Máy đánh bắt ngao vạng của nữ sinh trung học
Sáng tạo máy đánh bắt ngao vạng của cô bé học sinh lớp 12 Trần Thị Lan Anh (Tiền Hải, Thái Bình) đã bất ngờ đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt trong khi chi phí chỉ bằng gần 1/10 so với thuê nhân công. Đây là lý do để tất cả các vùng nuôi ngao vạng ở Thái Bình hiện nay đều sử dụng chiếc máy này.
Trần Lan Anh bắt đầu nghĩ đến chiếc máy đánh bắt ngao vạng từ đầu năm học lớp 11 bởi từng chứng kiến “gia đình và các hộ dân nơi em ở đều phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để thuê nhân công đánh, bắt ngao, vạng. Thu nhập cuối mùa vụ vẫn hết sức bấp bênh, nếu gặp lúc giá ngao, vạng giảm mạnh thì chi phí thuê nhân công đôi khi còn lẹm cả vào vốn”. Khi thu hoạch, người ta thường dùng chiếc cào mà Lan Anh miêu tả “như chiếc cào Trư Bát Giới” để thu ngao, vạng về, không chỉ thường dễ bị nát ngao mà còn khó lọc được ngao to.
Chính vì vậy, Lan Anh đã tìm cách làm ra chiếc máy đánh bắt ngao vạng vừa có khả năng tăng năng suất đánh bắt mà còn chọn lọc được ngao đủ phẩm chất, tránh bắt ngao nhỏ, giảm thiểu hiện tượng nát ngao, gây tổn thất cho người nuôi.
Trong các giờ học, do từng được thầy giáo giải thích về nguyên lý hoạt động của động cơ máy nổ, Lan Anh đã liên tưởng đến khả năng hình thành một chiếc máy đánh bắt ngao vạng đúng như em mong muốn. Từ đó, Lan Anh bắt đầu định hình những bộ phận của chiếc máy bao gồm máy nổ, ống nhựa có đục lỗ để làm ống sủi (khoảng cách lỗ sủi này phụ thuộc vào loại máy nổ sử dụng), một tấm xốp lớn bọc bạt để đặt máy nổ, rọ lưới thông hai đầu, khung sắt để sàng lọc ngao vạng, sắt uốn vòng cung đủ rộng để bọc miệng lưới… Trên nguyên lý động cơ máy nổ, Lan Anh nối ống hút và ống xả nước vài máy nổ để khi vận hành máy, nước sẽ được hút từ ống hút và xả vào ống sủi. Khi đó, nước sẽ tạo ra lực lớn để xói cát, lộ con ngao, vạng được đưa vào lưới. Có khoảng từ bốn đến tám người (tùy thuộc vào loại máy) sẽ cầm dây kéo và kéo máy sủi đi khắp bãi nuôi ngao. Toàn bộ chi phí cho chiếc máy chỉ khoảng hai triệu đồng.
Theo ước tính của Lan Anh, nếu làm theo phương pháp thủ công, mỗi ha bãi nuôi ngao sẽ cần từ 60 đến 70 triệu đồng tiền thuê nhân công nhưng nếu sử dụng máy thì chỉ mất từ năm đến bảy triệu đồng nhân công và một triệu đồng xăng, dầu, thêm một ích lợi khác là thời gian cũng chỉ vỏn vẹn từ một đến hai ngày thu hoạch. Hơn nữa, khi thu hoạch bằng máy, số lượng ngao, vạng bị nát, mất phẩm chất như thu hoạch bằng cào cũng giảm xuống, với một tạ ngao chỉ hao hụt chừng vài con (làm thủ công thì tới bảy đến tám kg bị hỏng).
Qua quá trình sử dụng thử nghiệm trên bãi nuôi ngao của gia đình, Lan Anh còn nhận thấy, chiếc máy của mình chế tạo có thể thoải mái sử dụng, không quá phụ thuộc vào thời tiết, trong khi thu hoạch bằng phương pháp cũ, chủ hộ nuôi ngao phải “trông trời trông đất trông mây” vì chỉ có thể đáng bắt khi nước cạn, thậm chí một tháng chỉ có thể đánh bắt trong vòng bốn đến năm ngày điều kiện thời tiết thuận lợi.
Trước những hiệu quả quá rõ rệt mà chiếc máy đánh bắt ngao vạng của Lan Anh thực nghiệm trên chính bãi nuôi ngao gia đình, nhiều bà con nông dân đã háo hức tới tận gia đình Lan Anh hỏi mua máy. Khi đó, Lan Anh đều giải đáp tận tình và hướng dẫn cách lắp, vận hành máy mà không lấy của ai một đồng tiền công nào. Bên lề cuộc gặp gỡ các nhà sáng chế toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội vào ngày 13/5, Lan Anh giải thích, “bố em không cho em lấy tiền công vì tuổi nhỏ, sáng chế ra chiếc máy cũng chỉ để phục vụ sản xuất, giúp đỡ mọi người chứ không phải làm giàu”.
Với sáng chế máy đánh bắt ngao, vạng, Lan Anh đã đoạt giải nhất cuộc thi KHKT toàn quốc dành cho học sinh trung học năm 2014. Niềm vui lớn nhất của cô nữ sinh Tiền Hải đến nay vẫn là chiếc máy đã được sử dụng trên tất cả các vùng nuôi ngao Thái Bình.