Khu kinh tế biển trong tư duy đột phá chiến lược

Khởi đầu từ Khu Kinh tế (KKT) mở Chu Lai (2003), chỉ sau chưa đầy 10 năm, Việt Nam hiện đã có 15 khu kinh tế ven biển từ  Vân Đồn (Quảng Ninh) đến Năm Căn (Cà Mau). Và gần đây, 3 KKT mới được bổ sung thêm vào Quy hoạch là: KKT Đông Nam Quảng Trị, KKT ven biển Thái Bình, KKT Ninh Cơ (tỉnh Nam Định), với tổng diện tích mặt đất và mặt nước của 18 KKT là 721.782 ha.

Nhiều công trình nghiên cứu gần đây xác nhận, là sự phát triển ồ ạt các loại hình tổ chức công nghiệp này, đặc biệt là các KKT ven biển, chưa đạt hiệu quả chức năng, gây lãng phí lớn các nguồn lực và cản trở mạnh mẽ xu hướng hiện đại hóa nền kinh tế. Thực tế này là con đẻ của một lối tư duy, một kiểu phát triển mang khá rõ đặc tính “hội chứng”, “phong trào”, được thúc đẩy bằng nhiều nhóm động cơ và lợi ích trong nhiều trường hợp là xung đột nhau. Do đó, một yêu cầu cấp bách đặt ra là cần có những giải pháp phát triển hiệu quả các KKT biển trong một tầm nhìn chiến lược quốc gia tổng thể.

Quá trình phát triển thực tế 15 KKT biển ở nước ta thời gian qua dẫn tới những hệ quả phát triển rất đáng lưu ý như sau:

– Một số lượng lớn KKT biển được triển khai xây dựng gần như theo kiểu “đồng khởi”. Cách làm đó tạo ra sự dàn trải đầu tư, phân tán nguồn lực và gây ra tình trạng cạnh tranh giành vốn quyết liệt giữa các địa phương được quy hoạch xây dựng KKT. Kết cục là sự chậm trễ và lãng phí lớn, kéo theo xu hướng cố gắng “lấp đầy” thật nhanh KKT bằng mọi giá. Cách làm này vô hình trung đã dẫn tới một định hướng sai lệch: tập trung cho cuộc cạnh tranh xây dựng KKT giữa các địa phương trong nước trong khi đáng ra phải tập trung cao nhất nỗ lực quốc gia cho cuộc cạnh tranh với các nền kinh tế khác nhằm thu hút vốn đầu tư quốc tế đẳng cấp cao.

Các KKT biển thường được xây dựng ở những vị trí “đắc địa”, được thiết kế với kỳ vọng rất lớn về khả năng thu hút đầu tư cao, tạo đột phá phát triển mạnh và sức lan tỏa phát triển nhanh. Do vậy, việc xây dựng các KKT này thường được yểm trợ bằng các chính sách và biện pháp ưu đãi đặc biệt; đồng thời được thiết kế phát triển dựa trên những lợi thế và chức năng đặc thù:
– Có đặc thù kết cấu ngành, gắn với các cảng biển;
– Hoạt động công nghiệp không gây xung đột môi trường và hài hòa với sự phát triển của các ngành khác (ví dụ, du lịch biển).
– Có “hậu phương phát triển” đất liền đủ lớn;
– Gắn với đô thị cảng biển hiện đại (hàm ý thể chế phát triển hiện đại đặc thù của một KKT – đô thị – cảng biển hiện đại).
Tuy nhiên, kết quả thực tế và triển vọng phát triển các KKT biển ở nước ta cho đến nay còn xa mới được coi là tương xứng với kỳ vọng và các ưu đãi chính sách dành cho chúng.

– Tình trạng “vừa chạy vừa xếp hàng” trong việc thu hút đầu tư vào KKT trong khi chưa định hình rõ định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia về;  i) chiến lược phát triển công nghiệp – công nghệ cao; ii) phát triển các KKT và KCN như một hệ thống hữu cơ, dẫn tới chỗ tầm nhìn phát triển thiết kế cho các KKT biển thấp, không tạo cơ sở cho sự phân công và liên kết phát triển hợp lý giữa các KKT và ít gắn với logic kết nối chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Tình trạng thực tế hiện nay nặng về xu hướng mạnh khu nào khu ấy làm, làm được cái gì tốt cái đấy, không dựa trên thế mạnh và với định hướng tạo ra sự khác biệt để bổ sung và phát triển sự phân công, gắn kết với nhau.

– Cách phát triển ồ ạt các KKT biển làm cho nền kinh tế không thể chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế tập trung quy mô lớn và đẳng cấp cao. Hai lực lượng “chủ công” để phát triển hiệu quả các KKT biển là lực lượng doanh nghiệp Việt Nam và nguồn nhân lực chất lượng cao lại là những yếu tố bị thiếu hụt nghiêm trọng nhất.

– Nhìn chung, cấu trúc thể chế kinh tế và thể chế đô thị gắn với khu kinh tế chưa được dẫn dắt bởi tư duy định hướng hiện đại hóa. Trên thực tế, xu hướng xây dựng thể chế cho các KKT (và các KCN cũng vậy) tập trung vào việc ban hành các chính sách và biện pháp ưu đãi hơn là xây dựng một cấu trúc thể chế tổng thể (cho toàn bộ KKT hay toàn bộ cụm KKT – đô thị) hiện đại (theo xu hướng “vượt trước” để tạo sức hút kiểu Thâm Quyến của Trung Quốc, Dubai của Các Tiểu vương quốc Ả Rập hay Incheon của Hàn Quốc).

Cuối cùng, tính triển vọng trong đua tranh phát triển quốc tế của đa số KKT của nước ta chưa thể hiện rõ, thậm chí có thể nói là còn thấp. Đây là kết quả tất yếu, mang tính tổng hợp của các yếu tố nêu trên. Một tầm nhìn không đủ, thiếu sự chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tiên quyết cho sự hình thành một trung tâm phát triển theo kiểu bùng nổ trong thế giới toàn cầu hóa hiện đại chắc chắn sẽ làm chậm quá trình phát triển các KKT biển, hạn chế sức hấp dẫn đầu tư đẳng cấp cao của chúng, do đó, làm cho chúng trở nên kém triển vọng.

Để vượt qua tình trạng nêu trên trong việc phát triển các KKT biển, việc đầu tiên cần làm là phải xác định đúng các nguyên nhân gây ra nó.

Nguyên nhân
Xin được gợi ý một số nguyên nhân sau đây.

– Trong tư duy phát triển các KKT và các KCN, chưa đặt nó trong nhận thức về cuộc cạnh tranh thu hút nguồn lực phát triển toàn cầu, trước hết, giữa các nước trong khu vực. Do đó, cách phát triển KKT trong tư duy cục bộ địa phương dẫn tới sự chú ý thiên lệch về định hướng thể chế – nhưng bị dàn trải về nỗ lực thực tế: các chính sách ưu đãi (sức hấp dẫn ngắn hạn, cục bộ và không cơ bản) được coi trọng hơn đẳng cấp thể chế cần có của KKT (đây mới là yếu tố quyết định).

– Các KKT được hiểu như là một tọa độ phát triển mang tính địa phương cục bộ, là lợi ích quốc gia được chia cho các địa phương (nên phải được chia đều) chứ không phải là điểm đột phá phát triển vùng. Do vậy, lợi thế riêng lẫn khả năng bổ sung, liên kết phát triển lẫn nhau giữa các KKT không được tính đến đầy đủ, do đó, chưa được phát huy đúng mức.

– Mất cân đối nghiêm trọng giữa nguồn lực triển khai các KKT và mục tiêu về thời gian xây dựng và sứ mệnh chức năng mà các KKT gánh vác. Đây là lý do làm cho các KKT của ta kéo dài thời gian xây dựng, làm tăng chi phí đầu tư và bị lãng phí rất nhiều về nguồn lực, trong đó, lãng phí về “chi phí cơ hội” lại ít được tính đến. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy ở tầm quốc gia, việc tập trung đầu tư cho một số tương đối ít các KKT với định hướng ưu tiên về đẳng cấp thể chế và công nghệ thay vì mở ra tràn lan các KKT đẳng cấp thấp theo kiểu “chiến lược quả mít” là cách lựa chọn hợp lý và khôn ngoan.

Việc thiết kế xây dựng một bộ phận lớn các KKT trong thời gian qua còn có một điểm yếu cốt tử là không tính đầy đủ đến những yếu tố mang tính tiền đề. Một số KKT lớn không có không gian phát triển trên đất liền đủ lớn. Dải đất dọc biển của nước ta nói chung rất hẹp, “hậu phương công nghiệp” trên đất liền rất hạn chế trong khi mức độ kết nối rất yếu. Nước ngọt – nguồn tài nguyên cơ bản phục vụ cho sự phát triển công nghiệp tập trung và đô thị lớn hiện đại – ở một số vùng là rất thiếu. Việc khắc phục những điểm yếu “sinh tử” này ở nước ta hiện nay cần nhiều thời gian và vốn liếng. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng hàng loạt KKT có thể gây ra những nguy cơ và sự xung đột không dễ giải quyết. Trường hợp KKT Vũng Áng (thiếu không gian phát triển đủ lớn, thiếu nguồn nước ngọt) hay KKT Vân Phong (thiếu hậu phương công nghiệp và sự kết nối tương xứng với tầm cỡ của một cảng trung chuyển quốc tế hàng đầu khu vực) là những ví dụ điển hình. 

Cũng cần lưu ý một khía cạnh khác của xu hướng căng thẳng về nguồn lực đầu tư vào các KKT – khả năng bảo đảm nguồn đầu tư trong tương lai. Với tổng diện tích đất rộng lớn dành cho việc xây dựng 15 KKT biển (hơn 720.000 ha và con số này còn tăng lên do có một số KKT mới được phê duyệt đưa vào quy hoạch), giả định một mức thu hút đầu tư tương đối khiêm tốn mà các địa phương kỳ vọng đạt được cho mỗi một ha – 1 triệu USD (Bình Định đặt mục tiêu thu hút 2 triệu USD/ha), số lượng vốn cần có để “lấp đầy” mục tiêu đặt ra cho các KKT đã lên tới mức khó tưởng tượng: 720 tỷ USD. Đặt con số này trong cuộc cạnh tranh thu hút vốn đầu tư toàn cầu, mà trong cuộc cạnh tranh đó, Việt Nam không phải là địa chỉ thu hút đầu tư hấp dẫn nhất. Vậy thì “bao giờ cho đến tháng 10?”

Giải pháp trong phát triển hiệu quả các KKT biển

Theo logic tiếp cận nêu trên, có thể nêu một số gợi ý sau:

– Quán triệt tư duy KKT biển phải là một tọa độ đột phá mạnh, lan tỏa rộng, là một cứ điểm thực thi hiệu quả chiến lược biển. KKT biển cũng phải được nhận thức rõ là điểm kết nối phát triển vùng – quốc gia với thế giới chứ không phải là “của riêng” của các địa phương.

– Phải căn cứ vào nguồn lực thực tế được dành để phát triển các KKT để xây dựng chương trình phát triển KKT biển quốc gia, bảo đảm sự hài hòa, cân đối giữa các mục tiêu tốc độ, quy mô, chất lượng phát triển các KKT.

– Quán triệt định hướng xây dựng các KKT biển đẳng cấp cao – về cơ cấu và về thể chế. Tính vượt trội về trình độ hệ thống thể chế phải là tiêu chuẩn bắt buộc hàng đầu.

– Phải chuẩn bị nghiêm túc các điều kiện cần và đủ cho sự phát triển KKT – các nguồn tài nguyên tự nhiên cơ bản, không gian phát triển, nguồn nhân lực, hệ thống kết nối và lan tỏa phát triển.

Tất cả những gợi ý mang tính định hướng nêu trên đều nhằm tới một đề xuất về định hướng phát triển KKT biển ở Việt Nam trong giai đoạn tới: Chỉ nên tập trung phát triển 4 KKT biển quy mô lớn, gắn với 4 vùng kinh tế trọng điểm. Đây là 4 cửa mở quốc tế, 4 tọa độ kết nối phát triển vùng. Việc khai thông phát triển 4 tọa độ này là điều kiện tiền đề cho sự bùng nổ và lan tỏa phát triển vùng. Về cấp độ thể chế, đó phải là 4 KKT tự do (hay đặc khu kinh tế).

Căn cứ vào thực tế phát triển của Việt Nam, có thể đề xuất (sơ bộ) 4 KKT tự do như vậy là: KKT tự do Hải Phòng (kết nối với không gian phát triển vùng ven biển của Quảng Ninh); KKT tự do Đà Nẵng – Lăng Cô – Chân Mây; KKT tự do Vũng Tàu và Đặc khu Kinh tế Phú Quốc.

Cần xúc tiến ngay việc nghiên cứu khung khổ thể chế cụ thể, cơ cấu ngành chức năng và hệ thống hạ tầng kết nối phát triển cho mỗi KKT nêu trên và xác định kịp thời lộ trình, giải pháp thực hiện.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)