Kiến lưu trữ ký ức dài hạn và ngắn hạn trong các phần khác nhau của bộ não
Não trái và não phải của chúng ta lưu trữ các loại ký ức khác nhau: ví dụ não trái chuyên lưu trữ thông tin ngôn ngữ, trong khi bên phải chuyên về thông tin hình ảnh. Nhưng hóa ra chúng ta không phải là những sinh vật duy nhất có khả năng đó.
Nhóm nghiên cứu đã huấn luyện kiến gỗ đỏ bằng phương pháp mà nhà sinh lý học người Nga Ivan Pavlov đã huấn luyện những chú chó nổi tiếng của mình gửi một tín hiệu nhất định, và rồi mang thức ăn đến cho chúng. Ảnh: David Fernandes
Nghiên cứu mới cho thấy loài kiến — cũng giống như con người, sẻ hót và cá vằn — có thể lưu trữ những ký ức khác nhau ở những phần khác nhau trong bộ não nhỏ bé của mình, hay còn gọi là phân công não bộ.
Ong mật và ong vò vẽ dường như cũng có sự phân công trong các phần của não bộ, thể hiện qua các ký ức về mùi hương. Nhưng các nhà nghiên cứu tự hỏi, liệu những loài côn trùng khác có phân chia chức năng bộ não như vậy không? Họ đã huấn luyện kiến gỗ đỏ bằng phương pháp mà nhà sinh lý học người Nga Ivan Pavlov đã huấn luyện những chú chó nổi tiếng của mình – gửi một tín hiệu nhất định, và rồi mang thức ăn đến cho chúng.
Để tìm hiểu liệu loài kiến có lưu giữ ký ức thị giác ở các phần khác nhau trong não hay không, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thí nghiệm: Mỗi khi những con kiến nhìn vào một vật thể màu xanh (trên ảnh), nhà nghiên cứu sẽ chạm giọt đường vào ăng-ten bên phải, ăng-ten bên trái hoặc cả hai của kiến. Sau đó, họ sẽ kiểm tra ký ức của chúng trong ba mốc thời gian – 10 phút, 1 tiếng và 24 tiếng từ sau khi huấn luyện. Nhóm nghiên cứu kiểm tra bằng cách sau khi cho kiến xem vật thể màu xanh, họ tiếp tục quan sát xem chúng có há miệng hay không, đó là một phản ứng ‘ham muốn’ tương tự như phản ứng chảy nước miếng của chú chó trong thí nghiệm mà Pavlov tiến hành.
Những con kiến được huấn luyện với ăng-ten bên phải bày tỏ ham muốn rõ rệt ở mốc 10 phút và phản ứng tiếp tục kéo dài sau 1 tiếng, nhưng sau đó thì biến mất. Kiến được huấn luyện với ăng-ten bên trái không phản ứng gì sau 10 phút và 1 tiếng, nhưng chúng lại có phản ứng ở mốc 24 tiếng kể từ thời điểm được huấn luyện. Điều đó cho thấy một bên não kiến lưu trữ những ký ức ngắn hạn, trong khi bên còn lại lưu trữ ký ức dài hạn hơn.
Đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy các ký ức thị giác ngắn hạn và dài hạn được lưu trữ ở các bên khác nhau trong não côn trùng, các nhà nghiên cứu cho biết, một đặc điểm giúp chúng tiết kiệm năng lượng và khả năng lưu trữ bộ nhớ trong các bộ phận nhỏ của cơ thể.
Anh Thư dịch
Nguồn: Ants store long- and short-term memories on different sides of their brains