Lương y Đào Viết Thoàn: Nghề chọn người
Trải qua gần 20 năm chữa bỏng cứu người, lương y Đào Viết Thoàn (thôn Đồng Ấu, xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) không ngừng mày mò sáng tạo để tìm ra phương pháp chữa trị hiệu quả, giảm đau đớn cho người bệnh. Ông luôn coi điều cốt lõi của nghề là chữa bệnh phải xuất phát từ cái tâm.
Bài thuốc nơi cửa Phật
Bài thuốc chữa bỏng mà ông Thoàn có trong tay đã được đúc rút và truyền thụ qua nhiều thế hệ. Đó là phương thuốc Nam mà ni sư trụ trì chùa Trắng (Hà Đông), Thích Đàm Lương, được mẹ truyền cho trước lúc xuất gia. Song song với việc thực hiện bổn phận hoằng dương Phật pháp của một bậc tu hành, ni sư Thích Đàm Lương vẫn nghiên cứu các phương thuốc, hướng dẫn các vị sư khác trong chùa tham gia chữa bệnh. Ở tuổi gần 90, bà tìm thấy một truyền nhân hết sức đặc biệt, thương binh hạng ¼ Đào Viết Thoàn.
Khi đó, ông Thoàn đang điều trị tại Bệnh viện 103 sau hàng chục lần mổ để giành giật sự sống. Ông phải chịu những đau đớn mà “sáng thay băng nhưng tới chiều vẫn còn đau”. Được mách tới chùa Trắng, ông Thoàn đắp thuốc của ni sư Thích Đàm Lương. Khác với các loại thuốc Tây y mà ông vẫn điều trị, thuốc mỡ này không chỉ đem lại cảm giác mát dịu “mỗi lần thay băng không còn thấy đau rát” mà còn rất công hiệu, giúp tránh nhiễm trùng và làm đầy vết thương.
Trong quá trình chữa trị ở chùa Trắng, ông Thoàn chịu khó học hỏi theo lời chỉ bảo của ni sư Thích Đàm Lương, thu hái các cây thuốc Nam và điều chế thuốc mà theo lời kể của ông “trước là để ứng dụng chữa bệnh trên chính mình”. Ông cũng mày mò tìm đọc một số tài liệu thuốc Đông y, chịu khó quan sát, nghiền ngẫm tính chất dược lý của từng loài cây. Quãng thời gian theo học nghề thuốc ở chùa Trắng của ông kéo dài trong năm năm cho đến khi ni sư tạ thế vào năm 1987. Sau sáu tháng để tang thầy, ông Thoàn rời chùa trở về Quỳnh Phụ, bắt đầu cuộc hành trình mới mà ông không ngờ rằng sẽ làm thay đổi cuộc sống của chính mình và nhiều người khác.
Ở quê nhà, ông Thoàn tiếp tục tìm hiểu các loại thảo dược để có thể bồi bổ, đưa thêm một số vị nữa vào phương thuốc được truyền thụ, khiến “nó khác rất nhiều so với công thức ban đầu”, như lời bộc bạch của ông. Hầu hết các vị thuốc đều rất dễ kiếm như mật ong, sáp ong, củ nghệ, lạc tiên, cối xay, chìa vôi…, vốn được ghi nhận trong các sách y dược là có dược tính kháng khuẩn, chống viêm loét, tiêu độc, làm mềm da, chống ô xi hóa… Sau khi thu hái, ông phơi khô, xác định tỷ lệ phù hợp rồi bào chế thành một dạng thuốc cao đặc sẫm màu được ông gọi là “thuốc mỡ sinh cơ”. Sau nhiều công bồi đắp, thuốc bỏng sinh cơ của ông Thoàn có khả năng chữa được những vết bỏng nặng độ ba và các vết thương loét miệng lâu ngày với tiêu chí không gây nhiễm trùng, không gây dị ứng, không bị dính vào thịt, không tổn hại mô cơ bên dưới, hạn chế để lại sẹo; đồng thời trong quá trình đắp thuốc, bệnh nhân không cần kiêng khem bất kỳ loại thực phẩm nào như khi dùng nhiều loại thuốc Đông Tây y khác. Vì thế, đến ông Thoàn chữa bệnh, ai cũng có thể thoải mái ăn lấy sức mà không phải canh cánh e ngại ảnh hưởng đến vết thương. Công hiệu như vậy nhưng giá thuốc rất rẻ bởi theo giải thích của ông, nguyên liệu đều không mấy tốn kém, có thể thu hái quanh năm và hơn nữa, ông muốn người dân nghèo các vùng quê đều được chạy chữa với chi phí thấp.
Bên cạnh đó, ông Thoàn còn liên tục có nhiều sáng kiến cải tiến, ví dụ như giải pháp dùng gạc tẩm nước muối sinh lý cho ẩm rồi bôi thuốc mỡ lên để hạn chế tới mức thấp nhất cảm giác đau rát như khi dùng gạc khô, hay tìm những tỷ lệ pha chế thích hợp để hạn chế lượng thuốc bôi mà vết thương vẫn mau liền miệng. Nhìn nhận về các cải tiến này, ông Thoàn chỉ đơn giản cho rằng “nó giúp rút ngắn thời gian điều trị, giảm chi phí cho bệnh nhân chừng nào tốt chừng đó”.
Những ưu điểm từ bài thuốc mỡ chữa bỏng sinh cơ của ông Thoàn cũng như những ứng dụng trong thực tế điều trị bệnh đã thuyết phục được Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) và Sở Y tế Thái Bình cấp đặc cách giấy chứng nhận phương thuốc này. Tất cả những điều đó đã góp phần đem lại thương hiệu “ông Thoàn bỏng” như hiện nay.
Thương hiệu “ông Thoàn bỏng”
Ban đầu, ông Thoàn cũng chỉ có ý định giúp đỡ bà con xóm giềng mỗi khi cần kíp mà bệnh viện lại ở quá xa. Thế rồi “tiếng lành đồn xa”, dù không một dòng quảng cáo nhưng sự hiệu nghiệm của phương thuốc chữa bỏng đã dần đưa danh tiếng của ông lang xã Đồng Ấu vượt qua ranh giới tỉnh Thái Bình, lan xa tới nhiều vùng miền trong cả nước, “cả Thái Nguyên, Lai Châu đến Nghệ An, Nha Trang cũng khăn gói tìm đến đây bằng nhiều phương tiện, có người còn mời cả bác sỹ đi cùng để hỗ trợ chữa trị”, bà Nguyễn Thị Hơn, vợ của ông Thoàn cho biết như vậy.
Trung bình mỗi ngày, ông Thoàn đón nhận khoảng 35 đến 40 bệnh nhân, phần lớn đều bị bỏng nhiều cấp độ do bất cẩn bỏng nước sôi, bỏng lửa, bỏng xăng cồn, bỏng vôi, bỏng cháo… Tất bật cả ngày, thậm chí nửa đêm có khi còn phải dậy đón người bệnh nhưng ông Thoàn vẫn cố gắng nhận khám, không bỏ sót trường hợp nào bởi theo chia sẻ của ông thì “khi đến với mình, người ta đã lâm vào tình trạng rất khó khăn rồi”.
Khi mới bắt tay chữa bệnh, ông Thoàn chưa có ý thức ghi chép, lập sổ bệnh án. Sau đó, để tiện thống kê, theo dõi tình trạng bệnh nhân, ông ghi lại từng trường hợp với các thông tin về tình trạng bệnh, ngày khám chữa, ngày bình phục, địa chỉ liên lạc… Hàng chục cuốn sổ dày cộm đầy đủ thông tin về tình trạng bệnh nhân khám trước và sau khi được ông điều trị đã được lưu trữ ở nhà ông kể từ năm 1990 đến nay, “không có ai bị dị ứng hay biến chứng sau khi dùng thuốc của tôi”, ông Thoàn khoe. Cũng nhờ vào những cuốn sổ đặc biệt này, ông đã phân loại được các dạng bệnh lý để xác định cách điều trị chung cho từng dạng, qua đó rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân.
Có cơ hội làm giàu chính đáng nhưng ông Thoàn không lấy đó làm mục đích của mình. Ông miễn tiền khám chữa bệnh cho các bệnh nhân độ tuổi dưới bảy và trên 70, Bà mẹ Việt Nam anh hùng…, thậm chí còn hỗ trợ thêm những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, xây thêm một dãy nhà đủ sức chứa 17 giường mà tiền thu cũng chỉ để “trả tiền điện nước hằng tháng chứ không lấy thêm của bà con”. Với sự hỗ trợ của chính quyền, ông chuyển một lượng bệnh nhân tới bệnh xá xã để giảm tải nhưng vẫn thường xuyên tới khám và đưa ra phác đồ điều trị hợp lý. Những năm gần đây, ông kết hợp dùng kháng sinh kèm với thuốc mỡ nhằm rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân.
Theo nghề hơn 20 năm, ông Thoàn vẫn luôn ấp ủ ý định tìm truyền nhân, người có khả năng hiểu từng vị thuốc và cái tâm đích thực của người làm nghề. Dù con gái và con rể ông cũng theo nghề y nhưng “chưa đủ tiêu chuẩn vì ngay cả khi chúng nó thay băng cho bệnh nhân, tôi vẫn thấy chưa thực sự hài lòng”, ông kể. Niềm hy vọng còn lại của ông là cậu con trai út, đang công tác tại Viện Bỏng trung ương. “Có thể tôi sẽ truyền nghề cho nó, nhưng nếu không thành công, tôi sẽ trao lại bài thuốc cho Nhà nước để tránh thất truyền một phương thuốc quý của dân tộc”.