Thông cáo mới đây về Báo cáo Quốc gia Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam (Báo cáo) của Nhóm Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh tính cấp thiết của việc thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời với việc cần triển khai nhiều chính sách và đầu tư công và tư để giảm cường độ carbon trong tăng trưởng.
Việt Nam thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước tác động của khí hậu đang phải đối mặt với nhiều rủi ro dọc theo bờ biển dài 3.260 km và các vùng trũng thấp rộng lớn của đất nước. Nguy cơ đối với các khu đô thị và khu công nghiệp, đặc biệt là trong và xung quanh trung tâm kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, đặt nhiều bộ phận lớn của nền kinh tế vào rủi ro. Đồng bằng sông Cửu Long, nơi sinh sống của 18 triệu người, đã và đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu; hơn 70% diện tích đất của một số tỉnh thành có thể bị ngập trong vòng 80 năm nữa. Báo cáo cho biết Việt Nam thiệt hại khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP, do các tác động của khí hậu. Các mô hình cho thấy tổng chi phí kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra có thể lên tới 523 tỷ USD vào năm 2050. Báo cáo cho rằng cần ưu tiên đầu tư để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu.
Khi nền kinh tế đang phát triển nhanh của Việt Nam tiến dần đến vị thế là nước có thu nhập cao, Việt Nam cũng cần phải giảm cường độ carbon. Đóng góp của Việt Nam vào tổng lượng phát thải khí nhà kính (KNK) toàn cầu tương đối nhỏ, chỉ ở mức 0,8%. Tính theo bình quân đầu người, lượng phát thải của Việt Nam chưa bằng một nửa lượng phát thải bình quân đầu người của các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam đã tăng lượng phát thải KNK bình quân đầu người lên gấp 4 lần trong thế kỷ này, từ 0,79 tấn carbon dioxide (CO2) tương đương vào năm 2000 lên 3,81 tấn CO2 vào năm 2018, và lượng khí thải đang tăng với tốc độ nhanh nhất trên thế giới. Ô nhiễm liên quan đến khí thải này ảnh hưởng đến sức khỏe và giảm năng suất; tình trạng cạn kiệt tài nguyên và các tác động của biến đổi khí hậu đã làm tổn hại đến thương mại và đầu tư.
Việt Nam đã cam kết chấm dứt phá rừng vào năm 2030, giảm 30% lượng khí thải mêtan và chấm dứt mọi hoạt động đầu tư vào sản xuất điện than mới, mở rộng quy mô triển khai năng lượng tái tạo và loại bỏ điện than vào những năm 2040. Những cam kết này cao hơn Đóng góp do quốc gia xác định (NDC) năm 2020, trong đó Việt Nam cam kết đạt mục tiêu giảm phát thải không điều kiện là 9% vào năm 2030 so với năm cơ sở 2014 và mục tiêu giảm phát thải có điều kiện là 27%.
Để giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển, đồng thời thực hiện các cam kết về khí hậu, Báo cáo đề xuất nhiều giải pháp trên hai góc độ: nâng cao khả năng chống chịu với các tác động của khí hậu và theo đuổi chiến lược tăng trưởng hướng nền kinh tế giảm dần các nguồn năng lượng thâm dụng carbon. Hai lộ trình này sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về khí hậu đồng thời tăng GDP bình quân đầu người hơn 5%/năm – tỷ lệ trung bình cần thiết để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Nếu không có các biện pháp thích ứng toàn diện, tác động của biến đổi khí hậu có thể khiến thêm từ 400.000 đến 1 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 2030. Đồng thời, để bảo vệ các hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất trước giá năng lượng tăng cao và gián đoạn việc làm trong quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp, Việt Nam sẽ cần đẩy mạnh các chương trình khuyến khích khu vực tư nhân áp dụng những công nghệ sạch hơn và tạo thuận lợi cho dịch chuyển lao động.
Dựa trên kết quả chạy mô hình, Báo cáo đề xuất các ưu tiên bao gồm:
Một chương trình cấp vùng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long dễ bị tổn thương, là nơi đóng góp 50% sản lượng lúa gạo và một phần ba GDP nông nghiệp của đất nước. Khu vực này đang phải đối mặt với nhiều rủi ro như xói lở bờ biển và bờ sông, mực nước biển dâng và xâm nhập mặn. Chương trình này sẽ hạn chế khai thác cát và khai thác nước ngầm, đầu tư thêm cơ sở vật chất và tăng cường điều phối vùng, đồng thời hỗ trợ sinh kế cho những người nông dân đang tìm giải pháp thích ứng với những thách thức của biến đổi khí hậu.
Một kế hoạch tổng hợp bảo vệ các đô thị ven biển và kết nối giao thông khỏi tác động của thời tiết khắc nghiệt. Kế hoạch này bao gồm hoạt động nâng cấp hệ thống đường bộ và năng lượng, cũng như tăng cường hệ thống quản lý rủi ro thời tiết và cảnh báo sớm.
Một chương trình giảm ô nhiễm không khí bao vây khu vực Hà Nội, nơi chất lượng không khí kém đã vượt ít nhất 5 lần giới hạn theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới trong hơn một nửa thời gian từ năm 2018 đến năm 2021, và dự báo nồng độ bụi mịn sẽ còn tiếp tục tăng lên.
Tăng tốc quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo bằng cách cải thiện khung pháp lý để khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân đầu tư tăng công suất của lưới điện và thực hiện các kế hoạch tiết kiệm năng lượng.
Mở rộng an sinh xã hội để bù đắp những tác động kinh tế mà các giải pháp khí hậu có thể tác động đến những người dễ bị tổn thương nhất. Tài trợ cho các chương trình xã hội bằng nguồn thu từ thuế carbon sẽ giúp hỗ trợ người nghèo khỏi tác động của việc tăng chi phí đi lại và năng lượng.
Báo cáo ước tính giá trị hiện tại của nhu cầu đầu tư thêm vào các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2040 lên đến khoảng 6,8% GDP mỗi năm, tương đương khoảng 368 tỷ USD. Việt Nam cũng sẽ cần bổ sung đầu tư công bằng nhiều cải cách chính sách để thu hút đầu tư tư nhân. Các dự án đầu tư ưu tiên cho thích ứng từ nay đến năm 2040 có thể cần khoảng 254 tỷ USD, và để giảm tốc độ tăng phát thải sẽ cần ít nhất 81 tỷ USD. Thuế carbon hoặc các quy định hình thành hệ thống mua bán khí thải sẽ là chìa khóa để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển và khí hậu đầy tham vọng.
Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển (CCDR) của Nhóm Ngân hàng Thế giới là các báo cáo đánh giá quan trọng mới tích hợp các mối quan tâm về biến đổi khí hậu và phát triển. Báo cáo này sẽ giúp các quốc gia ưu tiên giải pháp có tác động lớn nhất về giảm phát thải KNK và nâng cao khả năng thích ứng, đồng thời thực hiện các mục tiêu phát triển lớn hơn. Báo cáo CCDR được xây dựng dựa trên dữ liệu và nghiên cứu chặt chẽ, đồng thời xác định các lộ trình chính để giảm phát thải KNK và tính dễ bị tổn thương do khí hậu, bao gồm các chi phí và thách thức cũng như lợi ích và cơ hội của các lộ trình này. Các báo cáo đề xuất những hành động cụ thể và mang tính ưu tiên để hỗ trợ quá trình chuyển dịch sang carbon thấp và thích ứng. Là tài liệu được công bố công khai, Báo cáo CCDR có mục tiêu cung cấp thông tin cho các chính phủ, người dân, khu vực tư nhân và các đối tác phát triển, và tăng cường hỗ trợ cho chương trình nghị sự về phát triển và khí hậu. Báo cáo CCDR sẽ cung cấp thông tin cho các đánh giá quan trọng khác của Nhóm Ngân hàng Thế giới, các hoạt động hỗ trợ và cho vay quốc gia, đồng thời giúp thu hút vốn và tài trợ trực tiếp cho những giải pháp khí hậu mang lại tác động lớn.