Lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát
So với tháng 12/2006, tốc độ lạm phát 7 tháng đầu năm 2007 đã lên tới 6,19%- mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây và có nguy cơ tiếp tục tăng đến mức hai chữ số vào những tháng cuối năm, tức là vượt “chỉ tiêu” Quốc hội “cho phép”: mức lạm phát phải thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP (dự tính đạt 8,5%). PGS. TS Trần Đình Thiên đã có cuộc trao đổi với Tia Sáng về những giải pháp để ứng phó với tình huống này.
1) Tình trạng dịch bệnh gia súc, gia cầm và vàng lùn (lúa) nghiêm trọng, cộng với thời tiết không thuận lợi, trong khi việc nhập khẩu các mặt hàng này bị hạn chế, đã làm giảm mạnh nguồn cung lương thực, thực phẩm, đẩy giá lương thực thực phẩm tăng cao.
2) Giá một số hàng hóa đầu vào cơ bản trên thế giới tăng mạnh, đặc biệt là giá xăng dầu, phôi thép, than đá, cà phê hạt… Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao làm tăng khối lượng nhập khẩu các loại đầu vào cơ bản. Còn việc tăng mạnh xuất khẩu than và cà phê khi giá hai mặt hàng xuất khẩu này tăng cao cũng gây hiệu ứng tăng giá trong nước.
3) Ngân hàng Nhà nước mua 7 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại tệ, đồng nghĩa với việc “ném” ra thị trường hơn 110.000 tỷ đồng (hơn 10% GDP), tạo nên sức “cầu kéo” rất mạnh đối với giá cả.
Theo ông, vì sao cùng chịu giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới tăng mà lạm phát của Việt Nam lại cao hơn các nước, chẳng hạn Thái Lan, Trung Quốc?
Trong số các nguyên nhân tăng giá nêu trên, có những nguyên nhân “đặc thù” Việt Nam, ví dụ như cơ cấu “rổ hàng hóa” tính CPI, chủ trương hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng như lương thực, thực phẩm, “bơm” tiền ra thị trường quá mạnh. Tính đặc thù này giải thích tại sao ở Việt Nam, trong những hoàn cảnh khách quan cơ bản không khác nhiều lắm so với một số nước, lạm phát lại đạt mức cao hơn đáng kể (xem bảng).
Đặc thù về nguyên nhân lạm phát là điểm phải được tính kỹ trong quá trình tìm kiếm và lựa chọn các giải pháp ứng phó với lạm phát ở nước ta. Đơn giản vì trong khi những yếu tố khách quan gây tác động tăng giá mạnh nằm ngoài tầm “khống chế” của Chính phủ (giá cả trên thị trường thế giới, thiên tai bệnh dịch), thì những nguyên nhân “đặc thù” Việt Nam lại là những yếu tố mà Chính phủ có thể can thiệp và có tác động “điều chỉnh”.
Dự đoán của ông cho 5 tháng còn lại?
Những yếu tố cơ bản gây lạm phát trong những tháng cuối năm chưa có dấu hiệu suy yếu. Thậm chí, tác động của chúng có thể còn mạnh hơn do tác động “trễ” của việc cung tiền.
Trước hết, các dấu hiệu đều cho thấy giá thế giới của một số đầu vào cơ bản của nền kinh tế nước ta như xăng dầu, phôi thép, có khả năng tiếp tục duy trì ở mức cao.
Giá lương thực, thực phẩm cuối năm khó giảm, thậm chí có khả năng tăng cao hơn do thiên tai, dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn. Hậu quả hạn hán chưa xong thì bây giờ đến lượt bão lụt, có khả năng sẽ rất nghiêm trọng. Nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước cuối năm khó phục hồi lại cân bằng; ngược lại, có thể còn căng thẳng hơn.
Về phía cung tiền, có thể nguồn cung do mua ngoại tệ sẽ bị “cắt”, song nên lưu ý rằng trong 7 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản chỉ mới đạt hơn 40%. Nghĩa là sẽ xuất hiện xu hướng “dốc sức” đầu tư vào cuối năm. Điều này càng đúng khi mục tiêu tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đẩy lên mức ít nhất 9% (so sánh: chỉ số tăng GDP – lạm phát của 6 tháng đầu năm là 7,87% – 6,2%).
Như vậy là có cả những lý do khách quan lẫn những động cơ bên trong duy trì sức “cung đẩy – cầu kéo” lạm phát mạnh vào cuối năm. Những yếu tố này cơ bản vượt ra ngoài tầm khống chế (trực tiếp) của Chính phủ. Cộng với cái “thông lệ” tăng giá theo thời gian, có cơ sở để phải tính đến khả năng lạm phát cả năm đạt mức hai chữ số. Tôi cho rằng cần dự liệu tình huống này một cách nghiêm túc để chuẩn bị sớm các giải pháp ứng phó phù hợp.
Đây là cách tiếp cận chống lạm phát mà Chính phủ cần tính trước, càng sớm càng tốt, thay vì chỉ “lo” nỗ lực tối đa để kéo lạm phát xuống mức mục tiêu đã định. Cố “ghì” lạm phát xuống, bất chấp các cơ sở khách quan thực tế thì hậu quả mà nền kinh tế phải gánh chịu sẽ là khó lường.
Để giảm tốc độ tăng giá trong 5 tháng còn lại của năm, Chính phủ mới đang có hàng loạt biện pháp sẽ được áp dụng như: đẩy mạnh sản xuất để giảm căng thẳng cung cầu; điều chỉnh vốn các dự án triển khai chậm và chưa mang lại hiệu quả ngay; kiểm soát tín dụng để giảm cung tiền; tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ để “hút” tiền; giảm thuế nhập khẩu và thông suốt nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu; tích cực chống thiên tai, dịch bệnh… Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của các giải pháp này?
Về tổng thể, đây là bộ giải pháp toàn diện, đúng hướng và đúng cách để giải quyết mối quan hệ tăng trưởng và lạm phát trong mấy tháng cuối năm. Có thể tin vào hiệu lực chống lạm phát của bộ giải pháp này.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, do nguy cơ lạm phát tăng cao là rất lớn, cần sớm tính đến khả năng phải sử dụng một số giải pháp tình thế mạnh. Theo tôi, cần đặc biệt chú ý đến các giải pháp mà hiệu ứng tác động phần lớn nằm trong tầm tay” Chính phủ. Đó là: cắt giảm chi tiêu Chính phủ, sử dụng các công cụ mạnh của chính sách tiền tệ để “hút” tiền khỏi lưu thông, chẳng hạn nâng lãi suất tiết kiệm, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Ngoài ra, còn phải chú ý đến các giải pháp “tăng cung” như giảm thuế nhập khẩu cho những sản phẩm đầu vào then chốt như xăng dầu, phôi thép; nới lỏng nhập khẩu một số sản phẩm lương thực – thực phẩm quan trọng để bình ổn thị trường.
Ông có phát biểu trên VTV là lạm phát ở nước ta vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát?
Đúng vậy. Bộ công cụ chống lạm phát mà Chính phủ có thể sử dụng hiệu quả vẫn còn nhiều. Hơn thế Việt Nam ta cũng đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm chống lạm phát trong những năm qua. Kinh nghiệm đó có thể sẽ rất hữu ích tại thời điểm này. Lạm phát là không đáng sợ, nhất là khi nó trở thành “lạm phát được dự báo”. Nếu được như vậy, trong một giới hạn nhất định, lạm phát còn giúp nâng cao tính hiệu quả của nền kinh tế (“loại bỏ” các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả), đồng thời, đóng vai trò là công cụ tốt để thúc đẩy tăng trưởng. Tương quan lạm phát – tăng trưởng GDP từ 1986 đến nay, phần nào làm sáng tỏ nhận định đó.
Đồ thị. Mối quan hệ chữ U ngược giữa lạm phát và tăng trưởng giai đoạn 1986-2006, %
Nghe Ông nói thì có vẻ dễ ổn quá, trong khi tình hình lại đang “nóng” lên nhanh?
Có thể làm được không có nghĩa rằng chúng ta sẽ “dễ dàng” kiểm soát được lạm phát. Tình hình cuối năm chắc chắn sẽ rất khó khăn. Cần phải đặc biệt lưu ý đến khả năng lạm phát leo lên mức 2 con số. Nếu điều đó xảy ra, cộng thêm hiệu ứng tâm lý thì vấn đề sẽ trở nên rất phức tạp. Khi đó, lạm phát chắc là vẫn chống được nhưng giá phải trả sẽ lớn hơn.
Để chống được lạm phát, vấn đề không chỉ là việc đề ra một bộ giải pháp đầy đủ, đúng bài bản lý thuyết. Phối hợp các chính sách và giải pháp chống lạm phát một cách hiệu quả là một nghệ thuật không dễ “xài”. Ở đây, ít nhất, có hai yêu cầu đặt ra. Thứ nhất, các giải pháp chống lạm phát phải không xung đột, phải nhất quán với nhau trong những tác động kiềm chế lạm phát cơ bản. Thứ hai, phải biết sử dụng giải pháp nào vào thời điểm nào, với liều lượng nào, trong tương quan nào với các giải pháp khác. Nghệ thuật phối hợp chính sách vẫn là bài toán khó giải bậc nhất trên đời, nhất là khi đó là bài toán chống lạm phát. Đối với nước ta, khả năng phối hợp chính sách đang là một khâu yếu trong hoạt động quản lý và điều hành vĩ mô. Vì thế, sự khó còn tăng lên một bậc.
Xin cảm ơn ông
Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam thường sử dụng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) để biểu thị mức độ lạm phát. Vì thế, việc so sánh lạm phát giữa hai nước. là so sánh chỉ số CPI. Có một điểm cần lưu ý: cơ cấu “rổ hàng hóa” để tính CPI của các nước là khác nhau. Do vậy cùng một hiện tượng giá cả (ví dụ giá xăng dầu thế giới tăng) sẽ tác động khác nhau đến CPI của các nước. Để xem xét nguyên nhân của lạm phát, chúng tôi tạm chia các mặt hàng trong rổ hàng hóa thành hai loại: loại “có thể thương mại” (tradeable) và loại “không thể thương mại” (non-tradeable).
Loại “có thể thương mại” gồm các hàng hóa và dịch vụ có thể được mua từ nước khác nếu giá trong nước của mặt hàng đó cao hơn so với giá các nước khác (có tính đến chi phí vận chuyển). Chẳng hạn, nếu giá gạo của Việt Nam cao hơn so với giá gạo của Trung Quốc, người tiêu dùng có thể mua gạo của Trung Quốc.
Loại “không thể thương mại” gồm các mặt hàng không thể nhập khẩu để bán cho người tiêu dùng trong nước cho dù giá trong nước cao hơn giá cũng mặt hàng này ở nước ngoài. Chẳng hạn, giá nhà ở của Việt Nam cao hơn thì cũng không thể mang nhà từ Trung Quốc sang bán được (do không thể di chuyển), hoặc giá thuốc lá của Việt Nam cao thì cũng không thể nhập khẩu thuốc lá rẻ từ Trung Quốc (do Chính phủ Việt Nam cấm nhập khẩu thuốc lá).