Mẫu hình mới của sự phát triển

Trung Nguyên vừa phối hợp với các công ty tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới để đề xuất một mô hình phát triển cụm ngành cà phê quốc gia Việt Nam kết hợp cả hai lý thuyết cụm ngành truyền thống (industrial cluster) và lý thuyết hệ sinh thái kinh doanh (business ecosystem).

Trong diễn trình toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc gia đang diễn ra hết sức khốc liệt. Mỗi quốc gia, nếu muốn tìm cho mình một chỗ đứng tự chủ và vững chắc trong bối cảnh đó, cần phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Năng lực cạnh tranh quốc gia có thể xem là kết quả cộng hưởng và tương tác của năng lực ngành và năng lực vùng lãnh thổ. Cũng không thể có năng lực canh tranh quốc gia nếu không tính đầy đủ đến những tư tưởng, cách thức phát triển mới: hiệu quả, công bằng, và bền vững. Thể giới đang chứng kiến sự dịch chuyển, dù còn khó khăn, từ  “nền kinh tế nâu” sang “nền kinh tế xanh”.

Với mong muốn đóng góp vào sự khẳng định và nâng cao vị thế Việt Nam, xuất phát từ thực tiễn kinh doanh và nghiên cứu nhiều mô hình phát triển ngành trên thế giới, Trung Nguyên đã phối hợp với các công ty tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới để đề xuất ra một mô hình phát triển cụm ngành cà phê quốc gia Việt Nam. Mô hình này là sự kết hợp của cả hai lý thuyết cụm ngành truyền thống (industrial cluster) và lý thuyết hệ sinh thái kinh doanh (business ecosystem).

Theo Micheal Porter, một cụm ngành được xác định nhờ 4 yếu tố: (i) giới hạn địa lý; (ii) mức độ có được các ngành, doanh nghiệp; (iii) các mối liên hệ; và (iv) lợi thế cạnh tranh. Bốn yếu tố này sẽ được đặt trong mối quan hệ với hệ sinh thái kinh doanh, hay nói cách khác là được tiếp cận theo nguyên lý của nền kinh tế xanh. 

Trước hết bàn về yếu tố lợi thế cạnh tranh.

Sản xuất nông nghiệp nói chung và cà phê nói riêng là một lợi thế rất lớn, rất cơ bản của Việt Nam. Điều này lại càng cần đươc nhìn nhận đầy đủ trong bối cảnh khủng hoảng nhiều mặt trên thế giới về lương thực, tài chính, năng lượng, môi trường cũng như những biến đổi về văn hóa xã hội. Với Việt Nam, phát triển nông nghiệp cần phải vừa đóng vai trò nền tảng, vừa đóng vai trò đột phá. Việt Nam đã đạt được thành tựu đáng kể trong phát triển ngành cà phê, là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về cà phê Robusta – một trong những loại cà phê hàng đầu của thế giới. Riêng  tỉnh Đắk Lắk đóng góp trên 50% giá trị xuất khẩu cà phê và chất lượng cà phê Buôn Ma Thuột được xem là thương hiệu quốc gia. Tổng giá trị xuất khẩu ngành cà phê năm 2010 là 1,7 tỉ USD; mức cao nhất là năm 2008 với con số 2,1 tỉ USD. Đắk Lắk – Buôn Ma Thuột luôn khẳng định vai trò trung tâm giao dịch cà phê, là thủ phủ cà phê của Việt Nam. Ước tính ban đầu cho thấy, nếu được phát triển thành cụm ngành cà phê hoàn chỉnh, như đã thấy ở Brazil hay Italy, nguồn thu của Việt Nam có thể tăng gấp 10 lần, đạt tới 20 tỷ USD và có tính có tính bền vững hơn rất nhiều so với thu từ khai thác dầu thô. Điều này còn giúp tạo ra 3,5 – 4 triệu việc làm trên toàn quốc cùng với các vùng chuyên canh cà phê tập trung ở Đắk Lắk và Buôn Ma Thuột.

Về mức độ có được và mối liên hệ giữa các ngành, doanh nghiệp trong cụm ngành cà phê Việt Nam sẽ lấy ngành cà phê làm trung tâm; ngành cà phê được hiểu bao gồm toàn bộ các phân đoạn trong chuỗi giá trị cà phê: từ giống, trồng, chế biến thô, chế biến sản phẩm, thương mại và phân phối, dịch vụ gia tăng. Hiện tại, ngành cà phê Việt Nam chỉ hoạt động được trên một số phân đoạn tạo ra giá trị gia tăng rất thấp. Thách thức đối với Việt Nam là dần leo lên chiếm giữ được những phân đoạn tạo ra giá trị gia tăng ngày càng cao. Liên kết cụm ngành cà phê không phải chỉ là liên kết theo chiều ngang, mà còn theo chiều dọc gồm các ngành, lĩnh vực hỗ trợ nền tảng và các ngành có liên quan, hưởng lợi cùng các phân đoạn của ngành cà phê như: tài chính, đầu tư, du lịch, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế,… Tất cả sẽ được gắn kết một cách chặt chẽ, tương hỗ trong một chỉnh thể của một hệ sinh thái bao gồm: cộng đồng nông dân bản địa trồng cà phê, các nhà sản xuất và chế biến cà phê, chính quyền, các nhà khoa học nghiên cứu và triển khai, các nhà đầu tư và thương mại, cộng đồng người tiêu dùng, các ngành phụ trợ và tương hỗ. 

Về giới hạn địa lý, sẽ vừa là một giới hạn địa lý cứng như trong lý thuyết truyền thống với Đắk Lắk làm trung tâm với định vị “Thủ phủ cà phê toàn cầu” và các khu vực cà phê tại Việt Nam và/hoặc có đầu tư từ Việt Nam; vừa kết nối, quy tụ và tạo ra một cộng đồng cà phê toàn cầu thế giới trên cơ sở “triết lý cà phê Việt Nam” với sự hỗ trợ của cuộc cách mạng công nghệ thông tin toàn cầu. Thành phố Buôn Ma Thuột gắn liền với lịch sử hơn 150 năm của cây cà phê Việt Nam, là thủ phủ chính trị – kinh tế – văn hóa của Đắk Lắk và cả khu vực Tây Nguyên, hiển nhiên đóng vai trò thủ phủ của cụm cà phê quốc gia. Buôn Ma Thuột là tâm điểm của cụm cà phê phải là một thành phố “độc nhất vô nhị” trong hàng ngàn thành phố đương đại trên thế giới. Ba đặc điểm mà Thành phố Buôn Ma Thuột cần sở hữu là: (i) tính duy nhất: thành phố cà phê hóa toàn diện đầu tiên và duy nhất với các đặc trưng văn hóa và kiến trúc bản địa rõ nét; (ii) tính kiểu mẫu: thành phố kiểu mẫu về quản trị cộng đồng và phát triển bền vững; và (iii) tính biểu tượng: thành phố tiêu điểm, qui tụ của cộng đồng người dùng cà phê trên toàn thế giới.

Việt Nam thực sự có lợi thế và cơ hội xây dựng cụm ngành cà phê quốc gia với tầm vóc toàn cầu, song thách thức phía trước cũng rất lớn. Chính vì vậy, để hiện thực hóa được mô hình cụm ngành cà phê quốc gia cần phải có sự chuản bị công phu, bao gồm 3 bước:

Xây dựng kế hoạch chiến lược với mục tiêu tham vọng, định hướng thị trường để phát triển cụm ngành cà phê quốc gia, trong đó Đắk Lắk trở thành trung tâm và một “thủ phủ cà phê toàn cầu”;

Hiện thực hóa kế hoạch chiến lược bằng một thể chế thực thi có đày dủ hiệu lực, thông qua tạo dựng một môi trường kinh doanh và pháp lý thuận lợi, khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực giá trị gia tăng cao;

Nâng cao danh tiếng cụm ngành cà phê và có kế hoạch, chính sách thu hút đầu tư vào phát triển kết cáu hạ tầng, các lĩnh vực chủ chốt hỗ trợ phát triển cụm ngành cà phê.

Có thể xem việc xây dựng mô hình cụm ngành cà phê quốc gia như một chiến dịch lớn gồm 4 cấp độ hoạt động triển khai, gắn với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội quốc gia, tỉnh; chuyển đổi nông nghiệp; chiến lược sản phẩm; và qui hoạch không gian (Hình 1).


Mô hình cụm ngành cà phê quốc gia, sẽ là mẫu hình mới của sự phát triển nông nghiệp và cả nền kinh tế. Đó là mẫu hình của kết nối tạo hiệu quả, thân thiện cộng đồng, hài hòa với thiên nhiên, và bảo tồn giá trị truyền thống. Nếu xây dựng thành công, mẫu hình này sẽ là điểm đến chiêm nghiệm, cả cà phê và cách làm Việt Nam. Cơ hội và lợi thế sẽ không trở thành hiện thực nếu thiếu quyết tâm, nỗ lực của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tiên phong, và sự tham gia, hỗ trợ của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, cộng đồng dân cư, cũng như toàn bộ cộng đồng người tiêu dùng cà phê. 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)