Liên kết lỏng lẻo do thiếu niềm tin
Cách đây gần 15 năm, Thủ tướng chính phủ đã ra quyết định số 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng nhằm thúc đẩy quá trình liên kết dọc giữa doanh nghiệp và nông dân. Tuy nhiên nhìn lại cả quá trình thực hiện suốt từ năm 2002 đến nay, có thể thấy kết quả thu được vẫn chưa như mong đợi.
Nông dân vẫn mong doanh nghiệp đảm bảo sự ổn định ở khâu tiêu thụ sản phẩm.
Mới đây, chúng tôi có tiến hành một khảo sát sơ bộ trên địa bàn các tỉnh phía Bắc (từ Quảng Trị trở ra), thấy rằng tỷ lệ ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của nông dân với doanh nghiệp chỉ cao với các ngành bông và sữa, còn lại đa số các ngành khác thấp hoặc rất thấp, ví dụ như mía đường 31%, lúa gạo 18%, chè 9%, thủy sản 3%, cà phê 2,5%, rau quả 0,9%…
Trong một báo cáo gần đây của World Bank về nông nghiệp Việt Nam cũng cho thấy, tỷ lệ ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa doanh nghiệp và nông dân chỉ từ 2 đến 3%, và trong số các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm này có 60 % chỉ tiến hành tổ chức thu mua nông sản của nông dân khi đến mùa thu hoạch, không đầu tư vào quá trình sản xuất của nông dân (quy hoạch, tổ chức sản xuất, cung ứng giống, vật tư, tập huấn…). Điều đó cho thấy những tổ chức, doanh nghiệp như công ty của kỹ sư Hồ Quang Cua ở Sóc Trăng chấp nhận đầu tư từ đầu vào giống, vốn, kỹ thuật, hướng dẫn kĩ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân là chưa nhiều, còn lại đa số các doanh nghiệp đều không muốn đầu tư từ đầu, trọn gói, không muốn chia sẻ rủi ro với người nông dân, họ chỉ muốn “ăn sẵn”, đến mùa thu hoạch mới tổ chức thu mua. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc mối liên hệ trong chuỗi giá trị giữa người nông dân và doanh nghiệp ở Việt Nam còn hết sức lỏng lẻo.
Báo cáo phát triển Việt Nam 2016 “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào” của World Bank cho thấy liên kết ngang – liên kết giữa nông dân với nông dân để tạo ra vùng nguyên liệu (số liệu điều tra trên 9.200 hợp tác xã) – có tới 85% trong số này không tổ chức sản xuất theo hướng thị trường, không quan tâm đến những yêu cầu của thị trường để điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất của các hộ nông dân thành viên mà HTX chủ yếu mới chỉ là nơi cung cấp các sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất như thuốc trừ sâu, phân bón, giống, công tác thủy lợi… Điển hình, trong một ngành xuất khẩu quan trọng như cà phê, chỉ dưới 1% hợp tác xã trồng cà phê tổ chức cho nông dân trồng trọt theo hướng thị trường, tức là người nông dân nắm được kế hoạch đầu ra với các công đoạn cần thiết như trồng trọt, chăm sóc thế nào, đóng gói sản phẩm ra sao, bán sản phẩm ở đâu, bán cho ai, giá cả nào… Có thể trên thực tế thì số lượng này sẽ cao hơn, hy vọng là vậy, vì số liệu mà nhóm tác giả xây dựng Báo cáo này dựa vào kết quả điều tra năm 2012; tuy nhiên có thể chắc chắn rằng, mối liên kết dọc và ngang trong sản xuất nông nghiệp của chúng ta hiện nay đều không được như mong muốn, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp định hướng thị trường.
Nguyên nhân của sự lỏng lẻo và thiếu bền chặt trong mối liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp là do cả hai bên đều thiếu niềm tin vào nhau. Với người nông dân, điều mà họ cần nhất ở doanh nghiệp chính là đảm bảo ổn định ở khâu tiêu thụ sản phẩm với giá cả chấp nhận được, đi kèm với đảm bảo cung cấp các dịch vụ đầu vào cho sản xuất với chất lượng cao. Trong điều tra mà chúng tôi đã thực hiện có nhấn mạnh đến mục tiêu liên kết mà người nông dân hướng tới với tám tiêu chí quan trọng là đảm bảo tiêu thụ đầu ra; tiếp cận dịch vụ đầu vào (đảm bảo chất lượng dịch vụ, không có hàng giả); trả tiền mua sản phẩm đúng thời hạn; giá sản phẩm hợp lý; tiếp cận nguồn tín dụng; tiếp cận các dịch vụ thú y, sâu bệnh; tiếp cận các kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi; giá cả ổn định lâu dài (chu kỳ năm năm). Trong số 500 hộ nông dân được khảo sát, chúng tôi phân loại thành hộ khá – với hộ nông dân ở đồng bằng sông Hồng là tích tụ được trên 2 ha, hộ trung bình – tích tụ ruộng đất dưới 2 ha và hộ nghèo. Kết quả đạt được với các hộ nông dân trung bình: 76% hộ quan tâm nhất đến khâu tiêu thụ, trên 52% quan tâm đến khâu cung cấp dịch vụ đầu vào có chất lượng cao. Với các chỉ số về các chỉ tiêu khác đều rất thấp, ví dụ về tiếp cận nguồn tín dụng thì số lượng quan tâm đến chỉ số này rất thấp, chỉ đạt 4% hộ khá, 9,5% hộ trung bình, với lý do giấy tờ, thủ tục phiền hà, nhiêu khê.
Về phía doanh nghiệp, chúng tôi đã điều tra 19 doanh nghiệp vẫn thường thu mua các sản phẩm nông nghiệp thiết yếu như cam, rau, mía, chè, trứng, sữa, ngô, sắn…, kết quả là chỉ có năm doanh nghiệp tiến hành ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với nông dân bằng văn bản, mười doanh nghiệp có hợp đồng thỏa thuận miệng (trên thực tế tám doanh nghiệp trong số này từng bị nông dân “phá ngang” hợp đồng), bốn doanh nghiệp còn lại không thực hiện mua bán theo bất cứ dạng hợp đồng nào, khi nông dân thu hoạch thì đến thu mua. Rõ ràng, tỷ lệ doanh nghiệp đặt niềm tin vào nông dân cũng chưa cao.
Đa số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn ở mức vừa và nhỏ, hoặc rất nhỏ, vốn đầu tư ban đầu không cao như doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác, do đó quy mô hợp đồng mà họ ký kết với nông dân cũng ở mức nhỏ. Mỗi doanh nghiệp ký hợp đồng với trung bình 300 nông hộ, mặc dù cũng có đơn lẻ trường hợp doanh nghiệp ký với 3.000 hộ. Các doanh nghiệp thường có xu hướng hợp tác với các nông hộ tích tụ được ruộng đất đủ lớn như quy mô trang trại, gia trại, phần lớn các doanh nghiệp đều rất ngần ngại hợp tác với những nông hộ có quy mô sản xuất nhỏ, hộ nghèo vì các hợp đồng ký kết với các hộ này đều ở qui mô nhỏ nên khó kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Những ‘nút thắt’ trong phát triển nông nghiệp hàng hóa hiện nay chủ yếu là quy mô ruộng đất, sự vào cuộc của doanh nghiệp và tổ chức nông dân. Để củng cố mối liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân, theo tôi, giải pháp quan trọng nhất là đa dạng hóa hình thức liên kết và nhà nước cần thừa nhận những hình thức liên kết khác ngoài hình thức HTX hiện có, trên cơ sở đó ‘tích tụ’ ruộng đất đến quy mô đủ lớn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, áp dụng KHKT và tiến hành công nghiệp hóa. Hiện nay nhà nước mới chỉ thừa nhận hình thức liên kết hợp tác xã, và các hỗ trợ của nhà nước chủ yếu đi qua ‘kênh’ này. Trong hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam cần nghiên cứu và thí điểm thêm nhiều mô hình liên kết khác để lựa chọn ra những hình thức phù hợp để họ có tư cách pháp nhân, qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức này có quyền vay vốn, quyền thế chấp tài sản… Nếu tìm ra những mô hình liên kết mới, nơi cố kết và tạo dựng được niềm tin cho người nông dân và doanh nghiệp thì vấn đề mới được giải quyết triệt để.