Kiếm ăn nơi xứ người
Trong nhóm hàng điện tử, kỹ thuật số…, thương hiệu Việt “bành trướng ra ngoài lãnh thổ hình cong chữ S” không nhiều.
Mobiistar đi tìm mảnh đất mới như Ấn Độ, GCC.
Ngoài Viettel, gần đây còn có một nhà bán lẻ và một nhà sản xuất theo dạng đặt hàng gia công. Mỗi thương hiệu, khi “kiếm ăn ở xứ người”, mang theo những tâm thế khác nhau…
Bán lẻ điện thoại ở Cam!
Cuối năm 2017, Thế Giới Di Động (TGDĐ) chính thức công bố ngành hàng mới: bán lẻ thuốc tây với hệ thống An Khang. Những ông chủ trẻ của TGDĐ chưa chịu dừng lại ở đó, cả về ngành hàng kinh doanh lẫn không gian.
Tại thị trường Việt Nam, nhiều người biết đến các chuỗi kinh doanh của TGDĐ. Còn tại Phnom Penh (Campuchia), người tiêu dùng của vương quốc này đã bắt đầu biết đến các sản phẩm điện thoại di động của chuỗi bán lẻ có tên là BigPhone. Thành lập từ tháng 10/2016, tháng 6/2017, BigPhone khai trương cửa hàng đầu tiên. Theo ông Hồ Viết Đông, tổng giám đốc BigPhone, hiện chuỗi bán lẻ này có bốn cửa hàng tại Phnom Penh. Ông Đông cho biết: “Tháng 2/2108, BigPhone sẽ có thêm bốn cửa hàng mới. Tính đến hết năm 2018, BigPhone đặt mục tiêu sẽ có mười cửa hàng. Cuối năm 2018, ban lãnh đạo TGDĐ sẽ tính tiếp quy mô đầu tư tại Campuchia. Nếu mọi sự tốt đẹp, không chỉ mở rộng mô hình BigPhone mà còn có thể sẽ đưa những mô hình như Điện máy Xanh, Bách hoá Xanh, An Khang vào đây. Đó là nếu…”
Trở lại câu chuyện của BigPhone hiện thời. Ông Đông nói rằng, trước khi TGDĐ đem mô hình chuỗi bán lẻ sang Cam, ở đây chỉ có các cửa hàng nhỏ lẻ. Khi BigPhone xuất hiện, khách hàng Cam mới biết thế nào là dịch vụ hậu mãi, khuyến mại… “Nhưng mô hình còn quá mới, khách hàng còn dè dặt nên chưa đạt chỉ tiêu doanh thu, ước chừng 70 – 80% thôi”, ông Đông nói. Theo vị tổng giám đốc này, mục tiêu doanh thu là 100.000 USD/tháng/cửa hàng, nhưng hiện nay, doanh thu bình quân khoảng chừng 80.000 USD. Ông Đông từ chối bình luận về con số này nhưng theo ông Trần Kinh Doanh, tổng giám đốc TGDĐ: “Thị trường bán lẻ điện thoại di động ở Cam còn nhiều cơ hội để phát triển. Hoạt động của BigPhone đang diễn ra đúng kịch bản khi quyết định đầu tư vào thị trường này”.
Dù đứng chân ở thủ đô, đầy đủ các thương hiệu: Samsung, Apple, Oppo… nhưng doanh thu chính của BigPhone vẫn là nhóm hàng phân khúc giá tầm trung (200 – 300 USD/máy). Ông Đông cho biết: “Đầu năm 2018, Chính phủ Campuchia đã giảm thuế nhập khẩu, từ 10% nay chỉ còn 5%. Đây là động thái tích cực để BigPhone yên tâm làm ăn tại thị trường này”.
TGDĐ không phải là nhà bán lẻ đầu tiên của Việt Nam đứng chân tại thị trường Campuchia. Gần mười năm trước, Viễn Thông A là nhà bán lẻ đầu tiên đã thử tìm hiểu thị trường này. Ông Huỳnh Việt Thương, chủ tịch hội đồng quản trị của Viễn Thông A, kể lại: “Lúc đó bên Cam chưa có chuỗi bán lẻ điện thoại di động nào hết. Loanh quanh tìm hiểu thấy thị trường ngon ăn nhưng súng nổ rầm trời, rồi tình trạng cát cứ, nhũng nhiễu của những ông tướng vùng… Sợ quá nên dẹp giấc mơ đó luôn”. Cách đây năm năm, FPT Shop bạo gan mở hai cửa hàng bán lẻ tại Phnom Penh (trong đó có một cửa hàng liên kết với nhà bán lẻ bản địa) nhưng sau đó cũng lặng lẽ chia tay.
Trò chuyện với Thế Giới Tiếp Thị, ông Kim Huyền (người Khmer Trà Vinh) hiện là quản lý siêu thị BigPhone 1, kể: “Lúc mới qua cũng lo sợ lắm nhưng khi thấy cách làm ăn đàng hoàng của BigPhone, khách hàng Cam ủng hộ vì bản tính họ cũng hiền lành. Bình quân mỗi ngày BigPhone 1 có khoảng 40 – 50 khách hàng, trong đó khoảng mười người Việt đang làm ăn, sinh sống tại đây”.
Lang thang miền sa mạc…
Giữa tháng 10/2017 ở Dubai (Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất – UAE). Tại Gitex 2017, triển lãm công nghệ các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư (Gulf Cooperation Council – GCC), lần đầu tiên Mobiistar tham gia triển lãm này với hai sản phẩm S2 dual và Prime X Max 2018 vừa được công bố tại Tech Forum 2017 (tổ chức ngày 21/9/2017, tại Việt Nam). Cũng tại Gitex 2017, ông Ngô Nguyên Kha, giám đốc điều hành Mobiistar, đã có cuộc gặp tay ba, giữa Mobiistar với giám đốc kinh doanh toàn cầu của hãng sản xuất chip MTK (Đài Loan) và một nhà phân phối điện thoại di động. Nội dung của cuộc gặp này không được tiết lộ với báo chí, chỉ biết sau đó, những ông chủ của Mobiistar đã có một chuyến đi dài ngày sang các quốc gia Bắc Phi. Sau khi trở về Việt Nam, ông Kha cho biết mục đích chung chung của chuyến đi bằng một câu ngắn gọn: “Tìm đất để sống”!
Từ giữa tháng 11/2017, ông Kha và những cá nhân “cốt cán” của Mobiistar ở UAE, Ấn Độ… nhiều hơn ở Việt Nam! Theo ông Kha, Ấn Độ có 1,2 tỷ dân, một tháng tiêu thụ 22 triệu máy, còn GCC là “cửa ngõ” của thị trường Trung Đông và Bắc Phi. “Với thị trường lớn như vậy, Mobiistar có khả năng đánh giá được nhu cầu khách hàng để tạo ra sản phẩm phù hợp. Qua các cuộc thăm dò thị trường, sản phẩm Mobiistar được đánh giá cao. Việt Nam là một thị trường rất khó tính vậy mà Mobiistar đã trụ được. Những gì Mobiistar dùng để thuyết phục khách hàng Việt Nam sẽ được dùng để thuyết phục khách hàng ở các thị trường sắp mở”, ông Kha nói. Cũng theo vị giám đốc điều hành Mobiistar, tháng 3/2018, sản phẩm S2 dual sẽ đươc bán ở các quốc gia GCC. Khoảng tháng 4 hoặc tháng 5/2018, Mobiistar sẽ bắt đầu bán hàng ở Ấn Độ. Hiện tại, Mobiistar đã thành lập văn phòng liên lạc ở Ấn Độ, đang xúc tiến những phần việc khảo sát thị trường.
Ông Kha cho rằng, việc Mobiistar đi tìm mảnh đất mới như Ấn Độ, GCC để đầu tư có những mục tiêu. Đó là xuất khẩu chất xám! Theo ông Kha, đội ngũ kỹ thuật của Mobiistar đang phụ trách các công nghệ chủ chốt như camera, phần cứng; hệ thống quản trị tồn kho và bán hàng. Nếu tung những công nghệ trên vào các thị trường lớn, hiệu quả sẽ cao hơn so với thị trường Việt Nam rất nhiều lần. “Bên cạnh đó, khi Mobiistar đẩy mạnh bán hàng ở những thị trường lớn, với sản lượng lớn hơn nhiều lần, đối tác sẽ nhìn Mobiistar với con mắt khác. Lúc đó, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ nguồn cung cấp hàng hoá và khả năng làm sản phẩm cho nhiều thị trường từ các đối tác chiến lược”, ông Kha bình luận.
Đó là những lý do khả dĩ tin được, nhưng đó là chuyện ở tương lai. Còn hiện tại, Mobiistar ngày càng sa sút tại mảnh đất mà họ đã được sinh ra… Đầu năm 2017, Mobiistar lọt vào nhóm 5 thương hiệu có lượng bán hàng nhiều nhất tại thị trường Việt Nam với thị phần ước chừng 5%. Nhưng từ giữa năm 2017, Mobiistar bắt đầu “tụt dốc” với nhiều lý do: ít có sản phẩm mới, không có tiền để tiếp thị… Chia sẻ với Thế Giới Tiếp Thị, ông Kha xác nhận: năm 2017, Mobiistar “hứng chịu” nhiều đợt tấn công của các đối thủ nước ngoài nên trụ hạng là ưu tiên hàng đầu. “Mobiistar biết điểm yếu: thị trường nhỏ, đối tác cung cấp hàng hoá không thể ưu tiên… Đúng là trong năm 2017 có dè dặt. Năm 2018 sẽ mạnh dạn hơn với thị trường Việt Nam”, ông Kha giải thích về thân phận tại thị trường Việt Nam trong năm qua, đồng thời lờ đi chuyện thiếu vốn như dư luận đã nói về nhà sản xuất này.
Hình như Mobiistar có nhà đầu tư mạnh, mới đủ sức vượt sa mạc? Lâu nay, ông Kha thường than ngắn thở dài: “Mình là con nhà nghèo”!
Trọng Hiền
Theo TGTT