Kính dữ liệu: Đã bước vào giai đoạn ứng dụng thật sự
Kể từ những thử nghiệm đầu tiên trong đầu những năm 1990, đến nay kính dữ liệu (gọi chung cho các loại kính sử dụng công nghệ thực tế ảo Virtual reality - VR và thực tế ảo tăng cường Augmented Reality - AR) đang thâm nhập ngày càng nhiều trong ngành công nghiệp. Đây là thị trường hứa hẹn tiền tỷ đối với các nhà sản xuất.
Kính dữ liệu sẽ trở thành một xu hướng đầy triển vọng trong ngành công nghiệp.
Hầu như không mấy ai không bị rối trí khi đọc những bảng hướng dẫn sử dụng như hướng dẫn lắp ráp một cái tủ hay phức tạp hơn là hướng dẫn sắp xếp lắp đặt các chi tiết trong một xưởng sản xuất. Khi đó, một người thợ, với máy móc và dụng cụ trong tay, phải chăm chăm nhìn bản hướng dẫn để hiểu nguyên tắc lắp ghép các chi tiết. Sau đó anh ta đặt bản hướng dẫn sang một bên và bắt đầu công việc lắp ráp của mình, tuy vậy anh ta luôn phải liếc mắt đọc bản hướng dẫn. Quy trình này sẽ tiện lợi hơn nhiều nếu như các điểm cần lắp ghép tự loé sáng để hướng dẫn cho người thợ ấy các thao tác cần thực hiện.
Hãng kỹ thuật điện Weidmüller ở Detmold, Đức, hiện đang làm được điều này: người thợ đeo kính dữ liệu (Data glasses) và nhìn vào cỗ máy, khi bật máy lên, người thợ đó biết rõ cần dụng cụ nào, làm thao tác gì để thực hiện công việc lắp ráp trước mắt. Chỉ nhìn qua chiếc kính này, người thợ biết ngay phải ráp nối những cái ống nào hay vị trí nào đã được lắp ráp nhưng chưa đạt yêu cầu. Tóm lại sự kính dữ liệu này mang tới cho những người thợ máy một bản hướng dẫn chi tiết hơn so với trước đây, hơn nữa anh ta hoàn toàn được tự do thoát khỏi cảnh nhìn chăm chăm vào một bản hướng dẫn bằng giấy. Patrick-Benjamin Bök, phụ trách sản xuất toàn cầu lĩnh vực số hóa và trí tuệ của hãng Weidmüller, cho hay: “Áp dụng kính dữ liệu vào sản xuất rất thuận tiện cho người thợ, giúp tiết kiệm thời gian và tránh được sai sót”.
Hãng Weidmüller đã mua sáu chiếc kính dữ liệu Hololens của Microsoft và dự kiến sẽ đặt mua thêm nhiều kính này, không chỉ nhằm phục vụ mục đích hướng dẫn sử dụng mà còn dùng trong nhiều khâu sản xuất khác, như sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng hay trong công tác đào tạo nâng cao tay nghề… Trong tương lai, hãng này sẽ dùng kính dữ liệu để lắp đặt toàn bộ trang thiết bị máy móc trong những nhà xưởng trống rỗng. Vấn đề đặt ra là cần bổ sung các thông tin kỹ thuật số cho thực tế sản xuất (Augmented Reality).
Cùng với thực tế ảo, AR đang là một xu hướng đầy triển vọng trong tương lai đối với các doanh nghiệp. Trong khi nhiều doanh nghiệp đang gặp vấn đề lớn trong hoạt động marketing giới thiệu sản phẩm tới tay người tiêu dùng thì nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang quan tâm tới AR như là một cơ hội lớn để mở rộng phát triển sản xuất bởi vì số hoá đang thâm nhập ngày càng nhiều vào các lĩnh vực sản xuất, logistic và phát triển. TS. Ulrich Bockholt, nghiên cứu viên tại Viện Fraunhofer, Đức, chuyên nghiên cứu về xử lý dữ liệu đồ hoạ, cho rằng “các lĩnh vực áp dụng kỹ thuật AR sẽ tăng vọt”. Và trên thực tế, các doanh nghiệp Đức dự định từ nay đến 2020 đầu tư 850 triệu Euro cho các giải pháp thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường. Theo hãng nghiên cứu thị trường Goldman Sachs thì thị trường cho các sản phẩm VR và AR trên thế giới đến năm 2025 sẽ đạt 80 tỷ đô la. Các dự báo khác thậm chí còn lạc quan hơn.
Từ lâu các chuyên gia đã bàn luận về đề tài này, ngay từ những năm 1990 đã có những thử nghiệm về kính dữ liệu – tuy nhiên hồi đó để có được năng lực tính toán cho kính dữ liệu thì người ta phải mang theo người cả một ba lô chứa đầy máy móc và các linh kiện kỹ thuật. Vì vậy đến nay thị trường của AR và VR mới thật sự được bắt đầu. TS. Bockholt cho rằng “Mặc dù vẫn còn ở giai đoạn đầu nhưng lĩnh vực này đã chứng kiến một bước tiến từ khâu nghiên cứu sang giai đoạn ứng dụng thật sự”.
Danh sách các công ty công nghiệp đã sử dụng hoặc có dự kiến áp dụng kính dữ liệu đã khá dài.
“Dùng kính dữ liệu để thực hiện bảo dưỡng từ xa đang là một hướng ứng dụng mà nhiều doanh nghiệp hết sức quan tâm. Bởi vì hiện nay có nhiều doanh nghiệp có các cơ sở ở rải rác khắp thế giới nhưng lại không có đủ chuyên gia am hiểu đầy đủ về thiết bị máy móc của doanh nghiệp đặt tại các cơ sở trực thuộc đó”, TS S.Beilmann thuộc Trung tâm cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin Computacenter cho biết. “Ví dụ, kỹ thuật viên làm việc ở Trung quốc đang sửa chữa các thiết bị máy móc, anh ta đeo kính dữ liệu và chuyên gia kỹ thuật ở Đức có thể theo dõi trực tiếp quá trình sửa chữa của đồng nghiệp ở Trung Quốc để đóng góp ý kiến chỉ đạo và cung cấp thông tin liên quan”, ông nói thêm.
Thời gian qua đã có nhiều loại kính dữ liệu khác nhau dùng cho thực tế ảo, ví dụ của Facebook, của HTC hoặc của Samsung… Hay kính thực tế ảo tăng cường Hololens của Microsoft mới đây cũng đã tạo ra dấu mốc rất quan trọng, mẫu kính này thực sự có thể cung cấp rất nhiều thông tin so với kính dữ liệu hiện có, và người dùng đeo vào có cảm giác dễ chịu hơn hẳn. Theo Dirk Schart, người phát ngôn của công ty Reflekt ở München, Đức thì “Hololens là loại kính đầu tiên được giới công nghiệp tán thành rộng rãi”. Ngoài ra, nhiều đối thủ cạnh tranh khác của Microsof cũng đã xuất hiện như Start-up Meta ở thung lũng Silicon hay thậm chí “ông lớn” Google cũng tham gia tài trợ cho các dự án kính dữ liệu thực tế ảo.
Tuy nhiên, phần mềm cho các kính dữ liệu này vẫn còn là điểm kẹt. Dirk Schart cũng đề cập một mục tiêu trong tương lai gần: “Cần phát triển các phần mềm phù hợp, để các mô hình ảo có thể tích hợp hoàn toàn với mạng dữ liệu hiện nay”.
Xuân Hoài lược dịch.