Máy in bảng mạch điện tử

Chiếc máy in mang tên Voltera V-One do nhóm sinh viên Canada nghiên cứu có kích thước tương tự như kích thước của một chiếc laptop và có thể ngay lập tức chuyển bản thiết kế thành bảng mạch nguyên mẫu.

Bảng mạch vốn rất phổ biến trong lĩnh vực điện tử. Tuy vậy, việc chế tạo bảng mạch cho các thiết bị điện tử mới là một quá trình tốn thời gian và tiền bạc. Thông thường, nhà sáng chế phải gửi ý tưởng của mình tới nhà máy ở nước ngoài để sản xuất, và quá trình này có thể kéo dài hàng tuần. Nếu nhà sáng chế muốn thay đổi chi tiết nào đó trong bảng mạch, họ phải gửi lại toàn bộ ý tưởng cho nhà máy. Với những sản phẩm phải chỉnh sửa nhiều lần, việc trao đổi thông tin có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm.

Nhưng máy in Voltera V-One do bốn sinh viên kỹ thuật tại trường Đại học Waterloo ở Ontario, Canada, nghiên cứu phát triển đã rút gọn quy trình phức tạp kể trên xuống chỉ còn vài phút. Nhờ phát minh này, nhóm đã được trao Giải James Dyson 2015 trị giá 45.000 USD.

Nhóm sinh viên đã dành hai năm để phát triển Voltera V-One. Họ đã có rất nhiều cuộc trao đổi với các nhà thiết kế phần cứng khác, tìm cách kết hợp hợp lý giữa mực và phần mềm, dựng vô số bản phác thảo cũng như các bản thiết kế mô hình với sự trợ giúp của máy tính. Sau đó, cả nhóm còn chuyển đến Thâm Quyến để có thể ở gần hơn với nhà máy chịu trách nhiệm sản xuất nguyên mẫu cho chiếc máy in của mình. Nhờ vậy, họ có thể thiết kế lại chiếc máy in khi cần và nhanh chóng đưa thiết kế mới tới nhà máy.

Chiếc máy in Voltera V-One có hai đầu in chứa hai loại mực khác nhau và có thể thay đổi vị trí cho nhau, trong đó mực dẫn điện giúp tạo ra những thành phần điện tử và đầu kia là mực cách điện. Máy in còn có thể phun chất hàn, cho phép bổ sung những thành phần mới vào bảng mạch.

Với giá chỉ khoảng 1.500 USD/chiếc, chi phí bỏ ra để mua Voltera V-One sẽ rẻ hơn chi phí để chuyển ý tưởng qua lại nhiều lần giữa nhà sáng chế với nhà máy sản xuất ở nước ngoài. Alroy Almeida, một thành viên trong nhóm, chia sẻ tại một buổi họp báo: “Khi mới khởi nghiệp, chúng tôi đã tìm gặp rất nhiều chuyên gia nhưng họ đều lắc đầu và nói rằng chúng tôi quá tham vọng, rằng không thể tạo ra được công cụ nào hữu hiệu để sản xuất các nguyên mẫu bảng mạch. Và chúng tôi đã coi đó là một thách thức!”

Ngoài Giải James Dyson, năm nay Voltera V-One còn giành chức vô địch tại TechCrunch Disrupt (Hardware Battlefield); chiến thắng tại giải Popular Science Greatest Inventions; đoạt giải do Tổng biên tập Tạp chí Make lựa chọn.

Trang Bùi lược dịch

Nguồn:
http://www.smithsonianmag.com/innovation/this-years-james-dyson-award-goes-to-circuit-board-printer-180957228/#xfmQLEBuyZggiq3h.99

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)