Lập bản đồ ảnh hưởng của hạn hán tới những nhóm dân cư dễ bị tổn thương
Tần suất hạn hán ngày càng tăng cùng với nguy cơ tiềm ẩn về xã hội, kinh tế và môi trường cho thấy mức độ thiệt hại ngày càng cao của các đợt hạn tới những nhóm dân cư dễ bị tổn thương, đặc biệt là trẻ em ở các nước đang phát triển.
Tại nhiều quốc gia đang phát triển, trẻ em là đối tượng bị tổn thương vì hạn hán nhiều nhất
Trong một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) của Mỹ, các nhà khoa học ở Viện quốc tế về phân tích hệ thống ứng dụng (IIASA) và trường Đại học Maryland đã lập bản đồ về những vùng đang gặp rủi ro do hạn hán trên phạm vi toàn cầu.
Những hiện tượng nhiệt độ cực đoan và các mẫu hình lượng mưa thất thường kết hợp với biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến tình hình sản xuất lương thực và cơ sở hạ tầng phân phối thực phẩm, do đó ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề dinh dưỡng của con người. Một phần chín dân số thế giới hiện đang bị suy dinh dưỡng và gần một nửa trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vì suy dinh dưỡng. Gánh nặng này chủ yếu tập trung ở châu Phi và Nam Á, những nơi ngày càng phổ biến các hiện tượng xung đột, bất ổn chính trị và hạn hán. Chỉ riêng hạn hán cũng đủ sức ang gây thiệt hại cho các cộng đồng nghèo, đặc biệt là trẻ em ở các quốc gia đang phát triển. Nguồn sinh kế nơi đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp tự cung tự cấp và tưới tiêu bằng nước mưa.
Một trong những hậu quả của suy dinh dưỡng là trẻ em bị thấp còi, nói cách khác là làm suy yếu sự tăng trưởng và phát triển – vốn hiện đang gây ảnh hưởng đến ít nhất 1/3 trẻ em ở các quốc gia đang phát triển.
Trẻ em thấp còi gặp nhiều nguy cơ như tỉ lệ tử vong cao hơn, suy giảm về thể chất, nhận thức và khả năng học tập, đồng thời dễ gặp các vấn đề sức khỏe do hệ miễn dịch bị yếu đi. Giải quyết vấn đề thấp còi ở trẻ em là điều hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững bởi chúng có tác động lên con người một cách lâu dài và trong nhiều trường hợp có khả năng truyền qua nhiều thế hệ, do đó cản trở sự phát triển của kinh tế tương lai ở những nhóm dân cư tại các vùng đang cần tăng trưởng kinh tế nhất.
Mặc dù tỉ lệ thấp còi trên toàn thế giới đã suy giảm trong vài thập kỷ qua, những cú sốc khí hậu ngày càng tăng do biến đổi khí hậu có thể cản trở hoặc thậm chí đảo ngược kết quả này. Bởi vậy việc xác định những vùng gặp rủi ro vì tác động của hạn hán có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp những nỗ lực khắc phục tình trạng hướng đúng mục tiêu và đạt hiệu quả tối đa.
Bởi dữ liệu về tình trạng thấp còi đã được thu thập rộng rãi trong hàng thập kỷ qua, chúng ta có thể tìm hiểu chi tiết xem vùng nào dễ bị tổn thương nhất do những cú sốc khí hậu và những yếu tố nào ảnh hưởng đến nó.
Các tác giả cho biết, mặc dù có thể dễ dàng xác định những vùng dân cư dễ bị tổn thương do các tác động khí hậu như mực nước biển dâng nhưng chúng ta vẫn chưa có đủ nghiên cứu liên quan đến tác động của hạn hán ảnh hưởng đến nguồn lương thực và dinh dưỡng. Trước đây những nỗ lực lập bản đồ về sự tổn thương của các hệ thống lương thực không gắn liền với những quan sát về cú sốc khí hậu và hậu quả dinh dưỡng. Nghiên cứu này đã khắc phục vấn đề đó bằng cách sử dụng dữ liệu quan sát hơn 580 000 trẻ em ở 53 quốc gia từ năm 1990 để kiểm tra sự ảnh hưởng của lượng mưa cực đoan tới hậu quả dinh dưỡng.
Bộ dữ liệu khổng lồ về suy dinh dưỡng này được xử lý và phân tích trên đám mây dữ liệu của Microsoft Azure, sử dụng nguồn hỗ trợ tài chính từ chương trình “AI cho Trái đất” của Microsoft. Kết quả cho thấy lượng mưa và hạn hán có mối liên hệ đặc biệt tới tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em, tuy nhiên có thể điều chỉnh mức độ ảnh hưởng tăng giảm thông qua một vài nhân tố.
“Chúng tôi nhận thấy một số nhân tố có thể giảm bớt ảnh hưởng của hạn hán tới tình trạng dinh dưỡng của trẻ em như hệ thống quản trị tốt, cây trồng đa dạng dinh dưỡng, tăng cường nhập khẩu, tưới tiêu và sản xuất nông nghiệp tập trung”, Matthew Cooper, tác giả chính của nghiên cứu, giải thích, “Bằng cách đánh giá định lượng tất cả những nhân tố này, chúng tôi có thể xác định các địa điểm dễ bị tổn thương nhất do hạn hán. Chủ yếu là những quốc gia có đất đai khô cằn, chính phủ yếu và ít giao dịch thương mại như Sát, Eritrea, Somalia, Nam Sudan, Sudan và Yemen.”
Cooper cho biết một trong những phát hiện thú vị nhất của nghiên cứu là hệ thống cây trồng đa dạng dinh dưỡng có tác dụng rất lớn trong việc giải quyết tình trạng trên. Thông tin này có thể giúp Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc hoặc Tổ chức Y tế thế giới xác định những vùng cần viện trợ hoặc dễ bị tổn thương nhất do hạn hán. Thông tin về các nhân tố có thể góp phần giải quyết tình trạng này sẽ hữu ích với các nhà phát triển và các tổ chức phi chính phủ hoạt động ở những quốc gia dễ bị hạn hán tổn thương, bằng cách tập trung ủng hộ và thực hiện hệ thống canh tác đa dạng dinh dưỡng để tăng cường khả năng chống lại hạn hán.
Cooper kết luận: “Ngoài tác dụng thiết thực với các thực hành phát triển cộng đồng và các nhà hoạch định chính sách, nghiên cứu này cho thấy một trong những tác động chính của biến đổi khí hậu là gây ra hạn hán ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ em ở các quốc gia nghèo vốn không góp phần vào vấn đề biến đổi khí hậu. Đây là một bất công nghiêm trọng cần phải giải quyết”.
Thanh An dịch
Nguồn: https://phys.org/news/2019-08-effects-drought-vulnerable-populations.html