Liệu pháp tế bào gốc giúp phục hồi não sau đột qụy 

Cứ mỗi 40 giây lại có một người ở Mỹ đột qụy. Với những người đột qụy do thiếu máu cục bộ - loại đột qụy phổ biến nhất, chỉ có 5% hồi phục hoàn toàn. Đa số những người khác sẽ gặp phải các vấn đề như suy nhược, đau mãn tính hoặc động kinh.

Các nhà nghiên cứu đã chứng tỏ các tế bào gốc đã biến đổi có thể cải thiện hoạt động của não.

Hiện nay, các nhà khoa học tại Học viện Gladstone và Công ty Y học tái tạo SanBio chứng minh rằng liệu pháp tế bào gốc có thể khôi phục hoạt động của não sau đột qụy. Trong khi hầu hết các phương pháp điều trị đột qụy chỉ phát huy hiệu quả khi được áp dụng trong vài giờ đầu (kể từ khi bị đột qụy), liệu pháp này vẫn có tác dụng trên chuột ngay cả khi áp dụng sau một tháng.

“Hiện chưa có liệu pháp nào ngăn chặn được các di chứng dài hạn, nếu áp dụng sau vài tuần hoặc vài tháng”, TS. Jeanne Paz ở Gladstone, người dẫn dắt nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Molecular Therapy, cho biết. 

Các tế bào gốc biến đổi trong nghiên cứu này đã được phát triển trong hơn một thập kỷ để điều trị đột qụy và chấn thương sọ não. Các thử nghiệm lâm sàng trước đây cho thấy, ở một số bệnh nhân, tế bào gốc có thể giúp họ lấy lại khả năng kiểm soát tay chân. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa rõ những thay đổi nào trong não bộ đã mang lại sự cải thiện này.

Đột qụy do thiếu máu cục bộ xảy ra khi lưu lượng máu đến một phần não bị tắc nghẽn, thường do xuất hiện cục máu đông hoặc mạch máu bị thu hẹp. Việc này khiến tế bào não mất đi oxy và chất dinh dưỡng, làm chết và thay đổi hoạt động của một số tế bào. 

Paz đã nghiên cứu về những thay đổi của não và những biến chứng lâu dài như động kinh sau đột qụy trong một thời gian dài. Cô và cộng sự phát hiện các tế bào ở những vùng não bị tổn thương có thể hoạt động quá mức hoặc dễ bị kích thích, từ đó sẽ gửi những tín hiệu quá mạnh hoặc quá thường xuyên đến những vùng nào khác. 

Paz cho biết “Khả năng dễ bị kích thích quá mức liên quan đến vận động và co giật, nhưng chưa có liệu pháp nào đảo ngược hiệu quả tình trạng này.” 

Trong nghiên cứu mới, Paz và cộng sự đã thử nghiệm với một tế bào gốc do SanBio phát triển. Một tháng sau khi chuột bị đột quỵ, các nhà nghiên cứu đã tiêm tế bào gốc được biến đổi của con người vào gần vùng não tổn thương của chúng. Trong những tuần tiếp theo, họ đo lường các xung điện khi các tế bào truyền tín hiệu trong não và phân tích từng tế bào, phân tử riêng lẻ. 

Kết quả cho thấy, liệu pháp đã giúp giảm kích thích não ở chuột đột qụy, khôi phục sự cân bằng trong mạng lưới thần kinh. Ngoài ra, một số protein và tế bào quan trọng với khả năng và chức năng chữa lành của não cũng tăng lên. 

Sau một tuần cấy ghép, hiệu quả của liệu pháp vẫn kéo dài dù lượng tế bào gốc được tiêm vào não chuột chỉ còn dưới 1%. 

TS. Barbara Klein ở SanBio, tác giả thứ nhất của bài báo chia sẻ: “Dường như các tế bào này đang kích hoạt quá trình tự chữa lành của não. Điều này mở ra cơ hội để não phục hồi, ngay cả khi bước vào giai đoạn mãn tính sau đột qụy.” 

Theo các nhà nghiên cứu, điểm thú vị nhất là liệu pháp này vẫn có khả năng khôi phục hoạt động bình thường của não ngay cả khi áp dụng ở thời điểm một tháng sau đột qụy. 

“Điều này cho thấy rằng vẫn có hy vọng cho những bệnh nhân bị chấn thương não mãn tính – những người không có cách điều trị trước đây” tiến sĩ Agnieszka Ciesielska, đồng tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ.

Tuy nhiên, vẫn cần những nghiên cứu khác để chứng minh khả năng giảm kích thích não của liệu pháp tế bào gốc, từ đó góp phần giảm triệu chứng ở người bệnh. Nếu kết quả này chính xác, người ta có thể phát triển các phương pháp điều trị bổ sung để làm dịu các tế bào thần kinh hoạt động quá mức. 

Nhóm nghiên cứu cũng muốn tìm hiểu cách tế bào gốc cải thiện chức năng não. Nếu xác định được những phân tử mấu chốt, họ có thể chế tạo các loại thuốc phân tử nhỏ có thể “bắt chước” tác dụng của tế bào gốc. □

Diễm Quỳnh lược dịch

Nguồn: https://gladstone.org/news/stem-cell-therapy-jumpstarts-brain-recovery-after-stroke#:~:text=Most%20others%20suffer%20from%20long,brain%20activity%20after%20a%20stroke.

Bài đăng Tia Sáng số 3/2025

Tác giả

(Visited 34 times, 2 visits today)