Liệu còn linh nghiệm

Tình cờ tôi đọc lại bài báo cũ đăng trên tờ “Strait Times” cách nay hơn 10 năm. Tác giả đưa ra dự đoán: Liệu Châu Á Thái Bình Dương sẽ là trung tâm của thế giới vào thế kỷ 21? Ở thời điểm tác giả dự báo, Hồng Kông chưa được trả về Trung Quốc, khủng hoảng tài chính chưa bộc phát ở Châu Á vào cuối thập niên 90, sự kiện 11 tháng 9 chưa xảy ra ở New York, Hoa Kỳ chưa tấn công Afganistan và Iraq, Nhật vẫn còn bị Mỹ “đì” cho đồng yen tăng vọt đến khốn khổ, Mỹ cũng đã “quên” quy chế tối huệ quốc với Trung Quốc, Trung Quốc cũng chưa phóng phi thuyền lên không gian... và Việt Nam vẫn chưa gia nhập Asean. Mời bạn cùng chiêm nghiệm với những “tiên tri” trước đây 10 năm, và xin lưu ý, số liệu kinh tế trong bài cũng là số liệu cũ hơn 10 năm.

“Kỷ nguyên của Địa Trung Hải đã  thuộc về quá khứ, ngày nay là của Đại Tây Dương, nhưng tương lai sẽ thuộc về Thái Bình Dương”. Đó là tiên đoán của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Hay cách nay gần một thế kỷ, phát biểu trong buổi lễ khánh thành kênh đào Panama.
Hơn một trăm năm trước, Alexandre Hertzen, một lý thuyết gia người Nga, cũng tiên đoán Thái Bình Dương chắc chắn sẽ trở thành trung tâm thương mại của thế giới, một “tân Địa Trung Hải của nền văn minh tương lai”.
Giờ đây kỷ nguyên của Thái Bình Dương đang ló dạng với sự hùng mạnh áp đảo của nền kinh tế Nhật Bản, tốc độ phát triển nhanh và rất năng động của 7 nước và lãnh thổ Châu Á: Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Đó là chưa kể một Trung Quốc khổng lồ với mức độ tăng trưởng không lường trước được và những nước nằm dọc theo bờ Thái Bình Dương như Hoa Kỳ, Canada, Úc và Tân Tây Lan.
Thực ra, nếu nhìn từ một góc độ nào đó thì kỷ nguyên Thái Bình Dương đã hình thành rồi. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, ba nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới đều nằm ở khu vực Thái Bình Dương, đó là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản. Ba quốc gia này chiếm tới 48% GDP có điều chỉnh theo tỉ suất ngang nhau về mãi lực (PPP- adjusted GDP) của cả thế giới.
Nếu tính thêm các nước Asean, cộng thêm cả Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Việt Nam, Úc, Tân Tây Lan, Canada và Mexico thì có thêm một nền kinh tế nữa tầm cỡ như Nhật Bản. Điều này làm GDP của khu vực Thái Bình Dương chiếm tới 63%, nghĩa là gần 2/3 GDP của cả thế giới.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát lại cho rằng kỷ nguyên Thái Bình Dương vẫn chưa thực sự xuất hiện. Điều này là do họ dùng phương pháp tính gộp GNP thông thường của các nước trong khu vực.
GNP tính trên đầu người của Trung Quốc là 435 USD, nhưng nếu tính theo GDP có hiệu chỉnh PPP sẽ là 2.413 USD. Con số sau sát với thực tế nhiều hơn. Dù vậy con số này vẫn thấp hơn Hoa Kỳ 9,5 lần (22.595 USD) và thấp hơn 7 lần so với Singapore (16.674 USD).
Cách tính GNP thường đưa đến những khó khăn khi phải so sánh nền kinh tế của nước này với nước khác vì không thể hiện được các dịch vụ và hàng hóa mua bán trong nước.
Hối suất thông thường được sử dụng chỉ liên quan tới lĩnh vực ngoại thương, nhưng với các quốc gia có thị trường trong nước rộng lớn như Trung Quốc, Nhật Bản hay Indonesia thì hối suất có thể dẫn đến những kết quả sai lầm, trừ khi trị giá hàng hóa hay dịch vụ trong nước được điều chỉnh theo một tỉ suất ngang nhau về mãi lực, một cách tính toán vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thừa nhận.
Vào khoảng năm 2005, GDP tính trên đầu người có hiệu chỉnh PPP của Nhật Bản và Singapore sẽ vượt qua Hoa Kỳ. Hiện nay, hai quốc gia này đã qua mặt Anh Quốc. Đến thời điểm trên khoảng cách còn xa hơn nữa. GDP của Hàn Quốc sẽ bám sát Hoa Kỳ, còn Malaysia sẽ bắt kịp Anh Quốc. Lúc này GDP của Trung Quốc chỉ còn thấp hơn 2,4 lần so với hiện nay là 9,5.
Liệu sự đuổi kịp của các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc có bảo đảm cho nền hòa bình tại khu vực Thái Bình Dương vào thế kỷ 21 chăng? Theo Lim Chong Yah, Giáo sư kinh tế Đại học NanYang, thì hòa bình của khu vực này dĩ nhiên phải đi đôi với sức mạnh về kinh tế của Đông Á.
Phát triển nghĩa là thay đổi, và thay đổi tự nó đã hàm chứa trong đó những bất ổn. Cạnh tranh để giành giật thị trường, tìm kiếm đầu ra đầu vào có thể làm nảy sinh những điều bất đồng, những chuyện rắc rối. Quy chế tối huệ quốc của Hoa Kỳ dành cho Trung Quốc, mức thâm thủng mậu dịch triền miên giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản vẫn còn và vẫn tiếp tục là vấn đề gây nhiều tranh chấp.
Sang thế kỷ 21, Nhật Bản sẽ có những phương tiện phòng chống vũ khí hạt nhân của riêng mình.


 Một góc Kobe, Nhật Bản

Không chỉ nói đến sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, mức tăng trưởng nhanh của các nước Đông Á hay sự suy thoái tương đối của Hoa Kỳ và Phương Tây, mà vấn đề đáng quan tâm khác đó là nên hòa bình tại khu vực Thái Bình Dương.
Hồng Kông rồi sẽ gắn liền với số phận Trung Quốc, một Trung Quốc đầy thế lực và bản lĩnh sẽ góp phần tạo ra một Hồng Kông thịnh vượng hơn nhiều. Mọi tương quan đảo nghịch trước đây sẽ không còn tồn tại nữa.
Việt Nam chắc chắn khi đó đã gia nhập Asean rồi và sẽ giữ một vai trò quan trọng trong khối Đông Nam Á này.
Nam-Bắc Triều Tiên sớm muộn rồi sẽ thống nhất, vĩ tuyến 38 chỉ còn là vấn đề lịch sử. Triều Tiên là một đất nước lâu đời, nên yếu tố dân tộc và chân lý sẽ vượt qua mọi trở ngại để đi tới thống nhất.
Trung Quốc sẽ không chỉ là quốc gia có dân số đông nhất thế giới, mà thay vào đó là quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh nhất. Về vụ tranh chấp quần đảo Trường Sa, rồi các bên liên quan sẽ ngồi lại để phối hợp tìm cách phát triển nó, đóng góp các khoản lợi nhuận từ Trường Sa cho Ngân hàng Phát triển Châu Á (dĩ nhiên ngân hàng này cũng cần phải cải tổ lại) để hỗ trợ cho các khu vực khác của Châu Á còn kém phát triển.
 Vấn đề hàng đầu trong khu vực không chỉ là mối quan hệ giữa Hoa Kỳ – Trung Quốc, giữa Hoa Kỳ- Nhật Bản, giữa Phương Tây- Trung Quốc và còn là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Rudyard Kipling cho rằng “Đông là Đông, Tây là Tây. Cặp song sinh này sẽ chẳng bao giờ gặp nhau được”. Nhưng lời phát biểu này thốt ra trong một thế giới còn thuộc địa, khi cục diện sân chơi lúc đó không cân sức giữa Đông và Tây.
Sự phân bố quyền lực vào thời kỳ thuộc địa hoàn toàn không cân xứng. Rồi với đà phát triển cực nhanh trong kỹ thuật truyền thông. Đông và Tây sẽ gặp nhau nhiều hơn, không chỉ dưới danh nghĩa đối tác mà còn là… đối thủ của nhau trong quá trình phát triển. Sang thế kỷ 21, Phương Tây sẽ chứng kiến cạnh tranh càng lúc càng trở nên gay gắt.
Khi thế kỷ sang trang, tại Hoa Kỳ đã có nhiều biến chuyển về mặt nhân chủng, ngày càng có thêm nhiều sắc dân Châu Á sinh sống tại Hoa Kỳ. Việc mưu tìm hòa bình giữa Đông và Tây xuất phát từ sự dịch chuyển nhân chủng này tỏ ra có nhiều triển vọng và càng phải được đẩy mạnh hơn nữa.

Tuy nhiên, về mặt nhận thức cũng cần được các bên điều chỉnh cho phù hợp. Cùng nhau chia sẻ mục tiêu chung là một vấn đề trọng yếu.
Trong tác phẩm “Những cuộc phiêu lưu của Julliver”, Jonathan Swift đã mô tả châm biếm dân Lilliputia cãi nhau chí chóe về chuyện đầu nào của quả trứng là đầu cần đập vỡ. Chẳng ai chịu ai và họ giải quyết bằng chiến tranh.
Tình huống tại Thái Bình Dương sẽ không đến nỗi nghiêm trọng một cách ngờ nghệch như thế. Chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, dung nạp lẫn nhau và tôn trọng lẫn nhau giữa một Đông Á đang trên đà phát triển và một Phương Tây đang trên đà suy thoái. Dù sao, lúc đó Hoa Kỳ vẫn còn là một thực thể kinh tế hùng mạnh nhất thế giới, dù sự hùng mạnh này được biểu hiện bằng GNP danh nghĩa hay GDP hiệu chỉnh PPP. Đó là chưa kể Hoa Kỳ là một cường quốc quân sự mạnh nhất.
Rồi sẽ có những nước từ Phương Tây không cạnh tranh nổi trong lĩnh vực kinh tế, sẽ giở những thủ thuật cổ điển núp dưới chiêu bài “bảo vệ mậu dịch”. Nhưng những chiến thuật như thế cũng không thể nào ngăn chặn đựơc xu hướng suy thoái triền miên của Phương Tây. Bởi lẽ sự suy thoái bắt nguồn từ những xơ cứng trong hệ thống kinh tế-xã hội trong nước và ngay cả chính từ sự thành công về kinh tế của nó. Sự bộc phát từ trong mà ra chứ không phải do yếu tố bên ngoài.    

Vũ Thế Thành

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)