Kinh tế biển: Bứt phá từ đâu?

Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Kinh tế biển Việt Nam 2010 đã diễn ra tại Hải Phòng vào cuối tuần đầu tháng 7 vừa qua với sự tham gia của khoảng 300 đại biểu trong và ngoài nước. Phần lớn các diễn giả tại Hội nghị cho rằng ngoài những tiềm năng hiển hiện để phát triển kinh tế biển và “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” (Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X, ra ngày 9/2/2007), Việt Nam hiện vẫn chưa có được các chính sách, kế hoạch chi tiết để biến những tiềm năng đó thành hiệu quả kinh tế thực sự nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.

Tư duy về kinh tế biển phải mạnh

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam ví von: “Cái văn hóa “mò cua, bắt ốc” cùng con trâu cái cày đã ăn sâu vào tiềm thức dân tộc, do vậy chúng ta vẫn luôn làm theo kiểu tư duy đất liền và quay lưng ra biển”. Để thực sự có sự đột phá về kinh tế biển, theo TS Thiên, chúng ta cần “lật ngược vấn đề” và có tư duy lớn hơn, mạnh hơn về biển. Hiện Việt Nam mới có chiến lược biển, nhưng còn thiếu năng lực và lợi ích để cả dân tộc thực sự hướng ra biển. “Chiến lược biển chúng ta đã có nhưng vẫn chưa có được các thiết kế cụ thể để thực thi một cách hiệu quả”, ông nói.

Chia sẻ ý kiến này, ông Hoàng Duy Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khai thác Biển và Hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo) cho biết: “Chúng ta đã có nhiều chương trình, dự án, đề tài điều tra, nghiên cứu, tìm hiểu về biển nhưng hiểu biết thực sự của chúng ta về Biển Đông còn hạn chế. Đây chính là thách thức lớn nhất và cũng là những rào cản khó khăn nhất trên con đường tiến ra biển, làm giàu từ biển của Việt Nam”.

Tài liệu của Cục Quản lý khai thác Biển và Hải đảo cũng cho thấy việc khai thác, sử dụng biển, đảo ở nước ta còn nhiều hạn chế bởi ngay từ việc đánh giá, nhìn nhận về tiềm năng tài nguyên biển, đảo có những mặt còn chưa đúng mức, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành chức năng liên quan để xây dựng một qui hoạch tổng thể về sử dụng biển, đảo còn thiếu thống nhất và thiếu cơ chế hành động. Nhà nước chưa có chính sách phù hợp để xây dựng một qui hoạch tổng thể, thống nhất và đồng bộ. “Việc xây dựng qui hoạch tổng thể khai thác sử dụng biển và đảo phải là nhiệm vụ trung tâm, ưu tiên hàng đầu nhằm sử dụng và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của biển, đảo, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái biển”, ông Đông nói.

Theo ước tính của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), qui mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam đạt khoảng 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế “thuần biển” đạt khoảng 20-22% tổng GDP của cả nước. Trong các ngành kinh tế biển hiện nay, chiếm chủ yếu (98%) là khai thác dầu khí, khai thác hải sản, hàng hải và du lịch biển. Hầu hết các tập đoàn khai thác cảng biển và vận tải biển hàng đầu thế giới đã có mặt ở Việt Nam, với nhiều dự án xây dựng và khai thác cảng container. Tuy nhiên, các ngành kinh tế có liên quan trực tiếp tới khai thác biển như đóng và sửa chữa tàu biển, chế biến dầu khí, chế biến thủy sản, thông tin liên lạc hiện vẫn có qui mô rất nhỏ ở Việt Nam, chỉ chiếm 2% kinh tế biển và 0,4% tổng GDP của cả nước. “Phát triển kinh tế biển ở Việt Nam hiện còn ở mức thấp, khai thác biển, đảo cho đến nay vẫn chưa hiệu quả, thiếu bền vững, trình độ khai thác biển của nước ta hiện vẫn đang ở tình trạng lạc hậu nhất khu vực”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết. Ông cũng nhấn mạnh rằng “Việt Nam vẫn chưa thực sự dựa vào biển để phát triển đúng tiềm năng và thế mạnh. Do đó, Việt Nam chưa phải là quốc gia mạnh về biển”.

TS Trần Đình Thiên thậm chí còn đi sâu hơn, nhấn mạnh rằng Việt Nam hiện chưa có tinh thần mạo hiểm khám phá và chinh phục biển, thiếu các năng lực vật chất để chinh phục biển (tiềm lực kinh tế, nhân lực, công nghệ) và đặc biệt là chưa có sự hiện diện trên biển như là một quốc gia-cường quốc về biển, ít nhất với tư cách chủ thể.

Phát huy lợi thế của biển

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Thành cho rằng 8 thách thức hiện nay trong việc phát triển kinh tế biển ở Việt Nam liên quan tới: quy hoạch và khai thác tài nguyên biển; quản lý và khai thác tài nguyên vùng bờ; chính sách pháp luật và giải quyết các dòng tiêu cực khi hội nhập; đảm bảo cuộc sống cho cư dân ven biển; bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ đa dạng sinh học; phát triển cơ sở hạ tầng cho kinh tế biển; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho kinh tế biển và thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. “Cần giải quyết tốt 8 vấn đề nêu trên để mở đường giải phóng sức sản xuất và khai thác được các lĩnh vực kinh tế biển trọng tâm”, ông Thành nói. Năm trục kinh tế trọng tâm của kinh tế biển mà Hải Phòng có tiềm năng phát triển hiện nay là: Khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển; Cảng, dịch vụ cảng, dịch vụ hàng hải, vận tải biển và hậu cần logistic; Kinh tế thủy sản, nuôi trồng, khai thác, chế biến; Du lịch biển đảo và Năng lượng biển, dầu khí.

Tuy nhiên, cái nhìn của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên thì lại khác. Ông cho rằng Hải Phòng cần phải tạo ra “một sự khác biệt thực sự”, đặc biệt có thể xây dựng được một thể chế riêng, kiểu một đặc khu đô thị-cảng biển để bứt phá, trở thành một đầu tàu dẫn dắt kinh tế của cả vùng Hải Phòng-Quảng Ninh. “Phải vượt trước được bằng thể chế thì mới có thể vượt trước được bằng công nghệ”, ông nói. Từ những ví dụ của Trung Quốc, với các điều kiện thể chế, kinh tế khá tương đồng với Việt Nam, cụ thể là Thâm Quyến, Phố Đông (Thượng Hải), ông đưa ra quan điểm là muốn đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, Việt Nam cần tạo cách chơi theo kiểu: “đi sau nhưng vượt trước”. Như vậy, từ việc “quay lưng ra biển” như hiện nay, chúng ta cần nhìn thẳng ra biển để phát triển. “Nhưng chỉ nhìn thôi mà không làm được gì thì khó có thể nói là phát triển hiệu quả được”, ông nhấn mạnh.

Lý giải về nguyên nhân tại sao các nhà đầu tư của Đức đến với Hải Phòng và Quảng Ninh, ông Oliver Regner, Phó đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam cho biết: “Đó chính là các lợi thế phần cứng và phần mềm khác nhau của những nơi này”. Lợi thế phần cứng liên quan tới hệ thống giao thông vận tải, nhân lực, các hệ thống phí và thuế, sự sẵn có của đất đai và vị trí địa lý. Lợi thế phần mềm liên quan tới các chính sách của địa phương, thủ tục hành chính, việc thành lập các cơ sở đào tạo, trung tâm giải trí…

“Lợi thế về hệ thống giao thông và nhân công là những điều kiện hấp dẫn các công ty của Đức. Vì vậy, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng và nâng cao trình độ nhân lực là những việc quan trọng, cấp thiết hiện nay để thu hút đầu tư nước ngoài”, ông nói.

Tại Hải Phòng, việc đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế biển cũng đang được chú trọng, thể hiện bằng việc triển khai nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn như Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, dự án xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, dự án nâng cấp sân bay Cát Bi, dự án hạ tầng dịch vụ cảng tại Cát Hải, các dự án hạ tầng giao thông, hậu cần nghề cá trên các huyện đảo Cát Hải, Bạch Long Vĩ và các địa phương giáp biển như Thủy Nguyên, Kiến Thụy, Đồ Sơn, Tiên Lãng. Hiện thành phố cũng đang chuẩn bị các điều kiện để xây dựng tuyến đường cao tốc ven biển nối liền Thanh Hóa-Ninh Bình-Thái Bình-Hải Phòng-Quảng Ninh cũng như các khu công nghiệp, đô thị ven biển… “Hải Phòng đã xây dựng và đề xuất với Chính phủ ban hành cơ chế đặc biệt cho thu hút vốn đầu tư phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng then chốt, chủ động lập các dự án cụ thể để vận động vốn hỗ trợ phát triển ODA và xây dựng cơ chế khuyến khích các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI theo hướng chọn lọc các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và trình độ quản lý, lựa chọn các dự án có công nghệ tiên tiến…”, ông Đan Đức Hiệp, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết.

Tương tự như vậy, ông Nguyễn Hữu Giang, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh cho biết tỉnh này đã tổ chức lập các qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và qui hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn với việc chú trọng xây dựng qui hoạch phát triển các đô thị lớn ven biển bao gồm thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và thành phố Móng Cái. “Trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục khắc phục những hạn chế và cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm khai thác tối đa những tiềm năng, lợi thế mà biển mang lại đối với tỉnh”, ông nói.

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong phần kết luận Hội nghị cho rằng tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam theo hướng dựa trên khoa học và công nghệ làm đòn bẩy để phát triển kinh tế là “một chuyện đại sự” của đất nước. Phát triển kinh tế biển chắc chắn sẽ là một trong những nội dung sẽ được mang ra bàn thảo trong đề án tái cấu trúc nền kinh tế quốc gia. Vì vậy, những thông tin thu được từ Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Kinh tế biển này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài có một cái nhìn tổng thể hơn, từ đó đưa ra những kế hoạch chi tiết đẩy mạnh phát triển kinh tế biển tại Việt Nam.


Với tổng chiều dài bờ  biển hơn 3.200 km và hơn 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế thuộc 28 tỉnh, thành khác nhau, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia trên thế giới có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ (chưa kể đến một số đảo).
Theo ông Hoàng Duy Đông, Phó Cục trưởng Cục quản lý khai thác Biển và Hải đảo, nếu tính bình quân thì ở Việt Nam cứ 100 km2 đất liền lại có 1 km bờ biển. Con số này cao gấp 6 lần chỉ số trung bình của thế giới. Không những thế, bờ biển của Việt Nam lại mở ra cả ba hướng: Đông, Nam và Tây Nam nên rất thuận lợi cho các giao lưu quốc tế qua đại dương. Tiềm năng, lợi thế biển Việt Nam hiện rất đa dạng và phong phú, gồm nhiều tài nguyên khác nhau như nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái biển, ven biển, các mỏ sa khoáng những nguyên tố hiếm và vật liệu xây dựng, các mỏ dầu khí ở vùng thềm lục địa… Bờ biển dài chạy dọc theo chiều dài của đất nước đã tạo ra những lợi thế đặc biệt để phát triển mạnh các lĩnh vực như giao thông vận tải, du lịch biển, đảo và xây dựng những công trình đô thị ven biển.
Trong số các nguồn tài nguyên biển của nước ta, chỉ tính riêng nguồn năng lượng dầu khí có tới 500.000 km2 nằm trong vùng triển vọng có dầu khí, trữ lượng ở ngoài khơi Việt Nam chiếm khoảng 25% trữ lượng dầu dưới đáy Biển Đông, mỗi năm có thể khai thác khoảng 20 triệu tấn, trữ lượng dầu khí ở thềm lục địa dự kiến khoảng 10 tỉ tấn qui dầu, trữ lượng khí đốt khoảng 3 nghìn tỉ m3/năm.
Về tài nguyên sinh vật, đến nay chúng ta đã phát hiện được hơn 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình thuộc về 6 vùng đa dạng sinh học biển và nhiều loại động vật quí hiếm khác. Rạn san hô là hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình, không chỉ có ở bờ biển phía Bắc, mà còn là một trong những vùng biển có san hô đa dạng nhất thế giới với khoảng 350 loài thuộc 72 giống san hô khác nhau. Thống kê mới đây tại 23 điểm ở 12 tỉnh của Việt Nam đã phát hiện được 15 loài cỏ biển trong các thảm cỏ có diện tích 5.583 ha, mà các thảm cỏ biển có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với nhiều loài sinh vật biển.
Về nguồn lợi hải sản, trữ lượng cá toàn vùng biển Việt Nam ước tính khoảng 4,2 triệu tấn, với ngưỡng khai thác bền vững 1,4-1,7 triệu tấn/năm. Nuôi trồng thủy sản cũng là thế mạnh, đem lại nguồn lợi lớn cho dân cư sống vùng ven biển.
Tài nguyên du lịch biển cũng là một ưu thế đặc biệt đối với Việt Nam, mở ra triển vọng lớn để khai thác và phát triển. Dọc bờ biển Việt Nam có hàng trăm bãi tắm, trong đó có nhiều bãi tắm lớn có chiều dài từ 15-18 km, còn lại trung bình có chiều dài 1-2 km, rất có điều kiện để khai thác phát triển du lịch biển.
Năng lượng thủy triều, sóng, gió và nhiệt là những tiềm năng tương đối lớn sẽ đáp ứng nhu cầu của tương lai, cung cấp điện năng cho các đảo và đang được quan tâm, đưa vào nghiên cứu và sẽ ứng dụng trong tương lai gần. Ngoài ra đáy biển còn có nhiều loại khoáng sản quí hiếm khác như thiếc, titan, thạch anh, nhôm, sắt, măng-gan, đồng, kẽm, các loại đất hiếm và vật liệu xây dựng…

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)