Li Lanjuan: Người đề xuất phong tỏa Vũ Hán

Nhà dịch tễ học này khuyên nên đóng cửa Vũ Hán để kiểm soát đợt bùng phát COVID-19 sớm nhất có thể.


Li Lanjuan. Ảnh: Xinhua/Shutterstock

Ngày 18 tháng 1, cơ quan hành chính cấp cao nhất của Trung Quốc đã cử Li Lanjuan và các chuyên gia khác đến Vũ Hán để kiểm soát tình trạng bùng phát virus. Vài ngày sau, nhà dịch tễ học 73 tuổi tại Đại học Chiết Giang ở Hàng Châu đã kêu gọi ngay lập tức phong tỏa Vũ Hán – thành phố với dân số 11 triệu người. “Nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng, các tỉnh khác cũng sẽ rơi vào tình cảnh mất kiểm soát như Vũ Hán. Nền kinh tế – xã hội của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, bà nói trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 22 tháng 1 trên kênh truyền hình Trung Quốc.   

Zhong Nanshan, một chuyên gia về hô hấp tại Đại học Y khoa Quảng Châu (Trung Quốc), người dẫn đầu nhóm nghiên cứu tại Vũ Hán, đã thông báo rằng virus có thể lây từ người sang người. Những cảnh báo từ Li và Zhong chính là yếu tố quan trọng để đưa ra quyết định. 

Vào ngày 23 tháng 1, tất cả các phương tiện giao thông ra vào Vũ Hán đều bị chặn lại, và mọi người được lệnh ở nhà. Kế hoạch du lịch vào Tết Nguyên đán từ ngày 25/1 đã ‘phá sản’. Vào thời điểm đó, nhiều người cho rằng lệnh phong tỏa là một phản ứng thái quá của chính phủ; các nhà quản lý đã thực thi quyết luyệt chính sách phong tỏa trong suốt 76 ngày. Một số cư dân không thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, họ phàn nàn rằng mình đã bị bỏ rơi. 

Nhưng kế hoạch đã hiệu quả. “Nó đã giúp Trung Quốc kiểm soát tốt dịch bệnh”, nhà dịch tễ học Raina MacIntyre tại Đại học New South Wales ở Sydney (Úc) cho hay. Các nhà khoa học lập mô hình ước tính rằng phong tỏa đã trì hoãn sự lây lan của dịch bệnh ra khắp Trung Quốc từ 3-5 ngày, giúp các khu vực khác có thời gian chuẩn bị. Và số lượng các ca dương tính di chuyển ra nước khác giảm 80% trong một vài tuần. 

Việc phong tỏa một thành phố 11 triệu dân nhằm giúp ngăn chặn sự lây lan ra bên ngoài, Ben Cowling, một nhà dịch tễ học tại Đại học Hong Kong cho biết. “Tôi là chưa từng có tiền lệ nào cho việc này.”  

Li ở lại Vũ Hán để giúp chăm sóc những người mắc Covid-19, và nhà nước đã công nhận bà như một biểu tượng về những bác sĩ quên mình trong cuộc khủng hoảng. Bà thường xuất hiện với trang phục y tế trên những tấm ảnh; và trên khắp các trang mạng xã hội, mọi người thường gọi bà một cách thân thương là “Bà Li” (Grandma Li). Truyền thông Trung Quốc kể rằng, bà sinh ra trong một gia đình nghèo ở Chiết Giang và trở thành một trong những ‘bác sĩ chân đất’ của đất nước, người đã giúp thực hiện các biện pháp phòng bệnh cơ bản và điều trị bệnh tật. Bà đã đậu vào trường đại học y của tỉnh và sau này tập trung vào chuyên ngành viêm gan. Vào năm 2003, với tư cách là giám đốc sở y tế Chiết Giang, bà đã yêu cầu cách li hàng nghìn người tiếp xúc với những người đã mắc SARS: một quyết định gây tranh cãi lúc bấy giờ, mà về sau được xem là chìa khóa để ngăn chặn virus. 

Chính nhờ những thành tựu đó, mà các chính trị gia đã sẵn sàng lắng nghe khi bà đưa ra lời khuyên về việc phong tỏa toàn thành phố. Câu chuyện của bà trái ngược với tình cảnh của một bác sĩ khác ở Vũ Hán, Li Wenliang. Vào cuối tháng 12, vị bác sĩ nhãn khoa này đã chia sẻ với bạn bè những lo ngại của mình về các ca bệnh có triệu chứng giống SARS tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán. Cảnh sát thành phố đã cảnh cáo anh vì tội tung tin đồn thất thiệt, nhưng sau đó anh phát hiện ra mình đã mắc Covid-19, và anh quyết định trả lời phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông nhằm kêu gọi sự minh bạch. Anh mất vào ngày 7 tháng 2. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ trích động thái ngăn chặn tiếng nói của những người như Li Wenliang, và sự miễn cưỡng của nước này trong việc thừa nhận mức độ lây lan nghiêm trọng của dịch bệnh. 

Cuối cùng, Trung Quốc đã quyết liệt ngăn chặn Covid-19, nhưng các quốc gia khác lại không mạnh dạn như vậy. “Nhiều quốc gia dường như đã quên đi các nguyên tắc cơ bản về kiểm soát dịch bệnh hoặc những cố vấn của họ không có đủ kiến thức cần thiết, đó là những người đang mò mẫm và học hỏi theo kiểu vội vã”, MacIntyre cho biết. 

Anh Thư dịch

NguồnNature’s 10: ten people who helped shape science in 2020 (Li Lanjuan: Lockdown architect)

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)