Kinh tế Việt Nam: Một năm nhìn lại

Chắc không cần nhắc lại điều tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nhiều tháng qua rằng 2006 là một năm cực kỳ thành công của Việt Nam. Chưa bao giờ hình ảnh của Việt Nam lại tốt đến như vậy. Tuy nhiên, con đường hướng tới mục tiêu “Vì một nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh” mà trước mắt là cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 còn rất nhiều chông gai. Tự hào với những gì đã có là điều cần thiết vì nó tạo động lực và sự lạc quan cho những bước tiếp theo. Nhưng, để có thể đi suốt trên chặng đường dài, việc nhìn nhận đánh giá đúng thực lực và những thách thức phía trước là điều cần thiết. Với mục tiêu này, bài viết xin nêu ra một số vấn đề cần xem xét và cải thiện tốt hơn nhằm đưa kinh tế Việt Nam tiếp tục đi lên.

Quy mô nền kinh tế vẫn còn nhỏ
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2006, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8,17% với GDP danh nghĩa đạt 974 nghìn tỷ đồng (khoảng 60 tỷ đô-la). Đây là con số khá ấn tượng, nhưng nó chỉ xấp xỉ nền kinh tế Thái Lan vào năm 1988 và nhỉnh hơn kinh tế Singapore vào năm 1994 một chút. Nếu lấy hơn 60 tỷ đô-la chia cho 84 triệu người thì GDP danh nghĩa bình quân đầu người của Việt Nam vào năm 2006 là 725 đô-la, tương đương với con số này của Trung Quốc cách đây 10 năm, Thái Lan 20 năm và Singapore 30 năm.2
Mặt khác, theo số liệu trên website CIA Fact Book, GDP-PPP (GDP ngang bằng sức mua) năm 2006 của Việt Nam là 258 tỷ đô-la, xếp hạng 38 toàn thế giới và thứ 5 trong 10 nước Asean. GDP-PPP bình quân đầu người là 3.100 đô-la, xếp hạng 156 trên thế giới và thứ 7 trong 10 nước Asean. Giả sử tốc độ tăng GDP và GDP bình quân đầu người được duy trì bằng mức bình quân 7 năm qua, đến năm 2020, tổng GDP-PPP và GDP-PPP bình quân đầu người tính theo giá năm 2006 của Việt Nam lần lượt là 435 tỷ và 8.000 đô-la, bằng với vị trí số 28 và 104 trên thế giới hiện nay.
Những con số nêu trên có thể giúp hình dung phần nào vị trí của nền kinh tế Việt Nam ở hiện tại và vào năm 2020.

Tăng trưởng GDP nhờ lượng nhiều hơn chất
Tốc độ tăng trưởng đạt được trong năm 2006 nói riêng, một vài năm gần đây được cho là cao, nhưng so với số tiền đầu tư 399 nghìn tỷ đồng bỏ ra, chiếm đến 41% GDP thì cần phải nhìn nhận khách quan hơn. Chỉ số đầu tư tăng trưởng (ICOR) có xu hướng gia tăng là điều không tốt cho nền kinh tế. Riêng năm 2006, ICOR là 5,02 và bình quân từ năm 2000 đến nay lên đến 5,11, cao hơn rất nhiều so với Trung Quốc cách đây 10 năm, Thái Lan 20 năm và Singapore 30 năm. Xin nhắc lại phát hiện rất có ý nghĩa của Giáo sư David Dapice, Nhà kinh tế trưởng Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard, rằng cũng với tỷ lệ đầu tư so với GDP tương đương với Việt Nam, nhưng Trung Quốc đạt được mức tăng trưởng 9-10%, trong khi Việt Nam chỉ có thể duy trì ở mức 7-8%. Điều này có nghĩa là với quy mô nền kinh tế hiện tại, hàng năm Việt Nam mất đi khoảng 1 tỷ đô-la. Bảng dưới đây cung cấp thêm một con số so sánh với các nước khác và nó có thể minh chứng phần nào lập luận trên.
Nước                          Đầu tư               Tăng trưởng          ICOR
                                   (%GDP)            GDP (%)

Việt Nam (’00-’06)          38,3                  7,5                     5,1
Trung Quốc (’91-’03)      39,1                  9,5                     4,1
Đài Loan (’81-90)           21,9                  8,0                      2,7
Hàn Quốc (’81-90)         29,6                   9,2                     3,2
Nhật Bản (’61-’70)          32,6                  10,2                    3,2
Nguồn: Dựa trên thống kê của các nước và tính toán của tác giả.

Một điểm cần lưu ý khác là tuy có giảm một chút (2%), nhưng tổng vốn đầu tư của khu vực nhà nước vẫn chiếm đến 50,1% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội. Dựa trên con số này và nhìn vào tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp dân doanh và các doanh nghiệp nhà nước phần nào lý giải được tại sao ICOR của Việt Nam lại cao đến như vậy. Hơn thế nữa, trong 136 nghìn tỷ đồng GDP danh nghĩa tăng thêm trong năm 2006, có đến 15 nghìn tỷ đồng (gần 1 tỷ đô-la) gia tăng từ xuất khẩu dầu thô và 25 nghìn tỷ đồng gia tăng trong đầu tư của khu vực nhà nước.

Hệ thống tài chính có sự nở rộng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro
Năm 2006 chứng kiến sự bùng nổ của thị trường chứng khoán khi mà tổng vốn hóa của toàn thị trường (bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu) bằng 30% GDP, cao gấp 5 lần so với thời điểm cuối năm 2005 và vượt qua mục tiêu đặt ra đến năm 2010. Việc gia tăng này có được là nhờ có thêm hơn 150 công ty lên sàn. Nhưng một phần rất lớn sự gia tăng của thị trường là do kỳ vọng quá lớn của công chúng dưới tác động của tâm lý đám đông. Khi mà rất nhiều người cảm thấy kiếm tiền quá dễ dàng qua việc kinh doanh chênh lệch giá trên thị trường chứng khoán sẽ làm giảm nhiệt huyết và động cơ làm việc để tạo ra giá trị gia tăng thực sự cho toàn xã hội. Đây là một điều rất không tốt cho nền kinh tế.
Đối với các ngân hàng, với tốc độ tăng trưởng lên đến 33% đưa đến kết quả là lần đầu tiên, tổng tài sản của toàn hệ thống vượt 1 lần GDP (số cụ thể là 1,2 lần), tổng dư nợ cho vay trong nền kinh tế bằng khoảng 75% GDP, chỉ thấp hơn bình quân trong khối Asean một chút. Tuy nhiên, theo con số của Tổng cục Thống kê thì toàn bộ giá trị gia tăng của ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm chỉ đóng góp có 1,81% GDP. Con số này có phần khiêm tốn vì chỉ riêng lợi nhuận của các ngân hàng được công bố đã bằng 1,1% GDP. Phân tích ra sẽ thấy lợi nhuận của các ngân hàng có được chủ yếu là do chênh lệch lãi suất đầu vào đầu ra quá cao (gấp 1,5 lần so với mức bình quân chung trên thế giới). Điều này có nghĩa là chi phí của các doanh nghiệp đang bị đẩy lên đáng kể. Thêm vào đó, làn sóng ngầm trong cuộc đua lãi suất của các ngân hàng vẫn đang âm ỉ cộng với mức gia tăng cung tiền, tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua cao hơn so với ba nền kinh tế nêu trên ở các giai đoạn phát triển tương tự sẽ không tốt cho phát triển dài hạn.
Tuy có sự cải thiện, nhưng quy mô của các ngân hàng Việt Nam vẫn còn nhỏ, tiềm lực tài chính yếu cộng với câu hỏi về chất lượng nợ, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước (chiếm trên 70% thị phần) nhưng lại tăng trưởng quá nhanh đã tạo ra sự nghi ngờ về khả năng cạnh tranh và sự phát triển bền vững của các ngân hàng trong bối cảnh mở cửa và hội nhập hiện nay.
Từ những vấn đề trên cho thấy, dấu hiệu bong bóng trên thị trường chứng khoán cộng với sự mong manh của các ngân hàng sẽ tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho hệ thống tài chính nói riêng, nền kinh tế nói chung. Chắc ít ai trong chúng ta không hình dung ra hậu quả của một cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ là như thế nào.

Tham nhũng và chất lượng giáo dục, hai điều đáng quan tâm

Trong những vài thập kỷ sau năm 1950, Hàn Quốc và Đài Loan có được sự tăng tốc thần kỳ để trở thành những nền kinh tế phát triển như ngày nay. Kết quả mà hai nước này có được không đơn thuần chỉ nhờ những khoản viện trợ của các nước phương Tây (Nếu tính viện trợ tuyệt đối hay so với quy mô nền kinh tế, thì Việt Nam có thể đang ở vị thế tốt hơn hai nước này cách đây hơn 4 thập kỷ) mà nhờ hai yếu tố hết sức quan trọng là họ có chính phủ mạnh, tình trạng tham nhũng rất ít cộng với chính sách giáo dục hợp lý.
Trái lại với hai nền kinh tế nêu trên, sau những năm 1950, cũng có một hệ thống giáo dục tốt, nhưng do tình trạng tham nhũng, sự đặc quyền của các quan chức chính phủ cộng với những bất ổn về chính trị mà sau gần 50 năm, Philipin phải rơi vào tình trạng bất ổn và phát triển chậm như ngày hôm nay.
Ở Việt Nam hiện nay, ổn định chính trị là điều không bàn cãi, nhưng tham nhũng và sự yếu kém trong hệ thống giáo dục có lẽ là hai vấn đề đau đầu nhất. Nếu không có những quyết sách đúng đắn thì chúng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển dài hạn.
Trên đây chỉ là một vài phân tích mang tính chấm phá. Cần có một sự đánh giá chi tiết và tổng quan hơn để nhận diện bức tranh chung. Nhưng chỉ cần nhìn vào những chấm phá này sẽ thấy có lý khi Thủ tướng thúc giục hệ thống ngân hàng đẩy nhanh tiến trình cải cách, nhất là việc cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước và Chính phủ đưa ra ba nhiệm vụ được ưu tiên trong năm 2007 là tập trung cho tăng trưởng kinh tế, cải cách hành chính và chống tham nhũng.
Hy vọng rằng, với việc đánh giá, nhìn nhận đúng vấn đề, không chỉ năm 2007 này mà cả nhiều năm tiếp theo, Việt Nam sẽ có những chính sách và bước đi hợp lý để có thể đạt được mục tiêu đề ra với con đường ngắn nhất, trôi chảy nhất với chi phí thấp nhất.

—————-
1 Các số liệu trong bài này được lấy chủ yếu từ Tổng cục Thống kê, cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Thế giới và một số nguồn số liệu chính thức của các quốc gia.
2 Nếu tính toán theo giá cố định hay ngang bằng sức mua thì thời điểm cũng chỉ xê dịch quanh các con số này một vài năm.

Huỳnh Thế Du

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)