Lối thoát của nền kinh tế kém hiệu năng
Nếu hỏi yếu kém nội tại nào là đáng lo ngại nhất đối với nền kinh tế Việt Nam, thì năng suất lao động quá thấp có lẽ sẽ là câu trả lời có được nhiều đồng thuận nhất.  
Để thu hẹp sự chênh lệch này, và qua đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, không còn cách nào khác là phải thúc đẩy đổi mới và sáng tạo công nghệ, cải thiện quy trình quản lý.
Nhưng ai sẽ làm công việc này? Rõ ràng, đó chỉ có thể là doanh nghiệp, vì chỉ có doanh nghiệp mới đủ sâu sát để hiểu rõ mình cần đổi mới công nghệ nào, cải thiện quy trình quản lý nào. Sự hỗ trợ của nhà nước, nếu có, và xét ở mức cao nhất, thì cũng chỉ có thể dừng ở mức định hướng, hoàn thiện khung pháp lý và gỡ bỏ những cản trở về thủ tục hành chính cho sự hoạt động của doanh nghiệp.
Sự phát triển tốt trên nền tảng công nghệ cạnh tranh, hiện đại, như Nanogen, Gốm sứ Minh Long, Rạng Đông… là những ví dụ khá điển hình cho một sự thật: muốn phát triển bền vững và tạo ra sức mạnh thực sự, doanh nghiệp cần ý thức được vai trò sống còn của việc nâng cao trình độ công nghệ và quản lý, qua đó nâng cao năng suất và sức cạnh tranh trên thị trường, cả trong nước lẫn quốc tế. Điều này không chỉ đúng ở quy mô doanh nghiệp, mà còn có thể mở rộng ra cho cả nền kinh tế. Thực tế cho thấy, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều nước đã nghiêm túc xem lại định hướng phát triển của mình theo hướng khôi phục trở lại sức mạnh sản xuất, thay vì chạy theo các ngành thương mại, tài chính, dịch vụ… Ngay cả một nước nhỏ như Singapore, dù có tỷ lệ các ngành dịch vụ lên đến hơn 70% GDP, cũng quyết tâm giữ một số ngành sản xuất chủ lực như điện tử, cơ khí chính xác, máy công cụ, dược phẩm… để tạo nền và giữ nhịp cho sự phát triển bền vững, nhất là khi kinh tế thế giới đang có nhiều biến động lớn.
Với Việt Nam, do không ý thức hết tầm quan trọng của sản xuất, nên nhiều tập đoàn lớn chỉ nhắm đến việc đầu cơ trước mắt, điển hình là đầu cơ bất động sản, mua qua bán lại, mà không phát triển những sản phẩm cốt lõi, không đầu tư cho công nghệ để kiến tạo sự phát triển bền vững lâu dài, nên khi nền kinh tế gặp khó khăn thì sụp đổ hàng loạt mà không có cách nào gượng đỡ được. Vì vậy, việc doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để đưa nền kinh tế đi theo hướng phát triển bền vững lại càng trở nên quan trọng.
Điều này chỉ có thể đuợc thực hiện khi các doanh nghiệp tự hướng đến mô hình doanh nghiệp đổi mới – sáng tạo để nâng cao năng suất lao động, và qua đó là nâng cao sức cạnh tranh, nhằm trước hết là tự cứu mình, sau đó là cứu cả nền kinh tế ra khỏi khủng hoảng.
Nói cách khác, doanh nghiệp đổi mới – sáng tạo chính là lối thoát cho nền kinh tế đang kém hiệu năng hiện thời.