Không gian đô thị ít cấu trúc hơn giúp trẻ phát triển sáng tạo và độc lập

Vui chơi là hoạt động thiết yếu đối với sự phát triển nhận thức, thể chất và xã hội của trẻ em. Tuy nhiên, ở nhiều thành phố, những không gian vui chơi thường bị tách biệt bởi hàng rào khỏi phần còn lại của đời sống đô thị.

Ảnh: Trẻ em vui chơi tại quảng trường Campo San Giacomo dell’Orio tại Venice, Ý. Ảnh: The Conversation

Một nghiên cứu mới trên tạp chí Cities & Health đã so sánh cách trẻ em sử dụng các không gian như vậy tại Auckland, New Zealand và Venice, Ý. Các phát hiện cho thấy một nghịch lý: những sân chơi được xây dựng vì mục đích an toàn có thể kìm hãm sự sáng tạo và khả năng di chuyển của trẻ, trong khi các không gian mở mà trẻ có thể tự tổ chức hoạt động lại mang đến nhiều cơ hội khám phá và cảm nhận sự gắn bó.

Tại Auckland, những địa điểm như công viên Taumata là ví dụ về thiết kế sân chơi đương đại với bãi cỏ, bóng mát, cầu trượt, xích đu và được cách ly khỏi giao thông, được ví như “ốc đảo” nhờ cảm giác an toàn mà chúng mang lại. Tuy nhiên, quan sát từ nghiên cứu cho thấy những không gian này không hẳn là một ốc đảo hay nơi gặp gỡ xã hội, mà đúng hơn là những hòn đảo biệt lập, bị ngắt kết nối khỏi đời sống thường nhật của thành phố. Khả năng tự do di chuyển của trẻ và các cơ hội tham gia những hoạt động vui chơi đa dạng vẫn bị giới hạn và định sẵn.

Ngược lại, tại khu phố Santa Croce của Venice, những con đường và quảng trường không có xe hơi như Campo San Giacomo dell’Orio luôn tràn đầy sức sống. Trẻ em chơi bóng, vẽ lên vỉa hè, đuổi bắt nhau và thậm chí tưới cây. Đây là những không gian chung, nơi các thế hệ cùng nhau sử dụng.

Để so sánh trải nghiệm của trẻ em, nghiên cứu đo lường mức độ đa dạng của các hoạt động – một chỉ dấu cho sự sáng tạo. Công viên Taumata ở Auckland chỉ đạt 1,46 điểm, trong khi Venice đạt 2,33 điểm, với hơn 2.600 hành vi tự phát diễn ra trên đường phố, phản ánh một văn hóa vui chơi do trẻ em tự dẫn dắt.

Nghiên cứu cho rằng việc đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu tại Auckland có thể vô tình hạn chế khả năng trải nghiệm những hoạt động phát triển quan trọng và định hình tính cách ở quy mô khu dân cư của trẻ em. Một trong những hoạt động đó là trau dồi năng lực đối phó với rủi ro.

Các không gian vui chơi tại Auckland bị phân mảnh về mặt không gian, hạn chế khả năng gặp gỡ xã hội và kỹ năng đối mặt với rủi ro, trong khi các điều kiện tại Venice lại nuôi dưỡng năng lực đối phó rủi ro ở cả trẻ em và người chăm sóc, đồng thời củng cố sự gắn bó cộng đồng thông qua một văn hóa chăm sóc lẫn nhau. Việc tiếp xúc với rủi ro giúp trẻ xây dựng khả năng phán đoán, thích nghi và tự chủ, đồng thời biến trẻ em thành những người cùng kiến tạo đời sống đô thị.

Nghiên cứu từ đó đưa ra những đề xuất về cách tái tưởng tượng không gian đô thị nhằm hỗ trợ sự tự chủ trong vui chơi của trẻ em, bao gồm:

– Thiết kế không gian công cộng với các yếu tố tự nhiên, các vật liệu rời rạc và thiết bị sáng tạo phục vụ các trò chơi có tính mở, đảm bảo an toàn mà không làm mất đi cơ hội khám phá và đối mặt rủi ro;

– Ưu tiên các chính sách tạo ra những khu vực không có xe hoặc giảm tốc độ giao thông trên toàn khu dân cư và gần các địa điểm xã hội (trường học, thư viện, cửa hàng, công viên) nhằm góp phần tạo nên một nền văn hóa mà an toàn là trách nhiệm tập thể và là cam kết hướng tới sự gắn kết xã hội mạnh mẽ hơn;

– Chủ động cho trẻ em tham gia vào thiết kế đô thị thông qua các hoạt động kiến tạo không gian và chiếm dụng tạm thời;
– Khuyến khích các hội thảo thiết kế đồng sáng tạo có sự tham gia của trẻ và các sáng kiến hướng đến hành động để tận dụng góc nhìn của trẻ em trong việc thiết kế không gian đáp ứng nhu cầu;

– Cân nhắc các chỉ số thành công như cảm giác thuộc về, sự tò mò, niềm vui và trao đổi giữa các thế hệ thay vì chỉ đo lường hiệu suất hay chi phí bảo trì.

– Cùng nhau thay đổi môi trường theo thời gian.□

Trà My lược dịch

Nguồnhttps://theconversation.com/beyond-playgrounds-how-less-structured-city-spaces-can-nurture-childrens-creativity-and-independence-257481

* Bài đã đăng Tia Sáng số 13/2025

Tác giả

(Visited 42 times, 10 visits today)