Lữ khách không hành lý

“Traveler without baggage” (Lữ khách không hành lý) không đơn thuần là một buổi hòa nhạc nhỏ, nơi những nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam, Đài Loan và khán giả chỉ cách nhau một khoảng cách rất gần, mà còn là sự hứa hẹn về một chuyến du ngoạn nhỏ, đầy chất thơ cho bất cứ ai muốn khám phá.

Có bao giờ bạn nghĩ, mình sẽ nhẹ nhõm bước vào một cuộc ngao du trong thế giới âm nhạc mà không cần bất cứ thứ “hành lý”, một sự chuẩn bị trước nào về mặt kiến thức? Vậy thì “Traveler without baggage” sẽ mở ra một cuộc khám phá trong một không gian không ngừng mở rộng về cảm xúc về cái đẹp và chất thơ của âm nhạc cổ điển. Có lẽ, so với 29 buổi hòa nhạc trước của Schubert in a Mug (SiaM), dự án về một chuỗi hòa nhạc thính phòng do nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc và bạn bè thành lập vào tháng 8/2020 1, “Traveler without baggage” mang một dấu ấn đặc biệt, không chỉ do là tâm huyết của các nghệ sĩ biểu diễn Phan Đỗ Phúc (cello), Liao Hsin-Chiao (piano), Trần Khánh Quang (clarinet), mà còn có sự góp mặt của một nghệ sĩ violin tên tuổi của Đài Loan, Min Yen Chien.

Nếu cái tên Min Yen Chien có phần xa lạ với khán giả Việt Nam nhưng ông là một trong những nghệ sĩ violin Đài Loan tiên phong và đạt tầm cỡ quốc tế 2. Sinh ra trong một gia đình âm nhạc và y học, ông làm quen với violin từ năm lên bảy và một năm sau, ở tuổi lên tám, ông đã giành giải nhất cuộc thi violin dành cho trẻ em ở Đài Loan. Sau đó, trong chuyến biểu diễn của tứ tấu đàn dây Juilliard tại thành phố quê hương, Min Yen Chien đã lọt vào mắt xanh của nghệ sĩ violin Raphael Hillyer, người từng tham gia dàn nhạc giao hưởng Boston và đồng sáng lập Tứ tấu đàn dây, và được nghệ sĩ này bảo trợ. Với sự khuyến khích và bảo trợ của Raphael Hillyer, Min Yen Chien đã tham gia các cuộc thi, các buổi hòa nhạc rồi nhận học bổng toàn phần tại trường Juilliard dưới sự hướng dẫn của Ivan Galamian và Sally Thomas. Kể từ năm 1986, ông tham gia giảng dạy tại ĐH Nghệ thuật Đài Bắc.

Trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, Min Yen Chien đã tham gia biểu diễn với nhiều dàn nhạc trên thế giới và hợp tác với nhiều nghệ sĩ thính phòng quốc tế. Do đó, khi nhận được lời mời từ Việt Nam, ông rất hào hứng nhận lời với mong muốn truyền tải vẻ đẹp thuần khiết của âm nhạc thính phòng trong một không gian nhỏ, nơi người nghệ sĩ và khán giả ở khoảng cách thật gần để có thể cảm nhận trọn vẹn tiếng lòng mình, và cảm nhận được cả nỗi hoài tưởng trong cái buồn man mác và niềm vui trong trẻo của các tác phẩm. Để trao cho khán giả những cảm xúc đó, các nghệ sĩ đã lựa chọn từ kho tàng âm nhạc những tác phẩm thính phòng đặc sắc “Noturne”, “Coterge” của nhà soạn nhạc Pháp Lili Boulanger, em gái của nhà soạn nhạc và nhà sư phạm Nadia Boulanger, Suite cho violin, clarinet và piano của nhà soạn nhạc, nghệ sĩ piano Darius Milhaud và Trio cho violin, cello và piano số 1, D. 898 của nhà soạn nhạc Áo Franz Schubert.

Nét đặc biệt của cả hai buổi hòa nhạc ở Middle café (55 Mã Mây) và Tita Art (164 A Trấn Vũ) chính là hai bản Suite cho violin, clarinet và piano, Trio cho violin, cello và piano, nơi các nghệ sĩ có thể vừa trưng trổ một cách khéo léo những kỹ thuật độc đáo của nhạc cụ vừa có thể “đối đáp” hòa quyện giai điệu theo cách rất riêng của âm nhạc thính phòng.

Tại buổi hòa nhạc trước, khi giao lưu với khán giả, nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc cho biết dự định của nhóm trong tương lai là ngoài việc mời các nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài tham gia biểu diễn với SiaM khi về nước mà còn có thể mời các nghệ sĩ nước ngoài tới Việt Nam trong các buổi hòa nhạc để khán giả Vieietj Nam có thể thưởng lãm những màu sắc âm nhạc mới.

Được biết, trong khuôn khổ chuyến biểu diễn ở Việt Nam, nghệ sĩ violin Min Yen Chien sẽ có buổi masterclass tại Hà Nội.

———————————————–

1. https://tiasang.com.vn/van-hoa/nghe-si-cello-phan-do-phuc-am-nhac-dep-nhu-cuoc-song/

2. http://www.patsychen.com/20160521/MinYenChienBio20151126E.htm

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)