Lốp xe làm từ mủ cây bồ công anh
Theo dự đoán, từ năm tới, một phần lốp xe ô tô ở Đức sẽ được sản xuất từ mủ của cây bồ công anh (hay còn gọi là cây răng sư tử).
Những năm gần đây, các nhà nghiên cứu tại Viện Fraunhofer về sinh vật học phân tử và sinh thái học ứng dụng ở Aachen và Münster đã nghiên cứu, biến đổi giống cây bồ công anh lấy từ vùng Caucasus để tăng hàm lượng mủ của nó.
Mục tiêu nữa của các nhà nghiên cứu là thích nghi loại cây mới này với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Đức để tiến hành sản xuất lớn. Hiện tại bồ công anh Caucasus đang được trồng thử trên diện tích khoảng 30.000 mét vuông tại một nhà vườn ở Bayern.
Giáo sư Rainer Fischer, lãnh đạo chi nhánh Viện Fraunhofer ở Aachen, nói “Nhờ áp dụng các phương pháp chọn giống hiện đại nhất và tối ưu hóa việc sử dụng thiết bị chế biến, sản xuất, chúng tôi đã thành công trong việc tạo ra mủ chất lượng cao từ cây bồ công anh ở trong phòng thí nghiệm. Giờ là lúc chúng tôi đưa công trình này vào ứng dụng trong sản xuất công nghiệp. Dự án sẽ tiến hành đến năm 2016.”
Ngay cả ở những nhà máy sản xuất lốp ô tô hiện đại nhất, tỷ lệ cao su thiên nhiên trong lốp xe cũng phải chiếm khoảng 40%.
So với cây cao su, cây bồ công anh Caucasus có ba ưu thế hơn hẳn: Trong khi cây cao su phải sau ít nhất ba năm mới có thể cạo mủ thì bồ công anh cho thu hoạch mủ ngay từ năm đầu tiên sau khi gieo hạt. Bồ công anh không dễ bị sâu bệnh đe dọa, không cần có điều kiện khí hậu nhiệt đới và có thể phát triển trên đất đai ít mầu mỡ. Tóm lại bồ công anh không cạnh tranh với các loại cây lương thực và cây làm thức ăn gia súc.
Cây bồ công anh Caucasus tên khoa học là Taraxacumkok saghys đã được trồng ở Đức, Nga và Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ hai để thay thế phần nào mủ cao su. Theo các chuyên gia Đức, nếu nước này có một diện tích trồng bồ công anh khoảng 10.000 ha thì sẽ đáp ứng 10% nhu cầu của mình về mủ cao su thiên nhiên.
Một sản phẩm phụ của cây bồ công anh là chất Inulin có ở rễ cây, được sử dụng làm chất độn trong một số loại thức ăn gia súc.
Xuân Hoài dịch