Kinh tế Việt Nam sau một năm vào WTO: Nỗi lo và hy vọng
Một năm, khoảng thời gian còn quá ít để có thể đánh giá đầy đủ về những ảnh hưởng của WTO đối với nền kinh tế Việt Nam. Nhưng rõ ràng nhiều dấu hiệu cho thấy, nền kinh tế nước ta đang đứng trước bước ngoặt lớn: hoặc làm nên điều kỳ diệu, hoặc vẫn tiếp tục “nhì nhằng” như mọi khi?
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP nước ta năm nay đạt 8,5%, mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây; khối lượng vốn đầu tư thực hiện được qua 11 tháng từ ngân sách nhà nước đạt 86,76 nghìn tỷ đồng; giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 43,64 tỷ USD, tăng 20%; nhập khẩu – 54,11 tỷ USD, tăng 33,1%; tỷ trọng nhập siêu 10,5 tỷ USD, bằng 24% giá trị xuất khẩu.(1) Những con số thật ấn tượng. Nhưng ấn tượng và mang đậm dấu ấn WTO nhất đó chính là 1283 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép với tổng số vốn đăng ký 13,4 tỷ USD (tính đến 22/11/2007), đó là chưa kể số dự án chờ phê duyệt lên tới gần 50 tỷ USD Rõ ràng, vào WTO cùng với việc chính thức trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (10/2007), Việt Nam đang trở thành một điểm đến tin cậy của giới đầu tư toàn cầu. Tương lai tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất sáng sủa. Tuy nhiên, cũng chính trong luồng sáng đó đã nổi rõ nhiều vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.
Áp lực lạm phát
Giá cả vẫn tiếp tục leo thang bất chấp các giải pháp kiềm chế tăng giá của Chính phủ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 11 tháng đầu năm 2007 tăng 7.92% so với năm trước. Cả 10/10 nhóm hàng dùng để tính chỉ số này đều tăng. Dẫn đầu là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống: tăng 10,51%; tiếp theo là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 10,49%; đứng thứ 3 là nhóm đồ dùng và các dịch vụ khác – tăng 7,6%. Cá biệt, mặt hàng thực phẩm tăng kỷ lục là 14,98%. Có thể thấy ngay, đây là những hàng hóa chính ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hằng ngày của người dân. Nên không có gì ngạc nhiên, khi dân chúng than phiền về cuộc sống sao ngày một chật vật? Năm qua, báo chí đã bàn quá nhiều về vấn đề này. Chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh, rõ ràng, kinh tế của chúng ta tăng trưởng cao, nhưng năng lực sản xuất thực tăng không đáng kể, hiệu quả sản xuất cũng không có gì biến chuyển. Tăng trưởng của ta vì thế chủ yếu dựa nguồn vốn đầu tư được rót không mệt mỏi, mà một phần không nhỏ trong số đó là tiền đi vay. Hàng hóa tuy tràn ngập thị trường, nhưng chủ yếu là hàng ngoại nhập. Nên không khó để thấy chúng ta đang mắc vào vòng luẩn quẩn. Càng đầu tư, càng tăng trưởng, lượng tiền lưu thông đưa vào càng lớn, nhưng nền kinh tế không hấp thụ được, năng lực và hiệu quả sản xuất tăng không tương xứng, lạm phát cao là đương nhiên. Giá cả vì vậy chỉ còn một đường – tiến. Rõ ràng, mô hình tăng trưởng kinh tế của chúng ta đang có vấn đề. Đó là vấn đề gì?
Tài nguyên vẫn bị khai thác quá mức. |
Mô hình tăng trưởng
Tăng trưởng của chúng ta lâu nay chủ yếu dựa vào xuất khẩu, với giá trị hiện nay đã xấp xỉ 60% GDP. Tất cả ưu tiên cho xuất khẩu từ xây dựng cơ sở hạ tầng đến chính sách tỷ giá. Bối cảnh này làm ta nhớ lại cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Đông Á cách đây đúng 10 năm. Khi đó, mô hình kinh tế của các nước Đông Á về cơ bản là giống ta bây giờ, cũng được xây dựng theo lý thuyết của chủ nghĩa trọng tiền hiện đại (monetarism) với hai điểm đặc biệt: sản xuất tập trung chủ yếu vào xuất khẩu và đồng tiền quốc gia được gắn chặt vào đồng USD. Và lịch sử đã chứng minh mô hình phát triển kiểu này không bền vững chút nào. Thực tế, chúng ta đang đứng trước sự lựa chọn không dễ dàng: tăng trưởng hay là lạm phát? Theo tỷ giá, VND đang mất giá so với USD. Và trên thế giới đồng USD lại đang mất giá so với những đồng ngoại tệ mạnh khác. Giữ được tỷ giá VND thấp, xuất khẩu sẽ có lợi, nhưng đổi lại khu vực nhập khẩu phải chịu áp lực nặng nề. Trong khi chúng ta đang nhập siêu, mà lại nhập siêu nguyên, nhiên liệu để phục vụ sản xuất. Nên trừ những ngành xuất khẩu, các ngành khác còn lại đều phải chịu chung áp lực lạm phát. Mà người chịu hậu quả cuối cùng là ai? Không ai khác ngoài người tiêu dùng. Nếu để tình trạng như thế kéo dài, chắc chắn đời sống người dân, đặc biệt là nông dân sẽ ngày một khó khăn. Vậy chẳng hóa ra, chúng ta càng tăng trưởng, đời sống của người dân sẽ càng vất vả? Cho nên giữ được chính sách tỷ giá như hiện nay là rất tốt, nhưng nó chỉ phát huy tác dụng nếu ta phá vỡ được sự lệ thuộc thái quá vào nguyên nhiên liệu nhập khẩu, nâng cao được hiệu quả sản xuất và phát triển mạnh mẽ sản xuất phục vụ nhu cầu của thị trường nội địa.
Khoảng cách giàu – nghèo
Báo cáo cập nhật nghèo 2006 của WB cho thấy Việt Nam đạt kết quả xuất sắc trong việc giảm nghèo thời kỳ 1993-2004. Tỉ lệ nghèo năm 2004 chỉ bằng 1/3 năm 1993. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các nhóm người giàu nhất và nhóm người nghèo nhất đang bị nới rộng. Năm 1993, chi cho tiêu dùng bình quân đầu người của gia đình giàu nhất cao gấp 5 lần so với gia đình nghèo nhất, thì năm 2004, tỷ lệ này tăng lên 6,3 lần. Tỷ lệ chi tiêu bình quân đầu người của nhóm giàu nhất trong tổng chi tiêu dùng xã hội tăng từ 41,8% lên 44,7%, trong khi đó nhóm nghèo nhất lại giảm từ 8,4% xuống còn 7,1% ở cùng thời kỳ. Một chỉ số khác cũng phản ánh sự chênh lệch giàu – nghèo, chỉ số Gini, đo mức độ chênh lệch trong thu nhập giữa nhóm người giàu nhất và nhóm người nghèo nhất. Theo UNDP, đối với Việt Nam chỉ số này hiện nay là 36,2 – cao hơn rất nhiều so với những nước phát triển trên thế giới và chỉ thấp hơn Trung Quốc (40,3) và Nga (45,6). Cũng theo tính toán của UNDP, toàn xã hội đang được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế, song người nghèo ở Việt Nam được hưởng lợi ít nhất, chỉ bằng 76,6% so với mức trung bình; trong khi đó người giàu được hưởng lợi hơn hẳn là 115%. Tất nhiên, không cần những con số thống kê này, chỉ cần nhìn vào sự kiện đời thường chúng ta cũng thấy khoảng cách đang lớn dần. Trong khi đồng bào vùng lũ lụt miền Trung nhận từng thùng mì ăn liền cứu trợ trị giá mấy chục nghìn đồng, thì giữa Sài Gòn người dân cũng chen nhau xếp hàng mua căn hộ với giá trung bình vài ba tỷ. Trong khi hàng trăm cô gái trẻ miền Tây, bất chấp dư luận, bất chấp pháp luật, tình nguyện cho người nước ngoài chọn làm vợ, thì các cuộc thi Hoa hậu đủ mọi màu sắc nở rộ ở khắp nơi, nhiều tới mức dư luận phải đặt câu hỏi “Thi hoa hậu hay tuyển người đẹp cho thuê?”. Trong khi nhiều người dân nông thôn ngày không kiếm nổi 10.000 đồng thì các hãng ô-tô liên doanh Việt Nam lắp rắp không đủ xe để bán, muốn mua phải xếp hàng chờ 6 tháng… Đã đến lúc, chúng ta phải nhận rõ sự khác biệt trong tăng trưởng và phát triển, nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề: mục tiêu của tăng trưởng là gì: tăng trưởng vị tăng trưởng hay vị nhân sinh? Tăng trưởng về lượng hay tăng trưởng về chất?
Năng lực cạnh tranh
Vào WTO mới thấy sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam còn quá yếu. Bằng chứng, cùng chịu chung áp lực biến động giá trên thị trường thế giới, nhưng 5 tháng qua chỉ số giá tiêu dùng ở các nước trong khu vực tăng không đáng kể: Thái Lan – 1,7%, Malaysia – 2,2%, Indonesia – 1,8%, Trung Quốc – 2,9%, trong khi con số này ở ta là – 6,19%.(2) Có nghĩa năng lực cạnh tranh của ta kém xa các nước láng giềng. Cụ thể là ở đâu? Dễ nhận thấy nhất là ở hiệu quả sản xuất. Trong khi những yếu tố lợi thế như lao động rẻ hay giá năng lượng thấp vẫn chưa được khai thác triệt để thì các chi phí khác lại quá cao. Nhiều chi phí cao đến mức phi lý như: chi phí thuê đất, chi phí vận tải, đặc biệt là các chi phí “bôi trơn”; công nghệ sản xuất lạc hậu (đi sau so các nước trong khu vực khoảng chừng 20-30 năm); cơ sở hạ tầng yếu, nền công nghiệp lệ thuộc gần như hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu… cộng thêm với năng lực quản lý còn yếu, quan liêu, tham nhũng (đặc biệt ở các DNNN). Tất cả đã đẩy giá thành các sản phẩm trong nước lên tới mức trần, có nghĩa là không còn khoảng trống an toàn để dự phòng về giá. Chính vì vậy, khi một yếu tố sản xuất nào đó thay đổi, ngay lập tức tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm. Sản xuất với tình trạng lúc nào cũng căng dây cót về giá như thế thử hỏi làm gì còn sức để tăng cường năng lực cạnh tranh.
————-
1. Tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2007. Báo cáo của Tổng cục Thống kê
2. Ngân hàng Phát triển châu Á và số liệu từ cơ quan thống kê của các nước.
————