Kỹ thuật mới giúp bảo tồn các loài thực vật bản địa ở Jordan

Các nhà môi trường đã tiến hành thử nghiệm trồng cây theo phương pháp Miyawaki — với hy vọng nó có thể giúp bảo tồn các loài thực vật bản địa, giảm thiểu tác động của quá trình đô thị hóa tràn lan, và thay đổi cách nhìn của mọi người về cảnh quan đô thị.

Các tình nguyện viên tham gia trồng cây non và nhặt cỏ dại tại một địa điểm thử nghiệm ở Amman. Ảnh: Atlas Obscura

Tại một công viên ở khu dân cư Marka, phía đông Amman, có một con mèo hoang đang rình rập hai chú chim nhỏ sau những bụi cây. Nhà môi trường học Deema Assaf, người từng là một kiến ​​trúc sư, khựng lại một chút để nhìn xem hành động những con vật. Chỉ cách hai chú chim đang lơ đãng vài bước chân, con mèo bỗng đứng yên. Sau đó, nó mất hứng và bỏ đi, cuộn mình trong một đám cỏ dại hiếm hoi — các tình nguyện viên đã nhổ sạch hầu hết đám cỏ dại vào ngày hôm trước.

Assaf nói rằng những chú chim tụ tập đông hơn nhiều vào buổi sáng. Và mèo không phải là sinh vật duy nhất bị chúng thu hút. Nhân viên bảo vệ của công viên đã nhìn thấy một con cáo Fennec đang đi săn; nó có thể đi từ không gian xanh xung quanh một sân bay nhỏ gần đó, phần duy nhất của khu vực lân cận không hiện hữu các tòa nhà xi măng và bê tông. Nhưng tin vui là điều đó đang thay đổi. Assaf cho biết, khoảnh nhỏ của thảm thực vật cao đến đầu gối nơi cô ấy đang đứng hiện tại không giống một khu rừng, nhưng hãy thử chờ một vài năm, hầu hết các loài cây sẽ cao từ 5 đến 6 feet.

Khu vực rộng hơn 2500 feet vuông một chút – bằng kích thước của một ngôi nhà trung bình của người Mỹ, được bao bởi hàng rào, và trông có phần lộn xộn như thể ai đó đã trồng một cách ngẫu nhiên nhiều loại cây gần nhau. Song mọi thứ đều có chủ đích. Đây là một trong số các địa điểm nhỏ ở thủ đô Jordan ứng dụng kỹ thuật trồng cây mới do Assaf và nhà môi trường Nhật Bản Nochi Motoharu đề xuất, được gọi là phương pháp Miyawaki. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật trồng cây này được triển khai ở Trung Đông – với hy vọng bảo tồn các loài thực vật bản địa, giảm thiểu tác động của quá trình đô thị hóa tràn lan, và thay đổi cách nhìn của mọi người về cảnh quan đô thị.

Nơi đây đã chứng kiến ​​những thay đổi mạnh mẽ trong 100 năm qua: Những dòng người tị nạn đã khiến dân số Amman tăng vọt từ khoảng 5.000 người lên khoảng 4 triệu người. Thung lũng Địa Trung Hải với những cánh rừng giờ đây hầu hết đều đã lát đá.

“Cuộc khủng hoảng do chính chúng ta gây nên, nhưng tôi nghĩ chúng ta vẫn có khả năng sửa chữa phần nào thiệt hại bằng cách thấu hiểu và hợp tác với thiên nhiên, thay vì chống lại nó”, Motoharu nói, lặp lại triết lý đằng sau phương pháp mà ông và Assaf đang sử dụng để phát triển rừng quy mô nhỏ.

Phương pháp Miyawaki, do nhà thực vật học Nhật Bản Akira Miyawaki phát triển vào những năm 1970, tập trung vào việc trồng cây bản địa và cây bụi gần nhau. Các cây phải cạnh tranh để thu được ánh sáng mặt trời, từ đó phát triển hướng lên trên với tốc độ nhanh hơn. Ý tưởng này đã được triển khai trên khắp thế giới, và Motoharu và Assaf tiếp tục thử nghiệm nó trên phần đất tư nhân ở phía tây Amman, Jordan. Trước tình trạng các nghiên cứu về thảm thực vật tự nhiên xung quanh thành phố quá ít ỏi, ban đầu cả hai phải sử dụng một số chiến lược mới lạ, như tìm kiếm các sổ sách từ hàng thế kỷ trước ghi chép về thảm thực vật của Amman và tìm hiểu xem loài thực vật nào sẽ phát triển mạnh qua nhiều lần thử nghiệm.

Bản thân phương pháp Miyawaki “là một giải pháp hoàn toàn dựa trên tự nhiên, mô phỏng cách thức hoạt động của tự nhiên,” Motoharu nói. Nhóm nghiên cứu không sử dụng phân bón hoặc thuốc trừ sâu, và ông nói rằng sau hai hoặc ba năm các địa điểm này không cần được tưới tiêu thường xuyên. Hiện tại, các cây tại địa điểm trồng thử nghiệm vào năm 2018 đã cao 10 feet.

Dự án thử nghiệm của nhóm cũng giúp lưu trữ một số loài thực vật quý hiếm nhất của Jordan. Ở Marka, có các cây non của Pistacia lentiscus, cây hồ trăn rừng – chỉ còn khoảng 50 cây trong tự nhiên ở Jordan, và một loại cây còn hiếm hơn: Celtis australis, đôi khi được gọi là cây hackberry châu Âu.

Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng những khu rừng quy mô nhỏ này sẽ giúp giảm bớt các vấn đề môi trường của Jordan. Biến đổi khí hậu đã và đang làm cho đất nước trở nên nóng nực và khô cằn hơn – và nhu cầu phục hồi rừng cũng ngày càng tăng lên. Hiện tại, chỉ khoảng 1% diện tích Jordan vẫn còn rừng, song những khu vực này đang bị đe dọa bởi nạn cháy rừng, chăn thả gia súc và khai thác gỗ trái phép. Nizar Obeidat, người chuyên nghiên cứu về rừng và bãi chăn thả thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc gia Jordan, cho rằng phương pháp Miyawaki không phù hợp để triển khai vào việc tái trồng rừng trên đất nước này theo bất kỳ cách thức thực tế nào.

Dù thành công hay không, ít nhất những khu rừng đô thị nhỏ bé này cũng giúp nâng cao nhận thức của người dân trong vùng lẫn các nhà quản lý về giá trị của không gian xanh trong khu vực đô thị. “Bạn phải nuôi dạy một thế hệ trẻ phù hợp để có được những dự án ý nghĩa như vậy”, Dana Mismar, một tình nguyện viên trong nhóm cho biết. “Và chính phủ nên đầu tư vào việc này. Đó là điều quan trọng nhất.”

Cây con tại vườn ươm của Trang trại hữu cơ Mujeb nằm ở phía nam Amman, nơi đang nhân giống nhiều loài bản địa khác nhau. Ảnh: Atlas Obscura

“Ngày nay, chúng ta trở nên thờ ơ với hệ sinh thái bản địa, như thể đây là vấn đề xa lạ nào đó vậy, ”Assaf nói, đề cập đến tri thức bản địa về các loài thực vật đã biến mất. “Theo tôi, cần phải tái tạo hệ sinh thái bản địa vào kết cấu đô thị, cuộc sống của người dân và ký ức của họ.”

Cô ấy hy vọng những đứa trẻ thành phố có thể nhận biết và các loài thực vật, chẳng hạn như cây sồi valonia, biểu tượng thực vật của Jordan, ngay cả khi chúng chưa bao giờ rời khỏi Amman. “Nó sẽ trở thành một phần ký ức của chúng, và điều này thực sự kích thích tôi. Chúng ta không thể bảo vệ những gì chúng ta không quan tâm và yêu mến, song chúng ta cũng không thể quan tâm và yêu mến một thứ mà chúng ta thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của nó”, Assaf nói.

Trong dự án của mình, Assaf và Motoharu đã hợp tác với các vườn ươm địa phương. Fadwa Al-Madmouj, một tình nguyện viên 25 tuổi và là kỹ sư nông nghiệp tại một vườn ươm ở phía nam Amman, đã có công trong việc nghiên cứu các phương thức khác nhau nhằm nhân giống cây bản địa của Jordan. Vào năm 2019, trong năm đầu tiên làm việc với Assaf và Motoharu, vườn ươm đã phát triển khoảng 15 loài địa phương khác nhau. Ngày nay, con số đó là khoảng 50 – và quan trọng là, sự quan tâm của khách hàng cũng đang tăng lên.

“Năm đầu tiên, mọi người cười nhạo chúng tôi vì đã bán những giống cây bản địa”, Al-Madmouj kể. “Thế mà bây giờ chúng tôi đã có một hội rất đông yêu thích những loài cây này. Họ giới thiệu cho bạn bè, họ đưa gia đình đến để mua cây”.

Với Al-Madmouj, dự án Marka “là một khu rừng nhỏ, nhưng nó mang đến một thông điệp quan trọng cho mọi người: ‘Thấy chưa, chúng tôi có thể làm được, và bạn cũng thế. Cùng nhau, chúng ta sẽ biến điều gì đó thành hiện thực.’”

Hoàng Nhi tổng hợp

Nguồn:

To Resurrect Jordan’s Lost Forests, Plant a Seed in Hearts and Minds

In Jordan, the Middle East’s first Miyawaki-style ‘baby’ forests take root

 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)