Khuyến nghị cho tiến trình tự chủ đại học: Về tổ chức và cơ chế giám sát
Tiếp theo kỳ 1 phân tích nguyên nhân chậm triển khai tự chủ đại học ở Việt Nam, tác giả Trần Đức Viên đưa ra một số khuyến nghị nhằm sớm đưa tự chủ đại học bước vào “đời sống thực” hàng ngày của các đại học công lập (ĐHCL), để các cơ sở giáo dục (CSGD) này nhanh chóng trở thành các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các trung tâm đổi mới và sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của đất nước.
Thí sinh xét tuyển vào đại học Quốc gia Hà Nội. Nguồn ảnh: Báo Nhân dân.
Cơ chế giám sát
Nhà nước cần dứt khoát thay kiểm soát ‘đầu vào’ nặng tính xin cho hiện nay bằng cơ chế giám sát kết quả ‘đầu ra’ của CSGD theo các chỉ số đầu ra cơ bản (KPIs) mà CSGD đã cam kết. KPIs thường được chia thành 4 nhóm là:
(i) Thành tựu KHCN, như số sản phẩm KHCN, tiến bộ kĩ thuật, công nghệ mới được áp dụng, số bài báo thuộc hệ thống ISI hoặc Scopus, số lượng giải thưởng quốc gia, quốc tế về KH&CN, số lượt giảng viên tham gia các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế, tỷ lệ kinh phí hoạt động KHCN/tổng kinh phí, số phát minh sáng chế, số hợp đồng hợp tác với doanh nghiệp, với địa phương, v.v… ;
(ii) Chất lượng đào tạo như tỷ lệ giảng viên/người học, tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ, tỷ lệ giảng viên có chức danh GS/PGS, số chương trình đào tạo được kiểm định, kinh phí đầu tư/đầu sinh viên, mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 6 tháng, sau 12 tháng tốt nghiệp, lương khởi điểm của sinh viên, v.v… ;
(iii) Mức độ quốc tế hóa, như tỷ lệ chuyên gia người nước ngoài làm việc tại ĐHCL, tỷ lệ giảng viên được mời giảng dạy ở nước ngoài, số bài báo công bố chung với người nước ngoài, số giảng viên, nghiên cứu sinh được đào tạo, tập huấn ở nước ngoài, số sinh viên quốc tế, số hội thảo quốc tế, số chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh, số lượng hiệp hội hay mạng lưới quốc tế ĐHCL là thành viên, v.v…;
(iv) Cơ sở vật chất, như kinh phí đầu tư thiết bị nghiên cứu và giảng dạy, số phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm, số phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO, kinh phí đầu tư cho trung tâm học liệu, v.v…
Việc giám sát KPIs nên giao cho một cơ quan, tổ chức độc lập xếp hạng, đánh giá, đó không phải là công việc quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT.
Về tổ chức
Đã đến lúc Nhà nước (ở đây là Bộ GD&ĐT và Bộ chủ quản) từ bỏ cơ chế quản lý kiểu tập quyền (hierarchical), giải phóng các trường khỏi cơ chế ‘cơ quan chủ quản’ và cơ chế ‘xin’ Bộ GD&ĐT ‘cấp phép’ về công tác chuyên môn. Chính điều này làm cho các hội đồng trường (HĐT) trong thời gian qua hoạt động rất khó khăn, mang tính hình thức và buộc phải chuyển dần qua chức năng tư vấn, mất chức năng của một tổ chức quyền lực theo luật định. HĐT chỉ mạnh và phát huy tác dụng tốt nhất khi không bị ràng buộc hay sự chỉ đạo của một cấp trên nào.
Nhưng giao quyền tự chủ, việc xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản cũng cần có lộ trình, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước, của từng ngành nghề và năng lực của từng CSGD, không nên và không thể xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản đồng loạt cho tất cả các CSGD.
Việc tồn tại HĐT kiểu “bỏ thì thương vương thì tội” thời gian qua gây rất nhiều trở ngại cho tiến trình tự chủ của các trường đại học công lập; vì vậy, nhà nước nên có quyết định dứt khoát: hoặc là (i) cho xóa bỏ thiết chế HĐT, thiết chế này tốt ở Âu Mỹ hay ở đâu đó, chứ chưa hay, chưa tốt, chưa cần ở ta, sự tồn tại HĐT hiện nay chỉ làm rối thêm hệ thống quản trị đại học vốn còn ẩn chứa nhiều bất cập ở Việt Nam; hoặc là (ii) nếu thấy thiết chế này là cần thiết, điều kiện kinh tế – xã hội của ta đã cho phép, thì dứt khoát phải có các quy định chặt chẽ, cụ thể, khả thi để HĐT về đúng với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của nó theo luật định.
Để quyền lực của HĐT trở thành hiện thực, cần:
(i) HĐT của một CSGD là tổ chức thay mặt nhà nước quản trị trường đại học; vì thế, để tiến tới xóa bỏ cơ chế ‘bộ chủ quản’ theo mô hình quản trị đại học của các nước tiên tiến, thì ngay bây giờ đề nghị Chính phủ cho áp dụng Điều 7 và Điều 8 của Thông tư số 03/2016/TT-BNV ngày 25 tháng 05 năm 2016 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về thành lập và hoạt động của hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể: HĐT là đại diện của nhà nước (Bộ chủ quản, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tại cơ sở giáo dục công lập; thay vì hiệu trưởng (HT) phải báo cáo, xin ý kiến Bộ chủ quản và Bộ GD&ĐT thì nay HT chỉ cần báo cáo và xin ý kiến HĐT về các lĩnh vực công tác được Nhà nước giao quyền hoặc được ủy quyền, tránh tình trạng ‘một cổ hai tròng’ của HT: vừa báo cáo xin ý kiến HĐT, vừa báo cáo xin ý kiến cơ quan quản lý nhà nước. Nhà nước cần qui định rõ ‘chỉ giới đường đỏ’: những hạng mục công việc nào HT chỉ cần báo cáo, xin ý kiến HĐT; những hạng mục công việc nào HT nhất thiết phải báo cáo, xin ý kiến Bộ chủ quản, Bộ GD&ĐT…
(ii) HĐT quyết định về chủ trương, phương hướng, kế hoạch hoạt động, tài chính và công tác nhân sự; kiểm tra, giám sát và hỗ trợ việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập.
(iii) Cụ thể, nhiệm vụ trung tâm của HĐT là (a) xem xét và phê chuẩn chiến lược, điều lệ, qui chế tổ chức và hoạt động, giám sát tổng thể trường đại học, xem xét đường lối phát triển của nhà trường và phê chuẩn (phê chuẩn chứ không phải ‘thông qua’) việc sử dụng các nguồn lực, trong đó có nguồn lực tài chính, của nhà trường, kiểm soát và định hướng mọi chi tiêu từ các quỹ của nhà trường; định ra chính sách học phí và các chinh sách tăng thu, tiết kiệm chi của nhà trường; duyệt và phê chuẩn báo cáo hàng năm của Hiệu trưởng trên cơ sở kết quả của hội nghị cán bộ viên chức; (b) xây dựng qui trình giới thiệu, bầu, chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý của đơn vị, từ HT trở xuống, đảm bảo công khai, minh mạch, hiệu lực quản lý và hiệu suất công tác của cán bộ lãnh đạo, quản lý; (c) Tổ chức giới thiệu, lựa chọn, và bầu ra chủ tịch HĐT và HT, các phó hiệu trưởng, cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt như trưởng khoa, trường phòng theo quy trình bổ nhiệm của hội đồng. Đảm bảo các cán bộ được lựa chọn đều nằm trong danh sách qui hoạch của Đảng ủy. Trong đó quan trọng nhất là lựa chọn được hiệu trưởng là người có phẩm chất và năng lực thực sự để trở thành CEO đứng đầu bộ máy điều hành nhà trường; (d) HĐT cũng là tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và các chức danh lãnh đạo, quản lý khác của nhà trường nếu họ không hoàn thanh nhiệm vụ hoặc bị thoái hóa, biến chất; (đ) giám sát, đánh giá và hỗ trợ hoạt động điều hành thực hiện chính sách của bộ máy điều hành (Ban giám hiệu).
(iv) Để hoàn thành các nhiệm vụ, HĐT không thể làm việc hời hợt kiểu ‘chuồn chuồn chấm nước’, mỗi năm họp 2 lần. Trên thực tế, nếu làm tròn vai trò và trách nhiệm, khối lượng công việc của HĐT rất lớn, nhưng lại không thể triệu tập họp thường xuyên tất cả các thành viên nhiều lần/năm. Từ thực tiễn của một CSGD, ở đây HĐT đã thành lập Thường trực HĐT, với số lượng thành viên phù hợp (như ở CSGD này là 7 người, gồm Bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐT, HT, 4 giảng viên đại diện cho 4 lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học chính của CSGD), họ là những người am hiểu nhất về các lĩnh vực hoạt động của nhà trường. Thường trực HĐT họp ít nhất mỗi tháng một lần, và thường sau một quí thì dự họp liên tịch Đảng ủy – Hội đồng trường – Ban giám hiệu một lần, theo sát các hoạt động của nhà trường, làm cơ sở cho việc giám sát, đánh giá và hỗ trợ hoạt động của Ban giám hiệu.
Một thiết chế nữa được quy định trong tất cả các văn bản pháp lý hiện hành về tổ chức hoạt động của trường đại học là Hội đồng Khoa học &Đào tạo (Academic Senate, Academic Council), từ xưa đến nay đều chỉ là tổ chức tư vấn cho hiệu trưởng, chứ không phải tổ chức có thẩm quyền cao nhất về mặt học thuật, chuyên môn như thông lệ quốc tế; tệ hơn, nó còn là tổ chức “tự tư vấn cho chính mình”. Hãy trả lại đúng vị trí, vai trò và trách nhiệm của Hội đồng Khoa học &Đào tạo cho các CSGD.
Về nhân sự
Trường đại học là môt tổ chức học thuật, có đặc thù riêng, không thể và không nên lấy các tiêu chuẩn và thước đo của các cơ quan hành chính nhà nước ‘áp’ vào công tác nhân sự ở đây. Vì vậy, trong quá trình lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ, lấy hiệu lực quản lý, hiệu quả công tác, năng suất lao động làm thước đo quyết định, các tiêu chuẩn hiện hành khác qui định cho cán bộ quản lý các cơ quan hành chính (trình độ, tuổi tác, nhiệm kỳ, v.v…) chỉ nên xem là các tiêu chí tham khảo quan trọng.
Bộ chủ quản xem xét và phê chuẩn kết quả bầu hai chức danh là chủ tịch HĐT và HT; các chức danh quản lý, lãnh đạo còn lại giao CSGD thực hiện giới thiệu, bầu và bổ nhiệm theo qui trình công khai, rõ ràng, được HĐT thông qua (như cách làm của Bộ NN&PTNT giao quyền cho HVNNVN).
Nhà nước giao CSGD xem xét việc bổ nhiệm lại, cho kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, bổ nhiệm người quá tuổi lao động theo qui định vào các vị trí lãnh đạo, quản lý tùy thuộc vào hiệu lực quản lý, hiệu quả quản trị, hiệu suất công tác của đối tượng xem xét bổ nhiệm. Một người, dù tài giỏi, cũng không nên làm quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp ở cùng một vị trí lãnh đạo, quản lý.
Quyền cũng đi liền với trách nhiệm; vì vậy, cùng với HT, chủ tịch HĐT phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước nhà nước, trước xã hội, trước cán bộ viên chức và người học về tất cả các lĩnh vực hoạt động của CSGD, theo các KPIs CSGD đã cam kết.
Để có thể hoàn thành nhiệm vụ, ngoài các qui định chung, tiêu chuẩn nhân sự chủ tịch HĐT phải cao hơn HT, có uy tín cao với tập thể giáo viên, có uy tín cao với xã hội, được HT nể trọng, vừa giỏi chuyên môn vừa dày dạn kinh nghiệm quản lý hơn HT, có tầm nhìn xa, có tính cách mạnh mẽ, có phẩm chất thẳng thắn và trung thực. Vì vậy, họ cần kinh qua công tác quản lý cấp trường (HT hoặc phó hiệu trưởng) ít nhất một nhiệm kỳ (5 năm). Để có những người như thế, nhà nước cần phải nới độ tuổi của chủ tịch HĐT.
Vì CSGD tự lo chi thường xuyên và chi không thường xuyên, nên họ được quyết định số lượng biên chế, định biên, vị trí việc làm, khen thưởng, kỷ luật, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, lên lương, lên ngạch, hạ lương, hạ ngạch cán bộ viên chức và người lao động của đơn vị, trừ chức danh chủ tịch HĐT và HT thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ chủ quản; được quyết định việc giao kết hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động với giảng viên, nhà khoa học, nhà quản lý là người Việt Nam và người nước ngoài, trong và quá tuổi lao động theo qui chế tổ chức và hoạt động của CSGD, để thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và lãnh đạo, quản lý, đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Những lao động này được tính như giảng viên cơ hữu của CSGD, và được hưởng mọi quyền lợi như giảng viên cơ hữu. Các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ chủ quản, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ…) ở rất ‘xa’, làm sao có thể biết những việc này cụ thể, sâu sát, rõ ràng như CSGD, nên cơ quan quản lý nhà nước cứ đòi giữ quyền ‘duyệt’ với ‘phê chuẩn’ là không phù hợp, hãy để CSGD tự chịu trách nhiệm về các quyết định của họ.
(Đón đọc kỳ 3 “Khuyến nghị cho tiến trình tự chủ đại học: Mối quan hệ giữa các thiết chế quản trị”).