Không ai ‘tự do’ như nông dân Việt

Chặt - trồng mới, trồng mới - chặt triền miên, cái vòng luẩn quẩn bế tắc đó bào mòn sức lực, vốn liếng của bao gia đình nông dân, GS Võ Tòng Xuân tâm tư về cách phát triển nông nghiệp theo kiểu 'tự do hoang dã' của chúng ta.

Tự do tai họa!

Ông từng nhận xét: không ở đâu nông dân tự do như xứ này. Phải chăng ý của ông là, chính sách khoán 10, chỉ thị 100 “giải phóng” cho nông dân làm chủ sản xuất trên cánh đồng đã tạo động lực lớn đưa nước ta thành “cường quốc xuất khẩu gạo”? Nói cách khác, cho nông dân tự do trên mảnh ruộng của họ để họ tận tâm, tận lực, sáng tạo trong sản xuất, làm ra nhiều sản phẩm hơn?

Tự do trong sản xuất không có nghĩa là không có tổ chức sản xuất. Ta đã nhầm lẫn điều này. Thực ra, tôi nói “chưa có nông dân nước nào được “tự do” như nông dân ta” theo nghĩa tiêu cực chứ không phải tích cực.

Thời gian qua ta hay khen ngợi nông dân ta, một phần vì sự “hy sinh” cho sự nghiệp chung của đất nước. Họ rất đáng trân trọng và đáng thương vì nhiều thiệt thòi họ phải chịu. Mặt khác, đó là sự động viên và an ủi cho họ là chính. Nhưng nếu cứ để kéo dài mãi thế này thì sự thương hại, an ủi, cảm thông kia chính là “làm hại” nông dân ta!

Trên thế giới này không có ngành gì cứ để “tự do”, mạnh ai nấy làm mà khá lên được. Có chăng chỉ là sự may mắn trong khoảnh khắc nào đó chứ không thể bền vững được!

Tôi lên Tây Ninh thấy có rất nhiều vùng trồng mía bạt ngàn. Năm sau trở lại thấy không còn mía nữa, thay vào đó là khoai mì, mãng cầu, cao su. Ra Phan Thiết (Bình Thuận), thấy cây thanh long phủ kín những vùng năm trước trồng lúa… Nói chung là, chặt – trồng mới, trồng mới – chặt triền miên, thiệt hại vô kể. Nông dân cứ thấy sản phẩm làm ra mất giá là thay đổi, tức phải chặt bỏ, trồng cây khác. Việc lựa chọn cây mới hoàn toàn không có ai tư vấn, thông tin thị trường, mà chỉ là mày mò cảm tính. Thấy cây gì năm nay có giá, chặt cây cũ, trồng cây mới. Tình hình thị trường sang năm lại khác, lại chặt nữa, trồng mới nữa. Cái vòng luẩn quẩn bế tắc đó bào mòn sức lực, vốn liếng của bao gia đình nông dân.  Làm như vậy sao mà khá lên được?

Rất đồng tình với giáo sư rằng tình trạng chặt – trồng mới đang xảy ra triền miên ở nhiều nơi trong cả nước, nhất là ở miền Nam. Nhưng Nhà nước không thể cấm được. Nhiều lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp bảo, họ cũng đau lòng lắm…

Ở đây, rõ ràng chúng ta phó mặc cho người nông dân trên đồng ruộng mà không hề có quy hoạch căn cứ vào thị trường để tổ chức sản xuất gắn với chế biến và xuất khẩu! Tôi nghĩ, Nhà nước cũng không muốn vậy đâu song do không đủ khả năng quy hoạch vùng này trồng gì, nuôi con gì.

Hậu quả là để mặc cho nông dân “tự bơi”. Trồng cây gì, nuôi con gì tùy lực chọn. Nông dân luôn phải chịu cảnh “được mùa mất giá”, rất bất lợi.

Tình trạng cá basa “chết” như ngã rạ trong năm 2012 vừa qua chung quy cũng là thiếu tổ chức, chất lượng không đồng đều. Gần 300 cơ sở nuôi, cũng rất nhiều cơ sở chế biến. Làm cứ lo cạnh tranh với nhau, gặp ông thương nhân nước ngoài vào cứ xúm lại tranh nhau hạ giá, lôi kéo. Làm sao họ không ép cho được.

Đó là chưa kể một số người nuôi không hiểu biết đầy đủ, tính dùng “mánh lới”. Họ thấy cá nuôi theo đúng tiêu chuẩn thì tốn kém, nên ngắt cái này một chút, ngắt cái khác một chút. Vậy là cá bị bệnh. Tiêm thuốc tốt thì đắt tiền, sợ lỗ nên tiêm kháng sinh vào. Sản phẩm xuất ra tới nước người ta bị phát hiện, trả về. Theo thông lệ lẽ ra phải hủy, còn ta thì đưa về, tìm cách bán…nội địa! Cách làm “tự do” như thế này sao có thể tồn tại hay phát triển được?

Nếu có cơ quan chức năng quy hoạch, định hướng, tổ chức và có các biện pháp yểm trợ, có thị trường thì mới chấm dứt được cảnh trên.

Không để nông dân tự do hoang dã trên cánh đồng

Thưa giáo sư, ở các nước khác họ xử lý vấn đề này như thế nào?

Ở Châu Âu, muốn làm nông dân phải có giấy phép (lisene: môn bài) của chính phủ cấp. Muốn có giấy phép thì phải học qua khóa đào tạo. Trong khi đó làm công nhân chỉ cần doanh nghiệp hoặc công ty chấp nhận là được, chính phủ không can thiệp.

Người nông dân canh tác trên đất của mình nhưng phải theo quy hoạch của chính phủ. Mỗi loại cây trồng hay vật nuôi đều có quy trình kỷ thuật riêng, phải tuân thủ. Làm sai là bị phạt rất nặng. Kể cả việc bón phân. Vì bón phân nhiều sẽ ảnh hưởng đến biển đổi khí hậu.

Làm sao chính phủ giám sát được nông dân có tuân thủ quy trình kỹ thuật? Ví dụ như họ bón nhiều phân thì sao chính phủ biết được?

Biết chứ! Cơ quan chức năng của chính phủ sẽ kiểm tra. Trên diện tích canh tác của anh, anh mua bao nhiều phân có hóa đơn đàng hoàng. Mua quá nhiều phân tức bón nhiều hơn quy trình, phạt ngay!

Ở nước ta chưa thể áp dụng được như họ, song cũng không để cho nông dân tự do hoang dã trên cánh đồng của họ như hiện nay. Tôi đi thực tế xuống nhiều nơi thấy tình trạng nông dân mình làm sai quy trình kỷ thuật nhiều lắm. Ví dụ đơn giản nhất là bón phân không chịu bón vào gốc. Xạ lúa thì rất dày. Lúa lên là tống urê vào v.v…

Ta cần phải có cách đào tạo lại nông dân mình, trang bị kiến thức kỹ thuật cho họ. Nói cách khác là phải có nông dân đổi mới trong sản xuất nông nghiệp chứ cứ để “lão nông tri điền” thế này mãi không thể được. Kiến thức, tri thức khoa học kỹ thuật ngày nay rất nhiều, chúng ta không thể đưa vào sản xuất kịp thời nếu bản thân người nông dân không hiểu, không biết. Thiệt hại này không chỉ chính người nông dân chịu mà ảnh hưởng đến cả lợi ích chung của đất nước trong xu thế hợp tác, cạnh tranh trên thế giới hiện nay.

(Còn nữa)

Đọc thêm:

Nghịch lý ngành gạo: Càng làm càng lỗ!
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=114&CategoryID=7&News=6045

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)