Kinh tế toàn cầu năm 2014: Lạc quan trong rủi ro
Kinh tế toàn cầu năm 2014 được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2013. Các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có khu vực châu Á, cũng được hưởng lợi từ đà phục hồi tăng trưởng tích cực của các nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Theo dự báo của các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế toàn cầu trong năm 2014 sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng cao hơn so với năm 2013, dự báo ở mức 3,6% (IMF) và 3,2% (WB).
Triển vọng của các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản đều được dự báo theo chiều hướng tích cực với tốc độ tăng GDP lần lượt ở mức 2,6% và 1,6%. Kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) mặc dù còn nhiều rủi ro nhưng dự báo vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng 1% năm 2014. Các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có khu vực châu Á, sẽ được hưởng lợi từ đà phục hồi tích cực của các nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Trung Quốc tiếp tục thực hiện kế hoạch tái cơ cấu kinh tế để hướng tới mục tiêu phát triển ổn định và bền vững hơn trong dài hạn thay vì tăng trưởng nóng; dự báo tăng trưởng của nền kinh tế này sẽ đạt mức 7,5% trong năm 2014. Kinh tế khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng 5,2% cao hơn mức tăng 4,8% của năm 2013.
Giá cả hàng hóa trên thế giới được dự báo tiếp tục xu hướng giảm, ngoại trừ giá dầu có chiều hướng tăng nhẹ, không gây sức ép tăng nguy cơ lạm phát mạnh trở lại trên phạm vi toàn cầu trong năm 2014.
Theo WB, giá dầu thô bình quân của năm 2014 được dự báo ở mức 106 đô la Mỹ/ thùng, tăng nhẹ 1% so với năm 2013. Nhu cầu dầu thô trên toàn thế giới được dự báo tăng thêm ít nhất 1,5% so với năm 2013, lên mức 90,78 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, chỉ số giá bình quân của hàng hóa phi nhiên liệu có chiều hướng giảm, dự báo giảm nhẹ khoảng 0,2% so với năm 2013. Giá vàng tiếp tục đà giảm trong năm 2014, dự báo bình quân ở mức 1.360 đô la Mỹ/ounce, giảm 1,4% so với năm 2013. Chỉ số giá lương thực giảm khoảng 6% trong năm 2014 do triển vọng nguồn cung thuận lợi.
Dòng vốn FDI toàn cầu được dự báo tiếp tục phục hồi trong năm 2014, có thể tăng lên mức 1.600 tỉ đô la, từ mức 1.400 tỉ đô la năm 2013, theo UNCTAD. Luồng vốn gián tiếp nước ngoài ròng chảy vào các nước đang phát triển dự báo tăng mạnh trở lại trong năm 2014, lên mức 87,8 tỉ đô la, tăng 22% so với năm 2013.
Trong khi đó, theo dự báo của IMF, thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi mạnh trong năm 2014 với mức tăng trưởng dự báo 4,9%, cao hơn so với mức 2,9% của năm 2013.
Một số rủi ro còn lại
Mặc dù tăng trưởng với tốc độ cao hơn năm 2013 nhưng kinh tế toàn cầu vẫn đứng trước một số rủi ro trong năm 2014.
Theo đánh giá của WB, kinh tế toàn cầu trong năm 2014 sẽ vẫn đối mặt với một số rủi ro sau: (i) khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) rút dần và tiến tới chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng QE3 (mới đây nhất là vào ngày 18-12-2013 FED đã quyết định giảm quy mô mua trái phiếu hàng tháng từ 85 tỉ đô la xuống còn 75 tỉ đô la) có thể kích thích dòng vốn đảo chiều ở một số nền kinh tế, như đã diễn ra tại Ấn Độ và Indonesia trong năm 2013 khiến đồng nội tệ các nước này mất giá mạnh; (ii) tình trạng bế tắc tài khóa kéo dài ở Mỹ có thể ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới; tín hiệu tốt là tình trạng bế tắc này đã bắt đầu dịu đi sau khi Quốc hội Mỹ đạt được thỏa thuận ngân sách năm 2014 và 2015 vào đầu tuần này; (iii) tình trạng suy giảm đầu tư mạnh hơn dự kiến có thể xảy ra đối với Trung Quốc làm ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế này và tác động lan tỏa tiêu cực đối với các nền kinh tế có quan hệ thương mại lớn với Trung Quốc.
Ngoài ra theo đánh giá của một số tổ chức tài chính toàn cầu khác như IMF, ADB mối lo ngại về nợ công vẫn tập trung chủ yếu ở các nền kinh tế phát triển mặc dù các nước này đã nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách. Quá trình hồi phục kinh tế của khu vực eurozone vẫn mong manh. Bất ổn chính trị có thể gia tăng tại một số khu vực kìm hãm kinh tế tăng trưởng.
—
(*) Chuyên viên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam