Luật CHIPS và Khoa học: Một thay đổi mang tính bước ngoặt

Đạo luật CHIPS và Khoa học mới được Hạ viện và Thượng viện thông qua, được đánh giá là một thay đổi mang tính bước ngoặt, hứa hẹn sẽ tiếp tục có những khoản tài trợ lớn cho khoa học trong nhiều năm tới.

Luật đặt một trọng tâm vào việc thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước (Chip) – rất quan trọng đối với thiết bị điện tử. Vì hiện tại, Hoa Kỳ chỉ sản xuất 12% chip của thế giới và lưỡng viện Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia khác để tăng cường an ninh quốc gia và phát triển thị trường việc làm trong nước.
Kế hoạch tài trợ mới cho phép tăng ngân sách hàng tỷ USD trong năm năm tới cho các cơ quan nghiên cứu liên bang, bao gồm Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF), Bộ Năng lượng (DOE) và Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia. Bằng cách đầu tư vào các cơ quan này, các cơ quan lập pháp Hoa Kỳ đặt mục tiêu phải thúc đẩy đổi mới khoa học và công nghệ ở Hoa Kỳ. Cụ thể, theo đề xuất thì sẽ tăng hơn gấp đôi ngân sách của NSF trong vòng năm năm, tăng ngân sách của DOE lên 45% và tăng ngân sách cho Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia lên 50%.
Deborah Altenburg, Phó Chủ tịch phụ trách Chính sách nghiên cứu và các vấn đề của chính phủ tại Hiệp hội các trường đại học công lập và đại học được sử dụng quỹ đất công ở Washington DC, cho biết cảm giác của mình khi lưỡng viện thông qua Luật, như “một hơi thở nhẹ nhõm”. Tuy nhiên, bà nói thêm, “đây cũng chỉ là một bước”.
Hầu hết các khoản tăng tài trợ này là cho phép tăng chi tiêu một số tiền nhất định – không phải là các khoản trích lập ngân sách để cung cấp nguồn tài chính ngay. Vì vậy, mỗi năm, khi phê duyệt các kế hoạch phân bổ quy định chi tiêu hằng năm cho các cơ quan liên bang, Quốc hội sẽ vẫn phải quyết định phân bổ cấp số tiền cụ thể hằng năm.
Dựa vào khoa học cơ bản
Với nghiên cứu cơ bản, kế hoạch này sẽ đem lại một bước ngoặt rất lớn – dự kiến sẽ cấp cho NSF một trong những khoản tài trợ lớn nhất mà NSF có được ​​trong suốt lịch sử 72 năm từ khi thành lập. Luật cho phép cơ quan khoa học quốc gia này chi 81 tỷ USD trong năm tài chính 2027, tăng gần gấp đôi ngân sách so với trước. Amanda Hallberg Greenwell, người đứng đầu Văn phòng Các vấn đề chính sách Công và Lập pháp tại NSF, cho biết: “Đạo luật cho thấy sự ủng hộ to lớn không chỉ đối với khoa học nói chung, mà còn là sự ủng hộ với sứ mệnh của NSF”.
Một phần tư tổng số tiền ngân sách tài trợ sẽ hỗ trợ một cơ quan quan trọng mà Quỹ Khoa học quốc gia Hoa Kỳ mới thành lập trong năm nay: Cơ quan Công nghệ, Đổi mới và Đối tác (TIP). Là một trong tám đơn vị trực thuộc NSF, TIP được NSF thành lập nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình đưa một số công nghệ nhất định, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo và tính toán lượng tử, từ phòng thí nghiệm ra thị trường. Việc thành lập một cơ quan mới này đánh dấu một cam kết thúc đẩy khoa học ứng dụng ngay tại một cơ quan tài trợ có lịch sử tập trung vào khoa học cơ bản.
Tobin Smith, Phó Chủ tịch cấp cao về Chính sách khoa học và Các vấn đề toàn cầu tại Hiệp hội các trường đại học Hoa Kỳ ở Washington DC, cho biết: TIP sẽ giúp bắc cầu để bước qua “thung lũng chết chóc” – khoảng ngăn cách giữa nghiên cứu cơ bản và ứng dụng.
61 tỷ USD còn lại dành cho NSF sẽ hỗ trợ các hoạt động cốt lõi, bao gồm các tài trợ nghiên cứu cơ bản, tài trợ cho giáo dục khoa học và mở rộng cơ hội nghiên cứu cho các nhà khoa học. Khoản tài trợ nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ xây dựng năng lực nghiên cứu, nâng cao năng lực cho các cơ sở nghiên cứu mà trình độ của sinh viên còn yếu và sẽ tăng cường đầu tư vào các cơ sở học thuật ở các bang và vùng lãnh thổ nhận ít tài trợ nghiên cứu của liên bang hơn.
Tương tự, DOE dự kiến ​​sẽ nhận được gần 70 tỷ USD, phần lớn trong số đó sẽ được chuyển đến Văn phòng Khoa học của của DOE. Khoản tài trợ này sẽ hỗ trợ các lĩnh vực khoa học vật lý – chẳng hạn như nhiệt hạch và vật lý hạt nhân – trong các phòng thí nghiệm quốc gia, các trường đại học và các công ty tư nhân. Cũng giống như Quỹ Khoa học và Công nghệ quốc gia Hoa Kỳ, cơ quan này sẽ tăng cường phân bổ ngân sách cho các trường cao đẳng và đại học ở các vị trí địa lý xa xôi vốn trước đây nhận được nguồn ngân sách nghiên cứu còn ít ỏi.
Ngoài ra, Luật cũng đưa ra những giải pháp về lo ngại liên quan tới bảo mật nghiên cứu. Nói chung, các điều khoản bảo mật nghiên cứu này thắt chặt việc giám sát các tương tác giữa các nhà khoa học Hoa Kỳ và nước ngoài, và với các chính phủ nước ngoài. Ví dụ: luật cấm các nhà khoa học có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã có tài trợ của liên bang tham gia vào chương trình tuyển dụng nhân tài nước ngoài do Trung Quốc và Nga tài trợ. Luật cũng ngăn không cho NSF trao giải thưởng cho bất kỳ trường đại học nào thực hiện chương trình do Viện Khổng Tử của Trung Quốc tài trợ.
Tầm nhìn dài hạn
Trong quá trình thảo luận đưa ra Luật Khoa học mới này, hai năm trước đó Lưỡng viện đã đưa ra nhiều các kế hoạch tăng tài trợ cho khoa học. Hai năm trước, kế hoạch thúc đẩy khoa học ứng dụng đã được đưa ra trong một bản đề xuất được giới thiệu ra lưỡng viện Hoa Kỳ là Dự luật về Đạo luật không biên giới. Dự luật đề xuất tăng ngân sách NSF lên 100 tỷ USD trong vòng năm năm để tài trợ cho một ban thúc đẩy công nghệ nhằm cạnh tranh với Trung Quốc.
Jacob Feldgoise, thành viên của Carnegie Endowment for International Peace, một tổ chức tư vấn ở Washington DC, cho biết: “Trong lịch sử, Hoa Kỳ rất mạnh trong nghiên cứu cơ bản, phần lớn là do NSF thúc đẩy. Nhưng trong vài thập kỷ qua, chúng tôi đã tụt hậu lại phía sau Trung Quốc khi chuyển giao các nghiên cứu đó thành các sản phẩm thương mại có khả năng sinh lời và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Nhưng bản kế hoạch lúc đó đã vấp phải các chiều hướng thảo luận khác nhau, một phần vì dự luật đề xuất đổ quá nhiều tiền cho khoa học ứng dụng vào cơ quan khoa học công nghệ quốc gia, và một số nhà khoa học lo ngại rằng nghiên cứu cơ bản sẽ bị ảnh hưởng.
Nguyễn Long

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)