Lối đi phát điện ở Olympic London 2012

Những viên gạch đặc biệt khi có người giẫm chân lên sẽ phát ra điện đã được lát tại lối đi vào sân vận động chính và mặt phố trước Trung tâm Thương mại sầm uất Westfield Stratford City nhân dịp Olympic London 2012.

Sau khi giành được quyền đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa hè 2012 cùng Thế vận hội dành cho người khuyết tật, thành phố London đã lập một quỹ trị giá 9,3 tỷ Bảng Anh (14,8 tỷ USD) để chi vào việc phục vụ lễ hội thể thao này, như xây dựng các công trình thể thao, giao thông, làng vận động viên v.v… Đây là Olympic tốn kém nhất xưa nay, thế nhưng với tài tổ chức kinh doanh của người Anh, với kinh nghiệm từng hai lần tổ chức Thế vận hội vào các năm 1908 và 1948, Anh Quốc hy vọng sẽ thu được hơn 13 tỷ Bảng Anh nhờ đăng cai Thế vận hội này.

Các công trình Olympic London 2012 được xây dựng với Ý tưởng di sản (The idea of legacy): 3/4 khoản ngân sách nói trên sẽ dành cho việc tái sinh và phục hồi vùng đất phía Đông London, một vùng đất hoang được chọn để xây dựng phần lớn công trình Olympic. Sau khi Thế vận hội kết thúc, toàn bộ các công trình xây dựng này sẽ được chuyển sang phục vụ dân sinh chứ không bị bỏ phí như ở nhiều nước từng đăng cai Olympic. Ban tổ chức đã áp dụng nhiều phát minh khoa học công nghệ nhằm thực hiện phương châm gìn giữ môi trường và phát triển bền vững.

Dự kiến Olympic London sẽ thu hút khoảng 2 triệu du khách đến từ khắp nơi. Dĩ nhiên một lượng lớn người như vậy dồn về đây trong thời gian chưa đầy 3 tuần lễ sẽ gây ra nhiều vấn đề về môi trường và an ninh. Nhưng tại Anh Quốc, đất nước nổi tiếng lắm sáng kiến kinh doanh này thì lập tức có những nhà phát minh tìm ra cách lợi dụng sự đi lại nhộn nhịp của du khách để kiếm lời. Một thí dụ điển hình là phát minh Lối đi phát điện (Pavegen energy-generating-walkway), một trong những công nghệ mới được Olympic London áp dụng.

Nội dung của phát minh này là lát những viên gạch đặc biệt Pavegen tile trên các lối đi nhiều người qua lại, khi có bước chân giẫm lên viên gạch thì tác động của bước chân ấy sẽ làm cho viên gạch phát ra điện. 5% lượng điện này được dùng để bật sáng một đèn LED (loại đèn tiết kiệm điện nhất hiện nay) lắp ở chính giữa mặt viên gạch; 95% điện năng còn lại sẽ nạp vào một bộ ắc quy chung; điện năng của nó được dùng cho các nhiệm vụ khác như chiếu sáng lối đi cho khách bộ hành, biển quảng cáo, chạy máy bán vé v.v…

Nguyên liệu để làm ra loại gạch đặc biệt này đều tái chế từ các vật liệu bỏ đi. Mặt viên gạch làm từ lốp xe ô tô phế thải. Do làm bằng cao su nên mặt viên gạch có đàn tính; khi chân người giẫm lên, mặt gạch sẽ lún xuống ít nhất 5 mm và động năng sinh ra từ sự lún ấy được hệ thống thiết bị chuyển thành điện năng. Nếu cứ 4 đến 10 giây lại có một bước chân đè lên thì viên gạch sẽ tạo ra một lượng điện khoảng 2,1 watt mỗi giờ. Phần đế viên gạch cũng làm từ các vật liệu tái chế. Mỗi viên gạch có thể dùng trong 5 năm hoặc chịu được 20 triệu bước chân đi qua.

Hãy tưởng tượng quang cảnh đường phố rực sáng một màu xanh đom đóm khi những đèn LED trên hàng trăm viên gạch phát sáng trong đêm dưới bước chân của khách bộ hành. Họ đâu có biết chính mình đang góp phần vào việc phát ra điện năng thắp sáng đường phố.

Tác giả gạch phát điện là Laurence Kemball-Cook, một trong những nhà phát minh trẻ tuổi tài giỏi nhất Anh Quốc hiện nay. Vài năm trước, khi làm đề tài nghiên cứu về chiếu sáng đường phố, chàng sinh viên Đại học Loughborough mới 24 tuổi ấy đã đề xuất ý tưởng táo bạo đó. Năm 2009 công ty Pavegen Systems Ltd. do chính Laurence làm Giám đốc đưa phát minh này vào ứng dụng. Tuy được hoan nghênh và áp dụng thử tại một số địa điểm nhưng phải đến khi London triển khai xây dựng các công trình phục vụ Thế vận hội 2012 thì gạch phát điện mới có dịp ứng dụng đại trà. Pavegen Systems Ltd. nhận được đơn đặt hàng của Ban tổ chức Olympic London 2012. Theo dự kiến, người ta sẽ lát các viên gạch phát điện tại lối đi vào sân vận động chính và mặt phố trước Trung tâm Thương mại Westfield Stratford City đông khách nhất châu Âu (hàng năm có khoảng 3 triệu lượt người ra vào). 

Gạch phát điện có triển vọng áp dụng rất sáng sủa. Bất kỳ một điểm nào trên các đường phố đông người đều có thể tiếp nhận mỗi ngày tới 50.000 bước chân. Tại các nhà ga đông khách, tính đổ đồng mỗi giờ có tới 52.000 người qua lại. Trung bình một người bước khoảng 20 triệu bước trong cả cuộc đời mình. Nếu tận dụng được một phần nhỏ động năng do các bước đi ấy tạo ra thì rõ ràng loài người sẽ tiết kiệm được rất nhiều năng lượng làm ra từ các nguồn gây ô nhiễm (như nhiên liệu hóa thạch), nhờ thế môi trường sống của chúng ta sẽ được cải thiện rất nhiều. Theo giới thiệu, chỉ cần 5 viên Pavegen tile là đủ phát ra điện năng chiếu sáng một trạm chờ xe bus suốt một đêm. 

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)