Lý giải bí ẩn trong kiệt tác của Vermeer

Tưởng chừng những tranh cãi về thời điểm vẽ “View of Delft” (Quang cảnh thành Delft), một trong những kiệt tác của danh họa Hà Lan thế kỷ 17 Johannes Vermeer, sẽ được giải quyết bằng công trình nghiên cứu của giáo sư thiên văn học Donald Olson, trường Đại học Texas nhưng ngược lại, nó lại mở ra một số tranh cãi mới.

Bức tranh “Quang cảnh thành Delft” của Johannes Vermeer. Nguồn: news.txstate.edu

Được biết đến nhiều với bức Cô gái đeo hoa tai ngọc trai nhưng đây không phải là kiệt tác duy nhất của Johannes Vermeer. Danh tiếng của họa sĩ thời kỳ Baroque này được lưu lại hậu thế qua nhiều bức tranh khác, trong đó có Quang cảnh thành Delft. Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi ông là “Con nhân sư thành Delft”, hầu như toàn bộ cuộc đời và các tác phẩm mà ông sáng tác, đều dành riêng cho thành phố này.

Bức họa này trở nên nổi tiếng một phần nhờ nhà văn Marcel Proust, tác giả bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất. Trong Đi tìm thời gian đã mất, một nhân vật là nhà văn Bergotte đã thốt lên sửng sốt trước kỹ thuật của Vermeer: “Hẳn là tôi phải viết như thế này…. cuốn sách của tôi quá khô khan, hẳn là tôi phải… tạo ra ngôn ngữ chính xác giống như bức tường nhỏ màu vàng này”. Là người ngưỡng mộ Vermeer, đặc biệt là Quang cảnh thành Delft, Proust đã để lại một câu nói mà người ta hay trích dẫn khi nhắc đến bức họa “Kể từ khi thấy Quang cảnh thành Delft trong bảo tàng ở La Haye, tôi đã nhận ra rằng mình đã thấy một trong những bức họa đẹp nhất thế giới”.

Những dấu hỏi thời gian

Bức họa Quang cảnh thành Delft có lẽ được vẽ từ vị trí cao từ một ngôi nhà ở cạnh cảng ven sông Schie, nhìn ra cổng Schiedam ở rìa trái bức tranh và cổng Rotterdam ở bên cạnh và lũy ngoài của nó ở bên phải. Tất cả các công trình đều in bóng trong mặt nước ở bến cảng, vốn được xây dựng từ năm 1616 đến 1620. Đằng sau cổng Schiedam là kho vũ khí có mái lợp màu đỏ Armamentarium (ngày nay là bảo tàng quân sự hoàng gia Hà Lan Legermuseum).

Những thông tin từ bức họa cho thấy có thể nó miêu tả một góc thành Delft, với những tia nắng Mặt trời chiếu rọi lên gác chuông Nieuwe Kerk (nghĩa là Nhà thờ mới) – chuông của nhà thờ được thay thế vào năm 1660. Nieuwe Kerk ở Delft là nơi chôn cất William xứ Orange, được coi là người xây dựng đất nước Hà Lan và bản quốc ca Het Wilhelmus được viết để vinh danh ông.

Bên cạnh đó lần lượt là tòa nhà “De Papegaey” (con vẹt) và một đỉnh của Oude Kerk (Nhà thờ cũ). Một số xà lan trong bến đang được bốc dỡ hàng hóa. Bầu trời đầy mây của thành phố nổi bật với một vài đám mây màu đen, báo hiệu một cơn mưa chỉ mới qua.

Nhưng bức họa không chỉ là bức họa, người ta hi vọng Quang cảnh thành Delft sẽ cho thấy nhiều thông tin hơn về Vermeer, người họa sĩ qua đời trong gia cảnh sa sút và ít được người đương thời biết đến.

Các nhà lịch sử nghệ thuật từ lâu cho rằng Vermeer vẽ nó vào cuối xuân hoặc đầu hè năm 1660. Họ đề xuất thời điểm cụ thể vẽ tranh trong một dải thời gian rất rộng trong ngày, từ buổi sáng, ban trưa đến buổi tối, phần lớn các ý kiến đều xoay quanh yếu tố ánh sáng rọi lại từ phía Tây, một số khác thì cho rằng ánh nắng từ Mặt trời ở trên đỉnh đầu.

Hiện tại, một nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Texas của giáo sư thiên văn học đã hồi hưu Donald Olson, người từng xuất bản cuốn “Celestial Sleuth: Using Astronomy to Solve Mysteries in Art, History and Literature” (Thám tử bầu trời: Sử dụng thiên văn học để giải quyết các bí ẩn trong nghệ thuật, lịch sử và văn học) vào năm 2013, đã sử dụng những kỹ thuật độc đáo để xác định được thời điểm vẽ tranh của  Vermeer. Kết quả được ông công bố trong ‘Dating Vermeer’s View of Delft” (Xác định thời điểm trong bức tranh Quang cảnh thành Delft của Vermeer) và đăng tải trên ấn bản tháng 9/2020 của tạp chí Sky&Telescope.

Thành phố Delft ngày nay, đúng ở góc nhìn của họa sĩ. Nguồn: news.txstate.edu

Chuyến du hành tới thành Delft

“Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã tìm hiểu về bức họa trong một năm trời”, Olson nói. “Chúng tôi dành nhiều thời gian để nghiên cứu về địa hình của thành phố, sử dụng bản đồ vẽ từ thế kỷ 17 và bản đồ in thế kỷ 19 và cả Google Earth. Chúng tôi cũng phải lập kế hoạch cho những gì chúng tôi phải làm”.

Để có được những số liệu đo đạc chính xác, hai nghiên cứu sinh Condos và Saschez đã tới tận Delft, tìm hiểu về các dữ liệu địa hình, chụp ảnh theo đúng trục cái nhìn của Vermeer khi nắm bắt khung cảnh thành Delft và tái hiện nó bằng màu vẽ, có thể là quan sát thông qua camera obscura, một thiết bị quang học gồm một hộp với lỗ ở bên, cho phép ánh sáng từ một cảnh bên ngoài đi qua lỗ và chiếu vào bề mặt bên trong để đem đến hình ảnh theo chiều ngược lại, hoặc có thể là một kính viễn vọng để nắm bắt được các chi tiết. Sau đó họ đã vạch ra những điểm mốc trong bức vẽ rồi dùng Google Earth để xác định khoảng cách và góc của tầm nhìn gần nhất với tầm nhìn từ nhiều thế kỷ trước của Vermeer.

Khi đến Delft, Olson và một giáo sư khác là Doescher đã có được một bộ những bức ảnh toàn cảnh và những đo lường tiếp theo. Khi kiểm tra những bản đồ khác nhau của thành Delft, ông phát hiện ra là cái nhìn của họa sĩ hướng về phía Bắc. Điều đó có nghĩa là ánh nắng có thể từ phía Đông Nam và qua đó xác định cảnh tượng mà họa sĩ miêu tả vào buổi sáng như một số ý kiến đã xác nhận.

Họ còn xác định là Vermeer đã ngồi ở tầng trên một trạm nghỉ dành cho khách du lịch bên trục đường chính, ở phía nam của Kolk, một bến cảng của thành phố có hình dáng giống hình tam giác. Với việc kết hợp nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là dữ liệu điều tra địa hình trực tiếp, họ đã xác định được trường nhìn của họa sĩ là một góc rộng 42°, một thông số vô giá.

Vào thế kỷ 17, tháp hình bát giác của Nieuwe Kerk là một trong những điểm mốc đặc trưng của Delft. Các tài liệu hiện Delft còn lưu giữ cho rằng Vermeer đã gia tăng kích cỡ của tòa tháp chuông một cách đáng kể trong bức họa của mình như tăng gấp đôi chiều rộng cúa nó. Để xác nhận độ chính xác của tài liệu, Olson và nhóm nghiên cứu của ông đã thực hiện những đo đạc chi tiết bức tranh đang được đặt tại bảo tàng Mauritshuis ở La Haye và so sánh nó với những bức ảnh có độ phân giải cao được chụp từ một điểm tương tự và có trường nhìn tương tự của Vermeer. Và để chứng thực hơn về độ chính xác của họa sĩ, Olson cũng đo đạc cả tháp bát giác. Kết quả cho thấy Vermeer đã tái hiện Nieuwe Kerk hoàn toàn chính xác như những gì ông thấy.

Việc lập được chính xác thông số về tòa tháp với tám cột ở tám góc là yếu tố chính để xác nhận thời điểm vẽ. Trong bức họa, cột ở trung tâm gần như che khuất cột bên trái. Một tia sáng rất mảnh theo chiều thẳng đứng lướt qua cột trung tâm và chiếu lên cột bên trái, điều này cho phép các nhà thiên văn tính được góc chiếu của mặt trời với độ chính xác vô cùng lớn. Vermeer vốn nổi tiếng với kỹ thuật miêu tả ánh sáng và bóng tối, nên việc tìm ra sự tương đồng của nó với ánh sáng và bóng tối trên thực tế là manh mối quan trọng trong dự án này. “Đây là điều chính yếu của nghiên cứu khi mẫu hình ánh sáng và bóng tối này trở thành chỉ dấu chính xác nhất về vị trí của mặt trời”, Olson nói.

Trong tranh có chi tiết chiếc đồng hồ treo ở mặt tiền cổng Schiedam, nó đã được chú ý trong nhiều năm và được mọi người cho rằng hiển thị thời gian là “mới chỉ qua 7 giờ”. Tuy nhiên Sánchez đã chỉ ra một trung hợp thú vị. Khi kiểm tra nhiều bức vẽ có đồng hồ khác cùng thời kỳ, anh nhận thấy là dường như đồng hồ chỉ có một kim. Sau khi hỏi thêm nhiều chuyên gia kiến trúc Hà Lan, họ phát hiện ra, những chiếc đồng hồ treo ở các công trình kiến trúc thời kỳ này không có kim chỉ phút và điều này chỉ thay đổi cho mãi đến thế kỷ 19 – lúc đó, những chiếc đồng hồ mới chỉ có duy nhất một chiếc kim chỉ giờ. Với hiểu biết mới đó, họ kiểm tra lại bức họa của Vermeer, tạo ra một phiên bản cận cảnh đồng hồ và nhận thấy chiếc kim đó chỉ vào số 8 và số 2 trên mặt. Kết hợp với góc chiếu của Mặt trời, bóng nắng khiến Olson đưa ra kết luận: cái kim chỉ giờ kích thước lớn đó ra dấu mốc 8 giờ sáng.

Mực khoanh vị trí vẽ của Vermeer ở tầng trên một trạm nghỉ dành cho khách du lịch bên trục đường chính, ở phía Nam của Kolk. Nguồn: news.txstate.edu

Bên cạnh đó, họ còn phát hiện ra là trong tháp chuông của Nieuwe Kerk không có chuông, vốn thông thường là sẽ có một chùm chuông treo trong đó. Các ghi chép lịch sử cho biết, việc lắp đặt những chiếc chuông đầu tiên bắt đầu vào tháng tư năm 1660 và hoàn thành vào tháng chín năm đó. Khi khớp với chi tiết tháp chuông không có chuông trong bức vẽ, có thể là Quang cảnh thành Delft được vẽ vào trước khi lắp đặt chuông.

Với tất cả những dữ liệu thu thập được, nhóm nghiên cứu trường Đại học Texas đã thử chạy phần mềm mô phỏng thiên văn học để tính toán vị trí của Mặt trời trên không trung vào lúc 8 giờ sáng giờ địa phương ở Delft để thử xem các bóng tối quan sát được trên tháp Nieuwe Kerk như thế nào. Phần mềm này đưa ra hai phạm vi thời điểm có thể là ngày 6 đến 8/4 và 3 đến 4/9. Trong khí hậu phía Bắc của Delft, cây cối không bị ảnh hưởng vào mùa đông cho đến tận cuối tháng tư hoặc tháng năm và bức họa của Vermeer chỉ dấu những vòm lá sum xuê. Vì chuông được lắp đặt trên tháp Nieuwe Kerk từ tháng tư đến tháng chín năm 1660 nên có thể mốc gần với sự thật nhất là ngày 3/9/1659 (hoặc một năm sớm hơn đó), như phần lớn thời điểm vẽ các kiệt tác của Vermeer.    

“Người ta biết là Vermeer thường vẽ rất chậm. Việc hoàn thành tất cả các chi tiết trên một bức toan khổ lớn như các kiệt tác của ông có thể mất nhiều tuần lễ, nhiều tháng hoặc thậm chí là nhiều năm”, Olson nhận xét. “Miêu tả chính xác một cách khác thường của ông về sự phù du của ánh sáng và bóng tối trên tháp Nieuwe Kerk cho thấy, ít nhất chi tiết này đã dược truyền cảm hứng từ quan sát trực tiếp hình ảnh tháp chuông hứng những tia nắng sớm nổi lên trên những bức tường và mái ngói ở Delft”.

Từ đó, nhóm nghiên cứu của Olson kết luận, Vermeer vẽ tranh từ năm 1659 hoặc sớm hơn, ông quan sát thành Delft từ cửa số tầng hai của trạm nghỉ vào lúc 8 giờ sáng trong một ngày gần với ngày 3/9.

Kết luận này của Olson đã nhận được nhiều phản ứng khác nhau. Lea van der Vinde, giám tuyển của Bảo tàng Mauritshuis ở La Hay, nơi treo bức họa kể từ năm 1822 bên cạnh Cô gái đeo hoa tai ngọc trai, nhận xét là nghiên cứu “thú vị, đáng quan tâm và lý thú”. Tuy nhiên Kees Kaldenbach, một nhà sử học nghệ thuật, vẫn khăng khăng với tờ De Volskrant là bức họa này miêu tả Delft vào tháng năm vì những chiếc thuyền bắt cá trích trong bức họa thường chỉ xuất hiện ở cảng để chuẩn bị cho mùa đánh bắt cá trích vào tháng sáu. “Do đó tôi loại ngay thông tin của họ. Sự thật vẫn là sự thật”.□

Tô Vân tổng hợp

Nguồn: https://arstechnica.com/science/2020/07/new-analysis-prompts-rethinking-of-date-time-for-vermeers-view-of-delft/

https://news.txstate.edu/research-and-innovation/2020/celestial-sleuth-sheds-new-light-on-vermeers-masterpiece-view-of-delft-.html

https://www.theguardian.com/artanddesign/2020/jul/22/astronomy-helps-pinpoint-date-of-vermeers-view-of-delft?utm_source=dlvr.it&utm_medium=twitter

Tác giả

(Visited 22 times, 1 visits today)