Lần đầu tiên đưa ra thị trường thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm

Sự kiện Singapore phê duyệt đưa ra thị trường tế bào gà nuôi trong lò phản ứng sinh học được xem là một bước ngoặt quan trọng trong ngành công nghiệp thịt.


Bước đầu, món “Những miếng thịt gà” của Eat Just sẽ có mặt tại một nhà hàng ở Singapore. Ảnh: Hampton Creek/Eat Just.

“Những miếng thịt gà” (chicken bites) do công ty Eat Just của Mỹ sản xuất đã vượt qua vòng đánh giá về độ an toàn của Cơ quan Thực phẩm Singapore. Theo công ty này, việc phê duyệt sẽ mở ra một cánh cửa bước đến tương lai, khi chúng ta có thể sản xuất tất cả loại thịt mà không cần giết hại gia súc. 

Hàng chục công ty đang phát triển thịt gà, thịt bò và thịt lợn nuôi cấy nhằm giảm thiểu tác động của ngành công nghiệp chăn nuôi đối với cuộc khủng hoảng khí hậu, cũng như cung cấp thịt sạch hơn, không bơm thuốc hay độc tố. Hiện nay, có khoảng 130 triệu con gà và 4 triệu con lợn bị giết mổ mỗi ngày để lấy thịt. 

Công ty Eat Just nuôi các tế bào của sản phẩm “Những miếng thịt gà” trong một lò phản ứng sinh học (bioreactor) 1.200 lít, sau đó kết hợp chúng với các thành phần có nguồn gốc thực vật. Công ty cho biết giai đoạn đầu họ sẽ bán sản phẩm với số lượng có hạn tại một nhà hàng ở Singapore. Ban đầu, giá thành sẽ đắt hơn thịt gà thông thường khá nhiều, nhưng khi Eat Just mở rộng sản xuất thì cuối cùng nó sẽ rẻ hơn. 

Để bắt đầu quy trình, họ sử dụng những tế bào từ một ngân hàng tế bào – không cần phải giết mổ gà vì có thể lấy tế bào này thông qua sinh thiết của động vật sống. Những chất dinh dưỡng dùng để nuôi tế bào đều có nguồn gốc thực vật. Môi trường nuôi cấy tế bào trong quy trình sản xuất ở Singapore bao gồm huyết thanh thai bò, nhưng các nhà nghiên cứu sẽ loại bỏ phần lớn chúng trước khi đưa ra tiêu thụ. Công ty cho biết họ sẽ sử dụng một loại huyết thanh có nguồn gốc thực vật trong dây chuyền sản xuất tiếp theo. 

Một loạt các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng người dân ở các quốc gia giàu có đang ăn nhiều thịt hơn so với cần thiết. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy việc cắt giảm tiêu thụ ít sẽ góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Thậm chí một số nhà khoa học còn cho rằng đây là điều tốt nhất mà một người có thể làm vì môi trường.  

Các công ty phát triển thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm tin rằng đây là sản phẩm hữu ích đối với những người đã cam kết không ăn thịt từ các nguồn giết mổ động vật truyền thống. Một số người cảm thấy chế độ ăn thuần chay không mấy hấp dẫn, và các món giả-thịt không phải lúc nào cũng mang lại hương vị thơm ngon như thịt thông thường. Thêm vào đó, thịt nuôi cấy trong lò phản ứng sinh học cũng tránh được các vấn đề ô nhiễm vi khuẩn từ chất thải động vật hay việc lạm dụng kháng sinh và hormone ở động vật. 

Những thách thức

Hiện nay, công ty chỉ mới sản xuất thịt nuôi cấy trên quy mô nhỏ, quy trình này đòi hỏi sử dụng nhiều năng lượng và do đó phát thải carbon. Nhưng một khi mở rộng quy mô, các nhà sản xuất cho biết họ sẽ tạo ra lượng khí thải thấp hơn nhiều, cũng như sử dụng ít nước và đất hơn so với thịt thông thường. 

Ngoài ra, họ cũng phải đối mặt với một số khó khăn bao gồm việc nhận được sự chấp thuận ở các quốc gia khác và tăng sản lượng. “Nếu chúng tôi muốn phục vụ toàn bộ đất nước Singapore, hay đưa sản phẩm này ra các nước khác trên thế giới, chúng tôi cần chuyển sang các lò phản ứng sinh học 10.000 lít hoặc 50.000 lít.

Eat Just đã có kinh nghiệm bán các sản phẩm không bắt nguồn từ động vật cho người tiêu dùng, chẳng hạn như trứng có nguồn gốc thực vật và sốt mayonnaise thuần chay. Một công ty khác, Supermeat.com ở Israel, cũng vừa tổ chức các buổi ăn thử miễn phí món “gà nuôi cấy giòn”. 

Các chuyên gia trong ngành cho biết những công ty khác, bao gồm Memphis Meats, Mosa Meat và Aleph Farms, trong tương lai có thể kinh doanh đắt hàng bởi họ nghiên cứu các sản phẩm có đặc tính như bít tết và có thể sản xuất một số lượng lớn thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm ngay từ đầu. Tyson và Cargill, hai trong số các công ty thịt truyền thống lớn nhất thế giới, hiện có cổ phần trong Memphis Meats. 

Báo cáo mới đây của công ty tư vấn toàn cầu AT Kearney dự đoán rằng vào năm 2040, hầu hết thịt mà ta dùng sẽ không bắt nguồn từ động vật. Đại diện công ty, ông Carsten Gerhardt cho hay: “’Cái gật đầu’ của Singapore – một quốc gia nổi tiếng về đổi mới sáng tạo – có thể sẽ thúc đẩy các quốc gia phát triển khác gia nhập vào thị trường này. Về lâu dài, chúng tôi tin rằng thịt nuôi cấy sẽ giúp giải quyết các vấn đề về sức khỏe và tác động môi trường mà ta đã phải đối diện khi sản xuất thịt truyền thống theo phương thức công nghiệp.” 

 “[Việc Singapore chấp thuận phân phối sản phẩm của Eat Just] là một bước tiến quan trọng đối với tương lai của ngành sản xuất thịt trên toàn cầu”, Bruce Friedrich, Viện Thực phẩm Chất lượng của Mỹ cho hay. “Cuộc đua cho tương lai ngành thực phẩm đã bắt đầu.” Ông cho biết, thịt nuôi cấy sẽ trở thành xu hướng phổ biến khi giá thành của nó trở nên phù hợp với người tiêu dùng.

Hsing Huang, tổng thư ký của Ban Thư ký Thịt Quốc tế (IMS), đại diện cho ngành thịt và chăn nuôi toàn cầu, đồng ý rằng sự kiện phê duyệt thịt nuôi cấy là một dấu ấn quan trọng. “Các công ty khác sẽ làm ra những sản phẩm tương tự”, ông nói. “Chúng tôi tin rằng thị trường cho thịt nuôi cấy sẽ rất lớn, vì người tiêu dùng nhìn chung đều tỏ ra hào hứng với hương vị và lợi ích dinh dưỡng của các sản phẩm từ động vật. Tất nhiên, quan điểm của chúng tôi là các sản phẩm từ động vật thật sẽ đáp ứng tốt hơn các nhu cầu này, nhưng chúng tôi cũng hoan nghênh mọi cuộc cạnh tranh lành mạnh.”

Ông nói thêm rằng ngành chăn nuôi hiện nay vẫn rất cần thiết, đó là sinh kế của khoảng một tỷ người nghèo trên toàn cầu. Ông cho hay IMS tin tưởng mạnh mẽ vào sự lựa chọn của người tiêu dùng, cũng như nhãn mác và quy định phù hợp. 

Anh Thư dịch

NguồnNo-kill, lab-grown meat to go on sale for first time

Tác giả

(Visited 17 times, 1 visits today)