Khủng hoảng khí hậu và khủng hoảng đa dạng sinh học: Hai mặt của một đồng xu
Cuộc khủng hoảng khí hậu đang tác động nghiêm trọng lên hành tinh - sự phân bố lượng mưa đang thay đổi, mực nước biển toàn cầu đang dâng cao, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt diễn ra ngày càng thường xuyên hơn, đại dương bị axit hoá và các vùng thiếu oxy tiếp tục tăng lên.
“Cuộc khủng hoảng khí hậu do chính chúng gây ra có thể là thách thức lớn nhất mà loài người Homo sapiens phải đối mặt trong 300.000 năm qua”, GS. Hans-Otto Pörtner, người đứng đầu Bộ phận Sinh – Lý học Tích hợp tại Viện Alfred Wegener, Trung tâm Biển và Cực Helmholtz, cho biết.
“Tuy nhiên, cùng lúc đó, một cuộc khủng hoảng khác cũng nguy hiểm không kém đang diễn ra, một cuộc khủng hoảng thường bị bỏ quên – đó là sự biến mất của các loài động thực vật trên khắp hành tinh. Hai thảm họa – khủng hoảng khí hậu và khủng hoảng đa dạng sinh học – phụ thuộc lẫn nhau và ảnh hưởng lẫn nhau. Đó là lý do tại sao chúng không nên được coi là hai vấn đề riêng biệt. Do đó, nghiên cứu đánh giá của chúng tôi chỉ ra chi tiết mối liên hệ giữa khủng hoảng khí hậu và khủng hoảng đa dạng sinh học, đồng thời đưa ra các giải pháp để giải quyết cả hai thảm họa cũng như giảm thiểu tác động xã hội vốn đã rất nghiêm trọng do chúng gây nên”.
Mười tám chuyên gia quốc tế đã cùng phối hợp để thực hiện nghiên cứu. Bài báo được công bố trên tạp chí Science là kết quả của một hội thảo khoa học trực tuyến với sự tham gia của 62 nhà nghiên cứu từ 35 quốc gia 1.
Trong nghiên cứu này, các chuyên gia ước tính rằng các hoạt động của con người đã thay đổi khoảng 75% bề mặt đất liền và 66% vùng biển trên hành tinh của chúng ta. Tình trạng nghiêm trọng đến mức ngày nay, khoảng 80% sinh khối từ động vật có vú và 50% sinh khối thực vật đã biến mất, trong khi nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng. Tình trạng Trái đất nóng lên và sự phá hủy môi trường sống tự nhiên không chỉ dẫn đến mất đa dạng sinh học mà còn làm giảm khả năng lưu trữ carbon của các sinh vật, đất và trầm tích, từ đó khiến cuộc khủng hoảng khí hậu càng trầm trọng hơn.
Bởi vì mỗi sinh vật có một khả năng chịu đựng nhất định đối với những thay đổi trong điều kiện môi trường (ví dụ như nhiệt độ), do đó tình trạng nóng lên toàn cầu cũng khiến môi trường sống của các loài thay đổi. Hòng đáp ứng khả năng chịu đựng, các loài di cư hướng dần về phía các cực, đến độ cao cao hơn (trên đất liền, dãy núi) hoặc xuống khu vực sâu hơn (dưới đại dương).
Các sinh vật như san hô thay đổi rất chậm, vì vậy chúng không kịp thích ứng với nhiệt độ, về lâu dài, các rạn san hô lớn có thể biến mất hoàn toàn. Và các loài di cư cũng rơi vào ngõ cụt nếu chúng không còn tìm thấy bất kỳ môi trường sống nào có nhiệt độ thích hợp.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng này, các nhà nghiên cứu đề xuất phương án kết hợp giữa các biện pháp giảm phát thải, khôi phục và bảo vệ, quản lý sử dụng đất thông minh và thúc đẩy năng lực hợp tác giữa các nhóm chính trị.
Ngoài ra, các tác giả của nghiên cứu kêu gọi một phương án tiếp cận hiện đại để quản lý sử dụng đất, trong đó các khu bảo tồn không nên được coi là nơi trú ẩn biệt lập cho đa dạng sinh học. Thay vào đó, chúng cần phải là một phần của mạng lưới trải rộng khắp thế giới trên đất liền và trên biển, kết nối các khu vực tương đối hoang sơ thông qua các hành lang di cư cho các loài khác nhau. Theo đó, các cộng đồng bản địa và cộng đồng địa phương phải được hỗ trợ để thúc đẩy quá trình bảo vệ và phục hồi thiên nhiên.
“Chúng ta khó có thể hiện thực hoá được các mục tiêu đa dạng sinh học, khí hậu và tính bền vững toàn cầu nếu các tổ chức không hợp tác chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, Liên Hợp Quốc đang có hai công ước riêng về đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng giải quyết hai cuộc khủng hoảng một cách quá tách biệt và chỉ tập trung vào lợi ích quốc gia của các bên tham gia công ước. Ở đây, chúng ta cần sớm có một cách tiếp cận toàn diện nếu chúng ta thực sự mong muốn đạt được các mục tiêu.”
Hà Trang tổng hợp
Nguồn: https://phys.org/news/2023-04-climate-crisis-biodiversity-approached.html
———————————–
1. https://www.science.org/doi/10.1126/science.abl4881