Liên kết giữa doanh nghiệp: Nút thắt ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Việc tồn tại quá nhiều rủi ro và sự non yếu của chính các doanh nghiệp là những nút thắt lớn trong quá trình thúc đẩy sự liên kết giữa các doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ tại Việt Nam.

Lâu nay, người ta vẫn thường ái ngại và chua xót cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với câu nói cửa miệng “không thể cung cấp cái ốc vít cho các ông lớn FDI”. Hội thảo “Kết nối ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước với khu vực FDI, thực trạng, thách thức và giải pháp”, do Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tổ chức vào tháng 9/2019, đã tiếp tục phơi bày những câu chuyện tưởng chừng muôn thuở đó nhưng dưới góc độ khác.[1] Ví dụ, là một trong những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) “đi đầu” ở Việt Nam trong việc sản xuất các thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu, công ty CP Công nghệ môi trường TĐA của anh Nguyễn Mạnh Tuân mặc dù được coi là “khá thành công” với nhiều khách hàng lớn như Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Công ty CP hóa dầu quân đội, Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam,… song câu chuyện tồn tại không dễ dàng. Anh Tuân cho biết, việc cạnh tranh của công ty rất “vất vả” vì nhiều doanh nghiệp của nước ngoài cũng cung cấp các sản phẩm tương tự với mức giá rẻ hơn. “Có nơi gọi điện hỏi báo giá thiết bị phao quây dầu, so sánh ra chúng tôi rất sốc khi biết tiền mua nguyên liệu của chúng tôi đã bằng giá bán sản phẩm hoàn chỉnh của các hãng nước ngoài rồi”, anh Tuân kể lại.

Trường hợp mà công ty TĐA gặp phải cũng là vấn đề chung mà nhiều doanh nghiệp trong các ngành CNHT ở Việt Nam hiện đang phải đối mặt. Giá thành sản xuất cao khiến các doanh nghiệp CNHT trong nước khó bề cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Theo thống kê năm 2018 của Bộ Công Thương, cả nước có khoảng 1.800 doanh nghiệp CNHT, tuy nhiên chỉ hơn 1/6 số đó có đủ khả năng tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. “Phụ kiện sản xuất trong nước có thể bảo đảm về chất lượng nhưng khi nói đến giá thì lại khó cạnh tranh với Trung Quốc và các nước ASEAN. Vướng mắc vẫn nằm ở khâu giá”, bà Trương Thị Chí Bình, Tổng thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam cho biết.

Thực tế này đang gây khó khăn cho việc phát triển ngành CNHT ở Việt Nam. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?

Thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp

Trả lời cho câu hỏi này, PGS.TS. Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội CNHT Việt Nam, từng là Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển công nghiệp và Chủ tịch HĐQT Sabeco, cho rằng nguyên nhân chính là do thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp, cụ thể là giữa các doanh nghiệp CNHT với nhau.

Anh Nguyễn Mạnh Tuân, Giám đốc công ty TĐA, giới thiệu về sản phẩm miếng thấm dầu trong triển lãm VCCA 2019. Ảnh: TA

Đây là một quan điểm khá khác biệt với những lý do thường được đưa từ trước đến nay, phần lớn đều cho rằng nguyên nhân khiến doanh nghiệp CNHT Việt Nam khó cạnh tranh về giá là do trình độ công nghệ của doanh nghiệp trong nước chưa cao. Với kinh nghiệm của người đã có nhiều kinh nghiệm năm kinh nghiệm trong lĩnh vực CNHT, ông nhận định, “công nghệ chỉ là một phần, vấn đề liên kết mới là yếu tố cốt lõi để phát triển CNHT thì mình chưa làm được “.

Điều này xuất phát từ đặc điểm của ngành CNHT – có mức độ chuyên môn hóa rất cao, mỗi doanh nghiệp thường chỉ sản xuất một chi tiết nhỏ cấu thành phụ kiện. CNHT sản xuất nguyên vật liệu, phụ tùng linh kiện,… cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất “chính” để lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh. Các doanh nghiệp CNHT thường có nhiều cấp độ khác nhau, từ nhà cung ứng linh kiện cấp 1 (cung ứng trực tiếp linh kiện cho nhà sản xuất), cấp 2 (cung ứng nguyên liệu hoặc chi tiết máy cho cấp 1 để chế tạo linh kiện),… “Mỗi doanh nghiệp sản xuất một chi tiết cụ thể thì sẽ tập trung, chuyên nghiệp hơn”, PGS.TS. Phan Đăng Tuất cho biết. Hơn nữa, phần lớn doanh nghiệp CNHT nói riêng và các doanh nghiệp ở Việt Nam nói chung đều thuộc loại vừa & nhỏ, vốn không lớn trong khi “để mỗi doanh nghiệp tự sản xuất một phụ kiện hoàn chỉnh thì tốn quá nhiều chi phí đầu tư”. Bên cạnh đó, CNHT cũng có đặc tính rủi ro cao vì mỗi doanh nghiệp sản xuất chính lại có quy trình công nghệ khác nhau, yêu cầu về phụ tùng linh kiện cũng khác nhau. Chính vì vậy, “làm công nghiệp hỗ trợ như đi trên dây, mua máy móc, nguyên liệu về, chỉ cần doanh nghiệp thu mua thay đổi ý kiến, chuyển sang thiết kế mới chẳng hạn,… là toàn bộ dây chuyền coi như bỏ đi, không bán được cho ai khác”, PGS.TS. Phan Đăng Tuất chỉ ra một thực tế.

Với những đặc điểm này, việc tập hợp các doanh nghiệp CNHT trong cùng lĩnh vực lại cùng một chỗ là điều hết sức cần thiết để giảm thiểu chi phí và dễ dàng đối phó trước những rủi ro thay đổi. Những quốc gia có nền công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc,… đều thành công trong việc kết nối các doanh nghiệp CNHT thành những cụm công nghiệp lớn nhỏ. Chẳng hạn để sản xuất bộ chế hòa khí cho xe máy Yamaha, 28 doanh nghiệp Nhật Bản đã tập trung với nhau trong cùng một khu công nghiệp, mỗi doanh nghiệp chế tạo một phần để tạo thành bộ chế hòa khí hoàn chỉnh, bởi vậy việc vận chuyển nhanh chóng và dễ dàng hơn. Đồng thời, khi Yamaha có thay đổi về sản phẩm, sản xuất một loại xe mới, 28 doanh nghiệp sẽ cùng ngồi họp bàn với nhau để tìm cách cùng thay đổi phù hợp.

Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp CNHT ở Việt Nam hiện nay vẫn nằm rải rác, chưa quy hoạch thành các khu công nghiệp tập trung nên thường rơi vào tình cảnh của công ty TĐA: “Hiện nay chúng tôi mỗi người một nơi, muốn hợp tác cũng khó, chi phí vận chuyển để làm ra một sản phẩm cũng rất cao”, anh Nguyễn Mạnh Tuân cho biết, “đây là phần khó khăn nhất, các yếu tố khác như công nghệ, năng lực sản xuất chúng tôi có thể cố gắng khắc phục được”.

Mong có chính sách quy hoạch

Trên thực tế, tầm quan trọng của việc kết nối các doanh nghiệp CNHT trong nước đã được Chính phủ xem xét và triển khai qua một loạt chính sách như Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT, Quyết định 879/QĐ-TTg năm 2014, Quyết định số 319/QĐ-TTg năm 2018 của Thủ tướng về chiến lược phát triển các ngành CNHT như cơ khí, dệt may, điện tử,… Tuy nhiên, việc quy hoạch khu CNHT ở nhiều nơi gặp khó khăn do “chưa đủ rõ ràng”, dẫn đến hiện tượng chồng chéo hoặc vướng vào quy hoạch ở địa phương, ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, lý giải một phần nguyên nhân. Nhiều cụm CNHT đã nằm trong quy hoạch phát triển, nhưng khi triển khai thì diện tích đất lại không phải của cụm công nghiệp, hoặc mục đích sử dụng đất chưa được cập nhật. “Cần phải làm rõ việc thực hiện thành lập, mở rộng cụm công nghiệp cũng như đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch liên quan trước làm cơ sở để ra quyết định cụ thể”, ông đề xuất.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn này, “Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng về việc hình thành những trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cho CNHT, trước mắt là tại 3 trung tâm kinh tế lớn khu vực miền Bắc, Trung, Nam. Những trung tâm này không chỉ tập trung vào giới thiệu công nghệ, hỗ trợ điều kiện tiếp cận công nghệ và kết nối các doanh nghiệp”, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, nêu giải pháp.

Tuy nhiên, để các chính sách này thực sự phát huy được hiệu quả, PGS.TS. Phan Đăng Tuất cho rằng những chính sách của nhà nước nên tập trung vào việc hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động kết nối với nhau. “Để sản xuất bộ chế hòa khí cho xe máy Yamaha, 28 doanh nghiệp của Nhật Bản đều tự tìm nhau trên mạng, ngồi lại tự bàn bạc làm với nhau”, ông cho biết. Khi đó, Chính phủ chỉ cần tạo điều kiện thông qua các chính sách như cho thuê đất miễn phí, khi nào có lợi nhuận thì nộp hoặc áp dụng thuế tự nguyện, ghi nợ thuế để trả sau,…

Thanh An

Chú thích

[1] https://khoahocphattrien.vn/tin-tuc/vcca-2019-co-hoi-ket-noi-ba-nha-trong-linh-vuc-tu-dong-hoa/201909060157075p1c882.htm

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)