“Mắt thần” AI nhìn thấu kiệt tác của Raphael?
Nếu không có sự gợi ý của AI, có thể chúng ta sẽ lơ đãng bỏ qua nhiều kiệt tác hội họa, trong đó có tác phẩm của danh họa Phục Hưng Raphael.
Raphael hay không phải Raphael?
Câu chuyện thú vị về kiệt tác bị bỏ qua này bắt đầu từ năm 1981, khi nhà sưu tầm nghệ thuật George Lester Winward mua được một bức tranh tuyệt đẹp “Madonna and child” (Đức mẹ và Chúa hài đồng), sau được gọi là De Brécy Tondo, từ một nhà buôn tranh ở Leeswood Hall, gần Mold, Đông Bắc xứ Wales. Đây là di sản của Sir Richard Wynn of Gwydir (1588-1649), thủ quỹ và tổng quản của hoàng hậu Henrietta Maria, vợ vua Charles I, một trong những nhà sưu tập đáng kính trong lịch sử nghệ thuật.
Không rõ họa sĩ nào vẽ bức tranh này nhưng ngay lập tức Winward yêu quý nó và coi đó là một kiệt tác. Ông đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về xuất xứ của nó và cảm thấy tin đó là tác phẩm của họa sĩ thời Phục Hưng Raphael – đặc biệt là sự tương đồng đến kỳ lạ của nó với một bức họa của ông Sistine Madonna được treo ở Phòng trưng bày nghệ thuật Gemäldegalerie Alte Meister, Dresden, Đức. Đáng buồn là phòng tranh này lại bác bỏ ý tưởng đó khi chỉ coi đây là một bản sao.
Tuy nhiên, không có gì tước bỏ được tình yêu với bức tranh của Winward. Trước khi qua đời, ông đã lập một quỹ nghệ thuật, De Brécy Trust, tặng bộ sưu tập tranh của mình cho tổ chức này và cho phép các nhà nghiên cứu được tiếp cận để tìm hiểu những bí mật của nó. Đúng theo nguyện vọng của ông, De Brécy Trust đã tài trợ cho một loạt dự án nghiên cứu, tìm ra bằng chứng ủng hộ. Vào năm 2007, quỹ này đã trưng ra một phân tích bức ảnh chụp quang phổ Raman. Kỹ thuật quang phổ này thường được sử dụng để xác định các chế độ dao động của các phân tử trong các mẫu, ở đây là ba mẫu nhỏ xíu được trích xuất từ bức họa “Madonna and child”.
“Phân tích cho thấy bức De Brécy Tondo là một tác phẩm thời kỳ Phục Hưng”, Nature đưa tin như vậy về kết quả này. Ví dụ một mẫu cho thấy có chứa massicot, một dạng khoáng vật oxit của chì có màu vàng. Đây là màu vàng ưa thích của các họa sĩ Phục Hưng nhưng sau năm 1700 không hiểu vì lý do gì đã không được các họa sĩ thế hệ sau sử dụng nữa.
De Brécy Tondo được vẽ như một nghiên cứu mang tính “diễn tập” của Raphael cho bức Sistine Madonna và không phải là một bản sao của bức này.
Bằng việc loại đi một số hóa chất thay thế, phân tích này cũng gợi ý một cách gián tiếp sự hiện diện của chì trắng, một chất kết dính chứa tinh bột, thường được sử dụng rộng rãi trong các bức tranh thời Phục Hưng và folium, hợp chất được tách chiết từ cây Chrozophora tinctoria thuộc họ Đại kích để làm thuốc nhuộm màu xanh lam và tía ở thời Trung Cổ. Có thể giải thích cho sự hiện diện của màu xanh Phổ thế kỷ 18 trong các mảng rời rạc này là do từ những lần phục chế tranh, Howell Edwards, nhà hóa học của Đại học Bradford, người thực hiện phân tích, cho biết. “Từ những phân tích này, tôi hoàn toàn tin tưởng bức tranh phù hợp với tác phẩm ra đời trong thời kỳ Phục Hưng, trước năm 1700”, ông nói. Tuy nhiên các chuyên gia lại phản đối kết luận này và cho là vẫn chưa đủ căn cứ.
Do vậy, người ta hy vọng là những dữ liệu này, cùng với nghiên cứu về nơi chốn phát sinh, sẽ giúp thuyết phục các nhà lịch sử nghệ thuật, những người phụ thuộc vào sự đánh giá về mặt thị giác khi các bức họa “chính phẩm”, tác phẩm này đích thị của Raphael, do đó có thể trị giá hàng triệu USD.
Kể từ đó, có nhiều nỗ lực nghiên cứu khác về bức họa này. Vào năm 2011, học giả hàng đầu về Raphael, giáo sư Jurg Meyer zur Capellen cho rằng De Brécy Tondo có mối liên hệ chặt chẽ với bộ sưu tập tranh hoàng gia Anh thế kỷ 17. Theo ông, bức họa này có thể đã được vẽ ở Rome và được Vatican trao cho hoàng hậu Henrietta Maria như một món quà nhằm ủng hộ nỗ lực của bà trong việc phục hồi đạo Thiên chúa ở Anh, dẫu ông không tin đó là do Raphael vẽ.
Một học giả về Raphael khác, tiến sĩ Murdoch Lothian đã kết luận rằng nó có trước bức The Sistine Madonna và hai bức tranh có thể là của cùng một nghệ sĩ, trong đó bức trước được dùng làm hình mẫu cho bức sau. Sở dĩ có nhận xét này là do ông có những bằng chứng từ kỹ thuật chụp ảnh hồng ngoại và phân tích tia X cho thấy rất nhiều ‘pentimenti’ (những thay đổi về ý định trong thiết kế ban đầu của bức họa) cùng với sự hiện diện của kỹ thuật chuyển hình ảnh ghi dấu trên tay của Đức mẹ và quanh hai bắp tay trên của Chúa Hài đồng, một đặc trưng trong sáng tạo của Raphael.
Các vi ảnh mặt cắt của lớp màu, vốn rất mỏng chừng 10 micron, chứng tỏ vô số lớp màu chồng lên nhau, thông thường là ba lớp. Trong đoạn cuối sự nghiệp ở thành Rome, Raphael quan tâm nhiều đến các kỹ thuật vẽ lớp mỏng, đó cũng là thời điểm các nghệ sĩ châu Âu trải nghiệm các hiệu ứng nghệ thuật trong suốt để gia tăng độ sáng cho các bức họa của mình. Việc chụp ảnh hồng ngoại cũng phát hiện ra ở phía trên của toan có dấu hiệu chữ viết lồng tên của hoàng hậu Henrietta Maria.
Dẫu vậy, chưa có xác quyết thực sự nào về nguồn gốc bức tranh và cuộc tranh luận vẫn còn kéo dài.
Thuật toán sau 40 năm
Đúng bốn thập kỷ sau, các nhà nghiên cứu ở trường Đại học Nottingham và trường Đại học Bradford, đã tạo ra một đột phá bằng việc áp dụng công nghệ nhận diện gương mặt và trí tuệ nhân tạo. Họ đi đến kết luận trúng ý nhà bảo trợ nghệ thuật đã khuất: bức họa “có rất nhiều khả năng là một kiệt tác của Raphael”.
“Nhìn vào các khuôn mặt bằng cặp mắt ‘người trần mắt thịt’ thì cũng có thể thấy sự tương đồng rõ ràng giữa bức họa này với bức họa ở Đức. Tuy vậy máy tính giờ đây có thể còn nhìn sâu hơn những gì con người có thể với hàng ngàn chiều, đến cấp độ từng điểm ảnh”, Hassan Ugail, một chuyên gia về thị giác máy tính ở trường Đại học Bradford nói. Trước đây, anh từng sử dụng phương pháp nhận dạng khuôn mặt bằng máy tính và trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ nhiều dự án điều tra, đồng thời phát triển một phương pháp lão hóa các hình ảnh khuôn mặt để giúp tìm kiếm những người mất tích dài hạn.
Báo cáo “Deep Facial Features for Analysing Artistic Depictions – A Case Study in Evaluating 16th and 17th Century Old Master Portraits” (Những đặc trưng sâu của gương mặt cho phân tích những mô tả khuôn mặt – Một nghiên cứu đánh giá các chân dung của các danh họa thế kỷ 16 và 17” được giáo sư Ugail và cộng sự được trình bày tại Hội nghị khoa học quốc tế SKIMA2022, tổ chức tại Đại học KH&CN Campuchia, Phnom Penh. Giải pháp của họ được xây dựng trên ý tưởng: sử dụng học sâu dựa trên mạng thần kinh tích chập (CNN) để phân tích và phân loại hình ảnh có sự hỗ trợ của máy tính. Thông thường, học sâu có thể tạo ra hình dạng tối ưu cho một mô hình học máy sao cho có được kết quả mong muốn từ một tập hợp dữ liệu đầu vào là khuôn mặt của hàng triệu cá nhân. “Công trình này là nhằm thể hiện năng lực của học sâu – cụ thể là các đặc điểm khuôn mặt phát sinh từ một mạng lưới học sâu được huấn luyện phù hợp bao gồm các đặc điểm khuôn mặt để đánh giá các chân dung có tầm quan trọng lịch sử”, các nhà nghiên cứu đã viết như vậy trong báo cáo, giờ được xuất bản trong một ấn phẩm của IEEEXPLORE.
Với việc so sánh cấu trúc lớp, đặc điểm khuôn mặt của hai bức họa này, mô hình được phát triển từ mô hình Nhóm hình học thị giác (Visual Geometry Group VGG) có thể phát hiện ra xác suất mang tính thống kê cao phong cách mà một nghệ sĩ có thể sử dụng để sáng tạo ở hai tác phẩm và xác định các tác phẩm đồng nhất với nhau.
Giáo sư Ugail cho rằng, từ trước đến nay, đầu vào cơ bản của một đánh giá về một tác phẩm đã có trong lịch sử nghệ thuật thường dựa trên ý kiến chủ quan của những chuyên gia có hiểu biết về phong cách và kỹ thuật mà các nghệ sĩ sử dụng. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, mọi chuyện đã đổi khác và cách tiếp cận ưa thích là sử dụng phân tích khoa học cả cấu trúc tác phẩm, dữ liệu thành phần hóa học liên quan đến bảng màu được sử dụng và thông tin nền tảng liên quan đến nguồn gốc và phong cách. Tất cả được sử dụng một cách đồng bộ để có được một kết quả đánh giá thuyết phục hơn khi đánh giá và phân biệt một tác phẩm nghệ thuật với tác phẩm nghệ thuật khác có liên quan. Một số bảo tàng và phòng tranh đã may mắn áp dụng cách tiếp cận này, ví dụ như Bảo tàng nghệ thuật quốc gia Anh ở London đã kết hợp hiểu biết chuyên gia với các công cụ khoa học mới để đánh giá bảy bức họa từ trước đến nay vẫn được nhiều chuyên gia cho là “hàng xịn”. Kết quả cuối cùng những bức tranh này hoặc là bản sao chép, hoặc là hàng giả.
Với De Brécy Tondo, các nhà nghiên cứu đã lấy một mô hình nhận diện khuôn mặt sâu được họ phát triển để có thể trích xuất các đặc điểm khuôn mặt từ hình ảnh của các bức chân dung cũ, rồi so sánh mức độ giống nhau của chúng. Chương trình này đã kiểm tra hàng ngàn khía cạnh khác nhau trong các khuôn mặt trong bức De Brécy Tondo và Sistine Madonna, bao gồm các tỷ lệ, màu sắc, bề mặt, bóng của chúng – tất cả những thứ đó và còn nhiều hơn thế”, ví dụ như đặc biệt chú ý đến các hiệu ứng từ các phần nổi bật của khuôn mặt, chẳng hạn như mắt, mũi, miệng, giáo sư Ugail nói.
Nếu còn sống trên đời thì George Lester Winward chắc hẳn phải tôn thờ công cụ của giáo sư Ugail bởi kết quả nó đem lại thật đúng mong đợi của ông. De Brécy Tondo và Sistine Madonna khớp nhau đến 97%, “điều đó có nghĩa là cả hai bức được coi là đồng nhất bởi trong việc triển khai chương trình nhận dạng khuôn mặt, việc khớp nhau đến 75% đã được coi là một sự đồng nhất!); sự trùng khớp thuyết phục này ngụ ý là cùng một họa sĩ vẽ cả hai phiên bản, sử dụng cùng một người mẫu vì không thể có một ai đó cũng cho ra đời tác phẩm giống đến mức cùng kết quả phân tích chính xác như vậy”, giáo sư Ugail viết trong công bố.
Từ đó có thể suy ra De Brécy Tondo được vẽ như một nghiên cứu mang tính “diễn tập” của Raphael cho bức Sistine Madonna và không phải là một bản sao của bức này. Hơn nữa, so sánh gương mặt của Chúa Hài đồng trong cả hai bức cũng cho thấy có trùng khớp với tỷ lệ 86%. Điều này xác nhận thêm là Raphael sử dụng cùng cặp người mẫu cho cả hai bức. Giáo sư Ugail nói “Tất nhiên tôi không thể chắc chắn 100% nhưng cơ hội để cả hai bức do một họa sĩ vẽ vô cùng cao”.
Kết quả này làm phấn chấn giới công nghệ nghệ thuật. “Công nghệ có thể tiết lộ những điều còn bị giấu kín trong tác phẩm nghệ thuật”, Adam Lowe, giám đốc studio công nghệ số hóa và nghệ thuật Factum Arte và sáng lập Factum Foundation, trao đổi với Artnet News qua email. “Tôi nghi ngờ vào khả năng việc nghiên cứu trên bề mặt toan sẽ đem lại nhiều bằng chứng chính xác hơn công nghệ nhận diện khuôn mặt. Mỗi bức họa là một phát ngôn, một đại diện nghệ thuật, trong trường hợp này là sự đại diện của một khuôn mặt – một hình dạng ba chiều thể hiện qua màu vẽ và cọ. Sẽ luôn luôn có những dấu vết phong cách và những phần mềm ghi nhận mẫu hình có thể giúp tiết lộ điều đó”.
Tuy nhiên, như thường lệ, nhiều nhà sử học nghệ thuật cảm thấy vẫn chưa thực sự thuyết phục với bằng chứng này bởi họ cho là từ trước đến nay De Brécy Tondo vẫn được coi là giống với Sistine Madonna. Cammy Brothers, nhà nghiên cứu về nghệ thuật Phục Hưng Ý và Địa Trung hải tại trường ĐH Northeastern nhận xét “Đây chỉ là bản sao chép tác phẩm của Raphael chứ không phải là bức vẽ của chính ông, thậm chí không phải từ ai đó trong số các môn đệ của ông”.
Nhà lịch sử nghệ thuật Nigel Ip ở London, và Lisa Pon ở ĐH Southern California cũng đồng tình với quan điểm này. Ip lập luận là AI chỉ có thể kiểm tra được những nét tương đồng trên bề mặt. “Còn cần phải xem xét cả các yếu tố xã hội và lịch sử nữa”, ví dụ như các thực hành ở xưởng vẽ hay sự sai số niên đại trong việc xác định vật liệu vẽ, và AI không thể làm được điều đó, ông nói.
Hơn nữa, thời kỳ Phục Hưng có “một văn hóa sao chép”, Pon lưu ý. “Các tác phẩm của Raphael thường được sao chép, ngay cả khi ông còn sống”. Và có những phân tích quang phổ sớm trên thực tế có thể dò được một bản sao chép sử dụng các màu vẽ thịnh hành ở thế kỷ 16 thoạt trông cứ như thật vậy.
Timothy Benoy, giám đốc danh dự của Quỹ De Brécy Trust, lắng nghe phản hồi của cả hai phía nhưng ông vẫn tin là chính Raphael thiên tài đã vẽ De Brécy Tondo, và vẽ trước khi khởi thảo Sistine Madonna. Cả hai tác phẩm này, Benoy nói, đều vẽ trên toan trong khi vào thời điểm đó họa sĩ lại thường vẽ trên tường, giấy hoặc vellum từ da dê. “Raphael có thể cần luyện tập trên mặt toan, và De Brécy Tondo có thể là một cơ hội cho ông,” Benoy nói.
Giờ đây, De Brécy Tondo vẫn được cất giữ cẩn thận. Bước tiếp theo của nỗ lực phân biệt thật – giả này là mời thêm sự thẩm định của các chuyên gia nghệ thuật, Benoy cho biết. □
Anh Vũ tổng hợp
Nguồn: https://ieeexplore.ieee.org/document/10029439
https://www.scientificamerican.com/article/mystery-portrait-is-likely-raphael-masterpiece-according-to-artificial-intelligence/
https://www.nottingham.ac.uk/news/de-brecy-tondo