Lực phát triển mới cho startup Hong Kong

Suốt nhiều năm qua, Hong Kong đã xoay vần tìm cách tạo dựng vị thế riêng trong bối cảnh startup thế giới, nhưng có vẻ như tới tận bây giờ hệ sinh thái khởi nghiệp của Hong Kong mới đang bắt đầu định hình, trong đó sự gần gũi về địa lý với Trung Quốc và lịch sử kinh tế của thành phố này tiếp tục là hai yếu tố đóng vai trò chủ đạo.

Bối cảnh lịch sử

Nhìn lại nửa thập kỷ vừa qua, Hong Kong đã thay da đổi thịt rất nhiều. Trong giai đoạn hậu Thế chiến II từ thập niên 1950-1970, các nhà máy sản xuất ở Hong Kong phát triển mạnh, đặc biệt là các nhà máy dệt, nhà máy sản xuất đồng hồ, đồ chơi và giầy dép. Made in Hong Kongtrở thành một cụm từ quen thuộc trên khắp thế giới. Nhưng bước sang thập niên 1980, chi phí lao động và giá bất động sản tăng cao, cùng với đó là những cải cách kinh tế tại đại lục, đã buộc các nhà máy ở Hong Kong phải chuyển đến miền nam Trung Quốc để có thể cạnh tranh hiệu quả với các quốc gia châu Á. Chính nhờ tách khỏi hoạt động sản xuất mà thành phố này chuyển mình trở thành trung tâm các dịch vụ tài chính, hậu cần, vận chuyển và bất động sản như ngày nay.

Bối cảnh hiện tại

Theo số liệu của Cục Điều tra Dân số và Thống kê, hiện nay Hong Kong có dân số xấp xỉ 7,2 triệu người. Khoảng 93% nền kinh tế thành phố này xuất nguồn từ khu vực dịch vụ, trong đó các lĩnh vực chủ đạo bao gồm dịch vụ hậu cần, tài chính và bất động sản. Hong Kong cũng nổi tiếng là một trung tâm tài chính quốc tế và thu hút nhiều lao động nước ngoài tới làm việc cho các ngân hàng và công ty bảo hiểm tại đây. Và tuy gần đây đã có một vài ý kiến về việc giảm giá bất động sản, song từ lâu giá nhà đất đắt đỏ đã và vẫn là một trong những đặc trưng của Hong Kong. Địa hình thành phố có đặc điểm là nhiều đồi núi và các cao điểm, vì thế các nhà phát triển bất động sản buộc phải xây các tòa nhà cao tầng trên diện tích đất bằng ít ỏi còn lại.

Giá nhà đất cao cộng với lĩnh vực tài chính phát triển mạnh đã khiến nhiều cử nhân trẻ định hình sẵn trong đầu công thức thành công là kiếm được một công việc có thu nhập ổn định trong ngành tài chính. Một điệp khúc thường gặp khi ta tiếp xúc với người dân ở đây là thành phố không nhất thiết phải xây dựng một nền văn hóa kinh doanh vững chắc, khích lệ tinh thần mạo hiểm. Nhưng nhìn vào các số liệu, ta có thể thấy sự thay đổi đang diễn ra từng ngày ở Hong Kong.

InvestHK, cơ quan chính phủ làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài để tư vấn cho họ về cách thức kinh doanh tại Hong Kong, vừa thực hiện một cuộc điều tra cho thấy hệ sinh thái startup ở đây đang phát triển bùng nổ ra sao. Hiện Hong Kong có trên 1.500 startup, tăng 46% so với năm ngoái. Tỉ lệ doanh nhân bản xứ và ngoại quốc khá đồng đều nhau, tạo nên một cộng đồng các nhà sáng lập đa dạng và phong phú. Điểm ấn tượng nhất là sự thống trị của các lĩnh vực thương mại điện tử, IoT và công nghệ thông tin. Các ngành này chiếm tới gần 40% trong tổng số các startup ở Hong Kong; trong khi đó, lĩnh vực công nghệ tài chính chỉ chiếm 5%.

Nhìn chung, các startup ngày càng nhận thêm nhiều sự hỗ trợ hơn từ các tổ chức như InvestHK và cộng đồng kinh doanh trong việc tạo lập các kế hoạch tài trợ vốn, các cộng đồng tư vấn và các vườn tăng tốc khởi nghiệp. Một ví dụ là chương trình Blueprint, vườn tăng tốc khởi nghiệp và không gian làm việc chung do nhà phát triển bất động sản khổng lồ Swire Properties ra mắt hồi cuối năm 2014. Chương trình này tập trung chủ yếu vào công nghệ B2B và hiện là nơi làm việc của trên 200 nhân viên trong các startup. Các doanh nhân tham gia chương trình này đã hoàn tất giai đoạn kiểm nghiệm thực tế các sản phẩm của mình đối với khách hàng tiềm năng và đang tìm kiếm các thị trường sẵn sàng đón nhận công nghệ mới. Richard Hanson, nhà đồng sáng lập Hiring Screen, một startup chuyên về phần mềm tuyển dụng, cho biết: “Khi bắt tay vào thành lập công ty, chúng tôi vẫn không biết rằng liệu các chuyên gia nhân sự ở châu Á có sẵn sàng ứng dụng các công nghệ mới vào quy trình tuyển dụng của mình hay không. Và sau khi va chạm thực tế, chúng tôi thấy rằng họ không những không hề do dự mà phần lớn còn có tư tưởng cực kỳ tiến bộ. Cản trở lớn nhất của họ là ít hoặc không có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm sáng tạo. Vì vậy mà cơ hội đáp ứng nhu cầu này hiện đang rất hấp dẫn.” Kevin Mak, nhà đồng sáng lập Iron Fly Technologies, startup chuyên cung cấp hệ thống phân tích hình ảnh thời gian thực và hệ thống giao dịch, lưu ý: “Qua kinh nghiệm làm việc với các công ty lớn nhỏ, chúng tôi thấy rằng trong các dữ liệu thời gian thực tàng ẩn những giá trị lớn. Các khách hàng của chúng tôi nhận ra rằng việc tìm hiểu thông tin sớm thì sẽ có ý nghĩa hơn, có thể mang về cho họ hàng triệu đô la.”

Sự hỗ trợ của các doanh nghiệp lớn thông qua các chương trình tăng tốc khởi nghiệp có lẽ là một trong những tài sản then chốt nhất trong bất kỳ hệ sinh thái khởi nghiệp nào. Các công ty lớn đóng vai trò là các kênh tiếp cận của startup tới các khách hàng tiềm năng, các cố vấn và các nhà đầu tư. Mặc dù lĩnh vực dịch vụ tài chính vẫn là điểm nhấn chủ đạo trong nền kinh tế Hong Kong, song các số liệu thống kê từ tổ chức Quan hệ Nhà Đầu tư châu Á – Thái Bình Dương cho thấy Sàn Giao dịch Chứng khoán Hong Kong hiện có trên 250 công ty niêm yết đang hoạt động trong các ngành công nghệ, phần mềm và IT. Các công ty công nghệ quốc doanh lớn có thể tạo lập một mối quan hệ tương hỗ với các startup công nghệ, theo đó họ có thể cử các chuyên gia và cố vấn công nghệ dày dạn kinh nghiệm tới giúp sức cho các startup này, đồng thời họ lại có cơ hội tiếp cận sâu sát với nguồn nhân tài kinh doanh trong khu vực tư nhân.

Hong Kong còn có những lợi thế độc đáo khác để vươn lên trở thành một startup hub (trung tâm startup). Sự gần gũi về địa lý giữa thành phố với các tỉnh có nhiều nhà máy sản xuất tại Trung Quốc giúp cho các startup về IoT ở đây được tiếp cận dễ dàng hơn với các nhà sản xuất phần cứng so với các thành phố khởi nghiệp khác trên thế giới. Lợi thế này đã được phản ảnh trong kết quả điều tra của InvestHK, trong đó cho thấy tính riêng trong năm 2015 Hong Kong đã có thêm 152 startup mới về IoT và công nghệ phần cứng. Hong Kong cũng tự hào khi sở hữu một danh sách các triệu phú và tỉ phú ngày càng dài hơn; đây là những người có đủ khả năng để trở thành các nhà đầu tư thiên thần. Và cuối cùng, với thành phố có mức giá thuê nhà cao ngất ngưởng như Hong Kong, số lượng 25 không gian làm việc chung (và con số này còn tiếp tục phát triển hơn nữa) với những điều khoản sử dụng linh động cũng đang góp phần hỗ trợ rất lớn cho các startup trong các giai đoạn phát triển ban đầu.

Nhưng bên cạnh đó, Hong Kong cũng đang thiếu một số “mảnh ghép” trong “trò chơi xếp hình” startup. Thành phố này dường như vẫn còn quá ít các công ty đầu tư mạo hiểm tập trung vào các startup hạt giống hoặc các startup trong giai đoạn mới hình thành. Thực tế này đã tạo ra một khoảng trống trong việc đa dạng hóa các lựa chọn đầu tư cho các doanh nhân cần thực hiện vòng gọi vốn tiếp theo sau khi các mô hình sản phẩm của họ đã thành công và sản phẩm của họ đã được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thị trường. Nhưng có thể điều này sẽ thay đổi bởi các công ty đầu tư mạo hiểm đang bắt đầu để mắt tới châu Á. Hong Kong có khả năng trở thành một startup hub tầm cỡ thế giới, song sự hỗ trợ tiếp tục từ cộng đồng doanh nghiệp và các hãng đầu tư mạo hiểm sẽ đóng vai trò chủ đạo trên hành trình này.

Bùi Thu Trang dịch

http://www.forbes.com/sites/falgunidesai/2015/12/17/hong-kongs-startup-scene-gains-momentum/


Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)