm kiếm những mô hình mới sáng tạo giá trị gia tăng cao và tác động lớn hơn vẫn đang ở mức khiêm tốn. Để kích thích những sáng tạo xã hội phát triển, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo xã hội phát triển mạnh mẽ đương nhiên đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ nhận diện tầm quan trọng của nó cho đến phát hiện những cơ hội từ nguồn tài nguyên chúng ta đang có kết hợp với những vấn đề ta đang gặp phải và xu hướng trên thế giới.
“Ngàn dặm cũng bắt đầu từ những bước đi đầu tiên”, sáng tạo xã hội nói chung và khởi nghiệp sáng tạo xã hội nói riêng chính là hướng đi quan trọng trong những năm tới nhằm giải quyết những vấn đề mà chúng ta đang gặp phải ở tầm quốc gia và đã tồn tại rất lâu, cần có sự đột phá để giải quyết. Những câu chuyện về khởi nghiệp sáng tạo xã hội đi kèm bài viết như một gợi ý để những khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam tiềm năng có thể thấy được cơ hội của chính mình qua câu chuyện của những chủ doanh nghiệp giống mình, hay rộng hơn là những quốc gia có những vấn đề tương đồng.
Tài liệu tham khảo
Social TrendSpotter. What is the Difference between Social Innovation, Social Enterprise & Social Entrepreneurship? Nguồn: https://medium.com/@socialtrendspot/what-is-the-difference-between-social-innovation-social-enterprise-social-entrepreneurship-fe3fce7bf925 (truy cập ngày 27.12.2018)
3 Social Enterprise Startup Examples to Get You Inspired for Change
https://changecreator.com/3-social-enterprise-startups-examples-to-get-you-inspired/
The Rise Of The Social Enterprise: A New Paradigm For Business
https://www.forbes.com/sites/joshbersin/2018/04/03/the-rise-of-the-social-enterprise-a-new-paradigm-for-business/#2450278271f0
The 6 mindblowing social enterprise stats you need to know
https://www.redbull.com/int-en/social-enterprise-stats
http://www.vn.undp.org/content/dam/vietnam/docs/Publications/Foster%20SIB%20Sector%20in%20Vietnam_V_ebook.pdf
https://ethnotek.com/collections/vietnam-hmong
http://vov2.vov.vn/con-duong-tri-thuc/nang-luong-dien-gio-ho-tro-cac-gia-dinh-ngheo-c48-27379.aspx
http://1516energy.com/
Nhìn chiếc balo dưới đây, sẽ không khó để nhận ra hoa văn là thổ cẩm của người H’mông ở Việt Nam. Ethnotek trở thành một khởi nghiệp sáng tạo xã hội truyền cảm hứng trên toàn thế giới khi kết hợp được cả yếu tố dân tộc và công nghệ. Sau một chuyến đi du lịch tới Việt Nam, Jake Orak đã thực sự xúc động bởi hoa văn của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Orak kết hợp mong muốn bảo tồn những giá trị văn hóa này với nhu cầu du lịch trong thời đại công nghệ cao và Ethnotek ra đời với những sản phẩm đảm bảo 6 tiêu chí: có trách nhiệm với xã hội, chống nước, làm bằng tay, có nguồn gốc từ thực vật, sản xuất chậm, không hóa chất độc hại. Các sản phẩm hài hòa giữa sản phẩm thủ công mang đậm giá trị văn hóa dân tộc được làm từ in tay, thêu, tôn vinh giá trị văn hóa bản địa và yếu tố công nghệ thực sự thuyết phục người tiêu dùng về một lối sống có trách nhiệm và bền vững. Ở mỗi sản phẩm trên website của mình, Ethnotek giới thiệu về các sản phẩm, xây dựng cầu nối văn hóa giữa người mua hàng với câu chuyện của những vùng đất mà các chất liệu này được tạo ra để nâng cao nhận thức về bảo tồn văn hóa. Sản phẩm được định giá thuộc dòng cao cấp này kết hợp giữa công nghệ và yếu tố dân tộc, đã mang lại giá trị cho cộng đồng không chỉ ở Việt Nam mà đang thay đổi cuộc đời của cả những nghệ nhân ở Ghana, Guatemala, Ấn Độ, Indonesia. Bản thân sản phẩm của Ethnotek ngoài những giá trị bảo tồn văn hóa, còn có những giá trị về phát triển thời trang bền vững. Trong khi, các sản phẩm để sản xuất balo cặp túi hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật, sợi tổng hợp như nilon, polyester gây ô nhiễm cho môi trường từ quá trình sản xuất cho tới khi chúng bị vất bỏ, các chất liệu này trở thành rác thải khủng khiếp cho môi trường, thì những sản phẩm như của Ethnotek thực sự đưa ra thông điệp góp phần cổ vũ cho tiêu dùng sinh thái, tiêu dùng xanh và bền vững.
Họa tiết của balo Ethnotek có thể thấy trên váy của người H’mông, Việt Nam. Ảnh: Ethnotek
Sản xuất máy phát điện từ sức gió vốn không phải mới trên thế giới, các nhà máy điện tận dụng cơ năng từ gió chuyển thành điện năng thường được triển khai ở quy mô lớn và tốn kém rất nhiều chi phí đầu tư. Việc tìm kiếm một mô hình thiết kế nhỏ gọn cho những vùng lưới điện chưa phủ tới hoặc không ổn, định phục vụ những hộ gia đình nghèo vùng sâu vùng xa, những hộ gia đình lênh đênh trên sông nước ở Việt Nam vẫn còn là một bài toán khó. Thêm vào đó, nhu cầu sự phù hợp về chi phí, phục vụ những nhu cầu tối thiểu như thắp sáng, đun nấu, quạt mát đòi hỏi những đổi mới. Giải pháp mới của 1516-Green Design- Turbine điện gió mini – một khởi nghiệp sáng tạo xã hội của Việt Nam đã giải quyết được bài toán này. Bằng việc sử dụng những vật liệu đơn giản dễ tìm như chậu thau, thanh nhôm phế thải, nhựa composit đúc thành dáng Turbine với công suất tối đa 200W, giải pháp có thể giúp một hộ gia đình thắp sáng 3-4 bóng đèn led, lắp quạt điện và sạc thiết bị trong nhà. Bên cạnh đó, Turbin gió tích hợp với pin năng lượng mặt trời để tận dụng ánh nắng ban ngày, bình sạc ác quy và thiết bị chuyển đổi. Chi phí cho thiết bị này cũng chỉ dao động quanh mức 3-4 triệu đồng. Mô hình của Green Design trong giai đoạn đầu là sản phẩm sẽ được các tổ chức xã hội mua để Green Design lắp đặt cho người nghèo miễn phí. Bản thân mô hình này cũng đang tận dụng được các nguồn lực xã hội để hỗ trợ người nghèo và vẫn giúp thương mại hóa sản phẩm của doanh nghiệp cũng như cải tiến liên tục. Tuy nhiên, với mức giá này và tiềm năng giải quyết vấn đề năng lượng cho các hộ gia đình quy mô nhỏ vốn chiếm một số lượng không hề nhỏ tại các vùng sâu vùng xa và ven đô những thành phố lớn, sản phẩm hoàn toàn có thể được thương mại hóa và mang lại giải pháp năng lượng cho nhiều người nghèo.
Các turbin gió được lắp đặt tại các hộ gia đình ở Sông Hồng, có thể giúp việc thắp sáng. Ảnh: FB của 1516-Green Design.