Maker movement – Bước đột phá trong sản xuất

Hướng đến một sự đột phá trong sản xuất, maker movement thay đổi quan niệm giữa người “làm” và người “nghĩ”. Không chỉ vậy, maker movement còn tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ mọi người tiếp cận với các nguồn tài nguyên nhanh nhất và với chi phí rẻ nhất.

Ai cũng là “maker”

Techshop là công ty kinh doanh “không gian sáng chế” (makerspace) lớn nhất nước Mỹ với chín địa điểm trên toàn quốc. Mỗi không gian của Techshop rộng trung bình 17.000 m2 cung cấp gần một trăm loại máy móc và phòng máy tính với các phần mềm thiết kế 2D và 3D phức tạp nhằm hỗ trợ sản phẩm của những makers (nhà sáng chế) từ khi là bản vẽ trên máy tính đến lúc thành phẩm. Cơ sở vật chất trong Techshop cho phép những người tới đây có thể sản xuất các sản phẩm đơn giản từ vỏ điện thoại và Ipad bằng da cho đến thiết bị y tế, sản phẩm điện tử tiêu dùng, thậm chí cả thiết bị hàng không (Lightnigh Motors, công ty sản xuất xe máy đua nhanh nhất thế giới khởi nghiệp và sản xuất ở Techshop). Phí thành viên hằng tháng của Techshop vào khoảng 100USD-200USD. Các máy móc thiết bị ở đây hoạt động liên tục và hơn 6.000 thành viên đến sử dụng phải đăng kí khung giờ từ trước. 

Ngoài Techshop, ở Mỹ còn có hàng chục công ty kinh doanh không gian sáng chế tương tự và có hàng trăm nhóm phi lợi nhuận lập ra những không gian nhỏ hơn với số lượng thiết bị khiêm tốn hơn. Những thiết bị không thể thiếu ở những nơi này là các máy móc rút ngắn thời gian từ bản vẽ tới sản phẩm thử như các loại máy in 3D và máy cắt laser. 

Tuy nhiên, Techshop hay những không gian sáng chế chỉ là một thành tố nhỏ tạo nên maker movement (phong trào sáng chế) đang trỗi dậy mạnh mẽ tại Mỹ và châu Âu trong gần 10 năm trở lại đây, cho phép ai cũng có thể tự chế tạo những “thiết bị trong mơ”. Maker movement tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ mọi người tiếp cận với các nguồn tài nguyên nhanh nhất và với chi phí rẻ nhất bao gồm từ cơ sở vật chất, thiết bị; dịch vụ in 3D, khắc laser giá rẻ; các lớp học kỹ thuật miễn phí; các cộng đồng sáng tạo mở trên internet với phần mềm nguồn mở, phần cứng nguồn mở, thiết kế mở. 

Từ năm 2006, Maker Faire, một hội chợ triển lãm dành cho những nhà sáng chế – khởi xướng bởi tạp chí Make (tạp chí dành cho các makers với những hướng dẫn làm các dự án sáng chế phức tạp từ vật liệu đơn giản) được mở ra. Lần đầu tiên, Maker Faire được tổ chức tại California trong khuôn viên của Trung tâm tổ chức sự kiện San Mateo rộng 20.000 m2 với 20.000 người tham dự và 200 quầy triển lãm. Ngay trong lần tổ chức kế tiếp, con số này đã tăng lên gấp đôi và sau gần 10 năm, Maker Faire không chỉ là sự kiện ở Mỹ mà đã lan rộng ra toàn thế giới với hơn 100 địa điểm ở khắp châu Âu và Bắc Mỹ. Những người tham gia triển lãm ở Maker Faire hầu hết đều là những nhà sáng chế nghiệp dư, trong đó có cả những học sinh phổ thông.  

Tự sáng chế hôm nay – “made in America” ngày mai

Maker movement không còn là một làn sóng tự phát mà đã “lôi kéo” cả chính phủ Mỹ tham gia. Vào tháng sáu năm ngoài, Nhà Trắng đã đăng cai tổ chức một Maker Faire trong khuôn viên với sự góp mặt của 100 nhà sáng chế và 30 quầy triển lãm. Trong số đó, một kỹ sư lập trình ở California đã mang đến triển lãm công trình sáng chế trong một năm của mình là robot hươu cao cổ cao 5m, nặng gần một tấn, có thể chơi nhạc, phát sáng, di chuyển và “cõng” hơn 30 người trên lưng. Ngoài ra, còn có nhóm bốn học sinh trung học phổ thông trình bày chiếc xe ô tô bốn chỗ các em tự sản xuất chạy bằng nhiên liệu xanh chế từ đậu nành. 

Trong sự kiện Maker Faire tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu: “Phong trào tự sáng chế ngày hôm nay sẽ tạo nên các thương hiệu “made in America” vào ngày mai”. Ông cũng thông báo sẽ mở cửa một số phòng nghiên cứu và phát triển quốc gia cho công chúng sử dụng và kêu gọi các thị trưởng phải thúc đẩy việc xây dựng các makerspaces. 

Vào năm 2011, Cơ quan hỗ trợ nghiên cứu của Bộ Quốc Phòng Mỹ (DARPA) đã triển khai một chương trình thử nghiệm bốn năm để đưa những makerspace hiện đại vào vào 1.000 trường trung học phổ thông khắp đất nước với sự hợp tác của những trường đại học nghiên cứu của từng địa phương. Năm 2014, DARPA cũng thông báo sẽ hỗ trợ 12,5 triệu USD cho việc phát triển các công cụ và giáo trình để đào tạo các học sinh trung học và sau trung học biết sử dụng những thiết bị công nghệ cao ở những vùng “công nghệ thấp”. Ở Mỹ, hệ thống trường phổ thông dân lập High Tech High ở San Diego và hệ thống trường công lập ở quận Albemarle cũng đã thử nghiệm áp dụng maker movement vào trong chương trình học. Trong khi High Tech High áp dụng việc sáng chế vào môn vật lý và kỹ thuật thì các trường công lập mới hướng dẫn học sinh cùng làm một dự án thiết kế lớn sử dụng các thiết bị hiện đại để chế tác.

Hướng đến một sự đột phá trong sản xuất, maker movement thay đổi quan niệm giữa người “làm” và người “nghĩ”. Học viện công nghệ MIT (một nơi vốn tập trung vào lý thuyết) xây dựng Trung tâm Bits and Antoms với tất cả máy móc chế tác điện tử (digital fabrication) tiên tiến nhất nhằm hiện thực hóa những bản vẽ trên máy tính (được tạo từ các mã bits) thành mô hình thật ngoài đời (được tạo thành từ nguyên tử). Giáo sư Neil Gershenfeld, giám đốc trung tâm, cho rằng, quan điểm “Những việc chân tay chỉ dành cho người không có cơ hội học lên cao” sẽ không tồn tại nữa.

Phong trào sáng chế ở Mỹ khởi nguồn từ các cá nhân, hội nhóm và bây giờ còn có sự hỗ trợ của các tập đoàn lớn như Ford và Microsoft. Văn hóa đề cao các cá nhân sáng chế – các maker – còn được gọi bằng một cái tên rất kêu là “hacker” nhen nhóm từ những năm 1970 khi khái niệm máy tính cá nhân bắt đầu hình thành. Những “Hackers” đầu tiên, những người tạo ra cuộc cách mạng về công nghệ là thành viên trong một câu lạc bộ sở thích về máy tính có tên là “Homebrew Computer Club” bao gồm Steve Wozniak và Steve Jobs (hai nhà sáng lập Apple. Inc). Hiện nay, những người nhiệt thành với maker movement như cựu Tổng biên tập của tạp chí Wired – Chris Anderson – và CEO của TechShop – Mark Hatch – trong những tác phẩm gần đây của mình đều cho rằng maker movement sẽ hứa hẹn một cuộc cách mạng công nghiệp mới bởi trong tương lai, ai cũng có thể nắm công cụ sản xuất.

 

 

 

 

Tác giả

(Visited 83 times, 1 visits today)